Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Ông Trump trả lời về khả năng tấn công Bắc Hàn




Một người đàn ông Hàn Quốc xem truyền hình chiếu hình ảnh Tổng thống Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói “chúng ta hãy chờ xem”, khi được hỏi liệu Mỹ có tấn công Bắc Hàn sau vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất hay không. Nhà lãnh đạo Mỹ này trả lời như vậy khi cùng phu nhân dự một thánh lễ tại một nhà thờ ở thủ đô Washington DC hôm 3/9. 


Ông Trump sau đó viết trên Twitter rằng ông sẽ gặp Tướng Kelly [chánh văn phòng Nhà Trắng], Tướng Mattis [Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ] và các lãnh đạo quân sự Mỹ khác tại Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề Bắc Hàn, theo AP.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng chính quyền của ông "cân nhắc cắt đứt quan hệ thương mại với bất kỳ nước nào làm văn với Bắc Hàn".
Tháng trước, việc Bình Nhưỡng tuyên bố cân nhắc tấn công Guam, một lãnh thổ thuộc Mỹ ở Thái Bình Dương, đã làm leo thang căng thẳng tại khu vực, và khiến Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng quân đội Mỹ đã trong tư thế sẵn sàng, nếu Bắc Hàn hành động thiếu khôn ngoan.
Chính quyền của ông Kim Jong Un sau đó đã hoãn triển khai kế hoạch này, và ông Trump đã ca ngợi quyết định mà ông cho là "khôn ngoan" đó.

Một người phụ nữ thắp nến cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Seoul hôm 31/8.
Một người phụ nữ thắp nến cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Seoul hôm 31/8.
 
Cũng trên Twitter, hôm 3/9, Tổng thống Trump viết rằng các lời nói cũng như các hành động của Bắc Hàn “rất thù nghịch và nguy hiểm đối với Hoa Kỳ”.
Đây là phản ứng đầu tiên của nguyên thủ Mỹ, sau khi Bình Nhưỡng trước đó trong ngày tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu và cũng là mạnh nhất.
Trong đoạn tweet thứ hai, ông Trump viết rằng “Bắc Hàn là một quốc gia lưu manh, đã trở thành một mối đe dọa và nỗi hổ thẹn lớn đối với Trung Quốc, vốn đã tìm cách giúp đỡ nhưng đạt được thành công ít ỏi”.
“Hàn Quốc đang thấy, như tôi từng nói với họ, rằng đối thoại mang tính xoa dịu với Bắc Hàn sẽ không hiệu quả. Họ [Bắc Hàn] chỉ hiểu đúng một điều!” ông Trump viết tiếp, nhưng không nói rõ điều đó là gì.
Nhà Trắng cho biết rằng đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump "theo dõi chặt chẽ" tình hình và rằng tổng thống Mỹ sẽ triệu tập một phiên họp với các trợ lý vào cuối ngày 3/9.

Đích thân ông Kim Jong Un ra lệnh tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch.
Đích thân ông Kim Jong Un ra lệnh tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch.
 
Bắc Hàn đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu và cũng là mạnh nhất hôm 3/9 mà Bình Nhưỡng nói là một quả bom nhiệt hạch có thể dùng cho tên lửa tầm xa, đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc đối đầu giữa chính quyền bị cô lập này cùng Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Thông báo của Bình Nhưỡng được đưa ra vài giờ sau khi các cơ quan địa chấn quốc tế ghi nhận một trận động đất do con người gây ra gần địa điểm thử nghiệm của Bắc Hàn.
Theo Reuters, các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc nói rằng vụ thử này mạnh gấp 10 lần so với mức chấn động ghi nhận được sau vụ thử hạt nhân lần cuối cùng một năm trước.
Hiện chưa có xác nhận độc lập đó là một thử bom nhiệt hạch, nhưng chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng Tokyo không thể loại trừ khả năng đó.
Vụ thử là một thách thức trực tiếp đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vài giờ trước đó đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe để thảo luận về sự “leo thang” cuộc khủng hoảng hạt nhân trong khu vực, và trước đó, từng thề sẽ ngăn Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân có thể đe dọa tới Hoa Kỳ.

Người Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ thử hạt nhân trên truyền hình hôm 3/9.
Người Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ thử hạt nhân trên truyền hình hôm 3/9.
 
​Bình Nhưỡng, vốn tiến hành các chương trình tên lửa và hạt nhân bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thông báo trên truyền hình nhà nước rằng vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch theo lệnh của lãnh tụ Kim Jong Un đã “hết sức thành công”.
Theo Bắc Hàn, quả bom được thiết kế để có thể lắp đặt trên một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới phát triển.
Reuters cho biết rằng vụ thử đã vấp phải sự lên án từ nhiều nước và các tổ chức. Tổng giám đốc IAEA, cơ quan kiểm soát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, nói rằng đó là “hành động hết sức đáng tiếc”, “bất chấp các yêu cầu liên tục của cộng đồng quốc tế”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ trước “sự khiêu khích mới” này.
Trong khi đó, cả Hàn Quốc và Nhật tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp nhằm cô lập Bình Nhưỡng, kể cả bao gồm các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của Bắc Hàn, lên án vụ thử hạt nhân và thúc giục Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động “sai trái”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét