Hệ thống chính trị hiện nay tại Đông Nam Á có thể làm suy yếu
khả năng của ASEAN trong đàm phán với các cường quốc bên ngoài. Vì vậy, bi kịch
sẽ xảy ra và nguy cơ biến khu vực này trở thành một chiến trường về mặt chiến
lược sẽ hiện hữu nếu không có sự nhất quán trong giới lãnh đạo ASEAN. Cách đây
không lâu Bắc Kinh đã thể hiện chiến lược ngoại giao "lấy lòng
ASEAN", một chiến lược cho phép thỏa hiệp và tập trung vào tăng cường sự
thiện chí và hỗ trợ của khu vực Đông Nam Á đối với Trung Quốc.
Có vẻ như chiến lược đó đã được bổ sung thêm chiến lược
"làm bẽ mặt" một số nước thành viên ASEAN với những gì đã xảy ra tại
Hội nghị Thượng đỉnh "Vành đai và Con đường" (BRI) giữa tháng 5 vừa
qua khi cả Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Singapore và Quốc vương Brunei đều
không được mời tham dự hội.
Việc Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha không có trong
danh sách khách mời một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất trong năm do
Trung Quốc đăng cai tổ chức là điều đáng ngạc nhiên khi quan hệ giữa Bangkok và
Bắc Kinh đang ở thời kỳ tốt đẹp. Bộ Ngoại giao Thái Lan đã giải thích rằng sự vắng
mặt của ông Prayut tại Hội nghị thượng đỉnh BRI là "không mang tính chính
trị" bởi Chính phủ Trung Quốc đã mời nhà lãnh đạo nước này tới dự một sự
kiện quan trọng khác - Hội nghị Lãnh đạo các nước BRICS lần thứ 9 (gồm Brazil,
Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ được tổ chức tại Hạ Môn (Trung Quốc) vào
tháng 9 tới. Tuy nhiên, lời giải thích chính thức này cũng không thể "giấu"
được sự bực tức của Bắc Kinh về sự chậm trễ của dự án đường sắt cao tốc
Thái-Trung, vốn được cho là giữ vai trò quan trọng giúp Trung Quốc kết nối các
khu vực không giáp biển của họ với cảng biển ở Đông Nam Á và dĩ nhiên là cả với
Singapore.
Ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh BRI, Thái Lan đã đẩy nhanh quá
trình phê duyệt dự án sau 17 vòng đàm phán thất bại kéo dài trong 3 năm. Bộ
Giao Thông Thái Lan đã đồng ý tháo gỡ vướng mắc lớn nhất liên quan tới việc sử
dụng nhân lực và nguyên vật liệu từ Trung Quốc, mặc dù điều này trái với luật của
Thái Lan. Về cơ bản, Thái Lan sẽ miễn trừ cho các kỹ sư và kiến trúc sư Trung
Quốc không phải tham dự các kỳ thi cấp bằng của Thái Lan và cho phép sử dụng đến
25% nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Cuộc họp lần thứ 19 diễn ra vào đầu tháng 7
vừa qua đã đi đến kết luận rằng việc xây dựng các tuyến đường sắt sẽ bắt đầu
vào tháng 10 tới. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đã thành công trong chiến dịch
ngoại giao này. Rõ ràng là Trung Quốc sẵn sàng gây sức ép lên cả những nước
không có "xích mích" gì với họ (như Thái Lan) một khi lợi ích bị ảnh
hưởng. Chiến lược ngoại giao này có thể dẫn tới tình trạng các nước trong khu vực
buộc phải chọn phe, làm ảnh hưởng xấu tới chiến lược phòng ngừa rủi ro của
ASEAN khi bị các cường quốc bên ngoài gây ảnh hưởng.
Thực tiễn cho thấy để thành công trong việc phòng vệ, các nước
"bé" buộc phải có sự linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách và
duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ với các cường quốc. Các thế lực bên ngoài
cần phải tự kiềm chế và chấp nhận những tình huống không hoàn hảo để duy trì
hoà bình và ổn định. Tuy nhiên, cán cân đó đang thay đổi. Quan hệ thân thiết giữa
Phnom Penh và Bắc Kinh đã gây ra sự chia rẽ giữa các nước ASEAN, dẫn tới việc
ASEAN lần đầu tiên không thể đưa ra một tuyên bố chung về căng thẳng ở Biển
Đông tại Hội nghị cấp cao năm 2012.
Việc Malaysia, Philippines và Thái Lan "nghiêng" về
phía Trung Quốc đã thay đổi cục diện của chiến lược phòng ngừa rủi ro cho các
quốc gia ASEAN. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc giải quyết xung đột tại Biển
Đông và sự hợp tác lâu dài của các quốc gia này với Mỹ. Vậy Đông Nam Á cần phải
làm gì trong tình huống này? Dĩ nhiên, khu vực này có thể sử dụng chính cơ chế
hiện có - ASEAN. Sự đoàn kết của ASEAN là một vũ khí sắc nhọn cần mài dũa thêm.
Xây dựng sức mạnh của ASEAN với tư cách là một khối đoàn kết
cần quyết tâm chính trị từ lãnh đạo từng nước ASEAN. Tuy nhiên, rõ ràng ưu tiên
cho chính trị trong nước vẫn còn đó và Trung Quốc thường sử dụng con bài này để
đảm bảo cán cân quyền lực. Các nhà lãnh đạo hiện tại của Thái Lan và Campuchia
đều hưởng lợi từ việc xây dựng quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh vì ổn định chính
trị và lợi ích kinh tế. Lãnh đạo Malaysia hiện nay cần Trung Quốc để tồn tại về
mặt chính trị khi vụ bê bối gần đây nhất liên quan tới dự án 1MDB.
Myanmar, mặc dù chính phủ đã qua bầu cử, vẫn phải đối mặt với
lực lượng quân đội hùng mạnh và có ảnh hưởng nhất định tới cục diện chính trị ở
nước này. Mối quan hệ Myanmar-Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại
của Naypyitaw. Lào, một quốc gia không có nguồn tài nguyên từ biển, không có sự
lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ cậy Bắc Kinh giúp để có thể tiếp cận các cơ hội
kinh tế, qua đó tăng tính hợp pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền.
Các quốc gia khác ở Đông Nam Á thường gặp khó khăn trong việc
duy trì chiến lược phòng ngừa do sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ngày càng lớn.
Việt Nam từ trước đến nay luôn có mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc khi có cả
tranh chấp biển tại Biển Đông lẫn các mối quan hệ về kinh tế. Đối với
Indonesia, chính sách đối ngoại hiện nay có vẻ như tập trung vào an ninh biên
giới cũng như việc tiếp cận bên ngoài Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhu cầu về phát
triển cơ sở hạ tầng của Jakarta sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Trung Quốc nâng tầm ảnh
hưởng tại quốc gia vạn đảo này. Hệ thống chính trị hiện nay tại Đông Nam Á có
thể làm suy yếu khả năng của ASEAN trong đàm phán với các cường quốc bên ngoài.
Vì vậy, bi kịch sẽ xảy ra và nguy cơ biến khu vực này trở thành một chiến trường
về mặt chiến lược sẽ hiện hữu nếu không có sự nhất quán trong giới lãnh đạo
ASEAN.
*
Tác giả là chuyên gia Pongphisoot Busbarat, thuộc Chương
trình Nghiên cứu Thái Lan- Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS). Bài viết đăng
trên tờ “Straitstimes”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét