Bài
viết thể hiện hồi ức những ngày ngay sau 30-4-1975. Sau hơn 42 năm qua,
những người thuộc lữ đoàn 30-4 lần lượt “phản quốc” chạy sang Mỹ, Pháp,
Canada... Một số ít ỏi tiếp tục làm “thân bọt bèo” cho chế độ. Còn lại,
người viết biết được một người còn “ngoa ngoe” làm kiểng “câu chuyện
Hoàng Sa-Trường Sa”, và một làm “lính kín trí thức” đi đi về về Sài Gòn -
Boston. Và thành quả giáo dục xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay qua hai
hình ảnh ngày khai trường ở phần kết của bài viết.
Vào thời điểm ngay sau ngày 30/4/1975, tâm trạng người dân hoang mang
cực độ. Nhà nhà e dè mỗi khi tiếp xúc hay trao đổi với những người hàng
xóm thân thuộc trước kia. Không khí xóm giềng thân mật không còn ứng hợp
với câu “bà con xa không bằng láng giềng gần” nữa, đối lại bằng những
cặp mắt nghi ngờ, e sợ, nhất là khi thấy bóng dáng một người quen thuộc
nhưng trên cánh tay có mang một băng vải đỏ. Đó là hình ảnh tiêu biểu
nhất cho những ngày đầu gọi là “cách mạng”.
Chúng tôi, một nhóm giáo chức của trường Đại học Sư phạm Sài Gòn gồm GS
Nguyễn Văn Trường, GS Lý Công Cẩn, GS Lê Trọng Vinh (qua đời 1977), GS
Trần Kim Nở, GS Trần Văn Tấn (qua đời 2015), và người viết (đã ở khu cư
xá 57 Tự Đức từ mấy ngày trước 30/4), đang ngồi với nhau để bàn thảo xem
phải hành động như thế nào, trình diện ra sao, vì hôm đó chỉ là ngày
thứ hai của “cách mạng”, tức thứ năm ngày 1/5/1975.
Tình cờ GS Nguyễn Hoàng Duyên, một thành viên của Ban Hóa học của trường
lái Honda đến. Tôi đề nghị với các GS huynh trưởng để tôi cùng Duyên
lên trường xem xét tình hình trước.
Hai anh em đèo nhau trên chiếc Honda dame, mỗi người một tâm trạng bất
an, nhưng vẫn không lộ ra. Khi vào khỏi cổng trường, không khí hoàn toàn
khác, không còn một không khí quen thuộc như ngày nào. Một cảm giác
nặng trĩu nơi tôi khi nhìn thấy một Giảng nghiệm viên thuộc Ban Vạn vật
mang băng vải đỏ nơi cánh tay, chận chúng tôi lại, và hỏi với nét mặt
lạnh lùng: "Hai anh vào ghi tên trình diện đi".
Bước vào một phòng thí nghiệm hóa học, tôi lại thấy anh Nguyễn Minh Hòa
(sau 30/4 được ”xếp” vào vị trí Trưởng khoa Hóa ĐH Sư phạm “Tp HCM” thay
thế chỗ của người viết trước ngày đó, vì “người” đã từng tuyên bố là
nhờ cách mạng mà vợ tôi mới… mang thai được và tôi có con nối dòng(!).
Đã về hưu hiện tại), một giảng nghiệm viên của tôi, cũng mang băng đỏ
trên cánh tay hỏi tôi bằng một giọng lạnh lùng, không còn kính trọng như
những ngày trước đó. Dĩ nhiên là tôi ghi tên và bước ra ngoài.
Đi lần đến văn phòng Phó Khoa trưởng, cửa mở toang, tôi thấy Ngô Phàn,
một sinh viên Ban Lý hóa của trường đã chạy vào bưng hai năm về trước.
Phàn hỏi tôi, trên tay cầm khẩu súng lục nhỏ của GS LCC: “Anh có gặp Ô
C. không?” Tôi đáp: “GS LCC sẽ vào trình diện sáng nay”.
Quan sát chung quanh sân trường, tôi chỉ thấy vài chị “nhà quê” quấn
khăn rằn trên cổ, vẻ mặt thể hiện nét thỏa mãn của kẻ chiến thắng bước
qua lại, chỉ chõ các “anh” đeo băng đỏ mà trước đó chỉ vài ngày là những
giáo sư của VHCH. Ngoài ra, không thấy bóng dáng của một “cán bộ” hay
“bộ đội” từ miền Bắc nào cả.
Sau đó, Duyên và tôi đi về báo cho các GS đang chờ đợi ở cư xá Tự Đức.
Mọi người lên trường trình diện ngay sau khi được chúng tôi thông báo.
1. Một thời không quên
Một tháng sau, mọi sự đi dần vào ổn định, nghĩa là mọi thủ tục kiểm
soát, kiểm tra đã hoàn tất, số giáo sư của trường được chia ra làm hai
nhóm rõ rệt:
1- Các giáo sư đeo băng đỏ trong những ngày đầu trở thành các Tổ trưởng
và Tổ phó học tập trong đó Tôn Nữ Thị Ninh là một Tổ trưởng sáng giá
nhất, và
2- Số giáo sư còn lại chiếm đa số là Tổ viên.
Chúng tôi bắt đầu chương trình “học tập” tại chỗ với mỗi tổ khoảng trên
dưới 20 người, trong đó, ngoài Tổ trưởng, Tổ phó còn có một GS hướng dẫn
học tập mới vào từ miền Bắc. Nơi trường Sư phạm, các “giáo sư” đó đến
từ trường ĐHSP Vinh, trong đó, “một cháu ngoan của Bác” tên Trần Thanh
Đạm làm Hiệu trưởng, “GS” Cao Minh Thì làm Hiệu phó, “GS” Nguyễn Văn
Châu và một số “GS” khác như Yến, Thoa…và một số khác tôi không còn nhớ
tên. Tuy nhiên, một người Trưởng ban tổ chức mà tôi không bao giờ quên
được, đó là Bảy Được, một công an chánh gốc, mà sau này đã hỏi cung tôi
cùng với một sĩ quan cấp tá công an là chồng của giáo sư Yến nói trên.
Dĩ nhiên những buổi học tập trên có tính chất giáo điều, diễn ra trong
tẻ lạnh vì thái độ bất hợp tác của đa số giáo sư, ngoài những câu hỏi cò
mồi của “đám giáo sư đeo băng đỏ”. Tuy nhiên cũng có những giây phút
sôi nổi vì các câu hỏi “móc lò” của một số GS trẻ như Duyên và Tuấn làm
cho “đám ba mươi” cứng họng, vì họ làm sao có khả năng giải đáp được
trong khi chứa trong đầu một tâm thức nô lệ!
Một kỷ niệm tôi còn nhớ đến hôm nay sau 42 năm là buổi đúc kết học tập.
Tổ trưởng của tôi là một tiến sĩ cũng tốt nghiệp bên Pháp và là Phó ban
Hóa học thời VNCH tên Nguyễn Thị Phương. Trong suốt thời gian “học tập”,
Cô Phương thường đi bên cạnh một “nồng cốt” thực sự, có tên Bùi Trân
Phượng, con một giáo sư Việt Văn bên Đại học Văn khoa. Cô nầy luôn luôn
mặc áo bà ba và quần lãnh đen và cũng “bắt chước” túi xách cán bộ sau
lưng, luôn quấn trên cổ một khăn rằn.
Cô nầy luôn luôn “bên cạnh” “anh” Ba Trực của thành ủy mỗi lần đi họp Tổ
của Hội trí thức yêu nước Tp HCM có trụ sở chiếm của Cư xá Phục Hưng cũ
đường Nguyễn Thông (Tôi không “có” vào Hội nầy, chỉ “bị bắt buộc” đi
họp vì các buổi họp nằm trong chương trình của giao đoạn “học tập chánh
trị”). Trong thời gian nầy, Phượng còn là sinh viên, nhưng ở thời điểm
hiện tại, Phượng là một “tiến sĩ” làm việc giữa Sài Gòn và Boston…
Tôi được xướng danh đọc bài bài đúc kết học tập đầu tiên. Vì đã chuẩn bị
trước, tôi đã nhờ người học trò “ruột” hiện ở Vancouver soạn thảo, ghi
lại tất cả những lời “Bác Hồ dạy” “Bác Tôn dạy” cùng các phát biểu của
“Chú Duẫn” v.v… Tất cả được học trò tôi đúc kết, ráp nối trên 30 trang
giấy…
Và trong suốt buổi đúc kết, tôi là cây đinh trong đó. Tôi đã chiếm hết
giờ dành cho Tổ để đúc kết. Do đó, sau khi thảo luận bài đúc kết, vì đã
hết giờ cho nên các đồng nghiệp còn lại của tôi được ra về khoan khoái
vì đã tránh được nói lên những điều ngược với lòng mình…
Trong suốt những ngày tháng gọi là “học tập”, thỉnh thoảng cũng có những
cán bộ cao cấp từ ngoài Bắc vào như Cù Huy Cân, Xuân Diệu, và nhiều
người khác… giảng dạy về “thiên đường cộng sản”.
Một hôm, tại giảng đường của Đại học Khoa học có sức chứa gần 500 người,
nhà thơ tình lãng mạn “ngày xưa” Xuân Diệu đăng đàn. Có thể nói, chưa
bao giờ tôi có thể hình dung được một cán bộ cao cấp của cộng sản, từng
giữ chức Thứ trưởng Văn hóa Bắc Việt có những thái độ và cung cách thiếu
văn hóa như thế.
Ông Xuân Diệu, với cái áo sơ mi bỏ ngoài, mang đôi dép lẹp xẹp, vai mang
cái bị da cán bộ… chễm chệ ngồi trên cao… tự do phát ngôn. Bên cạnh đó
hai chai bia Con Cọp BGI 75cc và một ly lớn. Vừa uống, vừa nói, tay chân
“huênh hoang” với luận điệu của kẻ chiến thắng…
Và những câu nói ngày hôm đó là bài học… đầu tiên của tôi sau “cách
mạng” như tựa đề của bài viết này và hình ảnh cây cổ thụ minh họa.
Ông ta nói cái gì?
Xin thưa,
Ông ta chê chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là giới trí thức miền Nam,
giới giáo sư đại học… và ví tất cả như những cây cổ thụ sum suê cành
lá… nhưng không có rễ. (Xin các giáo sư có mặt ngày hôm đó, hiện đang ở
hải ngoại làm chứng giùm cho tôi, kẻo tôi bị nói oan là bêu xấu chế độ
ưu việt bằng triệu lần tư bản).
2. Một thời để nhớ lại và sẽ không bao giờ quên
Sau 42 năm, nghiệm lại câu nói năm xưa“thương cha thương một, thương ông thương mười” của
Tố Hữu, người bạn của Xuân Diệu, lòng tôi chùng xuống và cảm thương cho
một người lớn lên trong “cách mạng”, được “cách mạng” nuôi dưỡng… cho
nên mới có ý so sánh đầy ‘biện chứng” trên.
Bốn mươi hai năm qua, bây giờ cả thế giới mới thực sự thấy rõ hình ảnh
Việt Nam ngày nay, hình ảnh nầy đã chứng minh rành rành qua một đất nước
tan hoang từ xã hội băng hoại cho đến đạo đức suy đồi, trong đó giáo
dục thể hiện tất cả những gì tồi tệ nhất như thầy trò, cô trò… có thể
trao thân vì những đổi chác cho một kỳ thi, hay một mãnh bằng, chưa kể
những tệ hại khác không cần phải nêu ra đây. Có thể nói, trong lịch sử
giáo dục Việt Nam chưa có thời đại nào đưa đến sự đảo lộn luân thường
đạo lý như giai đoạn hiện tại của Đất và Nước hôm nay.
Bài học đầu tiên của Xuân Diệu 42 năm về trước về cây cổ thụ cần phải được xem xét lại.
Kết luận của bài tản mạn nầy cần phải nói cho rốt ráo là “Cây cổ thụ xã
hội chủ nghĩa Việt Nam hiện tại là một cây chết khô, không hoa, không
lá, không rễ, và thân cây đã mục nát, thậm chí mối và mọt cũng không còn
gì có thể gậm nhấm được”.
Và sau hơn 42 năm, hệ thống giáo dục của CSVN đã biến học sinh thành một công cụ cho đảng như suy nghĩ của Phạm Đình Trọng: “Học
trò thay vì thích thú mặc bộ đồ mới đón năm học mới như đứa trẻ xênh
xang áo mới đón ngày tết lại phải mặc đồng phục đồ lính, đội mũ lính,
mang vẻ mặt xung trận, đi ắc ê một, hai, tập những bước đi đầu tiên của
rô bốt công cụ, của bầy đàn, muôn người như một, không có cá nhân, không
còn cá tính...” trong ngày khai trường cho niên học mới.
Và một tương phản khác của ngày khai trường năm nay 2017 ở một miền núi
trên cao nguyên Việt Nam với hình ảnh học trò ngồi chồm hổm trên đôi
chân đất trong “lớp học - sân trường lầy lội” dưới trời mưa lâm râm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét