Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Những chuyện kinh hãi về vụ Năm Cam (phần 2)


Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy, khi còn là tướng công an (phải) và khi ra tòa. Nguồn: ảnh cắt từ mạng.
 
Nếu chuyện về ông Trần Mai Hạnh là “phá một cái lệ”, là cấm đăng nhưng vẫn cứ đăng, thì chuyện về Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy (Năm Huy) chẳng khác gì nhảy vào lửa.
Ông Năm Huy từng làm Giám đốc Công an TP.HCM, rồi làm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách xây dựng lực lượng, quyền to như núi. Thời ông làm Giám đốc Công an thành phố là thời Năm Cam lộng hành coi trời bằng vung, dư luận có bàn tán về mối quan hệ giữa ông với tập đoàn tội ác này, nhưng dù có chứng cứ cũng chẳng ai làm gì được ông. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng đã có kết luận về mối quan hệ này, nhưng hồ sơ vẫn bị xếp xó và ông Năm Huy vẫn được thăng hàm Trung tướng.

Tập đoàn tội ác Năm Cam được bảo kê không phải chỉ sau này. Hồi bắt Năm Cam lần thứ nhất (1995) cũng gặp không ít sự cản trở của những người bảo kê có quyền chức, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó rất kiên quyết, đến mức ông bảo ông “thế chấp chức Thủ tướng” để yêu cầu bắt Năm Cam. Không phải ông Sáu Dân dùng quyền uy của Thủ tướng để ra lệnh bắt người, ông có đủ chứng cứ nên yêu cầu thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật. Nhưng người ta đã âm thầm thả Năm Cam ra. Sau khi ông Sáu Dân thôi làm Thủ tướng, tập đoàn tội ác này phát triển mạnh mẽ, giăng lưới khắp nơi, coi TP.HCM là nơi vô pháp, là lãnh địa riêng của chúng. Đến mức, tại TP.HCM hồi đó, ai muốn mở một cửa hàng, một quán karaoke, một tiệm gội đầu cắt tóc…nếu không “nhờ” Năm Cam bảo kê thì đừng hòng hoạt động được.

Từ sau khi ra khỏi trại cải tạo, Năm Cam không bao giờ nghĩ mình có thể bị bắt một lần nữa. Bởi vì y đã thiết lập thêm những hàng rào bảo kê dày đặc, trên thì có người của các ông Bùi Quốc Huy, Phạm Sỹ Chiến và Trần Mai Hạnh, dưới thì có người của cơ quan cảnh sát điều tra và cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, trong đó hàng rào bảo kê của Công an là an toàn vững chắc nhất. Năm Cam đã từng tính đường thoát bằng cách sang Campuchia dùng tiền mua một chức tướng, nếu như đường dây của y ở Việt Nam bị phá, nhưng có lẽ do thấy quá an toàn nên đã bỏ ý định đó. Bởi vậy mà khi bị bắt, y bất ngờ đến mức … đái ra quần.

Bắt Năm Cam lần thứ hai hoàn toàn không dễ. Phải có đủ chứng cứ. Cho nên, từ vụ án Dung Hà và đầu mối là Hải Bánh mới phăng ra được chứng cứ. Nhưng bắt Hải Bánh giam tại trại giam của Công an TP.HCM thì làm sao Hải Bánh chịu khai. Bởi vì, Hải Bánh biết rất rõ, chỉ cần khai ra Năm Cam thì những kẻ bảo kê cho Năm Cam trong cơ quan cảnh sát điều tra và cảnh sát hình sự Công an TP.HCM đời nào để cho Hải Bánh sống. Do đó, Ban chuyên án đã phải di lý Hải Bánh về Tiền Giang mới củng cố được chứng cứ bắt Năm Cam. Câu chuyện này chúng tôi đã tường thuật và phân tích đầy đủ trên báo Thanh Niên hồi ấy.

Vấn đề là phải phá cho được đường dây bảo kê từ lực lượng Công an, đứng đầu là trung tướng Bùi Quốc Huy.

Một hôm, Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế bảo tôi đi cùng anh đến một nơi anh không nói trước. Đến nơi đó, chỉ một người tiếp chúng tôi tại phòng làm việc của ông. Người đó ông Lê Hồng Liêm (Sáu Liêm), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM. Ông Sáu Liêm chẳng nói chẳng rằng, giao cho tôi một tập hồ sơ. Đó là hồ sơ về những sai phạm của ông Bùi Quốc Huy liên quan đến Năm Cam. Tôi hỏi, tôi mượn về được không, ông nói không. Hỏi photocopy rồi trả lại được không, ông cũng nói không, rồi ngồi nói chuyện với anh Khế, mặc tôi muốn làm gì với tập hồ sơ đó thì làm. Tôi ngồi chép lại tất cả, từ ngày tháng, số hiệu hồ sơ cho tới nội dung, chép không sót một dấu chấm dấu phẩy nào.

Từ tài liệu đó cộng với một số nguồn tin khác được xác minh cẩn thận, tôi viết một bài báo dài chỉ 2 trang đánh máy. Anh Khế đã đọc đi đọc lạị không biết bao nhiêu lần, rồi bàn với tôi liên lạc với cô Mai Nhung, Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay (NTNN) để “chia lửa”. Tôi gọi điện bàn với cô Mai Nhung, cô Nhung nhờ tôi viết một bài để NTNN đăng cùng một ngày với Thanh Niên. Khi hai tòa soạn cùng chuẩn bị đưa báo đi in thì 10 giờ đêm anh Khế đến. Anh bảo để NTNN đăng trước một ngày, hôm sau mình sẽ đăng. Tôi gọi điện cho cô Nhung, nhưng cô ấy hiểu nhầm là chúng tôi đưa cô ấy ra trước để “đõ đạn”, nên NTNN cũng hủy không đăng. Lúc đó đã 12 giờ đêm, anh Khế gọi, nói nếu NTNN không đăng thì mình cho đăng luôn đi, nhưng không kịp vì báo đã đưa đi in rồi. Hôm sau Thanh Niên mới đăng bài đó, nhưng ngày Thanh Niên đăng thì NTNN không có báo, vì báo ấy ra cách ngày. Hôm sau nữa NTNN mới đăng. Cô Mai Nhung là một Tổng biên tập ôn nhu nhưng trung thực và quật cường. Tôi từng nghĩ tôi chỉ có thể làm báo được với hai Tổng biên tập là anh Khế và cô Mai Nhung mà thôi.

Và nếu ai để ý, sẽ thấy trong ngày Thanh Niên đăng bài này thì trên báo Nhân Dân cũng có một bản tin ngắn gọn về ông Bùi Quốc Huy, bản tin đó do chính tôi viết nhưng không ghi tên tác giả, qua một mối quan hệ tin cậy gửi đăng trên Nhân Dân, mục đích cũng là để “chia lửa”. Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao Nhân Dân lại có thể đăng được bản tin đó.

Ngày phát hành báo, cả tòa soạn rúng động. Anh Miễn phòng phát hành đến sớm để giao báo, anh nói anh cầm tờ báo mà run. Anh run là đúng rồi, vì Thanh Niên đã bị kiểm điểm lên bờ xuống ruộng suốt nhiều tháng liền, thậm chí sau khi ông Bùi Quốc Huy bị khởi tố thì Thanh Niên vẫn chưa thoát tội. Sau này tôi mới nghe anh Khế nói lại, anh đã đưa cho ông Nguyễn Minh Triết (Sáu Phong) xem bài báo đó trước khi đăng, ông Sáu Phong nói đăng bài đó thì có lợi cho việc chống tội phạm nhưng rất nguy hiểm cho báo Thanh Niên và bản thân anh Khế, nhưng anh Khế vẫn cho đăng, bất chấp tất cả (chuyện này anh Khế cũng đã kể trên trang fb của anh ấy). Mãi đến vài ngày trước khi mở phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng phạm thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng mới chính thức kết luận báo Thanh Niên không sai phạm.

Trở lại chuyện đại tá Hữu Ngọc. Ông Ngọc tất nhiên chẳng cung cấp tin tức gì về ông Bùi Quốc Huy, nhưng sau khi báo đăng, ông gọi điện cho tôi, bảo bài viết rất tốt nhưng “ngắn quá, sợ không đủ áp lực để xử lý”. Tôi nói, anh có cung cấp tin tức gì đâu mà nói ngắn với dài. Ông Ngọc chỉ cười trừ.
Còn về ông Sáu Liêm, cho đến khi tôi đưa cái stt này đưa lên facebook thì câu chuyện vẫn nằm trong bí mật của ba người : ông ấy, anh Khế và tôi. Cả báo Thanh Niên không ai biết. Tất nhiên dù có đi tù, dù có cứa cổ tôi thì tôi cũng không khai cho ông ấy. Sau vụ án Năm Cam, ông Sáu Liêm được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy bạn kiểm tra Trung ương Đảng. Tôi rất mừng vì một người cương trực như vậy đã được bầu vào cơ quan quyền uy như thế. Bây giờ ông đã về hưu, nói ra cũng chẳng ai đem cái chuyện ông làm “lộ bí mật” mà cách cái chức nguyên Phó Chủ nhiệm của ông được. Mà dù có cách cái chức nguyên Phó Chủ nhiệm kia thì cũng chẳng có gì nhục nhã như bao người khác, nó chỉ làm tăng thêm vinh dự cho ông mà thôi.

Ở đây có một bài học về xử lý thông tin tôi muốn gửi tới các nhà báo trẻ. Nếu như không phải tôi cùng với Tổng Biên tập tiếp cận trực tiếp tài liệu đó hoặc là tài liệu đó được lưu giữ tại một cơ quan thuộc ngành công an hoặc bị ngành công an chi phối thì nhất định không thể sử dụng. Bởi vì, ông Bùi Quốc Huy, bằng quyền lực của mình, rất có thể ra lệnh phi tang, như vậy chúng tôi sẽ phạm tội bịa đặt. Sở dĩ tài liệu đó có thể sử dụng là vì nó nằm ở một nơi mà ngành công an không thể can thiệp hoặc chi phối.

Chuyện liên quan đến ông Bùi Quốc Huy và vụ Năm Cam vẫn còn nhiều phức tạp đến với chúng tôi, tôi sẽ lần lượt kể tiếp ở phần sau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét