Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Bội chi, hụt thu, và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’

Phạm Chí Dũng


                                              Chờ việc tại Hà Nội. (Hình: Nguyễn Đình Hà)


Chính phủ được tuyên xưng “liêm khiết, kiến tạo và hành động” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang phải “mộng du” với những di họa tài chính khủng khiếp để lại từ thời “phá chưa từng có” của thủ tướng đời trước là Nguyễn Tấn Dũng: bội chi ngân sách không phải là dưới 5% GDP mà có thể vọt đến 9% GDP, hụt thu ngân sách so với dự toán có thể lao dốc đến 11% mà đang khiến tình thế xã hội cùng dân chúng lâm vào cảnh thảm thương đọa đày - chẳng khác gì bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh cách đây 72 năm đã mô tả về thực dân Pháp: “chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy”.

Từ “45 ngàn tỷ đồng” đến “sụp đổ tài khóa quốc gia”

Nguy cơ vỡ ngân sách có thể đã hiện rõ từ sau khi kết thúc nửa đầu năm 2015, trong bầu không khí “toàn đảng, toàn quân, toàn dân tiến đến đại hội 12”. Vào lúc đại hội này sắp được khai mạc với quang cảnh được giới quan sát chính trị mô tả như một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực bị tung hê chưa từng có trên mạng xã hội, một bộ trưởng kế hoạch của chính phủ là ông Bùi Quang Vinh đã thốt ra một tiết lộ như thể lời nói cuối cùng để giã từ chính trường: “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì”.

Khi đó, Nguyễn Xuân Phúc mới chỉ là cấp phó của Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đã bất chợt nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu của chức thủ tướng.

Nhận bó hoa tươi thắm từ gương mặt không cười của người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2016, có lẽ ông Nguyễn Xuân Phúc đã không thể cười hớn hở hồn nhiên đến thế nếu hình dung ra tương lai ông sẽ phải “đổ vỏ” khủng khiếp đến thế nào…

Chẳng phải chờ lâu. Chỉ một năm sau, vào đầu 2017, Nguyễn Xuân Phúc bất chợt bật ra phát ngôn công khai về nguy cơ “sụp đổ tài khóa quốc gia” - một cụm từ đặc biệt nhạy cảm chính trị mà trước đó không một quan chức nào dám nói đến.

Tháng Ba năm 2016, một báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội thừa nhận: “Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn”.

Cũng là lúc mà số thu hơn một triệu tỷ đồng của ngân sách không thể nào bù đắp cho số chi còn hơn hẳn thế, trong đó “phần cứng” thuộc về bao tử của đoàn quân gần 3 triệu công chức viên chức mà bị dư luận lên án “có đến 30% trong số đó không làm gì nhưng vẫn lãnh lương”, hàng chục tỷ USD phải trả nợ nước ngoài hàng năm, cùng cơn gào thét “đòi ăn” theo thói ăn quen nhịn không được của 63 “bao tử” ở các tỉnh thành…

Bội chi 9% GDP?

Chi, chi và chi… Sau hơn một năm lãnh ấn thủ tướng, nụ cười Nguyễn Xuân Phúc trở nên hiếm muộn.

Nhưng lại có một sự kiện đặc biệt: sau nửa đầu năm 2016, con số bội chi được Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê công bố chỉ là 32 ngàn tỷ đồng. Còn tính đến thời điểm 15/8/2017, số bội chi chỉ là 40 ngàn tỷ đồng, đồng thời được hệ thống báo đảng tung hô “bội chi ngân sách thấp nhất trong 6 năm trở lại” như một thành tích lớn lao của thời “đổ vỏ”.

Công bằng mà xét, Thủ tướng Phúc đã có một số cố gắng kéo giảm mức bội chi ngân sách bằng chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên (phần chi lương và phụ cấp cho đội ngũ công chức gần 3 triệu người), tiết giảm chi đầu tư phát triển, giảm biên chế…

Tuy thế, thực tế lại như ngược phản ông Phúc. Sau một thời gian đủ dài và cho tới nay, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách vẫn chiếm đến 70 - 80 % mà không hề thuyên giảm, bất kể số thu ngân sách đang có chiều hướng sụt giảm nhanh mà đã khiến đảng cầm quyền lẫn chính phủ cuống quýt tìm cách đè đầu dân tăng nhiều loại thuế như VAT (giá trị gia tăng), thuế sử dụng đất… Trong khi đó, đội ngũ công chức không những không giảm mà còn phình to hơn đến 11 ngàn người từ thời ông Phúc trở thành thủ tướng. Còn phần chi đầu tư phát triển, mà về thực chất là chi cho các công trình hạ tầng cơ sở như giao thông, xây dựng cơ bản, trụ sở hành chính, bảo tàng, tượng đài… có bị cắt giảm phần nào, nhưng không phải là do “thành ý” của chính phủ mà bởi ngân sách đã khốn đốn đến mức chính giới quan chức chính phủ và quốc hội đã phải thừa nhận không còn biết tìm đâu ra tiền cho đầu tư phát triển nữa.

Một số chuyên gia kinh tế cũng phân tích theo một chiều kích phản ngược: bội chi 8 tháng đầu năm 2017 “giảm hẳn” là do xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tính đến ngày 15/8 chỉ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được hơn 127 ngàn tỷ đồng, bằng 36,2% dự toán, và bội chi giảm là do không tính chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách nhà nước từ năm tài khóa 2016.

Từ những con số và nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, người ta sẽ không khó nhận ra rằng nếu thực tế giải ngân vốn đầu tư phát triển diễn ra theo đúng kế hoạch của Chính phủ, bội chi ngân sách trong 8 tháng đầu năm 2017 sẽ là con số bằng với số bội chi hiện hữu 40.000 tỷ đồng cộng với số chi đầu tư phát triển khoảng 120.000 tỷ đồng, tức khoảng 160.000 tỷ đồng, tức tương đương bội chi 8 tháng đầu năm 2016 mà chẳng hề giảm đi chút nào.

Nhưng lại còn một yếu tố khác khiến bội chi ngân sách không những không giảm mà còn tăng vọt: cũng theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, bội chi của 8 tháng đầu năm 2017 được báo cáo giảm là do không tính chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách nhà nước từ năm tài khóa 2016.

Cần nhắc lại, kế hoạch của chính phủ chi trả nợ gốc và lãi năm 2017 là khoảng 260 ngàn tỷ đồng, trong đó phần nợ gốc có thể chiếm khoảng 2/3 trong số đó, tức khoảng 170 ngàn tỷ đồng.

Với dự toán bội chi ngân sách năm 2017 là khoảng 250 ngàn tỷ đồng, nếu tính cả phần chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách năm 2017, con số bội chi thực sự sẽ lên đến khoảng 420 ngàn tỷ đồng, chiếm đến khoảng 9% GDP, tức còn cao hơn hẳn mức bội chi kỷ lục “thời Nguyễn Tấn Dũng” vào năm 2013 là 6,6% GDP.

Cũng cần nhắc lại, mức bội chi bị xem là nguy hiểm theo quy định của Liên hiệp quốc là 5% GDP.

Hẳn đó là lý do tại sao từ năm tài khóa 2016, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quyết định “giấu” mà không đưa phần chi trả nợ gốc vào mục bội chi ngân sách, cố “ép” tỷ lệ bội chi/GDP giảm xuống để làm đẹp báo cáo.

Hụt thu 11%?

Trong khi đó với tiến độ thu ngân sách như hiện thời, năm 2017 có thể chứng kiến một tỷ lệ hụt thu kỷ lục so với dự toán: 11%.

Ðáng chú ý, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trong sáu tháng đầu năm 2017 là 95.000 tỷ đồng, chỉ bằng 33,2%. Ðây là chỉ số thu thấp nhất nếu so sánh với các khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Gần như tất cả “quả đấm thép” được tung ra từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành những đống xà bần có giá trị từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ đồng.

Song cơn bĩ cực ngân sách vẫn còn lâu mới đến hồi kết. Giờ đây, các nguồn “ngoại viện” đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ “kênh Nhật” còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ Tháng Bảy năm nay.

Kể từ cơn khủng hoảng giá - lương - tiền 1985, chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Gần đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin: Việt Nam vỡ nợ không còn là “nguy cơ” nữa, mà đã trở nên hiện hữu.

“Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy”

Nếu Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang bị dư luận xã hội cáo buộc về liên đới trách nhiệm với vụ nhập hàng triệu viên thuốc ung thư giả mà có thể đã khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải chết đến hai lần, hậu quả mà Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng gây ra khi đề xuất tăng thuế VAT (giá trị gia tăng) từ 10% lên 12% từ năm 2019, cùng hàng loạt sắc thuế khác, cũng có thể gây tác hại ghê gớm không kém tính độc dược của thuốc ung thư giả.

Mưu đồ tăng thuế VAT lại xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ chín liên tiếp, một xã hội bị a xít đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện “bóp cổ bóp họng” và “không có tiền thì chỉ có chết”, sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…

Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt hại về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.

Chiến dịch đè đầu dân chúng và doanh nghiệp bằng đủ mọi sắc thuế đang khiến dân phải ôn lại thời Pháp thuộc “chúng bòn rút dân ta đến tận xương tủy”.

Vào cuối tháng Tám năm 2017, phản ứng quyết liệt của dư luận xã hội trước mưu toan đè đầu dân bổ thuế của Chính phủ và Bộ Tài chính đã mang lại thắng lợi ban đầu: trong cuộc họp thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo “chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2017”.

Tuy nhiên, thắng lợi trên chỉ mang tính tạm thời và còn rất mong manh. Có rất nhiều bài học kinh nghiệm về việc Chính phủ và Bộ tài chính đã âm mưu “lùi một bước để tiến nhiều bước” trong các chiến dịch tăng thuế.

Những phát ngôn mang tính lập lờ của Thủ tướng Phúc trong thời gian gần đây cho thấy ông Phúc, vì một số lý do mà có thể bao hàm cả lý do “vị thế chính trị”, đã không thể nhắm mắt bịt tai trước phản ứng dư luận, nhưng cũng không hề dứt khoát về quan điểm “không tăng thuế đối với dân” mà vẫn tìm cách “câu giờ” để Bộ Tài chính luồn lách nhằm “thu cùng diệt tận” đối với dân.

72 năm sau khi “đánh đuổi thực dân Pháp”, chính quyền “định hướng xã hội chủ nghĩa” đang biến Việt Nam và dân chúng thành một thứ thuộc địa thực dân kiểu mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét