Tác giả: David Hutt-Asia Times
Đồng chí X và bác Cả, mối thù
truyền kiếp. Ảnh: internet
Cuộc vận động chống tham nhũng của
người đứng đầu đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã làm rối loạn hệ thống chính trị
độc đảng thường rất yên bình, và làm bộc lộ sự hủ bại sâu sắc trong hệ thống
ngân hàng mờ ám. Cuộc thanh trừng nội bộ quan trọng
đã làm rối loạn hệ thống chính trị thường yên bình do đảng cộng sản kiểm soát,
do cuộc chiến quyền lực phe phái chưa có hồi kết, đang diễn ra bằng những hình
thức đầy màu sắc bất thường.
Những tuần gần đây, nhiều doanh
nhân đã bị bắt vì tội tham nhũng, các quan chức trong ngân hàng nhà nước đã bị
bắt, những chính trị gia hàng đầu vắng mặt bất thường, Bộ Chính trị đã bị xáo
trộn và một người lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước đã bị các mật vụ bắt cóc
ngay tại thủ đô Berlin của Đức.
Giới tinh hoa chính trị của Việt
Nam vẫn đang rối loạn từ những quyết định vào tháng 1/2016, khi Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng tại thời điểm đó đã thất bại trong nỗ lực trở thành Tổng Bí thư tiếp
theo, vị trí quyền lực nhất trong hệ thống chính trị cộng sản.
Thay vào đó, Dũng đã bị bỏ phiếu
loại khỏi chức vụ và tổng bí thư đương chức, Nguyễn Phú Trọng, người được nghĩ
là sẽ về hưu vào tuổi 71 lúc đó, đã được sự cho phép đặc biệt để tiếp tục công
việc tại vị trí cao nhất cho nhiệm kỳ 5 năm nữa.
Bây giờ, Trọng đang thanh trừng
nhiều người trong số những người được Dũng bảo hộ để củng cố quyền lực nhằm chuẩn
bị cho đại hội Đảng sắp tới vào năm 2021, tại đó ông hầu như chắc chắn sẽ về
hưu và sẽ bàn giao chức vụ của mình và những vị trí hàng đầu khác cho những đồng
minh mà ông tin tưởng.
Cuộc vận động ngầm đã bắt đầu hồi
tháng 5 khi Đảng bỏ phiếu đưa Đinh La Thăng ra khỏi chức Bí thư Thành ủy Thành
phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam, và trục xuất ông ta ra khỏi vị
trí Ủy viên Bộ chính trị gồm 19 ghế, là cái lõi quyền lực chính trị của chính
quyền cộng sản.
Thăng bị tố cáo đã làm thất thoát
hàng triệu đô la của đất nước khi đang làm Chủ tịch PetroVietnam, một công ty
năng lượng nhà nước. Ông ta cũng được nhìn như là một nhân vật thân cận với cựu
Thủ tướng Dũng.
Vài tháng sau, Thứ trưởng bộ Công
thương Hồ Thị Kim Thoa mất chức vì những tố cáo sai phạm tài chính khi bà lãnh
đạo một tập đoàn năng lượng nhà nước. Những người khác tin rằng bà Thoa bị cách
chức bởi vì bà đã bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần
Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Hồi cuối tháng 7, sau khi trốn khỏi
Việt Nam gần một năm trước, Thanh đã bị bắt cóc bởi mật vụ nhà nước Việt Nam
trên đường phố Berlin, khởi đầu cho một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa hai nước
mà đến giờ này vẫn chưa giải quyết được. Thanh bị tố cáo sai phạm tài chính và
tham nhũng.
Trong bản thông báo vào ngày 2
tháng 9, Thanh tra Chính phủ nói rằng họ đã tìm thấy chứng cứ thiếu trách nhiệm
trong việc giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với sự tuân thủ các quy định cho
vay từ năm 2010 tới năm 2015, đáng chú ý đây là những năm Dũng làm thủ tướng.
Tuyên bố đến vào lúc 51 cựu quan
chức trong ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) của PetroVietnam hầu tòa tại Hà Nội
vì đã làm thất thoát 69 triệu USD. Bản thông báo của thanh tra cũng nói rằng
Ngân hàng Nhà nước đã chậm chạp trong việc báo cáo về bất động sản, tài sản và
thu nhập của các viên chức chính quyền.
Ngày 9 tháng 9, tòa án tại thành
phố Hồ Chí Minh đã tuyên án cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Phạm Công
Danh, và 36 cựu nhân viên, tổng cộng 213 năm tù vì đã biển thủ 400 triệu USD quỹ
của ngân hàng. Phạm Công Danh đã nhận bản án 30 năm tù.
Tường Vũ, giáo sư chính trị học tại
đại học Oregon, nghĩ rằng quan chức ngã ngựa tiếp theo sẽ là Nguyễn Văn Bình, cựu
thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện là ủy viên Bộ Chính trị. Giáo sư Vũ
nói rằng, Bình cũng được biết là một người theo phe của Dũng.
Vị giáo sư này cũng phỏng đoán rằng,
người bị nạn tiềm năng sắp tới có thể là Hoàng Trung Hải, một phó thủ tướng dưới
quyền Dũng, hiện tại đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam.
Các chỉ trích tuyên bố rằng Dũng
đã thăng tiến trong hàng ngũ Đảng nhờ vào mối liên hệ chặt chẽ với số tài sản bất
chính mà ông ta đã dùng để mua chuộc mạng lưới bảo trợ rộng lớn kết nối các
công ty quốc doanh, các quan chức địa phương và các Ủy viên Trung ương. Dũng
chưa bao giờ chính thức bị buộc tội hoặc kết án tham nhũng.
Hơn nữa, nhiều nhà quan sát đã
quy trách nhiệm cho Dũng vì khối nợ công khổng lồ của Việt Nam hiện tại. Trong
nhiệm kỳ của mình, các công ty quốc doanh đã được phép gây ra những khoản thua
lỗ lớn, đôi khi do tham nhũng nhưng thường là do quản trị kém, tất cả những điều
đó ông Dũng được cho là đã bỏ qua vì mối liên hệ của ông với những người điều
hành.
Những mạng lưới bảo trợ đầy quyền
lực đã đủ sức để bảo vệ chính trị cho Dũng. Hồi năm 2012, theo báo cáo, Bộ
Chính trị đã bỏ phiếu để hất ông ra khỏi vị trí Thủ tướng, nhưng thay vì yên lặng
rời khỏi vị trí như truyền thống trong Đảng, ông đã ẩn mình và đã chiến đấu để
đảo ngược tình thế sau đó, cho phép ông hoàn thành nhiệm kỳ thủ tướng thứ 2.
David Brown, một cựu viên chức
ngoại giao Mỹ nói tiếng Việt, đã viết hồi năm ngoái rằng: “Ông [Dũng] đã tận dụng
những món nợ chính trị và đã đảo ngược quyết định của Bộ Chính trị một cách ngoạn
mục trong buổi họp Trung ương Đảng hai tháng sau đó”.
Đã có những giả thiết rằng, Dũng
hứa sẽ về hưu mà không phản đối tại Đại hội Đảng tranh đua nóng bỏng năm 2016,
đổi lại, những người được ông bảo trợ sẽ được thăng tiến trong hàng ngũ Đảng.
Zachary Abuza, giáo sư Trường Hải
chiến Quốc gia (National War College) ở Washington và là một nhà bình luận
chính trị Việt Nam thường xuyên, nói: “Ngay cả khi không còn quyền lực, mạng lưới
bảo trợ đó sẽ tiếp tục cho ông [Dũng] quyền lực và sự ảnh hưởng”.
Nếu đúng, việc thăng tiến của
Thăng rất trùng hợp. Mặc cho việc tương đối thiếu kinh nghiệm của ông trong
chính quyền, năm ngoái, ông đã được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị và là bí thư
thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước. Sau khi Thăng bị
mất chức, vị trí này đã được trao cho Nguyễn Thiện Nhân, được nhìn nhận rộng
rãi là một đảng viên chỉ biết “gọi dạ bảo vâng”.
Carl Thayer, một chuyên gia về Việt
Nam tại đại học South Wales ở Úc, là người thường bác bỏ những tuyên bố cho rằng,
có những tranh chấp quyền lực rõ ràng giữa các phe phái trong đảng cộng sản, cảnh
báo rằng không nên nhìn cuộc chiến đang tiếp diễn chỉ là một cuộc đấu tranh giữa
Trọng và Dũng.
Quan trọng hơn, ông Thayer nói,
đây là một cuộc chiến chưa giải quyết được về việc đảng cộng sản hoạt động như
thế nào. Ở kỳ đại hội vừa qua, chia rẽ rất rõ ràng khi một nhóm các đảng viên
cao cấp liên kết lại để phản đối thủ tướng lúc đó. Nhà cựu ngoại giao Brown nói
về khối này như một liên minh “tất cả trừ Dũng”.
Ông Thayer nói, kể từ đại hội Đảng,
chính quyền đã cố gắng từ bỏ kiểu lãnh đạo cá nhân của Dũng mà nhờ nó ông Dũng
đã củng cố quyền lực lớn bất thường trong văn phòng của ông, và đưa Đảng trở lại
kiểu “lãnh đạo đồng thuận tập thể” truyền thống hơn.
Với nợ công đã lên tới 65% tổng sản
phẩm trong nước và mối lo ngại của các nhà đầu tư ngày càng tăng về sự không
minh bạch của hệ thống tài chính, tấn công sự lãng phí của các công ty quốc
doanh, ngân hàng và giữa các quan chức của Đảng là quyết định chính trị khôn
ngoan.
Do Việt Nam là quốc gia tham
nhũng thứ ba ở Đông Nam Á, theo báo cáo gần đây của tổ chức Minh bạch Quốc tế,
các biện pháp chống tham nhũng được biết đến rộng rãi trong công chúng. Và việc
nhiều người bị truy tố hoặc bị bắt giữ là đồng minh của Dũng là một chiến thắng
kép cho phe đảng của ông Trọng.
Thật vậy, thúc đẩy lại quá trình
tập thể hóa trong Đảng có vẻ là mối quan tâm lớn nhất của Trọng. Đã có những lời
đồn đoán trước đây rằng Trọng sẽ chỉ tại chức nửa nhiệm kỳ, và sẽ về hưu vào
khoảng năm 2019 và chuyển giao quyền lực cho một người kế nhiệm tin cẩn. Nhưng
hiện tại có vẻ ông sẽ hoàn tất cả nhiệm kỳ tới năm 2021.
Một ứng cử viên sáng giá cho chức
vụ tối cao là Đinh Thế Huynh, một người được kính trọng thăng tiến trong hàng
ngũ Đảng, và vào năm 2016 đã trở thành nhà tư tưởng hàng đầu của Đảng. Một vài
nhà quan sát trên thực tế đã cho rằng ông Huynh sẽ trở thành Tổng bí thư của Đảng
ở kỳ đại hội vừa qua.
TBT Nguyễn Phú Trọng (trái) và cựu
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh (phải). Nguồn: AFP PHOTO / Na Son Nguyen
Tuy nhiên, vào tháng Bảy, Huynh
đã bị thay thế vị trí Thường trực Ban Bí thư bởi một ủy viên Bộ chính trị khác,
ông Trần Quốc Vượng. Huynh đã vắng mặt một thời gian trước khi có sự sắp xếp lại,
và được thông báo là đang chữa bệnh mà một vài nhà bình luận cho rằng là ung
thư.
Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra
Trung ương, một cơ quan chống tham nhũng chịu trách nhiệm cho các vụ bắt bớ gần
đây, hiện tại được cho rằng ông ta sẽ là một ứng cử viên chức Tổng Bí thư. Học
giả Abuza đã miêu tả ông Vượng là một “con chó tấn công của ông Trọng”.
Giáo sư Tường Vũ cho rằng một ứng
cử viên khác là Bộ trưởng Bộ quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Bộ trưởng quốc phòng đã
xuất hiện nhiều trước công chúng những tháng vừa qua, nhất là chuyến viếng thăm
cấp cao tới Washington tháng vừa rồi.
Dù điều gì sẽ xảy ra vào năm
2021, có vẻ như ba chức vụ cao nhất – tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch nước –
sẽ về tay các đảng viên ủng hộ chính trị tập thể và tránh né chủ nghĩa cá nhân
gắn với nhiệm kỳ của Dũng và các đồng minh.
Các thủ đoạn chính trị cao cấp diễn
ra vào khoảng thời gian cực kỳ nhạy cảm, với việc gia tăng sức ép của công
chúng về cải thiện quyền con người và thậm chí là kêu gọi dân chủ trong số những
nhà hoạt động xã hội, những người đã trở nên mạnh mẽ hơn trong việc bất đồng
chính kiến, chống lại sự cai trị độc đảng.
Hơn nữa, nền kinh tế đang ở trong
tình trạng nguy hiểm, với các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu chậm trễ vì thiếu vốn
nhà nước và những vấn đề ngày càng nghiêm trọng về sức khỏe của hệ thống ngân
hàng vốn thiếu minh bạch. Một vài chuyên gia tin rằng, tăng trưởng GDP của Việt
Nam sẽ ở dưới mức dự kiến 7%.
Cùng lúc đó, ngày càng đông người
dân có tinh thần dân tộc đòi hỏi chính quyền phải có thái độ cứng rắn hơn với
Trung Quốc. Hà Nội đã bị buộc phải rút lui vào tháng Bảy khi Bắc Kinh đe dọa có
hành động quân sự nếu Việt Nam tiếp tục khoan dầu ở vùng biển tranh chấp ở biển
Đông.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
sau đó đã thất bại trong việc ủng hộ lời kêu gọi của Hà Nội trong việc đáp trả
việc “quân sự hóa” vùng biển của Trung Quốc. Như thế, Trọng không chỉ chiến đấu
để giữ sự ổn định trong Đảng Cộng sản, mà cũng phải bảo đảm cho sự sống còn của
đảng, như là người bảo vệ quốc gia sau năm thập kỷ cai trị độc đoán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét