Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Áp lực mới khiến Nhật Bản tăng cường quân sự

Nhật Linh (gt)



Trong bối cảnh có tin cho biết Bắc Kinh và Moskva đang đóng vai trò "hạ nhiệt" căng thẳng với Triều Tiên, những động thái của lực lượng không quân Trung Quốc và Nga xung quanh Nhật Bản dường như đang làm gia tăng áp lực, buộc Tokyo phải tăng chi tiêu quốc phòng.


 Shinzo Abe.jpg
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc đang thăm dò hệ thống phòng không của Nhật Bản ở một mức độ chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ qua, buộc các máy bay của Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản (JASDF) phải liên tục có các cuộc cất cánh bất thường để đáp trả. Ví dụ, trong tuần cuối cùng của tháng 8/2017, 6 máy bay ném bom H6 của Trung Quốc lần đầu tiên đã bay sát không phận của Nhật Bản giữa các đảo Okinawa và Miyako từ phía Biển Hoa Đông, vòng quanh Nhật Bản từ phía Nam và phía Đông. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các máy bay này sau đó đã bay về theo đường bay cũ và tuyến đường này sẽ còn được dùng để thực hiện nhiều chuyến bay nữa. Trong cuộc họp báo ngày 25/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết mặc dù không phận Nhật Bản không bị xâm phạm, song JASDF đã phải cho các máy bay chiến đấu cất cánh để theo dấu các máy bay Trung Quốc và sau đó chất vấn Trung Quốc về mục đích của các máy bay này.

Gần như đồng thời, một nhóm máy bay ném bom của Nga, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Tupolev-95 MS, được hộ tống bởi máy bay chiến đấu Nga Sukhoi-35S và các máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm A-50, cũng đã bay từ Biển Thái Bình Dương qua Biển Nhật Bản, Biển Hoàng Hải và Biển Hoa Đông. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải cho các máy bay chiến đấu cất cánh để giám sát máy bay Nga. Hai phi vụ máy bay ném bom này tưởng chừng không liên quan gì với nhau, xảy ra vào thời điểm đang diễn ra cuộc tập trận Mỹ-Hàn, là một phần trong các hành động phô trương sức mạnh không quân của Trung Quốc và Nga, vốn đang ngày càng gia tăng ở khu vực.

Tính đến tháng 3/2017, Nhật Bản đã ghi nhận có hơn 850 sự việc tương tự trong thời gian 1 năm khiến các máy bay chiến đấu F-15J của nước này phải cất cánh bất thường. Các máy bay chiến đấu của JASDF đã có 594 lượt cất cánh kể từ tháng 4-10/2016, tăng 73% so với con số 343 vào năm 2015. Đa phần các vụ cất cánh này - 407 vụ - là để phòng ngừa các máy bay quân sự của Trung Quốc. Theo các thống kê mà Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố hồi tháng 7/2017, số lượt ngăn chặn có liên quan tới máy bay Trung Quốc đã giảm xuống 101 vụ từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay so với 199 vụ cùng kỳ năm 2016.

Trong khi các vụ ngăn chặn máy bay Trung Quốc giảm thì các vụ cất cánh của máy bay JASDF liên quan tới máy bay Nga lại tăng hơn 1/3 trong năm nay, lên tới 125 vụ. Mặc dù có hiện tượng này, song giới phân tích quân sự không thấy bằng chứng cho thấy có sự phối hợp cố ý giữa không quân Nga và Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc Á. Theo ông Paul Schwartz, chuyên gia Nga về chiến lược và hoạt động quân sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, “một thỏa thuận phòng không Nga-Trung không phải là cái mà hai bên có khả năng thống nhất với nhau. Nga và Trung Quốc không phải là các đồng minh đúng nghĩa”.

Nga và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận phòng vệ tên lửa chung vào năm 2016 - một cuộc tập trận trên sa bàn được tổ chức ở Moskva - sau khi Mỹ công bố việc triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Một cuộc tập trận thứ 2 tương tự vào năm 2017 chưa được thực hiện. Lực lượng không quân Nga và Trung Quốc có thể được cho là chia sẻ thông tin tình báo với nhau, ngoài ra chẳng có nhiều thứ khác để họ hỗ trợ nhau. Ông Schwartz nói: “Ví dụ, trong trường hợp có xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, Nga có thể sẽ sẵn sàng cung cấp lại các phụ tùng thay thế cho các thiết bị quân sự trước đây đã chuyển giao cho Trung Quốc, trong đó có các máy bay. Tuy nhiên, nước này sẽ còn tùy thuộc theo hoàn cảnh. Sử dụng hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu chắc chắn là để Nga có thể can dự vào các mục tiêu trên không ở các khu vực này. Song đó không phải là một quyết định mà Nga có thể dễ dàng đưa ra một cách không cân nhắc”.

Richard Weitz, giám đốc phụ trách phân tích chính trị-quân sự thuộc Viện Hudson, cũng chia sẻ quan điểm này khi nói: “Lực lượng vũ trang Trung Quốc và Nga không diễn tập các chiến dịch quân sự hội nhập ở cùng cấp độ, ví dụ như các chiến dịch quân sự của Mỹ với các đồng minh NATO hay với Hàn Quốc và Nhật Bản”. Tuy nhiên, báo cáo hồi tháng 3/2017 của Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung có tiêu đề “Quan hệ quân sự Trung-Nga: tiến tới cấp độ hợp tác cao hơn” đã kết luận rằng: “Khi Trung Quốc và Nga ngày càng có chung các lợi ích chồng lấn nhau và duy trì sự chống đối chung đối với sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, hai nước này dường như chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng sâu sắc các quan hệ quân sự trong các năm tới. Cụ thể, việc Nga bán vũ khí cho Trung Quốc và sự hợp tác kỹ thuật quân sự có thể sẽ gây hậu quả quan trọng cho Mỹ, thách thức sức mạnh trên không vượt trội của Mỹ và gây ra nhiều vấn đề cho Mỹ, đồng minh và các đối tác ở khu vực”.

Sự hiện diện ngày càng tăng của các máy bay quân sự Nga ở quanh khu vực Nhật Bản là bằng chứng cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chứng tỏ rằng những lợi ích dài hạn của Moskva ở vùng Viễn Đông không hề bị coi nhẹ. Khi Trung Quốc và Nga tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự ở các vùng trời xung quanh Nhật Bản, điều đó có thể chỉ càng khiến Tokyo hướng tới con đường tiếp tục quân sự hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét