Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

13363 - Bóng ma suy thoái kinh tế Mỹ đe dọa khả năng TT Trump tái đắc cử



                     Thị trưởng chứng khoán Wall Street, New-York.© RFI/Ariane Gaffuri

Ngày 14/08/2019, thị trường tài chính thế giới chao đảo sau thông tin về lãi suất tín dụng 2 năm vượt lãi suất tín dụng 10 năm, dấu hiệu được cho là gần như báo trước kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Bóng ma suy thoái kinh tế liệu có đe dọa tổng thống Donald Trump trong tham vọng tái đắc cử vào Nhà trắng năm tới 2020 
Vì sao việc lãi suất tín dụng 2 năm vượt lãi suất tín dụng 10 năm gây lo sợ ?
Ngày 14/08/2019, vào lúc 11 giờ 40 phút giờ quốc tế, lãi suất tín dụng 10 năm của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sụt xuống dưới mức 1,62%, thấp hơn lãi suất tín dụng 2 năm. Lần đầu tiên kể từ năm 2007. Cho dù thời gian đảo chiều không kéo dài, nhưng ngay lập tức đã gây ra nhiều phản ứng rất tiêu cực về phía thị trường (chỉ sổ Dow Jones rớt giá 3% trong ngày, mức sụt giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay). Đa số chuyên gia kinh tế nhìn thấy trong sự thay đổi khác thường này dấu hiệu chắc chắn cho thấy một thời kỳ kinh tế suy thoái đang đến.
Tại sao các chuyên gia lo ngại ? Khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường thường chờ đợi các đầu tư dài hạn, do rủi ro cao hơn, sẽ được nhiều ưu đãi hơn. Cụ thể là, nếu kinh tế phát triển ổn định thì lãi suất cho vay dài hạn sẽ phải cao hơn lãi suất ngắn hạn để bù cho các rủi ro về lạm phát hay các biến động khó lường khác. Ngành ngân hàng sẽ chịu tác động rất lớn khi lãi suất của tín dụng ngắn hạn được đẩy cao hơn các công cụ nợ dài hạn. Nếu lãi suất đầu ra không đủ bù lãi suất đầu vào, ngân hàng sẽ không thể hoạt động bình thường.
Trong lịch sử kinh tế Mỹ, từ hơn nửa thế kỷ qua, mỗi khi lãi suất 10 năm xuống thấp hơn lãi suất 2 năm, thì một thời gian sau (khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng) kinh tế nước này sẽ lâm vào suy thoái. Cụ thể là dấu hiệu nói trên đã báo trước cuộc suy thoái kinh tế 2009, diễn ra tiếp theo việc bong bóng bất động sản tan vỡ, do tình trạng bùng nổ các khoản cho vay dễ dãi. Cuộc khủng hoảng 2001, với sự tan vỡ của bong bóng internet, cũng tương tự.
Theo một phỏng vấn của Hiệp hội kinh tế gia Mỹ National Association for Business Economists (NABE), công bố hôm 19/08, được AFP dẫn lại, 38% trong số 226 chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái ngay vào sang năm 2020, 34% dự đoán vào năm 2021, 14% cho rằng chậm hơn. Có nghĩa là 82% nhận định sớm hay muộn kinh tế Mỹ cũng sẽ suy thoái (số người tin suy thoái bắt đầu ngay từ năm nay chỉ có 2%) (1).
Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cũng mới đây – dựa trên một mô hình tính toán khác - đưa ra con số dự báo, xác suất 33% kinh tế Mỹ suy thoái trong vòng 12 tháng tới, xác suất cao nhất kể từ năm 2009. Công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s cũng đưa ra con số xác xuất từ 30 đến 33%.
Những dấu hiệu nào khác gây lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế ?
Về phía nước Mỹ, dấu hiệu đáng lo ngại là lĩnh vực công nghiệp chế biến quý thứ hai chững hẳn lại. Tháng 7/2019 so với cùng kỳ năm ngoái, công nghiệp chế biến Mỹ sụt giảm 0,4%, sản xuất công nghiệp sụt 0,2%. Các lĩnh vực suy yếu nhất là sản phẩm gỗ, máy móc, dệt may, in ấn, đồ nhựa. Theo kinh tế gia của Capital Economics, xu thế này sẽ tiếp tục trong quý ba. Chiến tranh thuế với Trung Quốc, với việc tăng giá nhập khẩu đối với các mặt hàng đại chúng như điện thoại, đồ chơi, có thể là một nhân tố khiến hàng hóa tăng từ nay đến của năm, khiến sức mua sụt giảm cũng là một dấu hiệu khác. Hôm 13/08, dường như cảm thấy nguy cơ đến gần, tổng thống Mỹ đã bất ngờ quyết định triển hạn (thêm 100 ngày) việc tăng thuế bổ sung đối với khoảng 300 tỉ đô la hàng Trung Quốc nhập khẩu, vốn dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 9 tới. Quyết định này ắt hẳn là để đối phó với nguy cơ nói trên. Theo chuyên gia Marc Zandy, văn phòng Analytics của công ty thẩm định tài chính Moody, nếu tổng thống Trump quyết định tăng thuế nhập khẩu như đe dọa, thì xác suất suy thoái kinh tế Mỹ từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tăng lên mức 50%.
Theo các kinh tế gia, một dấu hiệu còn đáng sợ hơn đối với nền kinh tế Mỹ trong hiện tại là các nền kinh tế Đức và Anh đồng loạt rơi vào suy thoái. GDP của Đức – nền kinh tế hàng đầu của châu Âu và thứ tư thế giới – trong quý hai sụt 0,1% so với quý một. Kinh tế Anh cũng sụt 0,2% trong quý hai. Viễn cảnh Brexit không thỏa thuận gây tổn hại nghiêm trọng cho kinh tế Anh và Liên Hiệp Châu Âu càng khiến viễn cảnh tương lai u ám hơn. Ba nền kinh tế khác trong nhóm G20 cũng có nguy cơ suy thoái là Ý, Brazil và Mêhicô. Tỉ lệ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua cũng xuống mức thấp nhất từ 17 năm nay.
Bóng ma kinh tế suy thoái ảnh hưởng ra sao đến khả năng tái đắc cử của Donald Trump ?
Cho đến những tuần gần đây, ông Donald Trump vẫn được coi là người ở thế thượng phong, có nhiều khả năng tái đắc cử. Giới quan sát đều có chung một nhận định là tổng thống Mỹ được đa số cử tri ủng hộ trong lĩnh vực kinh tế, với tỉ lệ 53% tin tưởng (ba phần tư thăm dù dư luận của CNN cho kết quả này), trong khi chỉ có 44% người Mỹ tin tưởng ở Donald Trump trong các lĩnh vực khác.
Suy thoái kinh tế thường là nguyên nhân chính dẫn đến việc một tổng thống Mỹ không thể tái đắc cử. Không kể việc suy thoái kinh tế khiến tỉ lệ ủng hộ của dân chúng tại Mỹ đảo chiều, từ Cộng Hòa chuyển sang Dân Chủ và ngược lại, có ít nhất ba tổng thống không thể tái đắc cử do suy thoái. Tổng thống Cộng Hòa Herbert Hoover thất cử năm 1932, tổng thống Dân Chủ Jimmy Carter năm 1981, cho dù kinh tế chỉ suy thoái trong bảy tháng và gần đây nhất là tổng thống Bush cha đảng Cộng Hòa, năm 1990. Báo Washington Post nhắc lại là, kể từ Nội chiến đến nay, chỉ có duy nhất tổng thống William McKinley là đắc cử, sau nhiệm kỳ đầu tiên với hai năm suy thoái kinh tế.
Cho dù trong hiện tại, tổng thống Trump liên tục nhấn mạnh là kinh tế Mỹ đang trong trạng thái khỏe mạnh, Nhà trắng dường như đang chuẩn bị hàng loạt biện pháp để đối phó với nguy cơ suy thoái. Ngoài việc chấm dứt tăng thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Washington có thể đang xem xét giảm thuế thu nhập để kích thức sức mua của dân chúng, theo The Washington Post.
Nhiều chuyên gia kinh tế ghi nhận là việc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ can thiệp vào lãi suất chỉ đạo, lần đầu tiên từ 11 năm nay, hồi cuối tháng 7/2019, có thể là một biện pháp cho phép làm chậm lại thời điểm suy thoái.
Về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong thời gian trước mắt ra sao ?
Nếu như viễn cảnh suy thoái trong vòng 12 tháng là điều ngày càng được đông đảo chuyên gia cảnh báo, trong quý tới kinh tế Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức 1,9%, theo dự đoán của một ngân hàng khu vực Hoa Kỳ. Động lực chính của nền kinh tế Mỹ là tiêu thụ trong nước, chiếm đến 75% tăng trưởng GDP, trong đó hơn một nửa là tiêu thụ dịch vụ và chỉ có hơn một phần tư là tiêu thụ hàng hóa bán lẻ. Kinh tế gia trưởng của Oxford economics, ông Gregory Daco, nhận định là nhìn chung niềm tin vững chắc của người tiêu thụ Mỹ, tình trạng việc làm tiếp tục phát triển mạnh, lạm phát thấp và lương bổng tiếp tục tăng sẽ khiến cho tiêu thụ không sụt giảm trong quý ba này. Trên thực tế, niềm tin của người tiêu thụ Mỹ không hẳn đã ổn định, nếu căn cứ theo kết quả điều tra của Đại học Michigan, công bố hôm 16/08, được AFP dẫn lại, chỉ số niềm tin sụt xuống mức 92 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, sụt 4% so với năm ngoái.
Ghi chú :
1 - Dù sao một số chuyên gia cũng nhìn nhận dấu hiệu này một cách dè dặt hơn. Theo cựu thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ Janet Yellen (từ năm 2014 đến 2018), tình trạng « lãi suất đảo ngược » như trên vẫn là một dấu hiệu suy thoái, nhưng « ít đáng tin hơn trong quá khứ ». Theo bà, có thể có một số nhân tố khác dẫn đến việc lãi suất cho vay dài hạn sụt giảm mạnh. Theo nhiều nhà quan sát, tình trạng lãi suất cho vay dài hạn xuống đến mức âm tại các thị trường châu Âu và Nhật Bản, với tổng số ước tính khoảng 16.000 tỉ đô la, có thể khiến các nhà đầu tư ồn ạt đổ tiền vào Mỹ, một trong những khu vực hiếm hoi trên thế giới lãi suất tín dụng được coi là cao và ổn định, và đây là nguyên nhân kéo lãi suất dài hạn tại Mỹ xuống (theo Les Echos 31/07/2019).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét