Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Điểm sáng, im lặng, yếu ớt và dâu hỏi

Quân đội Trung Quốc rầm rộ tập trận ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, ngoài vùng biển Đà Nẵng đã gây ra sự phẫn nộ lớn trong lòng hàng triệu người dân. Trong khi đó, không có một nhà lãnh đạo Việt Nam nào xuất hiện để phản đối các cuộc tập trận ngang ngược này, còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ nhẹ nhàng “bày tỏ quan ngại sâu sắc”, và đại tướng chủ tịch nước trao quyết định thăng quân hàm cho một số tướng lĩnh.

Theo website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), nước này tiến hành diễn tập quân sự từ 7 giờ ngày 29.8 đến 7 giờ ngày 4.9 tại khu vực nối liền bởi 4 địa điểm có tọa độ: 17o15’ vĩ bắc/109o40’ kinh đông, 17o15’ vĩ bắc/110o40’ kinh đông, 16o20’ vĩ bắc/110o40’ kinh đông và 16o20’ vĩ bắc/109o40’ kinh đông. Ít nhất một phần khu vực có diện tích tương đương 11.000 km2 này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Chưa hết, Trung Quốc còn thông báo tiến hành 3 cuộc tập trận bắn đạn thật phi pháp trong các ngày 31.8, 1.9 và 2.9, lần lượt nằm gần các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Hoàng Sa trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Một điểm sáng truyền thông

Phản ứng yếu ớt là điều dễ nhận thấy ở cấp nhà nước và truyền thông nhà nước trước việc quân đội Trung Quốc tập trận trên biển Đông. Báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam- những cơ quan truyền thông công cụ của chính quyền thậm chí không đưa tin về chuỗi sự kiện tồi tệ này. Báo Tuổi Trẻ, một tờ báo khá dũng cảm, cũng không hề có bài bình luận. Nhưng, trong đám đông im lặng, vẫn có một tờ báo hiên ngang thực hiện chức phận truyền thông. Đó là báo Thanh Niên.

Vào sáng ngày 01-9, Thanh Niên online có bài “Trung Quốc tập trận rầm rộ ở biển Đông” với các thông tin khá chi tiết kèm theo lược đồ của cuộc tập trận, tiếp đó, vào lúc 6 giờ ngày 02-9, Thanh Niên online lại cho đăng tải bài viết nặng ký có tên “Trung Quốc tiếp tục xâm phạm luật pháp quốc tế” phỏng vấn Tiến sĩ Trần Thăng Long thuộc Trường Đại học Luật TP.HCM về một số nhận định và cảnh báo về những hành động phi pháp nói trên của Trung Quốc:
Dấu hỏi về một động thái

Cũng như ba nhà lãnh đạo cao cấp khác của Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Trần Đại Quang đã không bày tỏ chính kiến của mình trước chuỗi tập trận rầm rộ của quân đội Trung Quốc trên biển đông. Ông đã làm gì? Thông tấn xã Việt Nam cho biết, chiều ngày 01-9, tại phủ chủ tịch, ông Quang đã trao quyết định thăng hàm thượng tướng cho hai trung tướng, và hàm trung tướng cho một thiếu tướng. Theo TTXVN, ông Quang nói với các tướng lĩnh có mặt:"Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay đang đứng trước tiền đồ hết sức vẻ vang, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, khó lường. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình," chống phá cách mạng với những thủ đoạn ngày càng thâm độc, xảo quyệt hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.

Cũng theo TTXVN, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh mong muốn: “Các đồng chí được thăng quân hàm cấp Thượng tướng, Trung tướng phải tích cực nghiên cứu chiến lược, chiến thuật, chú trọng đổi mới tư duy, phương pháp công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý; cùng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất để mãi xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng." -Nguồn TTXVN, bản tin lúc 01/09/2017 17:52:1.

 (http://vnanet.vn/webdichvu/vi-VN/LienKetAnh/195649.aspx?news=egnE0/Nh+Go=).

Tại sao các nhà lãnh đạo Việt Nam không phản đối các cuộc tập trận của Trung Quốc trên biển Đông? Thời điểm diễn ra lễ phong tướng trùng hợp ngẫu nhiên với thời điểm các cuộc tập trận của Trung Quốc hay là một thời điểm được lựa chọn cẩn thận và có tính toán? Phong tướng để làm gì khi quân đội không bảo vệ được chủ quyền của đất nước, không bảo vệ được các ngư dân trên biển?...Đó là những câu hỏi đang được cộng đồng mạng gay gắt đặt ra. Không có ai trả lời thỏa đáng các câu hỏi đó cả. Có chăng, chỉ là những câu trả lời mai mỉa giành cho những phản ứng yếu ớt của một chính quyền yếu ớt và bế tắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét