Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Vụ 8B Lê Trực: Hoàng Trung Hải phản đòn?



 Toà nhà 8B Lê Trực.

Tháng 9/2015, vụ việc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển Kinh Đô (Kinh Do TCI Group) xây dựng toà nhà Discovery Complex II tại địa chỉ 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Tp Hà Nội) bắt đầu gây xôn xao dư luận trên báo chí “lề đảng” trước khi lan sang báo chí “lề dân”.

Ngày 24/3/2014, Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép Xây dựng số 11/GPXD-SXD cho công trình toà nhà 8B Lê Trực, theo đó chiều cao công trình là 53m, với 18 tầng nổi và 4 tầng hầm. Tuy nhiên, vào thời điểm công trình gần như đã hoàn tất thì người ta mới tá hoả khi phát hiện ra toà nhà trong thực tế lại cao tới 69m (vượt giấy phép 16m) và gồm 19 tầng nổi (vượt 1 tầng so với giấy phép).

Quan trọng hơn, với chiều cao vượt trội so với các toà nhà xung quanh, gần gấp đôi lăng Hồ Chí Minh và sát ngay một bên trung tâm đầu não Ba Đình, toà nhà Discovery Complex II trông chẳng khác gì một toà tháp canh khổng lồ, cho phép giám sát mọi động tĩnh xung quanh khu vực đặc biệt nhạy cảm về an ninh quốc gia này.

Dư luận lại càng hết sức lo ngại khi những thông tin liên quan đến dự án cũng như chủ đầu tư được báo chí phanh phui: ngoài dự án trên, Kinh Do TCI Group còn là chủ đầu tư một số dự án bất động sản toạ lạc tại những vị trí hết sức nhạy cảm về an ninh, chẳng hạn như dự án Capital Garden tại ngõ 102 Trường Chinh (gồm 2 tòa tháp cao hơn 115m và chỉ cách Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân mấy bước chân), hay dự án Hoàng Quốc Việt Towers (gồm 2 tòa tháp cao 46 tầng và 50 tầng) tại góc đường Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, tức chỉ cách trụ sở mới của Bộ Công an vài trăm mét. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là người phê duyệt dự án trong vai trò Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô (nay đã trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội).

Hai năm đã trôi qua kể từ khi báo chí lên tiếng về dự án 8B Lê Trực, và số phận của nó tưởng như đã được định đoạt sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân lên tiếng chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30/6/2016. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành xử lý giai đoạn 1 (cắt tầng 19) vào tháng 10/2016, việc tháo dỡ phần vi phạm giai đoạn 2 vẫn “dậm chân tại chỗ”, với đủ thứ lý do từ phía chủ đầu tư cũng như đơn vị ký hợp đồng tháo dỡ (Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc).

Không những vậy, ngày 29/8 vừa qua, chủ đầu tư dự án còn cho biết là họ đã khởi kiện UBND quận Ba Đình ra tòa 1 năm nay; tòa đã thụ lý nhưng chưa có ý kiến gì với doanh nghiệp. Lý do mà họ khởi kiện là (i) toà nhà 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND thành phố phê duyệt, trong khi đó Giấy phép Xây dựng số 11/GPXD-SXD lại không đúng quy hoạch đó; (ii) việc cưỡng chế phá dỡ không căn cứ vào quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng là không đúng quy định; và (iii) ngoài ra, công trình cũng thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

Nắm chắc lẽ phải như vậy, nhưng khi được hỏi là tại sao tại thời điểm bị hồi tố, cấp giấy phép không đúng với quy hoạch chi tiết mà phía doanh nghiệp không có phản hồi ngay, ông Lê Văn Hùng – Phó TGĐ Công ty CP May Lê Trực (công ty con của Kinh Do TCI Group) – thổ lộ: “Chúng tôi không kêu ngay từ đầu mà thậm chí khi bị kết luận sai phạm còn xin phá dỡ tầng 19 là để cho êm chuyện, để không có lùm xùm ra ngoài. Nhưng giờ khổ như vậy, bức xúc lắm nên chúng tôi phải nói ra. Đó là cách giải quyết của chúng tôi.”

Câu hỏi đặt ra là vì lý do gì mà mãi 2 năm sau khi bị báo chí “đánh” đồng loạt và 1 năm sau khi đã cắt ngọn 1 tầng, chủ đầu tư mới bỗng nhiên nổi hứng cho công chúng biết là họ đã khởi kiện UBND quận Ba Đình từ… một năm trước, đồng thời đưa ra những bằng chứng khó bác bỏ. Và chỉ hai ngày sau đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng phối hợp với các ban, ngành như Thanh tra TP, Sở Tư pháp, UBND quận Ba Đình tiến hành rà soát lại thủ tục, pháp lý trong việc xử lý toà nhà 8B Lê Trực.

Trước hết, cần khẳng định rằng, không một vụ tiêu cực nào ở Việt Nam nằm ngoài sự bảo kê, thậm chí sự chỉ đạo trực tiếp, của một thế lực chính trị nào đó. Và khi sự vụ đó được đưa ra ánh sáng thì lý do quan trọng nhất không phải là vì nó trái pháp luật – bởi nếu chỉ đơn giản thế thì nó đã bị vạch trần và ngăn chặn ngay từ đầu – mà là vì sự đấu đá giữa các phe nhóm hoặc vì mưu đồ chính trị của kẻ khởi xướng.

Dự án toà nhà 8B Lê Trực cũng không phải là ngoại lệ. Tác giả của nó, như phần trên chúng tôi đã trình bày, không phải ai khác mà chính là cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, “cha đẻ” của hàng loạt hiểm hoạ “made in China” khác trên khắp Việt Nam. Và việc dự án này bị báo chí đồng loạt cảnh báo về những hiểm hoạ tiềm tàng của nó không lâu trước khi Đại hội XII Đảng CSVN diễn ra chính là vì có (những) thế lực muốn qua đó để ngăn chặn ngài Phó Thủ Tướng.

Câu hỏi không thể không đặt ra ở đây là: Liệu ngài cựu PTT có biết là dự án do mình phê duyệt đã bị xử lý oan hay không, và nếu biết thì tại sao ông ta lại không để cho thuộc hạ lên tiếng ngay từ thời điểm đó, mà đến bây giờ mới lên tiếng?

Xin thưa, ngài Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế cùng cả dàn thuộc hạ hùng hậu chắc chắn không ngây thơ đến mức không biết, nhưng vào thời điểm vô cùng nhạy cảm trước thềm Đại hội XII, ông ta đã khôn ngoan chọn kế sách “lùi một bước” và “nín thở qua sông”. Sau khi đã trở thành thành viên ban lãnh đạo tối cao, thống lĩnh bộ máy đảng - chính quyền - quân đội của một Hà Nội “ngàn năm văn hiến”, ông ta mới “bật đèn xanh” cho đàn em “rón rén” khởi kiện chính quyền (bị đơn chỉ là UBND quận Ba Đình). Và chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tái xuất “bằng xương bằng thịt” với một bộ dạng nhợt nhạt trên truyền thông – bằng chứng cho thấy thủ lĩnh phe nhóm chống Tàu trong bộ máy đã đầu hàng Nguyễn Phú Trọng cùng phe nhóm thân Tàu và chấp nhận sắm vai một “ông phỗng” trên sân khấu chính trị Việt Nam – thì “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải mới chỉ đạo đàn em công khai lật lại vấn đề trên truyền thông.

Nếu người ta cứ vin vào cái gọi là “quy trình” hay “thủ tục” để biện minh cho sự tồn tại của một hiểm hoạ như Discovery Complex II ngay sát nách trung tâm đầu não chính trị quốc gia thì phải gọi “quy trình” hay “thủ tục” đó là gì nếu không phải là quy trình/thủ tục bán nước?

Bất luận thế nào, một khi Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu rà soát lại việc xử lý toà nhà 8B Lê Trực – một công trình mà công luận lên tiếng phản đối TRƯỚC HẾT là vì mối đe doạ tiềm tàng về mặt an ninh quốc gia của nó và đích thân Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dỡ bỏ – thì xem ra không còn ai đủ sức ngăn cản cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Nguyễn Phú Trọng nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét