Nguyễn
Xuân Phúc đã trở thành thủ tướng đầu tiên của chính quyền cộng sản bày
tỏ nguyện vọng “xin tiền” một cách công khai và đã được báo chí nhà nước
tường thuật cũng công khai.
“Để hỗ trợ các
cơ quan, địa phương có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong thời gian vừa
tốt nghiệp vốn IDA, Thủ tướng đề nghị WB tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho
Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn,
tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay” – đề nghị như vậy được ông Phúc
nêu ra tại buổi tiếp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt
Nam Ousmane Dione chiều 20/9/2017 tại trụ sở Chính phủ.
Trước Nguyễn
Xuân Phúc, đời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhiều lần “xin tiền”,
nhưng bóng gió và kênh kiệu theo lối “kiêu ngạo cộng sản” hơn.
Còn ông Phúc, –
nhân vật đang trở nên quá cám cảnh bởi tư thế phải “đổ vỏ” cho thời thủ
tướng trước, giờ đây rơi vào một vòng xoáy “cơm áo gạo tiền” cho đảng
và chính phủ cầm quyền ở Việt Nam. Đã quá đủ cho vài chục năm vay nợ
nước ngoài, chi xài vô tội vạ và bỏ mặc tham nhũng hoành hành của chính
phủ cùng chính quyền các địa phương Việt Nam, để lại núi nợ công lên đến
ít nhất 210 % GDP.
Chi tiết đáng
chú ý là trong buổi gặp Thủ tướng Phúc, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế
giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione đã không có bất kỳ hứa hẹn hay cam
kết cụ thể nào về những khoản vay không hoàn lại và có hoàn lại. Dù ông
Phúc nói nhiều và không quên ca ngợi “tình bạn của Ngân hàng thế giới
với Việt Nam”, chẳng có bất kỳ con số nào được thốt ra từ miệng Ousmane
Dione.
Tính từ năm
2016 khi Nguyễn Xuân Phúc trở thành thủ tướng đến nay, phía WB đã có một
số lần gặp gỡ với giới quan chức lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam.
Nhưng khác hẳn với thời gian trước, họ trở nên rất kiệm lời, đặc biệt
liên quan đến phát ngôn về con số.
Hình như sau
khi phải chứng kiến cảnh “ăn của dân không chừa thứ gì” ở Việt Nam, mối
quan hệ giữa Ngân hàng thế giới và Hà Nội đã nhòa nhạt đi nhiều
Vào tháng
12/2015, chính Ngân hàng thế giới đã đưa ra một quyết định khiến giới
lãnh đạo Việt Nam rất thất vọng: Dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.
Ngân hàng thế
giới là một trong những chủ nợ lớn nhất của chính phủ Việt Nam: Chiếm
gần 30% nợ vay song phương. Việc chủ nợ này, và sau đó là Quỹ tiền tệ
quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu dừng cho vay ưu đãi đã khiến Việt
Nam phải bắt buộc vay với lãi suất thị trường cao gấp 3 lần và thời gian
ân hạn giảm còn một nửa kể từ tháng Bảy năm 2017.
Thời điểm
“Minsky” về đáo hạn các khoản nợ đang đến gần, rất gần. Bây giờ không
phải là lúc mơ mộng về những cái ghế ở đại hội đảng giữa nhiệm kỳ vào
năm 2018, mà nhiệm vụ khủng khiếp nhất của chính phủ Việt Nam là trả nợ
và dù muốn hay không, bắt buộc phải cải cách thể chế.
Lại nhớ, tại
Diễn Đàn Đối Tác Phát Triển tổ chức ngày 5/12/2015 ở Hà Nội về “kế hoạch
5 năm tới của Chính Phủ Việt Nam”, – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn đều
đều “đọc bài” về mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam:
“Yêu cầu đặt ra cho giai đoạn này là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn 5
năm trước với các trụ cột, trong đó mục tiêu cao nhất là tăng trưởng
kinh tế cao hơn, bền vững hơn phấn đấu đạt mức từ 6,5 đến 7%”.
Nhưng ngay sau
đó, Bà Victoria Kwa Kwa – giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt
Nam – đã tung ra một câu hỏi rất hóc búa với Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam
sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng
trong 5 năm tới?”.
Không có câu trả lời nào từ Nguyễn Tấn Dũng. Có vẻ ông ta chỉ gượng cười.
Chỉ ít ngày sau, Ngân hàng thế giới đã nêu ra một yêu cầu chưa từng có: Yêu cầu chính phủ Việt Nam sớm ban hành Luật Lập Hội.
Yêu cầu trên lại xếp hàng đầu trong bản khuyến nghị 7 điểm của ngân hàng thế giới đối với chính phủ Việt Nam.
“Cần thiết phải
soạn thảo và thực hiện một bộ luật có hiệu lực mạnh về hội và hiệp hội.
Chính điều đó sẽ giúp thực hiện chương trình nghị sự của chính phủ” –
bà Kwa Kwa “gợi ý.”
Nhưng quá khứ
đã chứng tỏ rằng sau bản thông điệp đầu năm 2014 về “nắm chắc ngọn cờ
dân chủ,” “xóa độc quyền” và kể cả “nhà nước kiến tạo phát triển” của
Thủ tướng Dũng, cho đến lúc ông ta nghỉ đã không có bất kỳ nội dung nào
được thực thi, dù chỉ một phần nhỏ.
Còn giờ đây là
“chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động” của Nguyễn Xuân Phúc. Làm
thế nào để ông Phúc vừa “đổ vỏ”, vừa xin được tiền, vừa hướng tương lai
chính trị của ông đến vị thế “nâng lên một tầm cao mới” tại đại hội giữa
nhiệm kỳ của đảng cầm quyền vào năm 2018?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét