Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
Việc ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, ban chỉ thị
“xử lý nghiêm sai phạm” với vụ thuốc giả trị ung thư của công ty VN Pharma được
dư luận cho là “bật đèn xanh” chuẩn bị kỷ luật bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim
Tiến.
Ông Nguyễn Văn Nên, chánh Văn Phòng Trung Ương Ðảng CSVN được
báo Dân Trí hôm 5 Tháng Chín dẫn lời: “Với những vụ việc gây bất bình trong dư
luận như VN Pharma, chỉ thị của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là các cơ quan chức
năng phải vào cuộc điều tra, thanh tra làm rõ, đi đến cùng và xử lý nghiêm sai
phạm.”
“Có xử lý nghiêm minh các vụ việc còn gây bức xúc nhân dân mới
đem lại niềm tin vào sự quyết liệt của đảng, chính phủ trong xử lý các vụ việc
vi phạm,” báo này tường thuật lời ông Nên.
VN Pharma là công ty nhập thuốc H-Capita chữa ung thư được
xác nhận là “giả chứ không phải kém chất lượng như Bộ Y Tế công bố,” báo Người
Lao Ðộng ngày 1 Tháng Chín cho hay.
Ông Nguyễn Minh Hùng, cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị, tổng
giám đốc công ty VN Pharma vừa bị tuyên án 12 năm tù giam.
Vụ việc còn khiến công luận quan tâm về vai trò của bà Nguyễn
Thị Kim Tiến và người em chồng của bà, nhân vật được truyền thông ghi nhận là cựu
lãnh đạo tại VN Pharma.
Trả lời báo Pháp Luật trước đó, Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị
Kim Tiến nói gia đình bà “không có ai tham gia VN Pharma,” trong khi cựu chủ tịch
công ty này xác nhận người em chồng của bà Tiến là cựu phó tổng giám đốc ở đó,
truyền thông Việt Nam tường thuật.
Trong bài phỏng vấn ông Hùng đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm 31
Tháng Tám, người này xác nhận ông Hoàng Quốc Dũng, người em chồng của bà Tiến,
“từng làm phó tổng giám đốc phụ trách về xây dựng đầu tư tại VN Pharma, hình
như là năm 2013 hay 2014,” ông Hùng nói.
Tuy làm đến chức phó tổng giám đốc nhưng ông Dũng “không có
quyết định bổ nhiệm” và “do chưa có xây dựng gì hết nên đâu có làm gì đâu, ngồi
văn phòng vậy thôi,” Tuổi Trẻ dẫn lời ông Hùng.
Hôm 1 Tháng Chín, luật gia Nguyễn Ðình Hà nói với Người Việt
từ Hà Nội: “Trong cơ chế chính trị, kiểm duyệt thông tin như tại Việt Nam,
không bỗng dưng mà thông tin về bà Kim Tiến – một bộ trưởng trong chính phủ bị
mổ xẻ, đưa tràn lan như vậy.”
“Ðiều này không phải là minh chứng cho công cuộc chống tham
nhũng của Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, mà có thể là biểu hiện của một
cuộc đấu đá bên trong đảng.”
“Vụ việc của công ty VN Pharma không phải bây giờ mới có, mà
đã có từ năm 2014. Nhưng đến bây giờ, chuyện trong công ty này có em chồng của
bà Tiến bị khui ra, chính là minh chứng rõ ràng.”
“Kết cục câu chuyện này, có thể bà Kim Tiến sẽ bị “ngã ngựa
giữa đường” – một chuyện chưa có tiền lệ ở Việt Nam.”
Tuy vậy, khả năng và mức độ xử lý kỷ luật bà Kim Tiến đến
đâu hiện vẫn còn là một ẩn số.
Báo Người Lao Ðộng cho hay, hôm 6 Tháng Chín, Luật Phòng Chống
Tham Nhũng (sửa đổi) đã được Ủy Ban Tư Pháp cho ý kiến thẩm tra nhưng “vẫn
không xem em chồng là “người thân.”
“Dự thảo Luật Phòng Chống Tham Nhũng (sửa đổi) không quy định
xem em chồng là “người thân” mà mở rộng sang các đối tượng: Bố nuôi, mẹ nuôi,
con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu,
em dâu,” báo này tường thuật.
“Như vậy theo quy định của dự luật nêu trên, trường hợp em
chồng của bà Kim Tiến không vi phạm quy định của Luật Phòng Chống Tham Nhũng.”
Trước đó, Thứ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Việt Tiến được truyền
thông ‘lề phải’ dẫn lời: “Về việc em chồng của Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ
trưởng “không nói” chứ không phải nói “không có,” hai việc này khác nhau. Bên cạnh
đó, luật chỉ quy định cha, mẹ, vợ, chồng, con không được làm chứ không nhắc đến
em chồng. Bộ trưởng cũng không báo cáo gì trong Ban Cán Sự Ðảng.”
Nghĩa là theo cách diễn giải “đúng quy trình,” do em chồng
không được xem là “người nhà,” “không thuộc đối tượng bị cấm” nên bà Tiến có thể
được kết luận là “không có sai phạm” trong vụ này.
Thời điểm cuối Tháng Tám, khi vụ thuốc giả đang là tâm điểm
dư luận, trên mạng xã hội xuất hiện lời đồn đại bà Tiến làm đơn xin từ chức bên
cạnh những lời kêu gọi bà từ chức.
Sau đó, Bộ Y Tế phát đi thông cáo cho hay: “Bộ Y Tế sẽ đề
nghị xử lý nghiêm khắc các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, vô căn cứ
làm ảnh hưởng uy tín của ngành y tế và bộ trưởng Y Tế.”
Thực tế, đến nay gần như chưa có vụ bê bối nào dính líu đến
quan chức ở cấp bộ trưởng trở lên ở Việt Nam được “làm rõ mọi góc khuất” mà
công luận chỉ thấy những trường hợp “giơ cao đánh khẽ.”
Trước vụ VN Pharma, từ năm 2013, bà Kim Tiến từng bị chỉ
trích trong các vụ gây căn phẫn trong dư luận như bệnh nhân phong bị ăn bớt thuốc
điều trị và bị “ép” ăn thịt sống; Trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc xin; Nhân bản
xét nghiệm ở bệnh viện đa khoa huyện Hoài Ðức; Sản phụ liên tục tử vong; Nhân
viên y tế bị “tố” ăn bớt vắc xin; Vụ tráo thủy tinh thể tại bệnh viện Mắt; Bác
sĩ thẩm mỹ ném xác bệnh nhân…
Luật Sư Nguyễn Tấn Thi viết trên Facebook: “Tôi yêu cầu ông
Nguyễn Phú Trọng cách chức bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Nếu không tôi sẽ gọi ông là
thấy giàu là trọng (như tên của ông) và khiếp sợ trước vàng bạc (Kim Tiến = Kim
Tiền = Vàng và Tiền).”
Nhà báo Huy Ðức bình luận về vụ việc trên mạng xã hội: “Ủy
Ban Thường Vụ Quốc Hội nên lập một ủy ban điều tra độc lập, làm rõ điều đó và
tìm thêm những dấu hiệu liệu VN Pharma có phải là ‘sân sau’ của bà Bộ Trưởng
Nguyễn Thị Kim Tiến hay không.”
“Là bộ trưởng, bà Tiến không chỉ phải đối diện với các cáo
buộc pháp lý mà còn phải đối diện với các áp lực chính trị. Ủy Ban Thường Vụ Quốc
Hội và Ủy Ban Các Vấn Ðề Xã Hội nên tổ chức sớm phiên điều trần để nghe báo cáo
của ủy ban điều tra này và quyết định có đưa bà Tiến ra Quốc Hội bỏ phiếu bất
tín nhiệm.”
“Vụ VN Pharma cũng cho thấy cần phải bổ sung rất nhiều điều
kiện nhằm tránh tối đa khả năng xung đột lợi ích. Ví dụ: Phải cấm bổ nhiệm một
người giữ các trọng trách hay đứng đầu một ngành mà trong đó, cả khu vực công lẫn
khu vực tư, ‘nhung nhúc’ thân bằng, quyến thuộc.” (T.K.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét