Bệnh nhân sốt xuất huyết tại một bệnh viện tại hà Nội hôm
9/8/2017. AFP
Môi trường sống không được đảm bảo?
Trong thời gian vừa qua, Hà Nội và nhiều địa phương đối mặt
với dịch sốt xuất huyết với số ca nhiễm lớn, dẫn đến bệnh viện quá tải. Cho đến
nay đã có hàng chục ca tử vong. Phóng viên RFA tại Việt Nam ghi nhận ý kiến của
những người trong cuộc về dịch bệnh này năm nay. Cho đến thời điểm phóng viên RFA làm phóng sự này, theo báo
điện tử Zing news ngày 3/9/2017 cho biết: “Hơn 2 tuần qua, dịch bệnh sốt xuất
huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm khoảng 18%, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy
cơ bùng phát mạnh trở lại.”
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, từ ngày 1/1 đến
2/9/2017, Hà Nội ghi nhận 24.264 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 711 ổ dịch bệnh
còn lại, và 7 trường hợp tử vong. Các quận có số ca mắc cao là Hoàng Mai
(3.756), Đống Đa (3.578), Hai Bà Trưng (2.164), Thanh Xuân (2.014).
Anh Nguyễn Anh Tuấn - một bệnh nhân sốt xuất huyết mới ra viện
đánh giá về những con số này quả thực là quá nguy hiểm:
“Tôi có một câu hỏi mà tôi cảm thấy rất bức xúc tại sao giữa
thành phố Hà Nội năm này qua năm nọ luôn có dịch, không dịch bệnh này thì dịch
bệnh khác. Bệnh sốt xuất huyết này không phải là lần đầu tiên, nó là dịch bệnh
tương đối phổ biến ở Hà Nội đến mức người dân quen dần đến việc năm nào cũng có
dịch, đấy là điều tôi cho rằng khó chấp nhận, bới vì môi trường sống không được
đảm bảo là điều không thể tạo ra sự yên tâm cho người dân sinh hoạt, làm việc
và cư trú.”
Tính trên cả nước, Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục
Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến ngày 10/8/2017, cả nước ghi nhận
80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Trong đó gần
70.000 trường hợp phải nhập viện điều trị. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng
33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp. Trong đó, Hà Nội và Tp. HCM là 2 địa
phương có số ca bệnh nhiều nhất.
Anh Nguyễn Anh Tuấn đánh giá về hệ thống chăm sóc y tế của
Việt Nam còn nhiều thiếu sót trong việc phòng chống và cứu chữa dịch bệnh:
“Không phải ai cũng đủ điều kiện để tiếp cận với dụng cụ y tế đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt chúng ta đều hiểu được dịch vụ bệnh viện công và trình độ chăm sóc
cũng như điều kiện bệnh viện công của nhà nước cũng như các dịch vụ bảo hiểm xã
hội y tế rất kém. Thì họ sẽ như thế nào?”
Kể từ khi dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, chính quyền
thành phố Hà Nội đã chi hàng chục tỷ đồng cho việc dập tắt các ổ dịch, với sự hỗ
trợ nguồn lực từ các tỉnh, thành lân cận. Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, các
cơ quan y tế Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực, tối đa khả năng trong công cuộc
phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, nỗ lực của phía chính quyền vẫn còn điểm bị hạn
chế:
“Nó là vấn đề muôn thuở, đó là vấn đề ngân sách, ngân sách để
chi cho hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay đã được huy động
tối đa từ con người lẫn ngân sách, tuy nhiên nếu nói rằng có thể làm tốt được nữa
không và bị giới hạn bởi gì, thì nó bị giới hạn bởi nguồn lực ngân sách và con
người.”
Thuốc diệt muỗi không diệt được muỗi
Loại muỗi Aedes aegypti mang siêu vi trùng bệnh sốt xuất huyết
Photo courtesy cdc.org
Trong việc dập tắt dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay còn nổi
lên một vấn đề nghiêm trọng khác, đó là thuốc diệt muỗi không diệt được muỗi và
hàng giả xuất hiện tràn lan trên thị trường. Điều này cũng làm nhức nhối trong
dư luận, tuy không bằng thuốc điều trị ung thư giả H-capita.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết,
các năm trước, Hà Nội chỉ ghi nhận 2 chủng virus D1, D2 nhưng năm nay xuất hiện
thêm cả chủng D3, và D4 nguy hiểm hơn. Cùng với số ca nhiễm bệnh và số ca tử vọng
như vậy, nhiều người dân và báo giới đặt ra vấn đề, tại sao chính quyền thành
phố Hà Nội và nhiều địa phương chưa công bố dịch bệnh.
Còn dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, nếu chính quyền thành
phố Hà Nội và nhiều địa phương khác, cũng như bộ y tế công bố dịch thì họ sẽ
không vấp phải khó khăn về mặt nguồn lực ngân sách cho việc phòng, chống dịch bệnh:
“Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng, trong bối cảnh kinh tế đất
nước khó khăn ngân sách quốc gia đang trong tình trạng rất eo hẹp và phải lo
cho nhiều vấn đề của đất nước thì vấn đề cung cấp thêm nguồn lực cho ngành y tế
để chống lại cơn dịch có lẽ cũng được cân nhắc rồi, tuy nhiên nếu công bố dịch
thì bắt buộc phải hỗ trợ, bắt buộc phải chi thêm, tuy nhiễn đã không thể chi
thêm. Mà nếu đã ra quyết định không chi thêm thì không công bố dịch. Tôi cho rằng
nội tình nó nằm ở chỗ đó.”
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Hoàng Đức Hạnh, việc
công bố dịch nhằm 2 mục đích là công khai để người dân biết và huy động nguồn lực
để nhân dân chống dịch - cả 2 mục đích này chính quyền thành phố Hà Nội đã và
đang làm.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Anh Tuấn cũng như nhiều người dân cho
rằng, để giải quyết dịch bệnh năm nay, việc công bố dịch là hoàn toàn cần thiết:
“Bởi vì tôi thấy phản ứng của họ là yếu ớt và không đem lại
hiệu quả cũng như không thuyết phục được người dân, thì có thể công bố dịch và
kêu gọi sự giúp đỡ từ các tổ chức y tế thế giới, các cơ quan nước ngoài, họ có
đủ năng lực họ có thể tư vấn cũng như có thể đưa ra những giải pháp phù hợp hơn
vì rõ ràng hiện nay nếu dựa vào năng lực của các cơ quan của Việt Nam người dân
không cảm thấy không được bảo vệ, và không thỏa đáng, không rõ rệt trong các phản
ứng cần thiết, sự mong đợi của người dân chưa được đáp ứng.”
Cho đến nay, chính quyền và người dân đã nỗ lực trong việc
phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết từ các gia đình, khu dân cư bằng việc dọn
dẹp vệ sinh môi trường, dẹp bỏ các vật chứa nước đọng. Thêm vào đó, theo dược
sĩ Nguyễn Anh Tuấn, người dân cần thận trọng hơn trong việc chăm sóc sức khoẻ
cho bản thân và gia đình:
“Nếu như mà có sốt chẳng hạn, thay vì nghĩ là ốm thông thường
như mọi khi, thì trong bối cảnh có đại dịch như thế này thì chúng ta hãy nghĩ đến
dịch sốt xuất huyết để có cái ứng phó, ví dụ như có điều kiện thì có thể gọi dịch
vụ xét máu xét nghiệm để kiểm tra xem có phải là bị sốt xuất huyết hay không? Rồi
mức độ sốt ở mức nhẹ hay là nặng mà phải vào bệnh viện. còn ở hoàn cảnh điều kiện
khó khăn hơn thì có thể vào những sơ y tế địa phương để điều tra.”
Có thể nói rằng, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh là của
toàn xã hội, trong đó vai trò của chính quyền rất quan trọng. Người dân vẫn
mong đợi những kế hoạch ứng phó hiệu quả lâu dài từ phía bộ Y tế, để không còn
dịch bệnh này diễn ra hàng năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét