Vũ Trọng Phụng là một trong những
khuôn mặt độc đáo nhất của văn học tiền chiến. Văn chương Vũ Trọng Phụng đối lập
với văn chương Tự Lực văn đoàn và cũng khác hẳn lối hiện thực phê phán của những
người cùng thời như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng…
Trái với những nhận định của phần
đông các nhà phê bình từ trước đến nay – kể cả những người như Phan Khôi,
Trương Tửu – Vũ Trọng Phụng không dùng ngòi bút để chống lại một thành phần, một
giai cấp, cũng không trực tiếp chỉ trích sự mục nát, thối rữa của xã hội Việt
Nam dưới ách thống trị của thực dân, nhìn trên bề mặt, mà ông mô tả sự tha hoá
của con người, trên toàn diện xã hội, dưới chiều sâu, qua nhiều từng lớp, nhiều
hạng người, mỗi người có một cách tha hoá khác nhau trước thế lực của tiền bạc
và tham ô.
Ra đời dưới một ngôi sao xấu
“Tôi sinh ra đời dưới một ngôi
sao xấu”, như lời Xuân Tóc Đỏ, nhân vật chính trong tiểu thuyết Số đỏ, Vũ Trọng
Phụng sinh ngày 20/10/1912 tại Hà nội, trong một gia đình nghèo. Cha là Vũ Văn
Lân, làm thợ điện, mất khi Phụng mới được 7 tháng. Mẹ là Phạm Thị Khách, goá chồng
mới 24 tuổi, ở vậy nuôi con và mẹ chồng.
Vũ Trọng Phụng có năng khiếu nghệ
thuật từ nhỏ, biết đánh đàn, soạn nhạc, và làm thơ. Học xong Cao đẳng tiểu học,
16 tuổi, thi vào trường sư phạm không đỗ, phải kiếm việc, làm thư ký cho nhà
hàng Gô Đa, rồi nhà in Viễn Đông trong 2 năm.
Từ 18 tuổi, chuyển hẳn sang viết
văn, làm báo, còn có các bút hiệu khác
là Thiên Hư, Phụng Hoàng… Trong chín năm từ 1930 đến 1939, Vũ Trọng Phụng đã cộng
tác với nhiều tờ báo như Hà thành ngọ báo, Nhật tân, Hải Phòng tuần báo, Công
dân, Tiểu thuyết thứ bẩy, Hà nội báo, Tương lai, Tiểu thuyết thứ năm, Sông
Hương, Đông dương tạp chí, Tao đàn, v.v… và viết đủ mọi thể loại.
Sống bằng nghề cầm bút, luôn luôn
trong cảnh túng bẫn. Năm 1937 lập gia đình với Vũ Mỵ Lương, sinh được một bé
gái, tên là Mỵ Hằng. Vũ Trọng Phụng bị lao, nhưng vẫn dốc hết sinh lực ra viết
đến hơi thở cuối cùng. Xuất hiện trên văn đàn năm 1930, năm sau, đã nổi tiếng với
vở kịch Không một tiếng vang, và hai năm sau, qua những phóng sự như Cạm bẫy
người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Vũ Trọng Phụng trở thành ngòi bút phóng sự
nổi tiếng nhất đất Bắc.
Năm 1936, xuất bản bốn cuốn tiểu
thuyết: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, và Làm đĩ, gây xôn xao dư luận. Bệnh tật và làm
việc quá sức, Vũ Trọng Phụng mất ngày 13/10/1939 tại Hà Nội, ở tuổi 27. Với sức
sáng tác sung mãn lạ kỳ, trong 9 năm cầm bút Vũ Trọng Phụng để lại trên dưới 30
truyện ngắn, 9 cuốn tiểu thuyết, 8 thiên phóng sự, 6 vở kịch… Phần lớn là những
tác phẩm có giá trị.
Sinh cùng năm với Hàn Mặc Tử và mất
trước Hàn Mặc Tử một năm, Vũ Trọng Phụng cùng với Hàn Mặc Tử và Bích Khê, là ba
thiên tài mệnh yểu của văn học Việt Nam trong thế kỷ XX.
Ở miền Bắc, trong suốt thời gian
dài, từ thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm đến giai đoạn đổi mới, Vũ Trọng Phụng bị coi
là nhà văn phản động, có tư tưởng chống cộng.
Vũ Trọng Phụng bị loại trừ khỏi
văn học Việt Nam vì người ta tìm thấy : “Trong di sản Vũ Trọng Phụng có một bài
báo dài nhan đề “Nhân sự chia rẽ giữa Đệ Tam và Đệ Tứ, ta thử ngó lại … (1937),
đã tạo thuận lợi quyết định cho ý đồ loại trừ Vũ Trọng Phụng khỏi văn học sử nước
nhà” (trích bài Một khía cạnh ở nhà báo Vũ Trọng Phụng : người lược thuật thông
tin quốc tế của Lại Nguyên Ân, Tạp chí văn học, tháng 12/ 1989).
Bài báo có tên đầy đủ là “Nhân sự
chia rẽ giữa đệ tứ và đệ tam quốc tế, ta thử ngó lại cuộc cách mệnh cộng sản ở
Nga từ lúc khỏi thủy cho đến ngày nay” in trên Đông Dương tạp chí số ra ngày
25/9/ 1937.
Ngoài ra, những cố gắng của
Trương Tửu và Trần Thiếu Bảo (nhà in Minh Đức), in và giới thiệu lại tác phẩm của
Vũ Trọng Phụng trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, càng làm tăng các tội “phản động”
và “làm mật thám cho Tây” mà người ta gán cho nhà văn họ Vũ.
Do ảnh hưởng sâu rộng từ bài viết
triệt hạ thâm độc Vũ Trọng Phụng của Hoàng Văn Hoan và các tê-no khác như Nguyễn
Đình Thi, Vũ Đức Phúc… Vũ Trọng Phụng bị khai trừ hẳn trên văn đàn miền Bắc.
Đến thời kỳ đổi mới, tác phẩm của
Vũ Trọng Phụng mới thực sự được in lại, với Tuyển tập Vũ Trọng Phụng do Nguyễn
Đăng Mạnh soạn và viết bài giới thiệu, nhà xuất bản Văn Học in năm 1987, và lễ
kỷ niệm 50 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng tại Văn Miếu Hà Nội ngày 12/10/ 1989.
Từ sự “phục hồi” này, nẩy sinh một
loạt nhận định mới, nhiều người không ngần ngại “chuyển hướng”, biến Vũ Trọng
Phụng thành nhà văn “cách mạng”, thậm chí một “chiến sĩ cộng sản”, đại biểu tầng
lớp nông dân, cầm bút chống lại thực dân phong kiến.
Truy lùng sự thật
Thực ra Vũ Trọng Phụng không phải
là nhà văn tranh đấu, hiểu theo nghiã cách mạng. Ông cũng không chống Pháp,
theo nghĩa thông thường.
Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, một
nhà văn đích thực, viết về sự tha hoá của con người. Tác phẩm của ông, phát xuất
từ xã hội Việt nam dưới thời Pháp thuộc, những năm 30-40, với tất cả những tệ
đoan của thời đó, nhưng Vũ Trọng Phụng không quy kết trách nhiệm cho tập đoàn
lãnh đạo là chính phủ bảo hộ, hoặc nhà vua Annam, mà ông đào sâu hơn, điều tra
mỗi hành động của cá nhân con người, để xác định trách nhiệm mỗi cá nhân trước
bổn phận và đạo đức sống của chính mình.
Trong những truyện ngắn đầu tiên
như Một cái chết (1931), Bà lão lòa (1931), ông đã nêu đích danh thủ phạm của
những cái chết bi thương, đói khát, là lòng dạ ác độc, không cưu mang nhau, giữa
người với người.
Chính vì điểm ấy mà Vũ Trọng Phụng
khác những nhà văn cùng thời. Tác phẩm của ông không bị giới hạn trong luận đề
chôn xã hội cũ, như phần lớn các thành viên Tự Lực văn đoàn, ông cũng không tố
cáo những bất công của xã hội thực dân như các ngòi bút hiện thực phê phán.
Vũ Trọng Phụng là nhà văn tả chân
đúng nghiã nhất của hai chữ tả chân : nghiã là ông chỉ truy lùng sự thực, ông
chỉ đi tìm sự thực về con người mà thôi. Vì vậy, tác phẩm của Vũ đạt tới sự phổ
quát : những nhân vật của Vũ có thể tìm thấy trong bất cứ xã hội nào mà tham
nhũng và tiền bạc làm chủ, xưa cũng như nay, Đông cũng như Tây.
Tác phẩm Giông tố
Giông tố không phải là quyển tiểu
thuyết như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, hay Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Có nghiã là nó
không chỉ tố cáo sự thối nát trong chế độ làng xã thôn quê, sự bóc lột người
cùng đinh của bọn giàu có, quan lại, ở nông thôn, của một thời Pháp thuộc, như
Ngô Tất Tố. Nó lại càng không đả phá chế độ gia đình trị trong xã hội cổ truyền
đầu thế kỷ XX, như Nhất Linh.
Vũ Trọng Phụng trình bày con người
của mọi thời dưới khía cạnh thực nhất: Đó sự thay lòng đổi dạ của con người trong một môi trường xã hội mà
tiền bạc có thể chi phối tất cả.
Vũ Trọng Phụng viết về sự tha hoá
của con người trong khi các tác giả khác mới chỉ đề ra những nạn nhân của chế độ,
như Loan trong Đoạn tuyệt, nạn nhân của chế độ mẹ chồng nàng dâu ; Dậu trong Tắt
đèn, nạn nhân của sưu cao thuế thuế nặng, của quan lại dâm ô ; Bính trong Bỉ vỏ,
nạn nhân sự phản bội của người tình, sự tàn ác của cha mẹ, sự đoạ đầy của xã hội,
v.v…
Nhân vật của Vũ Trọng Phụng khác
hẳn: trong Giông Tố, chúng ta không tìm ra được khuôn mặt nào đáng thương quá
đáng, cũng không tìm thấy khuôn mặt nào đáng ghét quá đáng, kể cả Nghị Hách và
Thị Mịch, là hai đối trọng, kẻ hiếp dâm và kẻ bị hiếp.
Trong Giông tố, (cũng như trong Vỡ
đê và Số đỏ), không hề có sự chia đôi giữa nạn nhân và thủ phạm, vì thế mà những
người phê bình như Trương Chính, quá quen với lối phân chia tốt xấu, không thể
hiểu được sự phức tạp của con người Thị Mịch.
Nghị Hách là một triệu phú,
chuyên dùng sự khủng bố, chuyên mua tất cả, làm xong tội ác cũng trả giá bằng
tiền. Sau khi hiếp dâm Thị Mịch, Nghị Hách đã dùng tiền và thế lực mua chuộc
quan lại, đổi ông huyện thanh liêm đi chỗ khác, sai người giải truyền đơn giả cộng
sản để ghép tội dân làng, Vũ Trọng Phụng viết :
«Đến hôm quan huyện và quan đồn về
khám xét cả làng thì sự khủng bố lại càng hoàn toàn, lại càng đầy đủ. Bầu không
khí hầu như không thở được nữa. Trẻ già lớn bé đều đã tái xanh mặt mũi khi thấy
ông chánh hội, ông phó hội, ông lý trưởng, ông phó lý, người nào cũng run như
cày sấy ở trong phòng hội đồng của làng, trước một hộ râu vênh vểnh của ông
quan đồn và bốn cái lưỡi kiếm sáng quắc ở miệng súng của bốn bác lính khố xanh.
Ông đồn giơ miếng vải đỏ và những
mẩu giấy trắng chữ tím ra, để mắng bọn lý dịch như tát nước vào mặt họ. Trẻ con
người lớn đứng xem đen ngòm… Một người lính quát một tiếng, thế là cả cái đống
người tò mò ấy tan tác ra như một đàn ruồi ở sau mông con bò, lúc bị cái đuôi
bò đập một cái vậy.
Tối mặt tối mũi lại, một đứa trẻ
hoảng hốt cắm cổ chạy, thế nào ngã đánh bõm một cái xuống ngay ao. Tuy vậy mà bọn
người lớn, sợ sệt quá, cũng không dám vớt. Khi quan huyện phải quát xuống vớt,
mới có một anh chàng lực điền chắp tay vái mấy cái rồi cởi áo ra, nhảy xuống ao
mò đứa bé con…
Rồi bọn lý dịch phải theo ông đồn
và ông huyện ra xe hơi lên tỉnh. Hôm sau, họ được về thì lại đến lượt ông đồ phải
gọi lên tỉnh có việc quan. Rồi ông đồ cũng về. Thế là cả bọn đều là những cái
trứng để đầu đẳng.
Ngoài cái kiện đua hơi với ông
nghị giàu có, hách dịch nhất. Chưa biết được thua thế nào, mấy người còn lo sốt
vó về tội canh phòng bất cẩn, dung túng kẻ phản nghịch trong làng, hoặc ở ngoài
đến tuyên truyền ở làng, và dạy học trò mà không có phép mở trường tư. Cả làng
đều nằm mê thấy toàn những ngục tù, những hình phạt.
Lại đến hôm thấy cái tin ông huyện
cũ phải đi, để cho ông khác về thay. Thì cả làng ai cũng tin chắc chắn, y như
được ông thành hoàng báo mộng cho vậy, là ông đồ và bọn lý dịch đã ký vào đơn
kiện thế nào rồi cũng vì một việc cô Mịch bị hiếp mà mất chức, mà ngồi tù!»
(trích Giông tố, trong Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, nxb Văn Học, 1987, trang 254).
Đoạn văn trên đây, không hề mô tả
dân làng như những nạn nhân vô tội, điều mà chúng ta thường thấy trong những
tác phẩm hiện thực thời ấy.
Vũ Trọng Phụng thoát khỏi lối
trình bày một chiều phân chia nạn nhân và thủ phạm, ông mô tả dân làng, dưới những
nét hiện thực tả chân : khi có việc tố tụng, mới thấy tính chia rẽ và nhu nhược
không những của dân quê mà còn cả bọn lý dịch. Sự sợ sệt của họ trước bất cứ việc
gì dây dưa tới cửa quan, càng khiến bọn nha lại dễ dàng khu xử theo luật tắc của
đồng tiền, mà những kẻ như Nghị Hách, có đầy đủ phương tiện để chi phối toàn bộ
guồng máy quan trường theo ý mình.
Trong Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng trình
bày vấn đề tranh đấu của người dân đi hộ đê. Mặc dù có Phú, một thanh niên có học,
biết luật, đứng lên dẫn đầu cuộc tranh đấu cho quyền lợi lương bổng, nhưng họ
cũng vẫn trong tình trạng ô hợp, xung động, mất trật tự, chỉ cần mấy lời đe dọa
của lũ nha lại, là tất cả đều tan rã, không đủ khí phách để đi đến cùng. Hai
nhược điểm chính của người dân nước ta là chịu nhẫn nhục và không kiên quyết,
cho nên họ không thể đấu tranh giành quyền sống, giành tự do, dân chủ được.
Toàn bộ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng
nói lên điều đó như một lời tiên tri và vẫn còn đúng tới hôm nay. Vũ Trọng Phụng
muốn nói : phải trách mình chứ đừng nên trách người.
Những nhân vật người Pháp trong
tiểu thuyết của ông, thường không phải là bọn tham quan ô lại, mà bọn tham ô,
thường là người Việt. Chính người Việt đã xử tệ với dân Việt, chính người Việt
đã tham nhũng, tồi tàn, đã làm bẩn xã hội Việt.
Vì thế, ông không trình bầy một
xã hội chia hai, một bên là bọn quan trường Pháp thuộc tàn nhẫn, đẫm máu người
và một bên là đám dân đen Việt Nam trong sạch và vô tội bị thực dân bóc lột đoạ
đầy, mà ông trình bày sự ti tiện của con người trước áp lực của kim tiền và
tham nhũng. Tác phẩm của ông đào sâu xuống cái thấp hèn của con người, cái thối
nát của chính những người Annam, những tri huyện, tổng đốc, đã lạm quyền, những
bọn cai đội, lý dịch đã ra tay đàn áp, bóc lột dân nghèo.
Vũ Trọng Phụng đã sớm nhìn thấy
trách nhiệm của người mình đối với người mình. Thấy nước mình tàn tệ như thế là
vì người mình thối nát, ông không đổ lỗi cho thực dân Pháp, cho chính quyền thuộc
địa, nghiã là ông không che đậy trách nhiệm cá nhân của người Việt, trước tình
trạng thê thảm của dân Việt: quan trường tham nhũng, người dân ù lỳ, nhẫn nại,
chỉ biết sợ sệt, chịu đựng, không biết đoàn kết, không có đầu óc đấu tranh.
Tất cả những nhược điểm ấy của
người Việt, được Vũ Trọng Phụng đề cập từ năm 1936, đến nay vẫn không thay đổi,
và đó là lý do giải thích tại sao chúng ta vẫn còn là một trong những nước cuối
cùng, tồn tại một chế độ toàn trị, trong khi hầu như cả thế giới đã loại bỏ.
Sự bất nhân trong tính người
Ở Vũ Trọng Phụng là sự phản tỉnh
rất sớm về cái gọi là «tính người». Năm 1936, khi viết ba tác phẩm chính của
mình là Giông tố, Số đỏ và Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng mới 24 tuổi, mà ông đạt tới độ
chín của các nhà văn đứng tuổi từng trải.
Có lẽ bởi Vũ Trọng Phụng đã phải
vào đời sớm, làm nghề nhà báo, phải xông xáo trong những môi trường ăn chơi trụy
lạc, đến các cửa quan, về thôn ổ. Ngòi bút Vũ Trọng Phụng trước tiên là ngòi
bút phóng sự điều tra, văn phóng túng, trực tiếp, đốp chát, là thứ hiện thực
hàng ngày được đưa lên mặt báo.
Tiểu thuyết Giông tố gần như tổng
hợp các tin vặt có thể lượm được trên một cột báo bình dân khoảng năm 1932. Thí
dụ: tin Nghị Hách hiếp dâm một cô gái quê, tên Thị Mịch, con ông bà đồ Uẩn. Quỳnh
thôn thấy con gái trong làng bị nhục, đồng đơn kiện Nghị Hách. Quan huyện thanh
liêm muốn làm cho ra lẽ, bị quan Tổng đốc, thân Nghị Hách, đổi đi chỗ khác… Dân
làng khi chưa kiện, biện luận hùng hồn, “nhất trí” một lòng một dạ, nhưng khi
chạm đến cửa quan thì mỗi người một bụng, không ai muốn dây dưa, chỉ sợ tai bay
vạ gió, không khéo lại vào tù…
«Tính người» trong tiểu thuyết
Giông tố được phô bày một cách phũ phàng, không thương tiếc : Từ cô Mịch, con
gái ông đồ, hiền lành, ngây thơ, quê mùa, đã hứa hôn với Long, một thanh niên đứng
đắn. Mịch ban đầu là nạn nhân, bị hãm hiếp, được dân làng thương xót, rồi Mịch
có mang, bị mọi người đàm tiếu, khinh bỉ.
Tú Anh, con trưởng của Nghị Hách,
tưởng là một nhân vật tốt, muốn cứu vớt thanh danh gia đình Mịch, đã bắt buộc bố
phải cưới Thị Mịch làm vợ lẽ ; nhưng để thực hiện chương trình phúc thiện, Tú
Anh đã dùng những thủ đoạn đen tối, lừa dối hai người tình Mịch và Long làm cho
họ hiểu lầm nhau.
Khi trở thành vợ bé Nghị Hách, một
bước lên «bà lớn», Mịch cảnh vẻ, quát tháo con ở, ngoại tình với Long, dâm đãng
như bất cứ người đàn bà có tiền, có thế lực nào. Ông bà đồ, cha mẹ Mịch ngày
trước thanh bần trong sạch, tôn trọng đạo đức thánh hiền, nay vểnh vao trong
chiếc xe hơi của Nghị Hách, dạo phố Hà nội, như những kẻ giàu mới phất, mặt mũi
phởn phơ, không kém gì hạng người mà ngày trước ông bà đã từng khinh bỉ. Chính
bản thân Mịch cũng thù ghét cha mẹ ở thái độ đổi trắng thay đen, đã bán khoán
mình với giá rẻ cho Nghị Hách để hưởng giàu sang.
Đầu óc rửa thù bao trùm lên toàn
thể nhân vật trong tiểu thuyết : gia đình Nghị Hách là một cuộc ân oán trên hai
thế hệ với những oan nghiệt do chính Nghị Hách gây ra. Dùng tất cả những thủ đoạn
đê hèn để làm giàu và tiến thân, Nghị Hách là một trường hợp đặc biệt của tội
ác: hiếp dâm, giết người, không hề ngần ngại, miễn sao đạt được hai mục đích:
thỏa mãn tính dâm dục và thành công trong địa hạt tiến thân. Chính đứa con trai
của Nghị Hách xét đoán cha như sau: «Cái thằng cha ấy nó đẻ ra moa, chính là vì
một phút điên rồ của xác thịt đấy!…
Cũng vì thế mà lúy bỏ ma me, để
ma me nghèo, chết, rồi bây giờ lúy lại chực từ nốt cả moa! Các đằng ấy bảo vì lẽ
gì tớ lại không rửa thù?» (trang 244).
Sự rửa thù, trong tác phẩm, từ
trong gia đình ra đến xã hội, không chỉ có trong gia đình thối nát của Nghị
Hách, mà trong cả gia đình Thị Mịch, đối cảnh của Nghị Hách, cũng không thoát
khỏi : Bà đồ Uẩn, trong sự giàu sang, hãnh diện vì trả thùđược bọn dân làng, đã
từng khinh bỉ, riếc móc con gái bà.
Mịch trước khi bị hiếp dâm đã yêu
Long, hai người đã chuẩn bị cưới hỏi. Sau khi bị nhục, Mịch nghĩ mình không còn
xứng đáng với người tình, đã treo cổ tự vẫn nhưng không chết, Long đã hiểu cho
tình cảnh Mịch, nhưng rồi sau đó, bị nghi ngờ chiếm hữu, Long xa lánh dần.
Mịch đi từ vị trí một người chọn
chết để giữ thanh danh và trong sạch với người yêu, sang vị trí một người bất cần,
trong Mịch chỉ còn lại sự căm hờn cho nhân tình thế thái:
«Trước kia Mịch tự tử là vì ái
tình. Bây giờ Mịch không được yêu, thì Mịch chỉ trông thấy sự căm hờn mà thôi.
Mà sự căm hờn chỉ nuôi, chứ không giết» (trang 335)
« Mịch đối với Long chỉ còn sự
căm hờn» (trang 357).
Đối với cha mẹ, Mịch cũng bị oán
thù chi phối :
«Mịch thấy mẹ mình như là hèn hạ
quá, nhẫn tâm quá» (trang 359)
«Mịch oán giận mẹ. Căm tức bố,
khinh bỉ anh» (trang 396).
Giông tố là thảm kịch về sự thấp
hèn bất tín của con người trên mọi lãnh vực, không ai có thể tin được ai, không
ai có thể nhờ cậy được ai. Từ trong ra ngoài, từ anh em đến cha mẹ, từ vợ đến chồng, cha đến
con, tất cả đều sống trong lừa dối, bất mục, một vòng loạn luân khép kín: Tội
ác và lừa bịp gieo rắc khắp nơi, nên không thể biết hậu quả chỗ nào mà tránh.
Bộ ba tiểu thuyết then chốt:
Giông tố, Số đỏ và Vỡ đê, đã xây dựng nên vũ trụ Vũ Trọng Phụng, một vũ trụ đen
tối mà con người đối xử với nhau không hơn gì loài thú.
Khía cạnh bất nhân trong nhân
tính, sau này chúng ta thấy lại trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.
Vũ Trọng Phụng là nhà văn Việt
Nam đầu tiên đã phanh phui «thú tính» nơi con người, kể cả những người được coi
là «hiền lành, chân thật». Trong khi những tác giả hiện thực cùng thời mới chỉ
phân chia xã hội thành hai lớp lang tốt và xấu, đề cao cái tốt và hạ bệ cái xấu.
Vũ Trọng Phụng đi trước thời đại,
bước lên trên lối phân tích luân lý giáo khoa đó, ông tả chân một xã hội hai mặt
với những con người hai mặt, dùng đối thoại và độc thoại nội tâm của các nhân vật,
như một phương pháp thám hiểm vùng tiềm thức của con người, ở thời điểm những
năm 30 của thế kỷ trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét