Giáo sư Đặng Lương Mô (mặc vest) phát biểu tại buổi Gặp gỡ đầu
năm ngành Công nghệ thông tin hôm 11.3.2016 - Ảnh: H.Đ
Theo Ictnews, tại
cuộc Gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ Thông tin do Sở TT-TT TP.HCM tổ chức vào đầu
xuân năm ngoái (11.3.2016), GS.TS Đặng Lương Mô phát biểu rằng “Việt Nam có thể
trở thành một siêu quốc gia (supernation). Nếu không đạt được các điều kiện để
trở thành siêu quốc gia trong 10-20 năm nữa, cơ hội cho Việt Nam những năm sau
đó sẽ rất khó”. Nhân dịp đầu năm mới 2017, tôi muốn trở lại vấn đề này.
Dù gọi GS.TS. Đặng Lương Mô là anh, ông thuộc thế hệ thầy của
tôi. Tôi có dịp làm việc, bàn bạc với ông về việc phát triển công nghệ cao, và
kính trọng tấm lòng ông mong muốn góp sức cho đất nước mạnh giàu.
Theo GS. Đặng Lương Mô, cần 5 điều kiện để thành một siêu quốc
gia:
1) Dân số trên 100 triệu người
2) Có thể tự túc 100% về lương thực
3) Có một nền giáo dục hoàn chỉnh
4) Có một nền công nghiệp hoàn chỉnh
5) Chính trị ổn định, xã hội ổn định
Bài viết này xin được thảo luận về 5 điều kiện nói trên của
GS, mà xin thưa trước rằng tôi không lạc quan như GS. Các ý kiến phân tích và
thảo luận dựa trên bài tường thuật của Ictnews.
Theo tôi thì điều kiện căn bản để một quốc gia có thể tăng
trưởng giàu mạnh và ấm no một cách bền vững là một nền giáo dục hoàn chỉnh với
một dân trí đủ cao. GS. Mô cho rằng “Việt Nam có thể coi là đã đạt được” một nền
giáo dục hoàn chỉnh. Tôi có thể ít nhiều đồng ý với đánh giá của GS, nhưng chỉ
về mặt khoa học tự nhiên, kỹ thuật.
Chắc nhiều người biết đào tạo một con người có tri thức về
khoa học tự nhiên, về công nghệ kỹ thuật… là khó, nhưng lại tương đối dễ nếu so
sánh với đào tạo một con người biết cách sống hòa hợp trong một xã hội văn minh
hiện đại và hữu hiệu. Tôi muốn nói tới đào tạo một con người biết cách hành xử
theo tiêu chuẩn phổ quát của xã hội văn minh, có lòng nhân bản yêu thương và
tôn trọng con người, có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, có ý chí tự lập và
độc lập khám phá mọi chân trời tri thức, hiểu rõ cách tổ chức xã hội chính trị
của các nước trên thế giới, hiểu rõ trách nhiệm và quyền làm chủ của một cá
nhân trong xã hội của thời hiện đại đang phẳng hóa rất nhanh…
Và sản phẩm của sự đào tạo đó không chỉ là một hai cá nhân
xuất chúng, mà là cả một xã hội văn minh, có giáo dục cao, nếu chưa đạt mức được
thế giới kính trọng như Nhật Bản thì ít ra cũng được dân chúng trong nước hài
lòng.
Có
quá nhiều sự việc khiến nhiều người không thể cho rằng nền
giáo dục Việt Nam là chấp nhận được, trong số đó có bà Nguyễn Thị Bình,
nguyên
Phó chủ tịch nước, người phải thốt lời tâm huyết “Đã đến lúc phải rung
lên hồi
chuông báo động về vấn đề giáo dục nhân cách”
(http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nguyen-pho-ctn-nguyen-thi-binh-phai-rung-len-hoi-chuong-bao-dong-ve-giao-duc-nhan-cach-20161221161007134.htm).
Hậu quả là, trong xã hội Việt Nam, tính trung thực ngày càng
bị áp chế, tính không trung thực ngày càng được khuyến khích. Tính nhân đạo
ngày càng bị thu hẹp, các hành động phi nhân tính ngày càng nhiều hơn và tàn ác
hơn. Con người ngày càng ích kỷ và ngoảnh mặt với cộng đồng. Con người ngày
càng ít được tôn trọng. Kiến thức rộng
rãi của thế giới hiện đại khó được tiếp cận và truyền dạy…
Do đó, tôi không nghĩ như GS Mô rằng “Việt Nam có thể coi là
đã đạt được” “một nền giáo dục hoàn chỉnh”. Hiện trạng này của nền giáo dục Việt
Nam không thúc đẩy dân trí, sẽ có ảnh hưởng xấu trên việc xây dựng nền công
nghiệp hoàn chỉnh và phát triển nông nghiệp.
Về một nền công nghiệp hoàn chỉnh. Tôi cũng không cùng hy vọng
với GS Mô rằng “Trong nỗ lực đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” “Việt Nam sẽ
đạt được”.
Trước hết là về lịch sử phát triển kinh tế chung. Việt Nam,
sau năm 1975, đã có những cố gắng để nhanh chóng phát triển ngang bằng với những
nước tiến bộ như Anh, Pháp. Bốn mươi năm đã trôi qua mà nền kinh tế của chúng
ta, trên nhiều tiêu chí về kinh tế và kỹ thuật, hiện nằm trong tốp 4 nước thấp
nhất trong khối ASEAN. Nhớ rằng GDP tổng của các nước ASEAN với dân số khoảng
650 triệu người chỉ tương đương GDP tổng của nước Pháp có dân số khoảng 65 triệu,
ít hơn 10 lần. Với lịch sử đó, trên nền kinh tế đó, thật khó tin Việt Nam có thể
có “nền công nghiệp hoàn chỉnh” sau 13 năm nữa! Nhất là trong trường hợp thời
cơ thế giới và cả khu vực đang không thuận lợi.
Kế đó là về hiện trạng của nền công nghiệp. Công nghiệp Việt
Nam, với tư cách là một bộ phận của nền kinh tế chung, hiện đang ra sao?
Một nền công nghiệp hoàn chỉnh phải có trụ cột là công nghiệp
chế biến chế tạo hùng mạnh. Lãnh vực chế biến chế tạo của Việt Nam lại rất yếu ớt!
Các ngành công nghiệp chế tạo máy bay, xe hơi, công nghiệp
đóng tàu, công nghiệp hóa chất… là những ngành có tính tổng hợp và tác dụng
thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác. Sự hùng mạnh của các ngành công nghiệp
này góp phần quyết định vào sự hùng mạnh và hoàn chỉnh của nền công nghiệp quốc
gia. Các ngành này ở Việt Nam có chung tính chất là nhỏ lẻ, yếu ớt, chủ yếu lắp
ráp và công nghệ thấp. Một thí dụ về tính nhỏ lẻ này là số xe hơi Việt Nam xuất
xưởng trong năm 2015 chỉ bằng 1/40 của Thái Lan, 1/20 của Indonesia. Đó là chỉ
so sánh với Thái Lan, Indonesia chứ chưa nói tới Brazil, Hàn Quốc. Càng không
dám ngó tới Pháp, Đức, Nhật!
Một nền công nghiệp như thế có thể nói là hoàn chỉnh được
chăng? Và chừng nào mới có thể xem là tiến gần tới hoàn chỉnh?
Để ước lượng tốc độ phát triển của ngành công nghiệp nước ta
trong các năm sắp tới, xin cùng nhau đặt các câu hỏi: Các ngành công nghiệp thật
sự có thể cạnh tranh trên thế giới của Việt Nam là gì? Các doanh nghiệp nhỏ và
vừa của Việt Nam có kích thước kinh doanh trung bình là bao nhiêu? Độ lớn của tổng
doanh nghiệp tư nhân trong công nghiệp là bao nhiêu so với doanh nghiệp nhà nước?
Có điều kiện chính trị, xã hội, tài chánh gì cho chúng phát triển? Trả lời những
câu hỏi trên và so sánh với các nước bậc trung như Ba Lan, Hung, Thái Lan… là
chúng ta sẽ tự có một cái nhìn tổng thể.
Về điều kiện tự túc 100% về lương thực, tôi có thể tạm đồng
ý với GS Mô rằng “điều này Việt Nam có thể làm được” với tài nguyên thiên nhiên
nông nghiệp của mình. Tuy nhiên trong điều kiện hòa bình, dân chúng không chỉ cần
và cũng không đồng ý chỉ ăn cơm no. Họ yêu cầu ăn ngon, ăn bổ, ăn an toàn, có
thực phẩm chức năng có ích…
Tài nguyên thiên nhiên phải có con người dùng kỹ thuật, công
nghệ khai thác. Lại phải có trình độ quản trị, cấp nhỏ là nhà quản trị sản xuất
nhỏ, cấp cao hơn là quản lý công ty, cấp cao nhất là tổ chức và quản lý xã hội,
quốc gia. Nếu không có những điều đó thì tài nguyên chỉ là tiềm năng và đất nước
vẫn chậm phát triển. Hãy nhìn xem ngành kinh tế lúa gạo của “cường quốc lúa gạo”
Việt Nam. Thuốc bảo vệ thực vật và phân bón giả hay kém chất lượng tràn lan.
Giá lúa trồi sụt thất thường. Thị trường không lành mạnh, thương lái ép giá
nông dân, nông dân và thương lái bẻ kèo nhau. Sân sau của các quan chức rất nhiều.
Môi trường từng sạch và màu mỡ cho nông nghiệp nay bị ô nhiễm
hay bị đe dọa ô nhiễm tràn lan. Xuất khẩu phải được Hiệp Hội Lương thực Việt
Nam đồng ý, năng suất nông nghiệp hiện nay cho phép một người sản xuất hiệu quả
trên hàng chục hec-ta còn Việt Nam lại hạn điền 3 hec-ta! Ngoài chợ, thực phẩm
không an toàn là nỗi lo cho người tiêu dùng tầng lớp trung lưu. Tầng lớp này có
sẽ là thị trường của các sản phẩm kém chất lượng so với cam kết hay không? Nền
kinh tế lúa gạo chỉ là một thí dụ, cứ nhìn xem nền kinh tế cá tra, hay những loại
nông sản khác chúng ta đều thấy sự bát nháo, thật giả khó phân trong đó.
Như vậy, Việt Nam có thể tự túc 100% về lương thực, nhưng chỉ
đủ cung cấp cho một xã hội phát triển thấp, chứ không đủ cho một xã hội no ấm,
phồn vinh, tri thức.
Các phân tích nhanh trên để thấy rằng trong 5 điều kiện để đất
nước thành siêu quốc gia, trên thực tế thì Việt Nam, ngoài điều kiện dân đông,
không có các điều kiện còn lại mà chỉ có chúng ở dạng tiềm năng.
Làm sao để biến tiềm năng thành hiện thực? Theo tôi, việc đầu
tiên là Việt Nam nên đặt những câu hỏi như sau để tìm giải pháp tốt:
1) Cách tổ chức xã hội-chính trị Việt Nam có tính khai phóng
không? Có đủ sức mời gọi sự góp sức của số đông các thành phần dân chúng không?
Có đủ sức thúc đẩy tinh thần sáng tạo để phát triển không?
2) Các giá trị cốt lõi của xã hội có đủ hữu hiệu để đa số
dân chúng sống và làm việc lương thiện, trung thực, tuân thủ luật pháp, tôn trọng
con người, có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng?
3) Sự hữu hiệu của chính quyền và chính phủ tới đâu trong việc
phục vụ đời sống dân chúng, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội, bảo vệ
nền tự chủ dân tộc?
Các câu hỏi trên cần được đặt ra và trả lời bởi các chuyên
gia độc lập trên nhiều lãnh vực, với một phương cách khoa học trong sự so sánh
với các nước trong tốp 30% trên của thế giới. Thành quả của trách nhiệm cần được
mô tả và định lượng rõ ràng để có sự đánh giá khách quan.
Như vậy thì mới có thể huy động kiến thức của dân chúng tìm
ra những giải pháp hữu hiệu để cải tiến môi trường sống và làm việc của đất nước.
Các giải pháp đó là căn bản của sự phát triển quốc gia, căn bản cho việc đạt được
các điều kiện của một siêu quốc gia mà GS Đặng Lương Mô nêu lên.
Trong khi rất tin tưởng vào tiềm năng của dân tộc và đất nước,
việc thiếu các điều kiện căn bản trên khiến tôi thực lòng lo lắng! Xin kính
trình các độc giả cùng GS. Đặng Lương Mô những dòng chân thành với mong muốn được
cùng nhau suy nghĩ…
Lê Học Lãnh Vân (motthegioi.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét