Việc Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân thường được miêu tả
như một phản ứng “duy lý” trước các đòi hỏi chiến lược về an ninh quốc gia và sự
tồn vong của chế độ Triều Tiên. Xét cho cùng, đất nước này bị bao quanh bởi các
quốc gia lớn hơn, được cho là thù địch, và Triều Tiên không có các đồng minh mà
họ có thể dựa vào để phòng thủ. Theo quan điểm này, có vẻ hợp lý khi Kim
Jong-un không muốn lặp lại sai lầm của Saddam Hussein ở Iraq và Muammar
el-Qaddafi của Libya, những người có lẽ sẽ vẫn còn sống và vẫn nắm quyền nếu họ
có được vũ khí hạt nhân.
Trên thực tế, Triều Tiên muốn sở hữu vũ khí hạt nhân cho mục
đích xâm lược nhiều hơn là vì lý do phòng thủ. Triều Tiên tìm đủ mọi cách để
tách Mỹ khỏi Hàn Quốc – một sự chia tách sẽ cho phép thống nhất Bán đảo Triều
Tiên theo điều kiện của Kim. Nói cách khác, Triều Tiên không chỉ muốn phòng thủ
mà còn muốn chuẩn bị cho cuộc xâm lược sau này.
Chắc chắn, viễn cảnh đó của Kim chỉ là ảo tưởng dù hình dung
theo hướng nào đi chăng nữa. Nhưng làm một người Triều Tiên ngày nay không đồng
nghĩa với việc chấp nhận thực tế thế giới như nó vốn có. Và bộ máy tuyên truyền
của Triều Tiên vẫn tiếp tục lặp lại quan điểm rằng Bán đảo Triều Tiên chỉ có một
dân tộc, sử dụng cùng một ngôn ngữ và cùng một văn hóa, không thể bị chia cắt bởi
những kẻ ngoại bang như Mỹ. Với lối lập luận đó, Triều Tiên cần tìm cách để
ngăn các ngoại bang đó can dự vào các vấn đề nội bộ của bán đảo này.
Trong hoàn cảnh hiện nay, mối quan hệ Mỹ – Hàn hoạt động dựa
trên nền tảng tương tự như Điều 5, điều khoản phòng thủ tập thể, của Hiệp ước Bắc
Đại Tây Dương: bất kỳ cuộc xâm lược nào của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc chắc
chắn sẽ phải đối đầu với lực lượng liên minh của Mỹ và Hàn Quốc. Một cuộc phản
công như vậy sẽ là dứt khoán, đảm bảo dẫn tới sự diệt vong của chế độ Triều
Tiên.
Tuy nhiên, nếu Triều Tiên có vũ khí hạt nhân tầm xa, nước
này có thể thay đổi các tính toán chiến lược bằng cách đe dọa tấn công hạt nhân
vào lục địa Hoa Kỳ nhằm đáp trả sự can thiệp của Hoa Kỳ vào bán đảo Triều Tiên.
Hoa Kỳ có thể bất chấp và tiến hành can thiệp và thực hiện cuộc tấn công tàn
phá của mình vào Triều Tiên. Nhưng Mỹ cũng có thể lựa chọn không tấn công Triều
Tiên để tránh rủi ro thương vong cho người dân trên đất Mỹ.
Nếu Mỹ thực sự từ bỏ các nghĩa vụ phòng thủ tập thể của
mình, Hàn Quốc vẫn còn có rất nhiều nguồn lực để chống lại người hàng xóm phía
bắc của mình. Suy cho cùng, lực lượng vũ trang thông thường của Hàn Quốc được
huấn luyện và trang bị tốt hơn, và có động cơ chiến đấu lớn hơn các binh sĩ Triều
Tiên. Nhưng khó mà biết được liệu người Triều Tiên có nhận thức được điều đó
không. Giống như nhiều chế độ độc tài trước đây, họ có thể chính là những người
đầu tiên tin vào tuyên truyền của mình, và trong trường hợp này là ý tưởng rằng
họ có thể thành công trước một kẻ thù Hàn Quốc không được hậu thuẫn bởi sức mạnh
quân sự Hoa Kỳ.
Dù thế nào đi nữa, Triều Tiên – đất nước đã đầu tư rất nhiều
vào các lực lượng đặc biệt triển khai tiền phương cũng như những yếu tố phi đối
xứng khác của chiến tranh hiện đại – có vẻ như đang chuẩn bị cho một cuộc tấn
công nếu họ có thể gạt Mỹ ra ngoài. Trong bối cảnh này, các nỗ lực để đưa chính
quyền họ Kim ngồi vào bàn đàm phán – phần lớn là theo sự dẫn dắt của Trung Quốc
– là một sai lầm.
Những nỗ lực đó nhằm thuyết phục Triều Tiên đóng băng tất cả
các vụ thử tên lửa và hạt nhân, bù lại lực lượng Mỹ – Hàn sẽ giảm quy mô và tạm
dừng các hoạt động diễn tập quân sự hàng năm. Phe ủng hộ cái gọi là phương pháp
“Freeze for Freeze” (“đóng băng đổi lại đóng băng”) này nói rằng đây là một sự
trao đổi công bằng: Không thể mong đợi Triều Tiên tạm ngưng các nỗ lực củng cố
khả năng phòng ngự nếu Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi hợp tác quân sự
mang tính thù địch ngay gần biên giới nước này.
Nhưng lập luận này đã đi ngược với thực tế. Trên thực tế,
Triều Tiên mới là bên có những hành động thù địch, còn Hàn Quốc và Mỹ thì tập
trung vào việc phòng vệ. Thực vậy, kế hoạch diễn tập mùa xuân hàng năm của lực
lượng Mỹ – Hàn luôn dựa trên giả thuyết Triều Tiên sẽ xâm lược Hàn Quốc, chứ
không phải ngược lại. Triều Tiên hiểu rõ điều đó.
Nhưng Triều tiên cũng hiểu rằng nếu không có những cuộc diễn
tập, liên minh quân sự sẽ bị suy yếu. Ví dụ, vào năm 1939, khi Đức xâm lược Ba
Lan, quân đội Anh và Pháp đã thực hiện cam kết hiệp ước với Ba Lan và tuyên chiến
với Đức. Nhưng, trên thực tế, hai nước này không làm gì nhiều để bảo vệ Ba Lan,
nước đã bị Đức khuất phục một cách nhanh chóng. Tương tự như vậy, nếu Mỹ ngừng
các cuộc diễn tập quân sự với Hàn Quốc, thì sự sẵn sàng cũng như khả năng phản ứng
của Mỹ trước các cuộc xâm lăng của Triều Tiên có thể sẽ trở nên yếu đi.
Kịch bản này nguy hiểm hơn nhiều do khả năng là việc tạm ngừng
các vụ thử tên lửa và hạt nhân không thật sự khiến cho các chương trình hạt
nhân của Triều Tiên bị suy yếu. Các hoạt động thử vũ khí này chỉ là một yếu tố
nhỏ trong chương trình hạt nhân và không nhất thiết phải là yếu tố then chốt.
Không có dấu hiệu nào chứng tỏ Triều Tiên sẽ thật sự chấm dứt việc nghiên cứu
và phát triển vũ khí hạt nhân.
Thực tế, ý tưởng rằng Triều Tiên sẽ từ bỏ các chương trình hạt
nhân để đổi lấy lời hứa được bảo đảm an ninh và sự tồn tại của chế độ đã từng
được thử nghiệm nhiều lần nhưng đều thất bại. Vào tháng 9 năm 2005, nhóm 5 cường
quốc bao gồm cả Mỹ đã đồng ý cho Triều Tiên triển khai một chương trình hạt
nhân dân sự không hạn chế, đồng thời viện trợ năng lượng, hỗ trợ kinh tế và
công nhận ngoại giao, cũng như hứa hẹn thành lập một cơ chế khu vực nhằm duy
trì hòa bình và an ninh cho Đông Bắc Á. Ngoài ra, một cam kết của Mỹ về việc
không tấn công Triều Tiên bằng vũ khí thông thường hoặc vũ khí hạt nhân cũng được
đưa vào thỏa thuận.
Tất cả những gì Triều Tiên phải làm để có được các lợi ích
đó là chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân và tái gia nhập Hiệp ước không
phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Nhưng Triều Tiên đã không sẵn lòng cho phép thực
hiện các cơ chế thanh sát đáng tin cậy. Thay vào đó, nước này vẫn cố giới hạn
phạm vi thanh sát ở mức những gì đã được biết. Cuối cùng, Triều Tiên quay lưng
lại với thỏa thuận này thay vì cùng bàn bạc để tìm ra một hướng đi có thể chấp
nhận được.
Một cuộc đối thoại mạnh mẽ và có chủ đích hơn giữa Hoa Kỳ và
Trung Quốc về Triều Tiên là điều cần thiết để giải quyết những gì đang nổi lên
thành một vấn đề an ninh cấp bách nhất của thế giới. Tuy nhiên, cuộc thảo luận
nên tập trung vào các biện pháp trực tiếp nhằm cản trở và làm suy yếu chương
trình hạt nhân hiếu chiến của Triều Tiên – chứ không phải tìm cách đưa ra thêm
những nhượng bộ vốn sẽ chỉ càng củng cố thêm thế lực của chế độ bất hảo này.
***
Christopher R.Hill, Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách
Đông Á, là Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, Hàn Quốc, Macedonia, và Ba Lan, Phái viên đặc
biệt của Hoa Kỳ về Kosovo, Nhà đàm phán của Hiệp định hòa bình Dayton, và là
Nhà đàm phán chính của Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên từ 2005 – 2009. Ông hiện là
Trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Trường Korbel, Đại học Denver, và tác giả của
cuốn Outpost.
Nguồn: Christopher R. Hill, “North Korea’s real strategy”, Project Syndicate, 20/06/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét