Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình đòi chính phủ Việt Nam bồi thường
1,25 tỷ USD. RFA
Truyền thông mạng những ngày qua hồ hởi nhận định ông Trịnh
Vĩnh Bình thắng trong vụ kiện đòi chính quyền Việt Nam bồi thường khoản tiền
lên đến 1.25 tỷ USD.Vụ kiện được cho là “thế kỷ” này có thật sự kết thúc chưa?
Chính phủ Việt Nam cần phải làm gì hoặc rút ra bài học gì?
Thủ tục của vụ kiện đúng luật
Trước khi phiên toà diễn ra, khi còn được tiếp xúc với truyền
thông một cách đúng luật, ông Trịnh Vĩnh Bình từng bày tỏ với RFA rằng ông tự
tin sẽ thắng kiện trong vụ tái khởi kiện lần thứ hai này vì ông đã thực hiện
đúng Hiệp thương giữa Hà Lan và Việt Nam. Ông cho biết là một doanh nhân sống và
làm việc lâu năm ở Hà Lan, ông rất tôn trọng và giữ đúng những vấn đề liên quan
đến luật lệ, khai thuế…
RFA đặt vấn đề về niềm tin thắng kiện của doanh nhân Trịnh
Vĩnh Bình với Giáo sư Tạ Văn Tài, nguyên giảng viên luật trường Đại học
Harvard, ông cho biết chính khi vụ kiện diễn ra, ông cũng cho rằng “khả năng thắng
kiện là có.”
“Đúng thế. Cái thế mạnh về thủ tục của ông Trịnh Vĩnh Bình
là ổng đã đầu tư dựa vào Hiệp định Thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Hà Lan.
Hiệp định này chắc chắn đã qui định rằng nếu có tranh chấp thì đưa ra Toà Trọng
tài Quốc tế. Ông ấy đi theo đúng hiệp định
đó mà làm vụ kiện nên có những đường đi chắc chắn về thủ tục”.
Vào đầu những năm 1990, ông Trịnh Vĩnh Bình từ Hà Lan về Việt
Nam đầu tư vào một số dự án ở Sài Gòn và một số tỉnh phía Nam.
Bộ sưu tập xe của ông Trịnh Vĩnh Bình RFA
Cho đến năm 1998, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bắt ông Trịnh Vĩnh
Bình với cáo buộc đưa hối lộ và vi phạm các qui định về quản lý- bảo vệ đất
đai. Ông bị tuyên án 11 năm tù sau đó và tòa buộc ông Trịnh Vĩnh Bình phải đóng
tiền phạt và tịch thu toàn bộ tài sản của ông ở Việt Nam.
Vào năm 2000, ông vượt thoát khỏi Việt Nam trở về lại Hà
Lan.
Năm 2003, ông Trịnh Vĩnh Bình khởi kiện nhà nước Việt Nam tại
Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại ở Stockholm, Thụy Điển, đòi bồi thường trên 150
triệu đô la.
Tuy nhiên vào năm 2006, tại Singapore Việt Nam thương lượng
với ông này ngưng vụ kiện và cam kết trả lại tài sản cũng như tạo điều kiện để
ông Trịnh Vĩnh Bình trở lại đầu tư ở Việt Nam…
Thời điểm này, theo lời của Giáo sư Tạ Văn Tài, phía chính
phủ Việt Nam, mà điển hình là một vài lãnh đạo cao cấp lúc đó cũng đã công nhận
rằng cần phải trả lại số tài sản của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình.
“Tức là ổng có một phần cái chính nghĩa mà chính Việt Nam hồi
đó công nhận do lời khuyến cáo của các Thủ tướng Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt, Nguyễn
Thị Bình chống lại các cường hào ác bá địa phương. Nhưng sau 7 năm không thấy
thực hiện cái thoả ước ký tại Singapore nên ổng mới kiện lại.”
Trong một lần trả lời RFA những vấn đề liên quan đến vụ kiện,
Giáo sư Nguyễn Vi Khải - thành viên Ban nghiên cứu, cố vấn Thủ tướng Phan Văn
Khải khi đó, hiện là Viện phó Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS) cho
biết.
“Thủ tướng có văn bản gửi xuống cho các ngành an ninh, Bộ
trưởng công an lúc đó là ông Lê Minh Hương, để xem xét sự việc và tìm nguyên
nhân giải quyết theo luật pháp. Khoảng hai lần Thủ tướng yêu cầu Bộ Công An giải
trình.”
Tuy nhiên những cam kết không được phía Việt Nam thực hiện
nên đến năm 2014, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định kiện Việt Nam lại lần nữa. Và
lần này ông thuê Hãng luật Hoa Kỳ King & Spalding LLP cãi cho ông.
‘Chưa thể nói là thắng kiện’
Hôm 27 tháng 8, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh và video của
ông Trịnh Vĩnh Bình bước ra khỏi trụ sở Tòa Trọng Tài Quốc Tế, tại 112, đường
Kleber, Quận XVI, Paris với gương mặt rạng rỡ và hai tay đưa cao dấu hiệu chiến
thắng. “Vụ án thế kỷ” được nhiều người nhận định phần thắng nghiêng về phía
doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình.
Tuy nhiên, Giáo sư luật Tạ Văn Tài không nghĩ như thế. Ông
có cách phân tích dựa theo cơ sở luật pháp của Toà Trọng tài Quốc tế.
“Đồng bào ở hải ngoại suy đoán mà thôi rằng chiến thắng rồi
thì tôi nghĩ là hơi vội vàng, vì có thể ông ấy đang hào hứng giơ tay thôi. Mà
theo thủ tục trọng tài thì hai bên không được nói gì để còn đi đến thoả hiệp.
Trọng tài nghĩa là họ đâu có xử án theo kiểu toà án, mà họ
nghe 1 bên xong rồi họ nghe bên kia, nhiều khi là mỗi người 1 phòng, rồi họ tìm
cách họ hoà giải.
Nếu không hoà giải được lúc ấy họ mới đưa ra một bản án trọng
tài.
Thế thì tôi nghĩ rằng nó chưa xong đâu, vì theo nguồn tin
tôi biết, các bên còn phải nộp hồ sơ thêm. Mà nộp hồ sơ thêm nghĩa là chưa có bản
án.”
Về phía chính phủ Việt Nam, cho đến chiều ngày 30 tháng 8, tại
buổi họp báo chính phủ thường niên, Việt Nam lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận về
vụ kiện.
Bộ Trưởng-Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, Phó Thủ tướng Mai
Tiến Dũng, trả lời Báo Tuổi Trẻ trong nước rằng Việt Nam đang chờ phán quyết của
Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở Paris về vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, một công dân Hà Lan gốc
Việt, kiện chính phủ Hà Nội đòi bồi thường 1 tỷ 250 triệu đô la.
"Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là tạo môi trường
kinh doanh rất bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào trong nước. Hiện
nay tòa án quốc tế đang xem xét, với việc tranh chấp, vi phạm điều luật. Như
các báo đều biết, vì vấn đề bảo hộ đầu tư nên một địa phương, một cơ quan nào
vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết, không thực hiện đúng điều luật thì
nhà đầu tư nước ngoài đều kiện Chính phủ. Vậy cho nên hiện nay vấn đề này tòa
án đang xem xét, chúng ta phải đợi".
Chính phủ Việt Nam phải làm gì?
Theo dõi trên mạng xã hội, chúng tôi nhận thấy trong vụ kiện
thế kỷ này, vấn đề được nhiều người tranh luận nhất là chính phủ Việt Nam nên
làm gì ngay lúc này để hình ảnh và uy tín về môi trường đầu tư của Việt Nam với
thế giới sẽ không bị ảnh hưởng?
Giáo sư Tạ Văn Tài nói rằng chính một vị đại diện ngoại giao
Việt Nam cũng đặt vấn đề này với ông và hỏi về phương cách giải quyết tốt nhất
lúc này. Thuật lại câu trả lời của mình, ông cho biết.
“Có đại diện ngoại giao Việt Nam nói chuyện với tôi. Tôi nói
rằng muốn giữ thanh danh của chính phủ để quyến rũ tiếp tục giới đầu tư, thì
nên giải quyết vụ Trịnh Vĩnh Bình một cách thoả đáng, nhất là theo thoả hiệp đã
ký ở Singapore. Chính tôi đã nói với họ như vậy.”
Rất nhiều phản ứng trong dư luận cho rằng Việt Nam đã và sẽ
chịu một dư âm rất xấu đối với thương trường quốc tế. Một số khác đặt câu hỏi rằng
liệu với Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC
2017 sắp diễn ra cuối năm nay, Việt Nam sẽ hội nhập kinh tế toàn cầu và nhận sự
ủng hộ của cộng đồng thương mại quốc tế như thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét