Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Molly Riley-Pool/Getty
Images)
Tổng Thống Donald Trump thường bào chữa bằng cách phản công,
một chiến thuật quen thuộc mà Liên Xô trước kia và sau đó Nga tiếp tục vận dụng.
Thủ đoạn chính trị ấy được đặt tên là “Whataboutism,” có nghĩa là “Thế thì
sao.” Không rõ cái tên “Whataboutism” có từ khi nào nhưng năm 2008, ông Edward
Lucas, ký giả của tờ The Economist, là người đầu tiên đã mô tả đầy đủ tính cách
và giá trị của chiến thuật này.
NPR (National Public Radio), cơ quan truyền thông có 900 đài
phát thanh tại Mỹ, có một bài phóng sự phân tích về chuyện này.
NPR nêu lên một số trường hợp điển hình của Tổng Thống Trump
để chứng minh và giải thích về phương pháp hùng biện ấy.
Ngày 13 Tháng Ba, Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO) công bố
ước lượng chương trình y tế mới của đảng Cộng Hòa sẽ làm cho 14 triệu người dân
không có bảo hiểm trong năm đầu, sau đó sẽ tăng lên 24 triệu vào năm 2026.
Tổng Thống Trump bênh vực chương trình mới, nhưng không
tranh luận về con số do CBO đưa ra, chuyển mũi tấn công về Obamacare qua một tweet:
“Nếu Obamacare là tốt, tại sao họ phải tiêu tốn hàng chục triệu đô la tiền của
dân đóng thuế để quảng cáo rùm beng? Sai!”
Trước đó, khi Thượng Nghị Sĩ Jeff Sessions (Cộng
Hòa-Alabama), người được đề cử làm bộ trưởng Bộ Tư Pháp, bị tố cáo có gặp đại sứ
Nga, nhưng không khai báo, ông Trump không bào chữa, nhưng tweet đi là Thượng
Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), thủ lãnh khối thiểu số, và hiểu người
Dân Chủ khác cũng đã có những liên hệ với Nga, cùng với hình ông Schumer gặp
ông Vladimir Putin tại New York hồi năm 2010 khi Nga khai trương một cây xăng đầu
tiên ở đây.
Theo NPR, lối chuyển vấn đề sang người khác như thế chính là
chiến thuật “whataboutism.” Phương pháp đơn giản là khi phe A bắt lỗi phe B về
một việc gì đó, phe B tìm ra một chuyện khác để nói về phe A với hàm ý rằng “thế
còn chuyện ấy thì sao,” chưa biết đúng hay không và cũng không cần phải chung một
nội dung miễn là có tác dụng đánh lạc hướng sự chú ý.
Giáo Sư Dmitry Dubrovsky, thuộc khoa chính trị và quốc tế
trường đại học Columbia University, nói rằng “whataboutism” không chỉ là kỹ thuật
hùng biện mà là thủ đoạn chính trị rất hiệu quả. Chiến thuật này là một phương
cách đơn giản để gạt qua sự chỉ trích và chối bỏ việc làm sai trái cùng trách
nhiệm.
Khi Tổng Thống Trump bênh vực cho chương trình bảo hiểm y tế
mới của Cộng Hòa, ông chỉ cần tỏ lộ cho thấy rằng dù cho chương trình này có những
khiếm khuyết thì cũng chưa phải là tệ, bởi vì Obamacare là tồi tệ nhất. Thay vì
lý luận để bào chữa, hướng sự tấn công qua chuyện khác, đó là căn bản của
phương pháp “thế thì sao.”
Liên Xô tận dụng chiến thuật này vào công tác tuyên truyền
trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh để chống Tây Phương. Bào chữa về nhân quyền hay
về mức sống thấp của người dân Nga, họ chỉ cần tìm cách nhắm phê phán một điều
gì đó không hoàn hảo ở xã hội phương Tây.
Chỉ có người lanh trí mới có thể dùng chiến thuật ấy một
cách có hiệu quả, và phải có hiệu lực tức khắc. Tổng Thống Donald Trump là người
có tính chất ấy, ông đã nhiều lần dùng phương cách này từ thời gian tranh cử,
trong các cuộc tranh luận hay nói chuyện vận động quần chúng và tiếp tục dùng
khi đã chính thức trở thành tổng thống Mỹ.
Twitter là phương tiện thích hợp nhất để dùng chiến thuật
này, chỉ bằng một tweet vắn tắt vài chục từ, nêu lên vấn đề, không cần giải
thích và không để người ta tranh cãi, kết quả là chuyển sự chú ý qua một hướng
khác.
Nhiều cơ quan truyền thông trong và ngoài nước Mỹ nhận xét rằng
khi ông Trump bị lúng túng với nhiều chuyện, từ vụ điều tra về liên hệ với Nga
cho tới sắc lệnh di trú bị tòa án ngăn chặn, ông tố cáo Tổng Thống Barack Obama
nghe lén điện thoại. Sau hơn hai tuần lễ gây sôi nổi trong dư luận, vẫn chưa thấy
có bằng cớ nào là việc này đúng. Chính Tổng Thống Trump cũng không đề cập trở lại
chuyện này, giải thích, xác định thêm hay rút lại. Ðiều đó không cần thiết nếu
quả thật mục tiêu của ông là đánh lạc hướng những chỉ trích.
NPR dẫn lời những chuyên gia chính trị Nga cho rằng “thế thì
sao” là một chiến thuật đặc biệt thích ứng với những chính trị gia theo chủ
nghĩa dân túy, mị dân. Những điều họ nói ra có thể là rất hàm hồ nhưng mặt khác
lại tỏ ra là lời lẽ bộc trực đáng tin cậy.
Tổng Thống Vladimir Putin của Nga cũng là một thành viên
trung thành của phái “Whataboutism.”
Tờ Atlantic cho biết, năm 2014, khi chính quyền ông bị nhiều
chỉ trích liên quan đến sự đối xử với những người biểu tình phản đối, các giới
chức điện Kremlin đặt vấn đề “Thế nước Anh thì sao?” Họ viện dẫn việc vi phạm
luật lệ biểu tình ở Anh có thể bị phạt vạ tới 5,800 bảng Anh và thậm chí lãnh
án tù. Nga dùng chiến thuật ấy trong nhiều trường hợp khác từ việc sát nhập bán
đảo Crimea đến can thiệp vào Ukraine và Syria.
Theo Giáo Sư Dubrovsky, những lãnh tụ chính trị phái dân túy
luôn luôn cần nắm vững khối người ủng hộ mình. Trình bày hoặc giải thích quá
minh bạch về chính sách hay lập trường có thể tạo ra những bất đồng ý kiến và rạn
nứt trong hàng ngũ, vậy thì hướng sự nghi ngờ và chống đối đối phương là cách tốt
nhất để đoàn kết cơ sở ủng hộ mình.
Nữ dân biểu Cộng Hòa ở Haiwaii bỏ đảng sau khi chỉ trích T.T
Trump
Tư tưởng căn bản để dùng chiến thuật “thế thì sao” nằm ở chỗ
không có người hay việc gì hoàn hảo, và như thế, một cách thực dụng, có thể làm
bất cứ điều gì chưa hẳn là hoàn toàn chính đáng.
Do đó, không có gì lạ nếu những chính trị gia phái dân túy sẵn
sàng phát biểu bất cứ ý kiến gì khác thường hoặc nêu ra những dữ kiện không
chính xác, rồi cũng dễ dàng nói khác đi mà không cần có lời cải chính hay giải
thích.
Không có sự nhất quán trong lời nói hay việc làm của họ.
Cuối cùng, nếu cần thì chỉ dùng đến chiến thuật “thế thì
sao.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét