Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Kỳ 2: Cơ quan quản lý dược “mở cửa” cho thuốc kém chất lượng tràn vào Việt Nam


Ảnh minh họa. Nguồn: Khều

Thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, vì nó liên quan đến sức khỏe của nhân dân nên được Nhà nước quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Bộ Y tế được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý thuốc, Vụ Quản lý dược là cơ quan trực tiếp giúp Bộ Y tế làm nhiệm vụ cực kỳ quan trọng này. Thế nhưng những người có trách nhiệm của cơ quan này lúc đó không những không kiểm soát được chất lượng thuốc chữa bệnh mà còn cố tình “mở cửa” cho thuốc kém chất lượng nhập khẩu ào ạt vào Việt Nam…

Lật lại hồ sơ của hơn 10 năm trước, chúng tôi không khỏi rùng mình kinh hãi. Những gì mà Thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện ra cho thấy Cơ quan quản lý dược của nước ta lúc đó hoàn toàn không quan tâm đến sinh mạng của hàng chục triệu người dân. Kết luận của đoàn thanh tra nêu rõ: “Một số thuốc không đảm bảo chất lượng, đã có hậu quả, không sử dụng được cho người phải tái xuất, đã có thông báo của cơ quan chức năng, thậm chí có văn bản chỉ thị của ngay Vụ Quản lý dược, nhưng vẫn được cấp số đăng ký để nhập vào Việt Nam, khi có vấn đề về chất lượng vẫn tiếp tục được bỏ qua, không tiến hành kiểm nghiệm”.

Có thể nói thời điểm lúc bấy giờ thị trường thuốc chữa bệnh đã rơi vào một “mê hồn trận” mà nguyên nhân chính là do Vụ Quản lý dược tạo ra. Một tờ báo đưa tin: Báo cáo ngày 28/7/1992 của một phân viện kiểm nghiệm cho biết trong số 708 mẫu thuốc và nguyên liệu ngoại nhập của 65 công ty đã được cấp số đăng ký nhập hàng mà phân viện được giao kiểm tra có đến 98 mẫu không đạt chất lượng, chiếm tỷ lệ 13,7%… (Báo Phụ nữ TPHCM ngày 14/4/1993).

Còn Thanh tra Bộ Y tế thì dẫn chứng đích danh một số trường hợp cụ thể:

Thuốc Gentamycin 80 mg của Công ty Ampharco nhập vào Việt Nam do hãng Radium Farma (Milan – Italia) sản xuất đã bị phát hiện không đảm bảo chất lượng từ 1/7/1991. Vụ Quản lý dược trong công văn ngày 8/10/1991 về “chất lượng thuốc nước ngoài nhập vào Việt Nam” đã đề cập và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có quyết định xử phạt số 33/SYT – QĐ ngày 9/1/1992 đối với lô hàng bị phát hiện. Thế nhưng cũng chính Vụ Quản lý dược lại tiếp tục cấp số đăng ký cho mặt hàng này nhập khẩu vào Việt Nam trong số 91 công ty “được duyệt”.

Chính tại văn bản ngày 8.10.1991, Vụ Quản lý dược nói rõ: “Một số mặt hàng vitamin hỗn hợp của 3 công ty là Ampharco, Calipharco, Medipharma (Mỹ) chất lượng không đạt theo USP 21 về hàm lượng vitamin…”, nhưng rồi vụ này vẫn đưa ra Hội đồng xét duyệt để cấp số đăng ký cho các mặt hàng này.

Đặc biệt, số lượng mẫu thuốc phải nộp khi đưa hồ sơ xin đăng ký theo quy định là 5 mẫu/mặt hàng, tổng số mẫu Vụ Quản lý dược nhận được thời điểm ấy là hơn 7.300 mẫu, nhưng hoàn toàn “không được tiến hành kiểm nghiệm mẫu nào”. Thậm chí với các thuốc bị cảnh báo chất lượng như Gentamycin, Vitamin B1, B6, B12, Pharmaton nêu trên cũng không được kiểm nghiệm.

Chưa hết, tại thời điểm này Vụ Quản lý dược còn được giao quản lý hai chương trình POD (cung cấp thuốc) và EDV (thuốc thiết yếu) do Tổ chức SIDA của Thụy Điển viện trợ cho ngành y tế Việt Nam. Và với tư cách vừa là chủ nhiệm vừa là người quản lý chương trình này, Vụ Quản lý dược đã xuất 254 ngàn USD để mua 4 tấn Ampicillin nguyên liệu kém phẩm chất của một hãng nước ngoài đưa về Việt Nam. Toàn bộ số hàng này qua kiểm nghiệm đã không đạt tiêu chuẩn BP 88 nên không thể đưa vào sử dụng được. Đáng nói hơn là trong khi Vụ Quản lý dược là người hiểu rõ hơn ai hết mọi mặt hàng thuốc, nguyên liệu thuốc trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải qua xét duyệt và cấp số đăng ký thì chính họ lại là người quyết định nhập số lượng một mặt hàng nguyên liệu chưa được cấp số đăng ký.

Một điển hình nổi cộm minh chứng cho những tiêu cực và tắc trách nghiêm trọng tại Vụ Quản lý dược thời điểm lúc bấy giờ, đã được dư luận chỉ trích khá nặng nề, là vụ cho nhập khẩu mặt hàng thuốc đã bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấm lưu hành và sử dụng. Đó là trường hợp của khối lượng khổng lồ chất Glafenine, một hoạt chất nguy hiểm, được vụ này cho nhập vào Việt Nam. Từ tháng 1/1992, nhiều nước trên thế giới đã xem xét sự không an toàn của các loại thuốc giảm đau có chứa Glafenine bởi chất này gây ra “sốc” nặng ở các bệnh nhân mẫn cảm của thuốc như viêm gan miễn dịch dị ứng, suy ống thận… và đã cấm lưu hành. Cơ quan quản lý dược của Việt Nam đã có đầy đủ những thông tin ấy, bằng chứng là thông tin ấy đã được đăng công khai trên chính tập san Thông tin Dược do Vụ dược quản lý. Thế nhưng tháng 7.1992, hàng tấn hoạt chất Glafenine và thành phẩm Glifanan (thuốc giảm đau) vẫn còn ồ ạt nhập về Việt Nam.

Thời điểm ấy, nhà báo Minh Thu, một cây bút sắc sảo trong lĩnh vực này đã có một bài viết đăng trên tờ Lao động chủ nhật ngày 6.9.1992. Bài báo nêu rõ: “Do thuốc giảm đau dùng nguyên liệu Glafenine đã ngưng sản xuất tại nhiều nước từ đầu năm nên mặt hàng này trở nên khan hiếm. Riêng ở Việt Nam, các nhãn hiệu Glifanan, Pyradol theo quy luật cung cầu mà tăng giá vùn vụt. Cụ thể là trung tuần tháng 5/1992, giá 1 hộp Glifanan ngoại đang từ 18.000 đồng/hộp vọt lên 80.000 đồng/hộp; Glifanan nội từ 10.200 đồng/hộp tăng lên 15.000 đồng/hộp. Chuyện đau lòng khác là với cách quản lý như thế này, ngành quản lý đã tạo cơ hội bằng vàng cho công ty các nước đang bị ứ đọng Glifanan được dịp tống độc tố này sang Việt Nam”. Rõ ràng là những người có trách nhiệm của Cơ quan quản lý dược Bộ Y tế lúc đó đã nhắm mắt làm ngơ với sức khỏe của người dân mà chỉ quan tâm đến những món lợi nhuận kếch sù của các hãng dược làm ăn bất chính.


Kỳ 3: Làm “phù phép” để cấp số đăng ký lậu cho hàng trăm loại thuốc


Hoàng Hải Vân – Võ Khối
Thanh Niên
13-6-2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét