Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Trung Quốc luôn thù hằn và hiếu chiến


Tác giả: Stephen R. Platt-Wall Street Journal


 

Howard W. French, tác giả sách Everything Under the Heavens. Ảnh: AsiaStore.




Stephen R. Platt điểm cuốn sách “Everything Under the Heavens” (Mọi thứ dưới trời) của Howard W. French.

 *

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng các bản đồ lịch sử giống như dùi cui, và những tuyên bố dối trá của họ bây giờ tạo thành điều mà nhiều người Trung Quốc tin là “trật tự tự nhiên” cần phải được phục hồi. Trong cuốn sách có thể tìm đọc được và thú vị của ông về các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, Howard French viết, “Lịch sử để lại cho Trung Quốc tình hình địa chính trị phức tạp nhất trong bất kỳ nước lớn nào, không trừ nước nào”. 

Ông không nói quá. Với biên giới đất liền dài 14.000 dặm và 20 nước láng giềng liền kề, quá rõ vì sao Trung Quốc lại mong muốn thứ trật tự khu vực có thể bảo đảm an ninh và tính trung tâm của chính họ.



Ông French khám phá ra mong muốn đó thông qua từ “tian xia” (thiên hạ) của Trung Quốc mà ông dịch là “Mọi thứ dưới trời”. Nó bao hàm cách nhìn thế giới thời các vương triều trước đây, trong đó Trung Quốc là nền văn minh trung tâm của châu Á, trong khi các nước láng giềng sống dưới bóng văn hóa và quân sự của họ, đã triều cống và thừa nhận ưu thế của họ để đổi lấy việc giao thương. Đó là một vị thế mà Trung Quốc từng giữ trong quá khứ thông qua việc pha trộn giữa hiếp đáp và rộng lượng, và ông French gợi ý rằng một lần nữa nó đặt nền móng cho tham vọng của Trung Quốc trong tương lai.



Điều này không có nghĩa là Trung Quốc bị quá khứ của mình định nghĩa toàn bộ. Tác giả nói rõ rằng ông không tin vào một loại ‘DNA văn hóa’ nào quyết định hành vi của Trung Quốc, nhưng rõ ràng là một vài kiểu cách từ thời các vương triều xưa cung cấp một mô hình hấp dẫn cho các nhà lãnh đạo hiện nay của nước này—quá khứ “nửa lý tưởng hóa, nửa thần thoại hóa” đầy mong nhớ, như ông French nói, khi Trung Quốc được chấp nhận là tối thượng ở Châu Á.



Tuy nhiên, cái nhìn thế giới tự tin về tian xia được cân bằng bởi một chủ đề riêng lẻ và dè dặt hơn từ lịch sử gần đây của Trung Quốc, đó là “sự sỉ nhục”: cụ thể là mong muốn phục hồi lãnh thổ bị mất vào thời kỳ nước này suy yếu trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Chính từ động lực thứ hai này, chúng ta có “đường chín vạch” nổi tiếng mô tả các yêu sách biển của Trung Quốc, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1947 và bây giờ có thể được tìm thấy trên tất cả các bản đồ in ở Trung Quốc. Nhà lãnh đạo quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch bị ám ảnh bởi vấn đề lãnh thổ đến mức ông viết “trả thù cho sự sỉ nhục” trên đầu mỗi trang nhật ký trong 20 năm. Một “Bản đồ quốc sỉ” được tạo ra trong thời ông cầm quyền năm 1938 đã vạch ra lãnh thổ Trung Quốc cần phải phục hồi để giành lại vị thế vĩ đại trong quá khứ—bao gồm, đáng báo động, không những các yêu sách đảo quen thuộc hiện nay mà còn Mông Cổ, Hàn Quốc, Đông Dương, và thậm chí cả nhiều phần đất của Ấn Độ và Pakistan.



Cả hai chủ đề này—phục hồi và oán hận—đi cùng với nhau trong kể lể này. Ông French viết về cách mà các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc sử dụng bản đồ lịch sử như “dùi cui” để đòi hoàn trả lãnh thổ coi là phi thời gian và bất khả xâm phạm của Trung Quốc, đặc biệt là ở biển Đông. Như ông đã chỉ ra, không một quốc gia nào khác trên thế giới ủng hộ những yêu sách này, chúng tồn tại trong không gian tiếng vọng lịch sử thuộc loại chỉ có ý nghĩa đối với các khán giả trong nước TQ. Nhưng khán giả đó chỉ chiếm gần một phần năm số người trên thế giới, và có vẻ cũng giả trá như những yêu sách đó đối với người bên ngoài, chúng tạo thành điều mà nhiều người Trung Quốc hiện giờ tin vững là một “trật tự tự nhiên” cần phải được phục hồi.



Còn về sự rộng lượng của quá khứ vương triều Trung Quốc, bất cứ ai đã sống ở nước này trong những thập kỷ gần đây đều quen thuộc với khẳng định lặp đi lặp lại rằng Trung Quốc không bao giờ xâm chiếm các nước láng giềng hay tìm kiếm “quyền bá chủ” như thể chế độ hiện tại theo một cách nào đó bị hạn chế bởi những tập tục của quá khứ—và hơn nữa, như thể những tập tục đó thậm chí có thể nói là tồn tại. Nhưng như ông French lập luận, cách mà Trung Quốc trình bày lịch sử của họ và thực tế của lịch sử đó có thể là hai điều rất khác nhau.



Chẳng hạn, ông cho chúng ta ví dụ các chuyến đi của Trịnh Hoà (Zheng He), vị đô đốc nhà Minh thế kỷ 15 , từng chỉ huy một đội tàu khổng lồ chạy xuyên qua Đông Nam Á và tới bờ biển phía đông châu Phi. Các học giả Trung Quốc thích lưu ý rằng, không giống như người Anh hay Bồ Đào Nha, Trịnh Hoà không đi chinh phục mà chỉ tìm kiếm giao thương cùng có lợi—qua việc ngụ ý rằng việc mở rộng thương mại là tất cả những gì mà Trung Quốc từng mong muốn trong quan hệ ngoại giao. Một học giả người Trung Quốc mà ông French trích dẫn nói rằng, Trịnh Hoà là một “sứ giả hòa bình”, người mà theo một học giả khác, đã cho thấy rằng Trung Quốc “không tìm kiếm quyền bá chủ đối với những nước khác”. Tuy nhiên, thực tế là Trịnh Hoà đã mang theo một đội quân lớn và không ngần ngại gây chiến khi ông thấy việc đó là thích hợp. Cách nhìn màu hồng đó về Trịnh Hoà và mô hình mà cách nhìn đó đặt để cho việc thực thi hoà bình sức mạnh của Trung Quốc, theo lời ông Franco, là “sự tưởng tượng của Trung Quốc chứ không phải lịch sử”.



Một nhà báo kỳ cựu, ông French có một cách tiếp cận rộng rãi cho nghiên cứu của mình trong cuốn sách này, đan xen việc tường thuật tại chỗ với toàn cảnh lịch sử, nhìn Trung Quốc phần lớn qua con mắt của những người hàng xóm của họ cả trong quá khứ lẫn hiện nay. Những câu trả lời ông tìm ra khác biệt rất lớn. Chẳng hạn, trong khi ở Nhật Bản ông thấy các chuẩn bị quân sự để bảo vệ quần đảo Senkaku, thì ở Philippines ông phỏng vấn một học giả có thắc mắc rằng, liệu đất nước của ông có thể chấp nhận quan hệ triều cống mới với Trung Quốc hay không—nghĩa là đưa cho nước này chỗ đứng (place) và địa vị (status) mà TQ muốn.



Cuốn sách này là một lời nhắc nhở rằng các quan hệ quốc tế của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh lịch sử cách đây nhiều thế kỷ nếu không nói là thiên niên kỷ và ông French là một hướng dẫn lôi cuốn xuyên qua lịch sử sâu xa đó. Tuy nhiên, đối với những căng thẳng hiện nay thì lịch sử gần đây nhất của thế kỷ 20 lại ảnh hưởng hơn hết thảy – đặc biệt là những vết thương chưa lành của Chiến tranh Thái Bình Dương. Trong khung cảnh chính trị Trung Quốc hiện nay, ông French viết, Nhật Bản là nước duy nhất mà các nghệ sỹ có thể được hoàn toàn  tự do để tấn công và tấn công như họ muốn. Ông nói với chúng tôi, toàn bộ 70% bộ phim truyền hình Trung Quốc đều có ý đồ liên hệ đến cuộc chiến tranh với Nhật Bản, và chỉ riêng năm 2012, 700 triệu người Nhật tưởng tượng đã bị giết trong các bộ phim Trung Quốc. Các phát hiện của ông French về mặt này rất đáng ngại: Ông viết “Cho tới hiện nay Đông Á chưa bao giờ cho thấy đủ lớn để hai cường quốc lớn cùng tồn tại một cách hòa bình“.



Tuy nhiên, không giống như một số công trình khác về chủ đề này, nói chung ông French dùng một giọng điệu có cân nhắc để làm giảm bớt báo động mà người đọc có thể cảm thấy về sức mạnh đang tăng của Trung Quốc. Ông viết, lợi thế của nước này trong việc tiến lên từ thế yếu hơn về mặt quân sự sẽ sớm biến mất, để lại cho đất nước những khoản chi phí không thể kham nổi nếu muốn tiếp tục tăng cường năng lực hải quân của mình với tốc độ như những năm gần đây. Thậm chí quan trọng hơn, ông trỏ vào sự dịch chuyển khổng lồ trong cơ cấu dân số đang diễn ra ở Trung Quốc khi dân số già đi và sinh suất giảm xa dưới mức đủ thay thế. Trung Quốc đang tiến tới có hơn 329 triệu người trên 65 tuổi vào năm 2050, trong khi số người trẻ đang ở độ tuổi lao động giảm xuống. Ông French dự đoán, sự lão hóa không thể lay chuyển được của dân số sẽ hạn chế khả năng của nước này triển khai sức mạnh trong tương lai. Họ sẽ giảm một nửa số lượng người trong độ tuổi tham gia quân đội trong khi dồn gánh nặng cho người lao động và chính phủ phải chịu chi phí rất lớn để chăm sóc cho người cao tuổi. Ông gợi ra rằng, tốc độ không thể tin được mà Trung Quốc hiện đang cố gắng khẳng định sự kiểm soát đối với biển Đông được lôi kéo từ nhận thức của Chủ tịch Tập Cận Bình, rằng đất nước này có khoảng thời gian nhiều nhất là 20 hoặc 30 năm trước khi cơ cấu dân số bắt kịp nó và sự mở rộng như vậy trở nên không thể xảy ra.



Đây là một quyển sách rất đúng lúc mà tác giả cập nhật gần với hiện nay đến mức có thể được. Tuy nhiên, vì nó được hoàn thành trước cuộc bầu cử tổng thống vào mùa thu năm ngoái, phần lớn những gì ông mô tả như là vai trò cốt yếu và tiếp tục của Hoa Kỳ trong việc duy trì sự ổn định của Đông Á giờ đây đã bị rơi vào tình trạng không chắc chắn. Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương đã bị bác bỏ. Kế hoạch của chính phủ mới đối với sự can dự của Mỹ trong khu vực này không rõ ràng. Trong điều kiện hiện nay, ông French thấy rằng bàn tay tích cực của Hải quân Hoa Kỳ là lực cản chủ yếu, nếu không nói là duy nhất đối với những tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông. Mặc dù phân tích của ông giả định vai trò này vẫn tiếp tục, ông đã đưa ra một cái nhìn thoáng qua về một tương lai có thể có với sự can dự giới hạn của Hoa Kỳ, chỉ ra khả năng về  một liên minh mạnh mẽ hơn đang nổi lên giữa các quốc gia ở vùng ngoại vi của Trung Quốc.



Ông French lưu ý, bất chấp quy mô và sức mạnh của Trung Quốc, các nước láng giềng dễ dàng vượt trội họ cả về dân số lẫn sức mạnh quân sự; quân đội của chỉ 6 nước láng giềng hợp lại sẽ đông hơn gấp đôi quân đội Trung Quốc. Vì vậy, có rất nhiều điều có thể xảy ra phía trước, không phải mọi thứ đều tối tăm, không phải tất cả đều liên quan đến sự thống trị của Trung Quốc. Ông French viết “Một kỷ nguyên cũ đang đi qua, ngay cả khi diễn biến của những gì sắp tới đã không thực sự tự loan báo”. Các từ này bây giờ vang lên thậm chí mạnh mẽ hơn lúc tác giả viết chúng ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét