Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Bánh chưng thời hội nhập

Hiệu Minh


Bánh chưng bánh tét 2017 tại nhà Bin và Luck. Ảnh: HM
Bánh chưng bánh tét 2017 tại nhà Bin và Luck. Ảnh: HM

Bài này viết từ năm 2007 nhưng thông điệp vẫn còn nguyên giá trị

Tết đến, dù ở trên đất Mỹ xa xôi, anh lại gói bánh chưng… Chiếc bánh nhỏ gợi ra câu hỏi lớn: Giữ cái gì, để mất cái gì, hay hoàn thiện hơn cái mình đang có để giữ mãi bản chất Việt?

Bánh chưng ở Washington

Có người bạn Mỹ gốc Việt sống ở Maryland, Hoa kỳ. Nếu gọi anh là người Việt Nam thì anh giận vì anh có hộ chiếu quốc tịch Mỹ hẳn hoi. Nhưng nếu bảo anh là người Mỹ, anh cũng chẳng bằng lòng. Anh vẫn bảo “Cậu không thấy tớ nói tiếng Việt, giọng Hà Nội ư?”. Xa Hà Nội từ lúc 10 tuổi, đến Sài Gòn rồi số phận đưa đẩy anh sang Mỹ lập nghiệp mấy chục năm trời.
Mấy hôm nay, chúng tôi bàn nhau đón Giao thừa Tết Việt Nam. Anh bảo “Cậu mới ở Hà Nội sang, chắc vẫn còn nhớ cách gói bánh chưng. Năm nay mình thử ăn Tết như Hà Nội. Chúng mình đều có con nhỏ, nếu không gói bánh chưng Tết cho chúng nó xem, lớn lên chúng sẽ chỉ biết McDonald (bánh mì kẹp thịt nổi tiếng của Mỹ) và coca thôi”.

Tôi thú thật với anh là tôi không biết gói vì lúc nhỏ có bố mẹ lo hết, lớn lên đi học ở thành phố, ra công tác thì có bánh chưng mậu dịch, và bây giờ thì bán đầy đường, ai còn gói nữa. Có chăng, tôi có thể gói bánh chưng rùa thôi, loại bánh cho trẻ con, không cầu kỳ, gói như dúm mắm tôm cũng được.

Bin và Luck và bánh chưng gói năm 2007. Ảnh: HM
Bin và Luck và bánh chưng gói năm 2007 tại DC. Ảnh: HM

Anh kể cho tôi nghe, có lần anh tự mua gạo nếp, đậu, thịt gói và nấu ngoài vườn nhà. Đun nấu khói lên nghi ngút, nhà hàng xóm là dân Mỹ trắng, tưởng bị cháy rừng, gọi xe cứu hỏa đến, thế là phải đền tiền xe đến. Tuy nhiên, một lần về Hà Nội du lịch dịp Tết, anh phát hiện dân Hà Nội nấu bánh chưng bằng nồi áp suất, vừa nhanh vừa gọn nhẹ, lại không có khói. Anh học mẹo vặt đó luôn.

Mỗi năm Tết đến anh lại gói bánh chưng để các con anh biết và cũng nguôi đi nỗi nhớ quê nhà. Anh nói luộc bánh chưng bằng củi trong bếp vẫn thích hơn vì người ta có thể quây quần, ấm áp, kể chuyện năm qua và mong năm mới đến.

Bánh chưng Ninh Bình làng tôi

Hồi công tác ở Hà Nội, hàng năm, mỗi khi Tết đến, tôi vẫn về thăm bố mẹ ở Ninh Bình. Việc đơn giản của tôi là đi qua Chợ Hôm, mua mấy cái bánh chưng đắt tiền nhất ở chợ và mang về khoe: ”Con mua ở chợ Hôm đấy”. Nhưng bố tôi hỏi ”Sao anh không tự gói lấy? Nếu anh không gói thì các con của anh sẽ không biết gì về bánh chưng đâu”.

Nhà tôi đông các anh các chị, ai về thăm cũng biếu bánh chưng, nhưng bố tôi chỉ thích bánh của cậu Lăng em rể vì do chính anh ấy gói và nấu, ngon và rền hơn hẳn mấy cái mua ở chợ Hôm Hà Nội hay Thị xã Ninh Bình mang về. Các anh chị đi công tác xa vẫn cho bố tôi cổ hủ, không chịu theo thời kinh tế thị trường “cái gì mua được nên mua, gói làm gì cho mất thời gian”.

Tôi vẫn nhớ hồi nhỏ, luộc bánh chưng ba mươi Tết là kỷ niệm không bao giờ quên. Bố tôi gói rất nhanh, không cần khuôn nhưng cái nào cũng bằng nhau, vuông vức. Thịt không có nhiều vì hiếm và đắt, chỉ có nhân đậu xanh không đãi hết vỏ và gạo nếp là chính.

Không bao giờ ông quên gói cho chúng tôi mấy cái bánh chưng rùa, hoặc ông dạy cho cách gói để đứa nào đứa ấy “tự biên tự diễn” tác phẩm của mình. Xếp bánh vào nồi ba mươi, đậy nắp bằng một cái nồi nhỏ được đổ đầy nước, đặt trên cái nùn rơm quấn quanh. Rồi đun nấu, đổ thêm nước khi hơi cạn, và đợi gần giao thừa vớt bánh.

Các cô gói bánh chưng bánh tét 2017 tại Virginia. Ảnh: HM
Các cô gói bánh chưng bánh tét 2017 tại Virginia. Ảnh: HM

Bọn trẻ chúng tôi thường ngủ quên, không biết bánh chín lúc nào. Lúc dậy thì đã sáng mồng Một mất rồi. Nhưng hương vị những cái bánh chưng rùa ấy theo tôi khắp năm châu, không bao giờ quên.

Anh bạn Việt kiều cũng không thể nguôi ngoai kỷ niệm bánh chưng sau bao nhiêu năm trên đất Mỹ. Anh bảo, có thể lúc ấy mình đói quá, ăn gì cũng ngon, hoặc cũng có thể chính hương vị bánh chưng nếp đồng làng trên bếp củi hòa quyện với xóm quê, hoặc do cả hai mà làm nên kỷ niệm.

Bánh chưng thời hội nhập

Tôi cứ nghĩ mãi không biết ở Hà Nội bây giờ bao nhiêu gia đình còn tự gói bánh chưng ngày Tết. Đến nhà bạn chơi ngày Tết ngày nay, ăn miếng bánh, chỉ đoán già đoán non đây là bánh chợ Hôm hay làng Bưởi, bánh Bôđêga hay của Kinh Đô. Nhìn cái lạt ni lông mầu mè, lá dong tươi một cách đáng ngờ, ít ai còn nhớ đến cái bánh quê chân chất khi xưa. Ai còn dám nói với gia chủ: ”Bánh này bác gói ngon quá”.

Toàn cầu hóa sẽ giúp dân tộc ta cất cánh nếu chúng ta biết bơi ra biển lớn. Biết lối làm ăn, hội nhập giúp mang hàng hóa ra nước ngoài, kể cả chiếc bánh chưng hay đòn bánh tét, và hàng hóa ngoại sẽ tràn ngập Việt Nam. Có thể chiếc bánh chưng nóng hổi được chuyển từ Hà Nội đến Washington trên máy bay Vietnam Airlines trong ngày.

Vui với những chiếc bánh Lang Liêu ở DC. Ảnh: HM
Vui với những chiếc bánh Lang Liêu ở DC. Ảnh: HM

Cái bánh chưng, chiếc giò lụa, hay đòn bánh tét miền Nam có còn trong trí nhớ của thế hệ con tôi sau vài chục năm nữa?

Giữ cái gì, để mất cái gì, hay hoàn thiện hơn cái mình đang có để giữ mãi bản chất Việt đang đặt ra nhiều câu hỏi. Nếu không, xu thế toàn cầu hóa, nỗi mừng hội nhập sẽ cuốn đi số phận cái bánh chưng xanh nhỏ bé của Lang Liêu có từ thuở Vua Hùng.

Rồi một hôm nào đó, ta lại hỏi chính bản thân ”Ta thuộc dân tộc nào trong thế giới toàn cầu hóa này” như chính người bạn Việt kiều đang băn khoăn không biết mình là người Mỹ hay Việt.


HM. 25-02-2007



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét