Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

Ai đang phá ông Phúc?




Ngay từ đầu năm, đã có ý kiến cho rằng kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,7% mà Chính phủ đăng ký với Quốc hội là một chỉ tiêu nhầm lẫn và không tưởng.


Nền kinh tế sau đổi mới, dựa vào xuất khẩu tài nguyên và khai thác sức lao động rẻ mạt, đã hết đà. So sánh với xuất phát điểm của nền kinh tế được coi như bằng không những năm 80, khi không còn viện trợ cho không của Liên Xô, Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa, thì tỷ lệ tăng trưởng chỉ có ý nghĩa tuyên truyền chính trị mà thực chất vô nghĩa về mặt kinh tế.


Khi tổng thu nhập quốc dân chỉ không đầy 2 tỷ đôla (năm 1982), thì tỷ lệ tăng trưởng đạt trên 10%, tưởng ghê gớm, thực ra, tổng thu nhập của cả nước chỉ tăng 200 triệu đô (có người bảo không bằng tiền bỏ túi hàng năm của ông Dũng sau này). Nhưng khi tổng tài sản xã hội đã tăng lên 200 tỷ đôla, thì tăng thu lên 210 tỷ đô để đạt tỷ lệ 5% tăng trưởng, đã trở thành việc hoàn toàn không dễ chút nào. 1% tăng trưởng của một nền kinh tế 10.000 tỷ đô, đã là tổng thu nhập của một Quốc gia hạng trung.


Kế hoạch do Chính phủ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lập ra cho năm 2017 dựa trên các con số thống kê trong quý 3 năm 2016. Các con số này, bao gồm các đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, các FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp) mới, số tiền vốn dự kiến đưa vào kinh doanh, cùng với các hợp đồng đặt hàng và các kế hoạch tiêu thụ hàng hoá dự kiến xuất khẩu. Các kế hoạch này đều là các chương trình và dự kiến kinh doanh đi trước đón đầu các cơ hội sẽ đem lại khi Hiệp định TPP dự kiến được phê chuẩn vào đầu năm 2017, theo đó, 90% hàng hoá Việt Nam vào Mỹ có thuế suất bằng không. Các cường quốc công nghiệp tranh nhau đầu tư sản xuất tại Việt Nam chỉ để nhằm tranh thủ lợi thế đó.


Cùng với ông Tổng thống mới của Mỹ, Hiệp định TPP bị huỷ. Các doanh nghiệp rút đơn đăng ký hoặc tuyên bố ngừng hoạt động. Các đơn hàng và các hợp đồng bị huỷ. Trên thực tế, lượng tiền vốn đưa vào đầu tư không tăng mà giảm đi. TPP bị huỷ, Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu EFTA không có tín hiệu được phê chuẩn, vì thái độ với cải cách nhân quyền của Chính phủ xấu đi sau những bắt bớ ồ ạt trắng trợn hơn và nhất là sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại thủ đô Liên bang Đức, một cường quốc dân chủ có vai trò lãnh đạo châu Âu. Với xấp xỉ 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nếu hai khu vực này cùng một lúc tắc nghẽn, nền kinh tế của Việt Nam không sẽ có lối thoát.


Ông Phúc có biết điều đó không? Kế hoạch Quý I chỉ đạt 5,15% , Quý II đạt 6,17%, đó là các Quý còn hơi của các kế hoạch được chuẩn bị từ năm trước. Muốn thực hiện hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm, Quý Ba và Quý Tư đều phải đạt trên 7,4%. Chủ trương bù đắp tăng trưởng bằng tăng sản lượng khai thác thêm 3,5 triệu tấn dầu đã bị Trung Quốc phá. Theo thông tin của BBC, ông Trọng là một trong hai ý kiến yêu cầu Repsol rút giàn khoan. Không những vỡ kế hoạch bù tăng trưởng bằng tăng khai thác và bán dầu, Chính phủ phải bỏ ra 18 triệu đô bồi thường. 


Chính phủ ông Phúc kêu gào tăng cường giải ngân vốn, tăng cường tín dụng với hy vọng giữ được 6,7% bằng đầu tư? Nhưng nếu thị trường xuất khẩu co cụm lại, không có gì hứa hẹn mở rộng, thì sản xuất không có căn cứ mở rộng, sẽ không có nhu cầu vốn kinh doanh và vốn đầu tư mới hoặc dù chỉ mở rộng. Giải phóng vốn, hạ lãi suất vay để tăng tín dụng, đổ thêm tiền vào thị trường chỉ làm tăng lạm phát. Nhưng có tin là Thủ tướng ép ngành Ngân hàng «cấp tốc đẩy ra thị trường một lượng tiền khổng lồ lên tới 1.2 triệu tỷ đồng trong năm 2017». Số tiền này nếu không được hấp thụ bởi khối doanh nghiệp tư nhân, sẽ làm giá bất động sản tăng lên giả tạo.


Những năm trước, lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế sở dĩ cao, tạo đòn bẩy tăng tưởng mà không cần nhà nước bơm tiền, vì lượng kiều hối rất mạnh, được đưa vào đầu tư kinh doanh chủ yếu thuộc khu vực tư nhân. Đó là khoản thu nhập trời cho, không qua sản xuất, không có chi phí, nên Chính phủ có thể dùng để trả nợ nước ngoài và in tiền tăng cho lưu thông, mà không gây lạm phát. Nhưng năm nay, do áp lực từ chính sách của Tổng thống Donald Trump, kiều hối từ khu vực dùng tiền đôla, có khả năng chỉ còn trên dưới 7 tỷ, giảm gần một nửa so với năm 2015, trong khi Ngân hàng nhà nước theo kế hoạch cứ in tiền như mọi năm, dẫn đến tình trạng hiện nay, tiền ứ đọng trong hệ thống ngân hàng. Không có ai muốn tăng trưởng mà để tiền nằm bất động trong ngân hàng!


Có những phân tích dự báo tăng trưởng năm nay khó vượt qua con số 6%, quý ba có thể đạt 6,2%, nhưng quý tư sẽ xuống 5,8%.


Người ta đặt câu hỏi, vậy tại sao ông Phúc vẫn khăng khăng từ chối rút chỉ tiêu tăng trưởng xuống 6%, mặc dù «Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhận định chỉ tiêu 6,7% khó có thể đạt được»? Rút, có nghĩa ông Phúc phải thừa nhận thất bại, chưa làm đã thua? năng lực kém? Trình độ có hạn?


Có ý kiến đã suy diễn rằng, ông Phúc biết có kẻ «chơi đểu» ông, nhưng thâm ý của ông Phúc là «tương kế tựu kế», mượn sức ép chỉ tiêu để tạo sức ép cải cách hành chính, tăng cường số lượng và mở rộng doanh nghiệp tư nhân, tạo sức ép để co cụm Doanh nghiệp Nhà nước, giảm tài sản chiếm giữ và tối thiểu hoá tỷ trọng trong nền kinh tế, làm thất bại chủ trương «kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là thành phần chủ đạo và ngày càng giữ vai trò định hướng» mà ông Trọng tìm mọi cách đưa vào nghị quyết Đại hội đảng. Người ta kháo nhau là «dù sao, cũng có thể còn may là ông Phúc chống lại «định hướng», chứ cứ để mặc cho ông Trọng, thì đến năm 2035, chắc tư nhân chết hết, vì hoàn thành giai đoạn Quá độ!». 


Để chống lại chủ nghĩa bảo thủ giáo điều của ông Trọng, ông Phúc rõ ràng chỉ có thể dựa vào lực lượng doanh nghiệp tư nhân đông đảo đang dần trở thành lực lượng quyết định trên mặt trận kinh tế, từ đó quyết định chính trị. Ông Phúc cũng thừa biết rằng, hàng ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, vốn sống nhờ vào đảng, sẽ chẳng khác gì lực lượng công an, còn đảng còn mình, và mặc dù dưới quyền ông, lực lượng này đang bằng mọi cách công phá ông và tâng bốc ông Trọng. Chúng là bọn trùm tham nhũng, nhưng lại sợ dân chủ. Chính chúng là bọn đang từng ngày từng giờ chống lại những nỗ lực cải cách của chính phủ. 


Ai phá ông Phúc, và tại sao phá?


TPP không còn khả năng đàm phán lại. Thị trường xuất khẩu duy nhất có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tất là thị trường chung châu Âu. Ràng buộc gay gắt nhất là tình trạng vi phạm nhân quyền của Nhà nước Việt Nam. Trong năm đàm phán cuối cùng, tại sao lại liên tiếp xảy ra những vụ bắt bớ trắng trợn và khiêu khích như vụ bắt và xử 9 và 10 năm hai phụ nữ đơn thân, đang còn nuôi con nhỏ như mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga? Đặc biệt, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, thủ đô của Liên bang Đức, nước có tiếng nói quyết định nhất trong liên hiệp châu Âu, lại là nước luôn lên tiếng mạnh nhất về bảo vệ nhân quyền. Nếu Quốc hội Đức phủ quyết, Hiệp dịnh EFTA không thể được ký kết.


Vụ bắt cóc rõ ràng được tổ chức có kế hoạch và có chuẩn bị, nhưng lại hình như cố tình để lộ dấu vết. 3 nhân viên mật vụ được cử từ trong nước sang, trực tiếp tổ chức và giám sát tại chỗ vụ bắt cóc là những người mà nhiều người dân từng biết mặt thuộc Tổng cục II Quân đội. Xe thuê cho việc bắt cóc là xe chuyên dùng, được an ninh quốc gia Đức cài thiết bị giám sát vệ tinh theo luật. Xe đi đến đâu, đang có mặt tại đâu, cảnh sát Đức đều có thể biết. Những dấu vết ẩu đả trong vụ bắt cóc, như các vết xước của ghế xe, vết máu của nạn nhân, bình xịt gây mê chuyên dùng, vân vân, đều để nguyên, không tìm cách phi tang.


Một ngày trước khi Trịnh Xuân Thanh trình diện đầu thú, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an khẳng định không hề có thông tin. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, uỷ viên Quân uỷ trung ương, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục II, vắng mặt không rõ lý do các cuộc họp Quân uỷ Trung ương do Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 29/08 và cuộc họp lãnh đạo Bộ Quốc phòng với Chủ tịch Trần Đại Quang ngày 6/09. 


Nếu vụ bắt cóc đúng là do Tổng cục II Quân đội tổ chức, thì đây là âm mưu phá ông Phúc, hay phá nền kinh tế Việt Nam, mà chủ mưu có thể là Trung Quốc. Theo giả thuyết này, người tổ chức vụ án phải là ông Nguyễn Chí Vịnh, dù đã nhiều năm không còn giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục II, nhưng trên thực tế, ông Vịnh vẫn nắm quyền điều khiển. Ông Vịnh (có lẽ) đã trở thành gián điệp của Trung Quốc từ khi còn ở Tổng cục II, khi đó (2002-2009) toàn bộ trang thiết bị kỹ thuật tình báo, huấn luyện nghiệp vụ, đào tạo sĩ quan tình báo và sĩ quan kỹ thuật, đều do Trung ương tình báo Hoa Nam đài thọ. Đây là chiến thuật Trung Quốc chuyên dùng để nắm cơ quan an ninh quân đội các nước khác. Cơ quan An ninh Quân đội của Lào và Cămpuchia hiện nay đều gần như bị kiểm soát như vậy bởi Tình báo Hoa Nam.


Ông Trọng, thông qua ông Trần Quốc Vượng và bà chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp Quốc Hội Lê Thị Nga đang đẩy chiến dịch «chống tham nhũng» tới điểm cuối cùng. Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ, Nguyễn Phong Quang, 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắc Lắc, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra, làm rõ. 


Ngày 30/08, Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ khai hết tên tuổi của những người nhận các khoản tiền vừa là đút lót, vừa là nộp cống dưới dạng quà biếu của ông ta «Dịp lễ tết, các tập đoàn và doanh nghiệp đều phải chi. Chi từ chuyên viên đến lãnh đạo cao cấp. Mỗi dịp tết PVN chi từ 30 đến 50 tỉ đồng. Việc chi tiền chia ra nhóm từ cấp lớn đến cấp bé. Theo quy định thì chi 500 ngàn/1 người nhưng thực tế chi gấp 200 lần». «Đó là thông lệ mỗi lần tết đến, thực hiện từ 5-10 năm nay, bộ thứ trưởng 5-10 triệu, có lần 10.000 usd».


Đây là thực tế ở một ngành, nhưng có hai kết luận có thể rút ra cho cả nước, là tất cả «đều phải chi», và chi «từ chuyên viên đến cao cấp». Theo ông Sơn, thì chi tràn lan như vậy đã thành thông lệ từ 5-10 năm nay. Có thể suy ra rằng, tất cả cán bộ từ cấp thứ trưởng trở lên, trong Chính phủ cũ của ông Dũng, cũng như trong Chính phủ hiện nay của ông Phúc đều đã nhận những khoản tiền phạm pháp từ nhiều năm. Và hiện tượng tham nhũng phạm pháp này là của cả hệ thống chế độ từ hàng chục năm.


Có cảm tưởng rằng, ông Trọng, và ông Trần Quốc Vượng cùng phe cánh của các ông không phải lấy chống tham nhũng, lấy việc bảo vệ tài sản Quốc gia làm mục đích. Có rất nhiều ý kiến đã đến tai các ông rằng, việc tham nhũng toàn xã hội là sản phẩm không thể tránh khỏi của thể chế chính trị độc đảng toàn trị. Các ông cũng thừa biết rằng, tham nhũng chỉ có thể trị bằng nền Tư pháp Độc lập. Đảng đứng trên pháp luật, tự làm luật, tự hành luật, thì diệt kẻ này, nhóm này, chỉ để chiếm và thay chỗ cho kẻ khác và nhóm khác với thủ đoạn và kỹ thuật tham nhũng thâm hiểm, tinh vi hơn. Chỉ cần giải tán đảng, dân chủ hoá thực sự, đảm bảo Tam quyền phân lập, nhưng các ông không làm, các ông cố tình không làm, các ông chỉ làm công việc thanh trừng, vừa để trả hận vừa dọn chỗ và chiếm chỗ. 


Ông Đinh Thế Huynh và ông Trần Đại Quang coi như đã chết trên sân khấu chính trị. Chỉ còn ông Nguyễn Xuân Phúc. Nếu ông Phúc không còn khả năng và uy tín để thay thế vị trí Tổng bí thư, thì một cách đương nhiên là ông Trọng buộc phải «hy sinh» một lần nữa cho sự nghiệp của đảng, tiếp tục đảm nhận trách nhiệm cao nhất cho hết nhiệm kỳ, bởi vì, dù ông Trần Quốc Vượng, gần đây thông qua việc «dọn nhà», đã nổi lên như người quyền lực thứ hai, nhưng chưa thể là người số một, vì cùng với quyền lực, ân oán đang chĩa mũi nhọn vào ông.


Nhìn toàn cảnh chiến dịch thanh từng quan tham của ông Trọng, người ta có cảm giác sợ hãi. Không biết có kịp xử lý ông Nguyễn Văn Bình và ông Hoàng Trung Hải trước khi khai mạc hội nghị trung ương 6 vào 20/10, nhưng chiến trường đang trở nên hỗn loạn, khó lường. Tuy nhiên, chắc chắn là những sai phạm, yếu kém của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ được dạo nhạc ngay từ bây giờ, để việc đề cử ông này vào vị trí thay thế ông Trọng ngay giữa nhiệm kỳ trở nên không thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét