Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Mâm cơm ngày Tết


VOA Tiếng Việt

Bánh chưng làm theo triết lý âm dương có hình vuông tượng trưng mặt đất, trên đó có nếp, đậu, thịt.

Đối với nhiều người Việt, Tết trước hết là cho tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Từ sáng sớm ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung sắm sửa, chuẩn bị mâm cơm cho ngày Tết. Ở miền Bắc gọi là mâm cỗ, miền Trung gọi là mâm cộ, miền Nam gọi là mâm cơm cúng ông bà.

Hôm nay VOA Việt ngữ rất hân hạnh mời diễn giả Hồ Nhựt Quang ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với thính giả về văn hóa truyền thống của Việt Nam qua hình ảnh mâm cơm ngày Tết.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang nói có nhiều điểm khác biệt giữa mâm cơm thường ngày và mâm cơm ngày Tết: Mâm cơm bình thường thì có chi dùng nấy. Thích lúc nào thì ăn lúc ấy, và cũng không cần phải sum họp đầy đủ cả nhà. Trong khi đó mâm cơm ngày Tết, đặc biệt là ngày 30 Tết là rất có ý nghĩa từ khâu chuẩn bị đến tạo dựng không khí sum họp gia đình:

“Mâm cơm 30 Tết, bữa đó chúng ta ăn cơm không phải trên cơ sở vật chất không thôi, mà còn trên cơ sở vật chất cộng với tinh thần. Đó là tinh thần sum họp, đoàn tụ các thành viên trong gia đình. Có giá trị cựu – tân, có nghĩa là có cũ và mới: chia tay năm cũ, đón chào một mùa xuân mới. Có quá khứ, hiện tại và tương lai, ôn cố tri tân, chuẩn bị thời khắc giao thừa. Chúng ta có khâu chuẩn bị tưởng nhớ tiền hiền, hậu hiền, ông bà tổ tiên của mình.”

Để cho mâm cơm thêm ý nghĩa cao quý vào ngày 30 Tết thì việc chuẩn bị là rất quan trọng. Hồ Nhựt Quang chia sẻ cách chuẩn bị mâm cơm của người miền Bắc:

“Ở miền Bắc chuẩn bị ít nhất có 4 bát, 4 đĩa, gồm giò măng, miến, nấm mộc, bắt bóng thả, rồi chả quế, giò lụa, thịt gà, thịt lợn.”

Gia đình nghệ sĩ Lê Khanh gói bánh chưng ngày Tết

Đặc biệt người miền Bắc làm bánh chưng theo triết lý âm dương:

“Triết lý âm dương là là triết lý có từ thời Hùng Vương Hữu lễ: Lấy hình vuông tượng trưng cho mặt đất, lấy hình tròn tượng trưng cho bầu trời. Cho nên ông Lang Liêu mới làm bánh chưng và bánh dày. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng mặt đất trên đó có nếp, đậu thịt.”

Ở miền Trung có các món như tré, chả, nem, hoặc thịt bò, thịt heo ngâm với nước mắm, và đặc biệt là thịt luộc cuốn bánh tráng, thịt kho trứng, cá kho, gỏi vả bằng mít.”

Riêng món mít có ý nghĩa trong dịp Tết của người Miền Trung, vì nhựa từ lá, vỏ của cây mít lúc nào cũng tươm ra tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, cốt cách sống minh bạch. Hơn nữa người ta còn dùng gỗ mít làm tượng Phật, làm mõ để dùng trong chùa, vì vậy mít còn gọi theo tiếng Phạn là bala mật – hay “sự cứu cánh”. Sau này Triều Nguyễn có xây “Cửu đỉnh” trong đó có lấy hình ảnh trái mít khắc trên cao đỉnh, tượng trưng cho vua Gia Long.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang mô tả mâm cơm cúng Tất niên của người miền Nam gồm có các món phổ biến như canh khổ qua, thịt kho trứng, cá nướng, dưa kiệu, trước là để cúng tổ tiên ông bà, sau thì các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức hay đãi bạn bè thân hữu:

“Còn ở miền Nam thì món ăn cũng có ý nghĩa rất thâm sâu. Ví dụ, canh khổ qua, “khổ qua”: có nghĩa là mong sao cho năm tháng vất vả qua đi để hưởng phúc thái bình, mong điều may mắn. Chuẩn bị cho Tết ở trong miền Nam là phải có món này. Phải có nồi thịt kho trứng. Thịt kho trứng cũng có triết lý âm dương: cắt miếng thịt hình vuông, quả trứng hình tròn, tượng trưng cho vuông – tròn. Làm mức thèo lèo, cũng có thỏi vuông và những hạt tròn.”​

Ở miền Nam, ngoài mâm cơm bày trên bàn thờ cúng tổ tiên ngày Tết, còn có cành mai, có mâm ngũ quả.Thông thường ở phương Nam, người ta bày mâm ngũ quả với những trái cây chính là: mãng cầu, dưa, đu đủ, xoài, mà theo cách phát âm miền Nam hiểu là "cầu vừa đủ xài" thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Mâm cơm cúng ngày Tết vừa là tấm lòng tri ân với tổ tiên vừa thể hiện đầy đủ nét tài khéo của phụ nữ Nam bộ trong việc chế biến các món theo đúng phong vị truyền thống phương Nam, trong đó có bánh tét.

Diễn giả Hồ Nhật Quang nói thêm về món bánh tét ở miền Trung và bánh tét miền Nam:

“Miền Trung làm bánh tét bằng nếp tươi, còn trong Nam làm bằng nếp xào. Người ta xào nếp với nước cốt dừa, rồi nhân có đậu đen hay đậu xanh, có khi nhân là trứng vịt muối, hoặc bánh tét nhân chuối. Bánh tét mang cái hồn của bánh chưng miền Bắc. Bánh tét cũng được buộc bằng sợi lạt. Ví sợi lạt như cốt cách sống ‘lạt mềm buộc chặt.’ Đó là cách ứng xử cương - nhu phải rõ ràng. Có ‘lá lành đùm lá rách’ tượng trưng cho nghĩa cử cao đẹp của người Việt chúng ta.

“Cho nên ngày xưa trong sách tự gia giáo, có một bài thơ nói về bánh tét:

“Bánh tét khen ai khéo gói ngon,

Lạt mềm buộc chặt lá cuốn tròn,

Rách lành đùm bọc hương lúa nếp

Đậu ngọt, dừa thơm, chuối lòng son

Đất Bắc nghìn năm thương bánh tổ

Bánh tét miền Nam nhớ buộc đòn

Cũng đậu thịt ngon đêm nhiệt lửa

Ngày xuân đón nắng vị nước non.”

“Thông thường chúng ta hiểu rằng, “tét” là khi ăn mình dùng sợi lạt tét từng khoanh bánh ra. Từ “tét” còn xuất từ chữ “tiết”, tức là tiết xuân, trong xuân, hạ, thu, đông.

“Từ ‘tiết’ này là tên của một trong 64 quẻ của kinh dịch. Trong đó có “thủy, trạch, tiết”. Thủy là nước, trạch là cái ao, nghĩa là ao đầy nước thì có nghĩa là có thể trồng trọt được. Đây là ý nghĩa của văn hóa nông nghiệp lúa nước.”

“Các thi sĩ miền Bắc tả cái Tết:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

“Cây nêu tràn pháo bánh chưng xanh

“Còn miền Nam thì:

“Cu kêu ba tiếng cu kêu,

Trông cho đến Tết dựng nêu ăn chè…”

Với cuộc sống hiện đại như hiện nay, hình ảnh nấu bánh chưng, bánh tét với khói bếp thoang thoảng hương nếp mới dần mai một đi:

“Ngày nay do cuộc sống hiện đai và yếu tố tiện lợi nên sự háo hức đón chờ cái Tết giảm đi. Bước ra đường muốn ăn cái bánh chưng là có thể mua được ngay. Ở chợ và siêu thị đều có bán. Việc trông chờ nấu cho bánh chín, nghe được cái mùi lá, mùi nếp thơm lừng, rồi mùi của khói bay thoang thoảng. Không khí trời xuân, hoa vạn thọ. Hình ảnh người mẹ đang mồi bếp lửa, rồi đưa củi vào. Rồi các em thơ ngồi quây quần bên bếp lửa xúm xính bàn chuyện ngày mai mình mặc áo gì…dần dần bì mai một. Do yếu tố công việc ở thành thị… không khí của trời xuân, không khí háo hức của tuổi thơ chỉ còn là ký ức.”

Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, giá trị tinh thần của mâm cơm ngày Tết là rất thiêng liêng:

“Mâm cơm ngày Tết không chỉ ăn để ngon, để thỏa mãn vị giác hay khẩu vị của mình mà còn chất chứa tình của con người với quê hương, tình của con người với người thân, bày tỏ tấm lòng kính trọng ông bà, sự hiếu khách, và ý nghĩa của sự sum họp. Cuộc đời con người đâu có bao nhiêu lần cùng ngồi với nhau, cùng nhìn hình ảnh ông bà hay cha mẹ mình. Được ngồi ăn và chia sẻ tâm sự chân thành và đầy tình cảm. Ông bà ngồi ăn với con cháu, bà gấp đồ ăn cho cháu rồi khuyên ‘con ráng nghen con, con ráng cố gắng học hành cho đàng hoàn, mai bà lì xì cho con, ăn Tết con không được con khỉ con khọn, chạy nhảy lung tung, ăn nói phải từ tốn’ thì đứa nhỏ đang trong tâm trạng háo hức chờ xuân, nó nghe được những lời này trong bữa cơm. Mà bà chỉ nói đơn giản vậy thôi, vậy mà nó ghi trong tìm thức của nó mãi mãi…như một lời dạy được đóng khuông vàng thước ngọc. Còn người trẻ thì nghe người lớn tuổi dạy ‘vợ chồng bây ráng chí thú làm ăn, gia đình hạnh phúc, ráng lo cho mấy đứa con của bây’…còn ai gặp khó khăn thất bại trong cuộc sống thì nhận được câu an ủi ‘sông có khúc, người có lúc, ráng đi con, tao cũng chúc cho bây năm mới làm ăn phát tài phát lộc, được khỏe mạnh trong gia quyến cả thảy’…Nghe những lời khuyên, những lời chúc phúc đó thì không có bữa cơm nào ngon bằng, mà lại còn thiêng liêng giống như bữa cơm ngày Tết của người Việt ta.”


Tết ở nước ngoài, Tết ở Việt Nam

Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết vì thế luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng, là sợi dây vô hình nối giữa người còn sống và người đã chết, là tình cảm đượm nồng của người thân trong gia đình dành cho nhau. Điều này lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là những con người xa quê, xa xứ mỗi khi xuân về.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang trân trọng gửi lời chúc đầu xuân đến thính giả và độc giả của VOA Việt ngữ:

“Hôm nay tôi lấy làm vinh dự khi quý đài có lời mời chia sẻ với quí vị về văn hóa truyền thống của Việt Nam qua hình ảnh mâm cơm ngày Tết. Chúc quí vị năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý, an khương thường lạc”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét