Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

Ông Nguyễn Phong Quang đâu có ăn “mình ên”…

Sở dĩ cần nhấn mạnh đến vai trò đứng đầu Bộ Chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng, vì theo quy định, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ là cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát các tỉnh thuộc khu vực phía Tây Nam Bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, và được Bộ Chính trị trực tiếp quản lý và giám sát.

Ông Nguyễn Phong Quang, từng là Thủ trưởng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ
Ban Bí thư nhận định, với cương vị và trách nhiệm là người đứng đầu, ông Quang phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng uỷ và cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016.
Ngày 20-9, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra trung ương, Ban Bí thư đã xem xét và quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Phong Quang, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Đảng uỷ, nguyên phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2016.

Hành chánh hóa án hình sự?

Theo nội dung công khai với báo chí về phiên họp hôm 20-9 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thì ông Nguyễn Phong Quang có hàng loạt sai phạm về tài chính như sau: (1) Chỉ đạo cấp dưới giả mạo, khai man chứng từ kế toán, để ngoài sổ sách kế toán số tiền lớn lên đến trên 130 tỉ đồng; lập quỹ nội bộ trái pháp luật, chi quỹ sai quy định trên 890 triệu đồng.
(2) Để cấp dưới ký hợp đồng khống mua hoá đơn của doanh nghiệp bán xăng dầu để rút trên 3,7 tỉ đồng ngân sách nhà nước và nguồn tài trợ và để cấp dưới lập chứng từ giả, mua hoá đơn tiếp khách, phòng nghỉ… để hợp thức hoá các khoản tạm ứng trên 4,9 tỉ đồng.
(3) Để một số cá nhân tạm ứng trên 6,4 tỉ đồng từ năm 2011 đến nay không thanh toán, trong đó cá nhân ông Quang tạm ứng (thông qua kế toán) chưa thanh toán trên 2 tỉ đồng. (4) Để cấp dưới nghiệm thu quyết toán khống trên 4,7 tỉ đồng, gồm 799 triệu đồng mua sắm thiết bị bổ sung cho nhà khách Tây Nam bộ, 2 tỉ đồng tiền xây dựng trang thông tin điện tử Ban chỉ đạo tây Nam bộ và trên 1,9 tỉ đồng tiền 30 tập phim “Đất và người Miền Tây”.
(5) Chỉ đạo sử dụng kinh phí đi châu Âu và Nhật Bản vượt mức quy định 626 triệu đồng. (6) Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thanh toán tiền xăng xe cho người ngoài cơ quan sai chế độ 87 triệu đồng, duyệt thanh toán công tác phí cho người ngoài cơ quan sai qui định 248 triệu đồng; chi tặng quà vượt qui định trên 1,8 tỉ đồng.
Như vậy, với sáu nội dung nói trên cho thấy đủ căn cứ để chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra để khởi tố hình sự theo trình tự tố tụng. Vì nếu chỉ dừng lại ở chuyện “cách tất cả các chức vụ trong Đảng”, thì xem ra ông Nguyễn Phong Quang sẽ chịu “án oan”, bởi trên thực tế ông Quang chỉ là cấp phó. Ông Quang không cách gì để một tay che trời, vì trên ông còn có hai sếp trực tiếp là ông Vũ Văn Ninh và ông Nguyễn Phú Trọng.
Các nội dung cho là sai phạm về tài chính ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ trở nên khó thuyết phục, nếu công chúng biết rằng người đứng đầu của Ban này vốn là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính. Còn người đứng đầu cơ quan chủ quản của ông Nguyễn Phong Quang suốt thời gian từ năm 2011 đến ngày ông Quang nghỉ hưu tháng 5-2016, lại là đương kim Tổng bí thư Đảng.

Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và trách nhiệm của người đứng đầu

Sở dĩ cần nhấn mạnh đến vai trò đứng đầu Bộ Chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng, vì theo quy định, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ là cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát các tỉnh thuộc khu vực phía Tây Nam Bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, và được Bộ Chính trị trực tiếp quản lý và giám sát.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ được thành lập ngày 24/8/2004 theo quyết định của Bộ Chính trị, nhằm giúp Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ là một trong 3 Ban chỉ đạo thuộc quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai Ban còn lại là Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có quyền hạn cụ thể như sau: (1) Được yêu cầu các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan, cấp uỷ và chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.
(2) Được tham dự các hội nghị sơ kết, tổng kết các chuyên đề của Trung ương, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương có liên quan tới sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, công tác dân tộc, tôn giáo, công tác xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.
(3) Được cung cấp thông tin và tham gia ý kiến đối với các văn bản của các ban, bộ, ngành Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, công tác dân tộc, tôn giáo, công tác xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.
(4) Được tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách có tính đặc thù trên địa bàn về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị.
(5) Được mời tham dự và đóng góp ý kiến tại một số cuộc họp, hội nghị quan trọng của cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố liên quan đến quy hoạch tổng thể, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, các dự án đầu tư các công trình trọng điểm, kế hoạch sử dụng đất đai thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Nói một cách nôm na, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ là cánh tay nối dài trực tiếp của Tổng bí thư Đảng trong việc soát xét, xem xét mọi quyết sách, kế hoạch từ an ninh, văn hóa – tư tưởng, tôn giáo đến đất đai, làm ăn kinh tế của tất cả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long – bao gồm luôn thẩm quyền can dự vào những quyết sách chung và riêng mà Thủ tướng Chính phủ dành với cụ thể từng tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long.
Như vậy, nếu nội tình của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thời ông Nguyễn Phong Quang xảy ra những vấn đề liên quan vi phạm pháp luật, thì về nguyên tắc, trước tiên sẽ thuộc thẩm quyền xử lý, giải quyết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; trong đó, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ là ông Vũ Văn Ninh không thể thoái thác trách nhiệm trực tiếp.
Trạng chết liệu chúa có băng hà?. Cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thực sự vô can trong “vụ án Nguyễn Phong Quang”? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét