Nữ minh tinh màn bạc đầu tiên của
Hollywood Mary Pickford ( khoảng năm 1016)Nguồn ảnh: Wikipédia
Mọi người nay đều công nhận kinh
đô điện ảnh thế giới nằm tại Los Angeles, thủ phủ bang California, bên bờ tây
nước Mỹ. Đó là Hollywood, nơi có những phim trường bao la với bối cảnh tự
nhiên, các khu công viên giải trí và giải Oscar… giờ đã trở thành ngành
công nghiệp giải trí đồ sộ, giàu có nhất thế giới. Điều gì đã làm cho
Hollywood trở thành một thế lực kinh tế, văn hóa như ngày nay? Câu trả lời có vẻ
như là một nghịch lý : Chiến tranh ! Nhưng đó là một thực tế.
Ngược dòng lịch sử cách
đây hơn 1 thế kỷ, khi châu Âu, nơi phát tích nghệ thuật thứ bảy,
đang chìm trong khói lửa của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và khi Mỹ chính thức nhảy vào cuộc chiến năm 1917.
Các nhà làm phim Hollywood đã bị cuốn
vào cuộc chiến này như thế nào ? Mời quý
vị theo dõi phóng sự tài liệu của Florent Gaillard. Phần một của phóng sự :
Los Angeles : Đất lành cho những người đi tiên phong của điện ảnh Mỹ.
Từ kho chứa rơm
Tất cả bắt đầu tại một kho chứa
rơm năm 1913, khi Cécil B DeMille thực hiện cuốn phim dài đầu tiên được
quay toàn bộ tại Hollywood. Đó là phim trường đầu tiên của điện ảnh Mỹ, giờ
là bảo tàng Hollywood Studio Museum. Đó cũng là điểm khởi đầu của một
câu chuyện dài nhiều tập vì khi đó chiến tranh sắp sửa xảy ra ở châu
Âu, chính cuộc đại chiến đó đã giúp cho điện ảnh Mỹ bùng nổ.
Năm 1914, cuộc đại chiến đã huy
động tất cả phương tiện sản xuất của châu Âu : Đàn ông, đàn bà, nhà
máy, phương tiện giao thông và cả các phương tiện truyền thông. Báo chí,
nhiếp ảnh và điện ảnh nhảy vào cuộc. Cùng thời điểm đó, tại Hoa Kỳ
xuất hiện một trào lưu mới. Các nhà điện ảnh, tới khi đó vẫn chủ yếu
tập trung ở bờ đông nước Mỹ, chuyển sang California để hưởng ánh mặt
trời gần như quanh năm bên bờ tây.
Steven J Ross nhà nghiên cứu lịch
sử điện ảnh Hollywood :
" Khi chiến tranh nổ ra
tại châu Âu. Điện ảnh châu Âu vốn trước đó vẫn cung cấp một nửa
lượng phim chiếu ở Mỹ, buộc phải ngừng mọi hoạt động. Thế là các nhà
điện ảnh Mỹ, bản chất là những doanh nhân, thấy ở đó một cơ hội vô
cùng lớn và họ nói với nhau rằng châu Âu ít nhiều đã ngừng trệ sản
xuất, vì thế họ có thể không chỉ chiếm lĩnh thị trường Mỹ, mà còn
có thể xuất sang châu Âu nhiều phim hơn.
Điều duy nhất cản trở chúng tôi đó là sản xuất, vì phải tăng
số lượng phim quay lên gấp đôi. Cách duy nhất để làm được điều đó là
tìm đến chỗ mà ta có thể quay gấp đôi số lượng phim. Chính vì thế họ
đã đến đóng đô ở California. »
Đầu thế kỷ trước, Los Angeles
là một thành phố đang trên đà phát triển mạnh. Ngoài cảng chiến lược
bên bờ tây nước Mỹ, người ta thấy ở đây những giếng dầu nằm kế bên những
khu vườn cam xum xuê. Thành phố cũng thu hút ngành công nghiệp hàng
không. Các xưởng máy lớn ngành hàng không đóng trên một khu vực rộng lớn
xung quanh thành phố.
William Deverell Giáo sư lịch sử,
Đại học Nam California:
" Los Angeles năm 1900 đã
thu hút các doanh nhân lớn, đó là những nhà công nghiệp, các nhà xây
dựng đường sắt và các chủ trang trại lớn. Nhiều người trong số họ
đã mường tượng một tương lai huy hoàng cho Los Angeles. Họ ở ngay những
thời điểm đầu tiên của cuộc chinh phục miền tây trong lịch sử Mỹ. Họ
đã tới Thái Bình Dương và tham gia xây dựng nên một đô thị tuyệt đẹp
nơi đây.
Những nhà điện ảnh đầu tiên
đến đây chắc chắn đã cảm thấy họ sẽ có thể biến khung cảnh nơi đây
thành bối cảnh cho phim và họ có thể làm những gì họ muốn. Đó là
các bối cảnh giống các bang miền nam thuở hồng hoang, hay thời cảnh
nông thôn nước Mỹ thời xưa. Họ có những khung cảnh để họ có thể
diễn.”
Những minh tinh đầu tiên của điện
ảnh Mỹ
Minh tinh thời đó là Mary
Pickford. Là người gốc Canada, bà lên sàn diễn từ 5 tuổi. Để phụ giúp
gia đình kiếm sống, bà đã chấp nhận chuyển từ sân khấu sang điện
ảnh, trước tiên là chỉ định đóng phim trong một mùa hè, rồi hết mùa này
sang mùa khác, bà vẫn gắn bó với phim trường. Năm 1914, bà là nữ diễn
viên Mỹ đầu tiên xuất hiện tên trên áp phích lớn.
Bà Cari Beauchamp, nhà văn Mỹ :
“ Những nhân vật mà Mary
Pickford vào vai thường đương đầu với kẻ ác, đấu tranh vì những kẻ
yếu. Tất cả những nhân vật đó đều có các phẩm chất đạo đức. Các
nhân vật đó đem lại cho khán giả phụ nữ vào thời đó có hội được
thấy những nhân vật vùng lên vì những điều họ tin tưởng. Họ chiến
đấu và họ có thể chiến thắng.
Thường thì những nhân vật này gây xúc động trái tim các chàng trai,
nhưng người ta có quyền bày tỏ”
Có một chàng thanh niên người
Anh cũng đến khởi nghiệp ở Los Angeles. Đó là Charlie Chaplin, anh gia
nhập ê-kíp của Mark Sennett, một nhà sản xuất phim hài ngắn, thường
chỉ dài 10 đến 20 phút và được quay tiếp nối nhiều tập. Năm 1914, ông
sáng tạo ra nhân vật Charlot, một kẻ ngoài lề xã hội mang dáng dấp của
một chàng hề. Tác phẩm đã thành công ngay lập tức. Ban đầu là ở Mỹ,
rồi sau đó lan ra khắp thế giới.
Dù Charlot đã đảo lộn mọi
trật tự cũ, phim của ông không đả động đến chính trị. Buổi đầu cuộc
xung đột ở châu Âu, phim Mỹ rất giữ ý trong việc chọn phe phái. Không có
chuyện để mất khán giả, gồm cả những người nhập cư, thường là đến
từ những nước có chiến tranh.
Năm 1915, ra đời siêu phẩm đầu
tiên Made in Hollywood. David Wark Griffith làm bộ phim “Một quốc gia ra đời
- Born of the Nation”. Bộ phim kéo dài 3 giờ kể lại cuộc chiến tranh
chia cắt nước Mỹ dưới cái nhìn của các bang miền nam, với những
người da đen, không đủ tư cách là công dân, những binh sĩ thất trận
nhục nhã và một hội 3 K (Klu Klux
Klan) được ngợi ca là những người hùng bảo vệ dân da trắng bị đe dọa.
Marc Wanamaker, chuyên gia về lịch
sử điện ảnh Mỹ:
“ Griffith cố gắng giải thích
rằng trong và sau thời kỳ chiến tranh phân ly, người da trắng phải
chịu đau khổ ở miền nam Hoa Kỳ. Bởi vậy họ cần có người che chở.
Vì thế mà bộ phim đã gây rất nhiều tranh cãi, thậm chí đến tận bây
giờ.
Khía cạnh chính trị là một
chuyện, nhưng còn có cả kỹ thuật
kỳ tài của nhà đạo diễn David W Griffith. Những cảnh cận, kỹ xảo,
cảnh động của đám đông, trận chiến Grettysburg được quay tại thung
lũng San Fernando. Tất cả những cái đó làm cho phim trở thành một
bản anh hùng ca rất đáng xem”.
Bộ phim được chiếu trong Nhà
Trắng, tổng thống Wilson, một người gốc miền nam, đã rất ấn tượng với bộ
phim. Năm 1916, Wilson tiến hành chiến dịch vận động tái tranh cử. Ông
hứa sẽ đứng ngoài các cuộc xung đột và ủng hộ phát triển kinh tế.
Cũng trong năm đó Thomas Ince thực hiện một bộ phim với ngân sách lớn,
lên án sức tàn phá của chiến tranh, mang tên Civilization. Ông Steven
Ross kể lại:
“ Vào thời đó Civilization
được coi là một bộ phim hòa bình. Woodrow Wilson đã sử dụng phim trong
chiến dịch tranh cử 1916 với lời hứa giữ nước Mỹ đứng ngoài các
cuộc xung đột. Chiến tranh là của châu Âu, chứ không phải của nước
Mỹ. Wilson hứa với cử tri, nếu các vị bầu tôi các vị có thể tin
chắc là chúng ta không lao vào cuộc chiến tranh.”
Tuy nhiên, chiến tranh bắt đầu
gây cảm hứng với các nhà đạo diễn. Trong bộ phim đầu tay của mình,
đạo diễn Cecil B. DeMille giới thiệu một sĩ quan người Anh được cử đi
một mình tiêu diệt các đồn lũy của kẻ thù. Trong giấc chiêm bao, Jane
d’Arc hiện lên và trao cho anh lòng can đảm để hoàn thành nhiệm vụ
cảm tử.
Trước đó vài tháng, đã xảy ra
một sự kiện làm đảo lộn dư luận Mỹ. Con tàu thủy Lusitania chuyên
chở đến Anh những thường dân và các khí tài chiến tranh đã bị tàu
ngầm Đức phóng lôi đánh chìm. Hậu quả 1200 nạn nhân, trong đó có 128
người Mỹ, thiệt mạng. Giáo sư sử
học William Deverelle nhớ lại:
“Người Mỹ có cảm giác chiến
tranh ở xa họ bên châu Âu cho đến tận khi chiếc tàu ngầm Đức làm
thiệt mạng các công dân Mỹ. Quả thực Los Angeles đang ngày càng chú ý
nhiều đến chiến tranh. Trong những năm 1915, 1916, nhiều người ở Los
Angeles đã đòi phải can thiệp".
(Hết phần 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét