Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Sự sụp đổ chưa từng có của Venezuela




 


Trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vội vã hôm 16 tháng 7 dưới sự bảo hộ của phe đối lập kiểm soát Quốc hội để phản đối lời kêu gọi thành lập Hội đồng Lập hiến Quốc gia của Tổng thống Nicolás Maduro, hơn 720.000 công dân Venezuela đã bỏ phiếu ở nước ngoài. Trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2013 chỉ có 62.311 người bỏ phiếu như vậy. Bốn ngày trước cuộc trưng cầu dân ý, 2.117 thí sinh đã tham gia cuộc sát hạch giấy phép hành nghề y tế của Chile, trong đó có gần 800 người Venezuela. Và ngày 22 tháng 7, khi biên giới với Colombia được mở lại, 35.000 người Venezuela đã băng qua cây cầu hẹp giữa hai nước để mua thực phẩm và thuốc men.

Người dân Venezuela rõ ràng muốn rời đi – và không khó để biết được lý do tại sao. Truyền thông trên khắp thế giới đã đưa tin về Venezuela, miêu tả những tình cảnh thực sự khốn cùng, với những hình ảnh về sự đói khát, tuyệt vọng, và giận dữ. Trang bìa của tờ The Economist số ngày 29 tháng 7 đã tóm gọn tất cả trong một câu: “Venezuela trong cơn hỗn loạn.”

Nhưng đó chỉ là một cuộc suy thoái thông thường hay còn điều gì khác nghiêm trọng hơn?

Chỉ số được sử dụng thường xuyên nhất để so sánh các cuộc suy thoái là GDP. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP của Venezuela năm 2017 giảm 35% so với năm 2013, hay 40% tính theo đầu người. Đó là sự sụt giảm đáng kể, lớn hơn cả Đại Suy thoái 1929–1933 ở Mỹ, khi GDP của Mỹ ước tính giảm 28%. Nó cũng lớn hơn một chút so với sự sụt giảm tại Nga (1990–1994), Cuba (1989–1993), và Albania (1989–1993), nhưng nhỏ hơn so với các nước Xô viết cũ trong giai đoạn chuyển đổi, như Gruzia, Tajikistan, Azerbaijan, Armenia, và Ukraine, hay các nước chìm trong chiến tranh như Liberia (1993), Lybia (2011), Rwanda (1994), Iran (1981), và gần đây nhất là Nam Sudan.

Nói cách khác, thảm họa kinh tế tại Venezuela lớn hơn bất kỳ thảm họa nào trong lịch sử của Mỹ, Tây Âu, và phần còn lại của Mỹ Latinh. Thế nhưng những con số đó vẫn còn đánh giá khá dè dặt về quy mô của sự sụp đổ, như công trình mà tôi đang tiến hành cùng Miguel Angel Santos, Ricardo Villasmil, Douglas Barrios, Frank Muci, và Jose Ramón Morales tại Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Harvard tiết lộ.

Rõ ràng, sự sụt giảm 40% GDP đầu người là sự kiện hiếm khi xảy ra. Nhưng một vài nhân tố khác đang làm cho tình trạng tại Venezuela ảm đạm hơn. Đầu tiên, dù sự sụt giảm GDP Venezuela (theo giá cố định) từ năm 2013 đến năm 2017 bao gồm sự sụt giảm 17% sản lượng dầu mỏ, nó lại không tính tới mức giảm giá dầu tới 55% trong giai đoạn đó. Xuất khẩu dầu giảm 2.200 USD trên mỗi đầu người từ năm 2012 đến năm 2016, trong đó 1.500 USD là do giảm giá dầu.

Đó là những con số khổng lồ, khi mà thu nhập bình quân đầu người của Venezuela năm 2017 chưa đến 4.000 USD. Nói cách khác, trong khi GDP đầu người giảm 40%, thu nhập quốc gia, bao gồm ảnh hưởng của giá cả, giảm tới 51%.

Các nước thường đề phòng những cú sốc giá âm như vậy bằng cách để dành một khoản tiền lúc thuận lợi và vay mượn hoặc sử dụng những khoản tiết kiệm đó khi gặp khó khăn, để nhập khẩu không cần suy giảm nhiều như xuất khẩu. Nhưng Venezuela đã không thể làm như vậy, bởi vì nước này đã dùng cuộc bùng nổ giá dầu để tăng gấp sáu lần nợ nước ngoài. Sự hoang phí trong lúc thuận lợi đã không để lại nhiều tài sản thanh toán được trong lúc khó khăn, và các thị trường đã không sẵn lòng cho một nước “nợ như chúa Chổm” vay thêm tiền.

Thị trường đã đúng: Venezuela hiện là nước vay nợ nhiều nhất thế giới. Không nước nào có khoản nợ công nước ngoài lớn hơn Venezuela tính theo tỷ lệ GDP hoặc theo tỷ lệ xuất khẩu, hay phải đối mặt khoản tiền lãi lớn hơn nước này tính theo tỷ lệ xuất khẩu.

Tuy nhiên, như Romania thời Nicolae Ceauşescu những năm 1980, chính phủ Venezuela đã quyết định cắt giảm nhập khẩu trong khi vẫn đang phải trả lãi nợ nước ngoài, liên tục làm bất ngờ thị trường, vốn đang mong chờ một sự tái cơ cấu. Hệ quả là nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tính theo đầu người đã giảm 75% trên thực tế (đã điều chỉnh lạm phát) trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016, và giảm sâu hơn nữa trong năm 2017.

Sự sụp đổ đó chỉ có thể so sánh được với Mông Cổ (1988–1992) và Nigeria (1982–1986) và lớn hơn mọi sự sụt giảm nhập khẩu tính trong bốn năm trên toàn thế giới kể từ năm 1960. Trên thực tế, các con số của Venezuela không hề cho thấy có sự giảm nhẹ: sự sụt giảm trong nhập khẩu gần như tương đương với sự sụt giảm trong xuất khẩu.

Xem tại đây:



Hơn nữa, do việc áp đặt hạn chế nhập khẩu của chính quyền đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô và đầu vào trung gian, sự sụp đổ trong nông nghiệp và công nghiệp chế tạo thậm chí còn lớn hơn sự sụp đổ của tổng GDP, cắt giảm thêm gần 1.000 USD bình quân đầu người trong các mặt hàng tiêu dùng sản xuất trong nước.

Các số liệu thống kê khác cũng chứng thực cho bức tranh thảm khốc này. Doanh thu thuế ngoài dầu mỏ đã giảm tới 70% trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016. Và lạm phát gia tăng đã kéo theo sự sụt giảm thực tế 79% trong ngân quỹ của hệ thống ngân hàng trong cùng kỳ. Tính theo tỷ giá thị trường chợ đen, mức giảm lên đến 92%, từ 41 tỷ USD xuống còn 3,3 tỷ USD.

Tất yếu mức sống cũng đã sụp đổ. Mức lương tối thiểu – cũng là thu nhập của người lao động trung bình tại Venezuela do tỷ lệ người có thu nhập tối thiểu lớn – đã giảm 75% (theo giá cố định) từ tháng 5 năm 2012 đến tháng 5 năm 2017. Tính theo đô la Mỹ theo tỷ giá thị trường chợ đen thì mức lương đó đã giảm 88%, từ 295 đô la Mỹ một tháng xuống còn 36 đô la Mỹ.

Tính theo đơn vị calo rẻ nhất có thể, mức lương tối thiểu đã giảm từ 52.854 calo/ngày xuống còn 7.005 calo/ngày trong cùng giai đoạn, tương đương 86,7% và không đủ để nuôi sống một gia đình năm người, giả sử tất cả thu nhập đều dùng để mua thực phẩm đem lại mức calo rẻ nhất. Với mức lương tối thiểu đó, người dân Venezuela không mua được 1/5 lượng thực phẩm mà người Colombia vốn nghèo hơn trước đây có thể mua được với thu nhập tối thiểu của họ.

Tình trạng nghèo về thu nhập đã tăng từ 48% năm 2014 lên 82% năm 2016, theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi ba trường đại học danh giá nhất tại Venezuela. Cũng nghiên cứu này cho thấy 74% người dân Venezuela bị sút cân trung bình 8,6 kg. Cơ quan theo dõi sức khỏe Venezuela báo cáo tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân tăng 10 lần và ở trẻ sơ sinh tăng 100 lần tại các bệnh viện trong năm 2016. 

Thế nhưng chính quyền Tổng thống Nicolás Maduro vẫn liên tục bác bỏ các đề xuất hỗ trợ nhân đạo.
Cuộc tấn công công khai của chính quyền Maduro vào tự do và dân chủ xứng đáng nhận được sự quan tâm lớn hơn từ cộng đồng quốc tế. Tổ chức các nước châu MỹLiên minh Châu Âu đã đưa ra các báo cáo phê phán gay gắt, và Hoa Kỳ gần đây đã ban hành các biện pháp trừng phạt mới.

Nhưng các vấn đề của Venezuela không chỉ là về chính trị. Việc giải quyết thảm họa kinh tế chưa từng có mà chính phủ gây ra cũng sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ đồng bộ từ cộng đồng quốc tế.

 ***

Ricardo Hausmann, cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, là Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Harvard và là Giáo sư Kinh tế học tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard.

 Nguồn: Ricardo Hausmann, “Venezuela’s Unprecedented Collapse,” Project Syndicate, 31/07/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét