Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Hai góc nhìn luật pháp

FB Luân Lê


 No automatic alt text available.


Trong một đất nước thượng tôn luật pháp thì chỉ có pháp luật được viện dẫn và hướng đến để hành xử với nhau mà không có chỗ cho đạo đức hay những thứ lệ tục xen vào phá hỏng trật tự của nó.

Pháp luật là phát minh quan trọng bậc nhất của xã hội có ý thức đối với nhân loại. Nên tất cả các thứ quy định không phải luật pháp mà định cố tình thay thế luật pháp mà làm căn cứ để điều chỉnh quốc gia thì đều trở nên thất bại và làm xã hội loạn lạc.

Ở Mỹ, Liên đoàn luật sư có thể sẵn sàng cho một vụ kiện đối với Tổng thống trước Toà án bảo hiến để cáo buộc hành vi lạm quyền hoặc ban ra các đạo luật, sắc lệnh vi hiến mà không cần e ngại sẽ bị sức ép quyền lực hay đảng phái chính trị nào đè lên họ. Toà án độc lập với đảng phái và mặc dù được bổ nhiệm bởi Tổng thống, nhưng Tối cao pháp viện Hoa Kỳ lại không chịu sự chi phối của thiết chế quyền lực nào khác nếu họ, những thẩm phán, không chết hoặc bị luận tội hay chính họ từ nhiệm chức vị.

Và cũng bởi một đất nước chỉ có pháp luật được thượng tôn và viện dẫn mà con người ta, kể cả từ công dân đến chính quyền, đều cũng chỉ có một mục tiêu và cơ sở để mà làm việc, hành xử với nhau, đó là dùng luật pháp và việc kiện ra toà án mà phân xử.

Vì vậy, Hiến pháp của nước Mỹ mới có giá trị đến như vậy đối với toàn dân chúng Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Chỉ có Hiến pháp Mỹ là tối cao và được bảo vệ nghiêm ngặt, Tổng thống hay các đạo luật của Quốc hội (nghị viện) cũng có thể bị xét xử khi nó có dấu hiệu xâm phạm vào văn bản có giá trị cao nhất này.

Và cũng vì thế mà dân Mỹ không sợ chính phủ, nhân viên dưới quyền không sợ cấp trên của mình, không sợ bị trù dập, chèn ép hay bị đối xử bất công mà không được phép phản kháng.

Trump ban hành ra các sắc lệnh khi mới nhậm chức được 10 ngày, và ông ấy phải đối mặt với những sức ép vô cùng lớn từ những công dân trong lòng nước Mỹ. Đó là việc sẵn sàng phải đối mặt với những vụ kiện liên tiếp từ Bang Boston, từ Liên đoàn luật sư Hoa Kỳ, từ bất kỳ công dân nào khi bị cho là phân biệt đối xử vì vấn đề tôn giáo và quốc tịch (các nước bị cấm nhập cư), từ sự bác bỏ từ phía toà án đối với các sắc lệnh được ban hành ra.

Đất nước Mỹ vĩ đại vì bản Hiến pháp trao toàn quyền tự quyết cho người dân Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, và vì thế nó phải được bảo vệ bởi một nền tư pháp độc lập. Họ thiết kế nên một mô hình tổ chức quyền lực đa đảng phái để cho người dân có toàn quyền thực hiện quyền chính trị và làm chủ quốc gia và nhà nước của mình. Họ ngăn không cho bất cứ nhánh quyền lực nào có thể tha hoá hay lạm quyền. Họ không cho đảng phái nào là một thiết chế quyền lực trong bộ máy nhà nước. Họ khiến cho dân chúng có toàn quyền phản kháng trước chính quyền và có thể kiện bất cứ ai nếu nó xâm hại tới Hiến pháp - văn bản tối cao và cũng là giá trị phổ quát nhất dành cho nhân dân một nước.

Còn chúng ta?

Đảng cộng sản là tổ chức duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội. Nhưng trớ trêu thay, mô hình tổ chức quyền lực nhà nước thì Toà án (nơi có chức năng bảo vệ Hiến pháp) thì lại là nhánh quyền lực thấp nhất (đứng thứ ba) sau hành pháp và quốc hội. Thế thì ai sẽ canh giữ Hiến pháp và ai sẽ có khả năng xét xử những tổ chức, cá nhân vi phạm Hiến pháp? Trong khi Đảng cộng sản chỉ là nhóm người và không phải là một chủ thể đảm đương việc bảo vệ pháp luật theo như chức trách của Toà án? Và đảng cũng lại không có luật về tổ chức, hoạt động của chính mình, nhưng lại lãnh đạo toàn diện nhà nước. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi tình trạng đó hiển hiện và tiếp diễn?

Chúng ta có nhìn thấy vấn đề gốc rễ của quốc gia chúng ta không? Nếu đất nước không có luật pháp, hoặc có pháp luật mà không ai bảo vệ luật pháp thì nó sẽ hỗn loạn và dễ dàng trở nên vô pháp như thế nào?

Và một quốc gia, nếu không có luật pháp và không thực thi nghiêm minh trong thực tế thì đất nước ấy sẽ sớm suy vong và loạn lạc.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét