Bìa sách Chính Trị Bình Dân của
tác giả Phạm Đoan Trang.
Với mong muốn “đánh tan cái định
kiến tai hại ‘chính trị là xấu xa, thủ đoạn’”, nhà báo-nhà hoạt động Phạm Đoan
Trang vừa cho ra đời cuốn sách “Chính Trị Bình Dân”. Tác phẩm được giới trí thức
hoạt động xã hội đánh giá cao về cả nội dung, phong cách viết và mức độ cần thiết
của nó trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam.
Blogger Phạm Lê Vương Các nhận định:
“[Sách] Chính trị mà Việt Nam xuất bản sau năm 1975 phần lớn là viết về quan điểm
của Đảng Cộng sản và dành cho các đảng viên. Còn xuất bản sách về chính trị thì
hoàn toàn vắng bóng. Chính vì vậy, tôi đánh giá đây là một tác phẩm rất quan trọng.
Nó mở ra một lối cho chính trị đi vào tầng lớp bình dân. Ai cũng có thể tiếp cận
nó qua những câu chuyện bình dân và thực tế. Đây là một tác phẩm rất cần thiết
trong bối cảnh hiện tại”.
Nhà báo Đoan Trang được biết đến
qua nhiều các bài viết và hoạt động cỗ vũ dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam như
loạt bài viết về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tham gia biểu tình chống
Trung Quốc và gần đây là thảm họa môi trường Formosa.
Bà thường bị chính quyền canh giữ
cẩn mật trong những thời điểm được cho là “nhạy cảm”.
Chia sẻ trên trang Facebook, bà
Trang cho biết: “Có những ngày trước cửa nhà tôi luôn đầy những thanh niên bịt
mặt đứng, ngồi vạ vật, ánh mắt nhìn tôi không chút thân thiện. Ở một nơi khác,
sếp của họ, ngồi phòng lạnh, đang chỉ đạo họ theo dõi “đối tượng” chặt chẽ,
nghiên cứu thói quen, lịch làm việc hàng ngày, đường đi lối lại vào nhà và cách
bài trí đồ đạc trong nhà… Đã có những ngày mà, nếu không có cây đàn guitar luôn
đặt ở bên, có lẽ tôi đã phát điên..”
“Chính Trị Bình Dân” được viết
trong những ngày như thế, khi bà Đoan Trang “bị canh chặt ở Hà Nội, đến mức
không thể đi đâu, làm gì được, và luôn cảm thấy khó thở - nghĩa đen”, trích
Facebook Phạm Đoan Trang.
Năm 2015, sau khi nhận hoàn thành
khóa học theo học bổng tại Mỹ, nhà báo Đoan Trang đã chọn trở về Việt Nam, điều
mà bà cho VOA biết là “một quyết định khó khăn, dằn vặt”, để thay đổi xã hội “bất
thường” Việt Nam “trở thành một xã hội bình thường”.
Giới thiệu về cuốn sách, nhà báo
Đoan Trang viết: “Người Việt lại có thói quen tin tưởng rằng chính trị là cái
gì đó xấu xa, độc ác, bẩn thỉu, tốt nhất nên tránh xa nó ra.
Với niềm tin sai lệch ấy, định kiến
ấy, chúng ta tiếp tục xa lánh chính trị, không hiểu gì về chính trị và để mặc đất
nước, xã hội cũng như cộng đồng cho một thiểu số lãnh đạo tùy ý vận hành, quyết
định.
Nhưng thật ra, chính trị đâu có
khó hiểu đến thế. Cũng như nhân quyền, tự do, dân chủ chưa bao giờ là các khái
niệm phức tạp, nhạy cảm hay đáng sợ. Chúng là những điều đơn giản và căn bản đến
mức mọi người dân thường ở các xã hội dân chủ đều nắm được, ít nhất là cảm nhận
được chúng. Và chính nhờ thế, họ bảo vệ được nền dân chủ của nước mình”.
Nội dung của “Chính Trị Bình
Dân”, theo giới thiệu của nhà báo Đoan Trang, là một cuốn sách nhập môn về những
kiến thức căn bản về chính trị mà Đoan Trang đã “cố gắng để làm cho nó dễ hiểu
và thú vị nhất, để góp phần đánh tan cái định kiến tai hại ‘chính trị là xấu
xa, thủ đoạn’ ở bạn đọc Việt Nam”.
“Chính nhờ sự dí dỏm và nhẹ
nhàng, những vấn đề chính trị rất khô khan dưới ngòi bút của Đoan Trang trở
thành gần gũi. Khi đọc, người đọc sẽ cảm nhận mình là một bộ phận ở trong đó.
Chẳng hạn, Đoan Trang nêu ra vấn đề mà nhiều người đang rất quan tâm hiện nay
như việc thu phí ở BOT. Điều này khiến cho người đọc cảm nhận mình là người
trong cuộc, chứ không phải là người ngoài cuộc”, blogger Phạm Lê Vương Các nhận
xét với VOA.
Chỉ trong vài ngày đầu ra mắt, cuốn
“Chính Trị Bình Dân” đã được nhiều trí thức hoạt động ở Việt Nam đánh giá cao
và giới thiệu rộng rãi qua các kênh truyền thông xã hội.
Luật sư Lê Công Định nhận xét
trên trang Facebook cá nhân “Đây là quyển sách quan trọng và nền tảng về chính
trị cho mọi người, nhất là giới trẻ”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận
động xã hội dân sự ở Việt Nam, nói cuốn sách đáp ứng tốt một nhu cầu của xã hội
Việt Nam, nơi mà mức độ hiểu biết về chính trị, dân chủ của người dân cần phải
được nâng cao.
“Theo tôi, những người hoạt động
một cách chuyên nghiệp thì hiểu biết của họ về chính trị và dân chủ nói chung
là tốt. Còn dân chúng nói chung cũng rất khó nói, tôi nghĩ là sự hiểu biết đó
chắc là chưa được kỹ lắm và cần phải nâng cao sự hiểu biết của người dân lên
hơn nữa”, TS. Nguyễn Quang A nhận định.
Blogger Phạm Lê Vương Các đánh
giá cuốn “Chính Trị Bình Dân” không chỉ đề cập đến những vấn đề “nhạy cảm”, mà
còn “đánh trực diện vào hệ thống chính trị độc đảng tại Việt Nam” nên “rủi ro”
là điều khó tránh khỏi đối với tác giả cuốn sách. Blogger, cũng là nhà hoạt động
nghiên cứu về Luật, nói:
“Về mặt pháp lý, theo nguyên tắc,
cuốn sách được xuất bản tại Hoa Kỳ nên sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Hoa
Kỳ, chứ không thể nói sách xuất bản tại Hoa Kỳ mà pháp luật Việt Nam lại có thể
can thiệp vào. Tuy nhiên về mặt chính trị, chính quyền có thể lấy một lý do A,
B, C, D nào đó để trả đũa cho việc Đoan Trang xuất bản cuốn sách này”.
Tác phẩm dày 502 trang của nhà
báo Đoan Trang hiện đang được bán trên Amazon với giá 20 đôla. Theo nhận xét của
TS. Nguyễn Quang A, nếu cuốn sách được cô đọng ngắn gọn hơn, bán với giá rẻ hơn
và được phân phối qua nhiều kênh gần gũi hơn thì chắc chắn sẽ tiếp cận được nhiều
hơn tới giới “bình dân”, đối tượng mà cuốn sách nhắm đến.
Tuy nhiên, nhà báo Đoan Trang nói
bà sẽ “rất vui được tặng sách” cho sinh viên và nếu độc giả gặp khó khăn với
công an, an ninh vì cuốn sách, bà “sẵn sàng trao đổi họ trên tư cách tác giả với
độc giả”.
“Tác giả không sợ thì các bạn chẳng
có gì phải ngại cả”, bà Trang khẳng định trên Facebook.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét