Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

Những lời công kích ông Xuân Anh cũng là những lời kêu gọi cải tổ hệ thống chính trị hiện tại





 

Ảnh minh họa, một trong những câu nói của ông Nguyễn Xuân Anh. Nguồn: internet




Đọc các bài báo đánh ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư đảng ủy Đà Nẵng và ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Đà Nẵng, người dân có thể thấy rất rõ thói “giậu đổ bìm leo” và “cơ hội chính trị” trong quan trường của đảng cộng sản.



Đọc lại những lời tuyên bố rất kêu về đạo đức, về chống tham nhũng của ông Xuân Anh, hay bây giờ là đọc những lời chỉ trích ông, có lẽ những ai còn bản tính lương thiện trong người không thể không kinh ngạc về thói đạo đức giả trong những lời nói đó.



Những lời lẽ công kích ông Xuân Anh thật ra là công kích cả hệ thống chính trị hiện tại, và cho thấy sự cấp bách của công cuộc đoàn kết, phối hợp mọi thành phần trong xã hội để cải tổ hệ thống chính trị hiện hành.



Hệ thống độc đảng gây nguy hại cho an ninh quốc gia



Qua những gì mà ông Hồ Duy Diệm, cựu Trưởng ban quy hoạch tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), hiện là Phó chủ tịch Hội bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, tiết lộ trên báo Một Thế Giới, chúng ta có thể thấy hệ thống kiểm tra, giám sát trong việc đề bạt lãnh đạo của đảng cộng sản có vấn đề nghiêm trọng:



“Khi ông Nguyễn Xuân Anh lên làm Bí thư Đà Nẵng thì người ta đã biết vì sao ông được cái chức đó.



Chuyện ông không có bằng tiến sỹ, trình độ của ổng người ta cũng biết lúc đó; lúc đó người ta đã không tin tưởng gì ông rồi”.



Như thế, việc ông Xuân Anh lên chức vì những lý do “mờ ám” thì mọi người đều biết nhưng tại sao ngay thời điểm đó không ai lên tiếng? Có phải là ai cũng biết việc lên tiếng chống tiêu cực là sẽ bị trù dập nên ai cũng sợ, trong đó có cả bản thân ông Hồ Duy Diệm? Bây giờ ông mới lên tiếng và bây giờ báo chí mới dám đăng thì có đúng là “giậu đổ bìm leo” không?



Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát nhân sự của đảng cộng sản cầm quyền lỏng lẻo như vậy, một ủy viên trung ương đứng đầu một thành phố lớn mà có thể sử dụng bằng cấp “không đúng quy định” để thăng tiến thì không chỉ đưa đất nước đi xuống vì những lãnh đạo không có tài năng thực sự, mà còn rất dễ để cho các thế lực tội phạm mua chuộc (chẳng hạn như việc chấp nhận cho doanh nghiệp tặng xe ô tô), hoặc các cơ quan tình báo nước ngoài cài cắm người vào, gây nguy hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia.



Trước khi muốn kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ thì phải kỷ luật những người đã thẩm tra và ký quyết định đề bạt hai ông này lên.



Có như vậy mới khiến hai ông này tâm phục khẩu phục!



Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài, mua xe



Vị cha già Hồ Chí Minh của đảng cộng sản Việt Nam từng nhắn nhủ: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Cách mạng muốn giành thắng lợi phải quan tâm, củng cố tới ‘cái gốc’ ấy”.



Từ đó suy ra là, giới lãnh đạo cộng sản không hề học tập và làm theo “tư tưởng Hồ Chí Minh”, hoặc là họ đã “học tập và làm theo”, nhưng bản thân ông Hồ có vấn đề, cũng thói đạo đức giả, nên giới lãnh đạo học và làm theo thói đạo đức giả đó?



Bản thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của đảng cộng sản cũng thừa nhận tình trạng bổ nhiệm cán bộ dựa trên “tiêu chí” “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”, không thấy “trí tuệ” đâu hết.



Tổ quốc trên hết hay đảng cộng sản trên hết?



Nhìn lại những tiêu chuẩn cho cán bộ cao cấp do Bộ Chính trị đảng cộng sản ban hành: “tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân”, người dân có thể thấy lợi ích của đảng cộng sản đặt trước và trên cả lợi ích của “quốc gia, dân tộc và nhân dân”.



Đảng cộng sản thật ra là tập hợp những cá nhân đảng viên cộng sản, và nhất là những cá nhân nắm quyền.



Lợi ích của đảng cộng sản thật ra là lợi ích của các cá nhân nắm quyền.



Vì lợi ích của các cá nhân đó, họ đưa người thân vào các chức vụ lãnh đạo cũng là chuyện phù hợp với chủ trương chung của Bộ chính trị đảng cộng sản.



Nếu họ đưa người ngoài đảng cộng sản mà có tài năng, tâm huyết vào lãnh đạo thì lợi ích của đảng cộng sản đâu còn.



Không một ai có tài năng, tâm huyết vào bộ máy Nhà nước chỉ để phục vụ cho lợi ích của một đảng phái chính trị và các cá nhân đứng đầu đảng đó cả.



Đến đây cần nhắc lại một chút lời của ông Hồ Chí Minh: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân”. Trong khi đó, Bộ chính trị đảng cộng sản đã phân biệt rõ lợi ích của đảng cộng sản đứng trước và cao hơn lợi ích của quốc gia, dân tộc, và nhân dân. Do đó, lại có thêm một ví dụ là bộ chính trị đảng cộng sản không hề làm theo “tư tưởng Hồ Chí Minh”.



Bộ chính trị đảng cộng sản cần phải công khai giải thích rõ cho người dân biết lợi ích của đảng cộng sản là gì? Nó khác biệt với lợi ích của quốc gia ở chỗ nào? Tại sao nó lại được xếp cao hơn lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân?



Còn ai nhớ về lời hứa “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” vào năm 2020?



Cũng ông Hồ Duy Diệm phê phán ông Xuân Anh như sau:



“Trong nhiệm kỳ của mấy vị này từ 2015-2020, bây giờ là năm 2017 rồi, là 3 năm, trong những chỉ tiêu trong nghị quyết 33 Bộ Chính trị có 5 điểm quan trọng phải hoàn thành vào năm 2020 thì đến bây giờ có thể chậm đến năm 2030 chưa chắc thực hiện được”.



“Như vậy rõ ràng là không có năng lực, không có trình độ, không có tầm nhìn, không có cách nào thực hiện cho trọn vẹn nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra”.



Ở đây tôi cũng muốn nhắc lại cho ông Hồ Duy Diệm nhớ là các lãnh đạo đảng cộng sản qua nhiều thời kỳ đã hứa hẹn là đến năm 2020, đảng cộng sản sẽ hoàn thành sự nghiệp “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.



Đến giờ phút này thì không còn một lãnh đạo đảng cộng sản nào dám nhắc tới “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và cái mốc 2020.



Nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong một phút nói thật đã nói: “…chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến…” Còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì thừa nhận “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.



Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn nhắc lại lời của các chuyên gia Ngân hàng thế giới là Việt Nam có mô hình kỳ lạ nhất thế giới, là một quốc gia “không chịu phát triển”.



Như thế, không chỉ có ông Xuân Anh, mà thật ra toàn bộ trung ương đảng cộng sản qua nhiều nhiệm kỳ đều “rõ ràng là không có năng lực, không có trình độ, không có tầm nhìn” như lời ông Hồ Duy Diệm nói về ông Xuân Anh.



“Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” còn làm không nổi thì các nhà lãnh đạo cộng sản làm ơn đừng “chém gió” về “cách mạng công nghiệp 4.0” hay đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản, mọi người đều bình đẳng, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, thậm chí là dẫn dắt cả loài người tới “thế giới đại đồng”.



Thế thì cho tôi hỏi ông Hồ Duy Diệm nói riêng và toàn bộ các đảng viên cộng sản nói chung, toàn bộ trung ương đảng cộng sản có xứng đáng bị người dân Việt Nam kỷ luật và cách chức không? Các lãnh đạo đảng cộng sản “không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến” thì làm sao có thể dẫn đường cho dân tộc Việt Nam tiến bước?



Hãy để dân lo liệu việc tìm kiếm và chọn người giỏi lãnh đạo quốc gia



Thật ra, việc tìm kiếm ra người tài giỏi và tâm huyết để lãnh đạo quốc gia là một việc cực kỳ khó.  Một mình giới lãnh đạo đảng cộng sản không thể làm nổi việc lớn như vậy.



Chính Hồ Chí Minh cũng hay nhắc lại hai câu thơ trong bài thơ “Dân no thì lính cũng no” của nhà thơ Thanh Tịnh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.



Do đó, các lãnh đạo đảng cộng sản hãy để các đảng chính trị dân chủ chân chính cùng tìm kiếm người giỏi giúp đảng cộng sản, để những người giỏi của các đảng cạnh tranh nhau và hãy để người dân lựa chọn ai xứng đáng lãnh đạo quốc gia qua bầu cử tự do và công bằng, được quy định cụ thể trong một bản hiến pháp chuẩn mực.



Đó là cách duy nhất để cứu cho đảng cộng sản khỏi bị người dân Việt Nam đào thải theo dòng lịch sử.



Đó thật ra cũng chỉ là hiện thực hóa mục tiêu “dân chủ, công bằng, văn minh” của chính đảng cộng sản.



Đó cũng là cách giúp các lãnh đạo cộng sản trở thành những lãnh đạo chính trực, “nói thật, làm đúng”, cầm quyền một cách chính danh, nói theo kiểu ông Nguyễn Tấn Dũng là trở thành những “người tử tế”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét