Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Đừng quên Mậu Thân!

Tạp ghi Huy Phương

(Hình minh họa: chauxuannguyen.org)




Những luận điệu gian dối về vụ thảm sát Mậu Thân (1968) của Cộng Sản Việt Nam.

Vào những ngày đầu năm Âm Lịch ở Little Saigon, khi không khí những ngày Tết hải ngoại còn vướng vất đâu đây, tôi vẫn tự nhủ: “Đừng quên, đừng quên Mậu Thân!” Và đoạn phim trong loạt phim 10 tập Vietnam History do một đài truyền hình Anh thực hiện năm 1982 vẫn như còn ám ảnh trong tôi. (Roll 29 of Vietnam Project – Feb. 29, 1982 – Inteview with Hoang Phu Ngoc Tuong, writer).

Chúng ta cũng đừng quên rằng trong thời gian Tết Mậu Thân, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường là tổng thư ký của “Liên Minh Dân Tộc, Dân Chủ Hòa Bình” do ông Lê Văn Hảo làm chủ tịch.

Để trả lời câu hỏi: “Ông có thể mô tả biến cố về cuộc nổi dậy tại Huế và đặc biệt liên quan đến cuộc thảm sát từ khi ông có mặt tại đây,” ông Tường đã trả lời vòng vo, ấp úng trong 12 phút với một luận điệu gian dối, vu vạ, sai sự thật một cách đáng khinh bỉ. Là một người lính có mặt ở Huế trong 21 ngày Cộng Sản chiếm cứ cố đô, sau đó, với tư cách phóng viên báo chí, đã trở lại đi theo những chuyến đào mộ tập thể, cũng như đã có dịp phỏng vấn nhiều nhân vật liên quan đến vụ thảm sát ở Huế, như ông Võ Văn Bằng, chủ tịch Ủy Ban Truy Tầm và Cải Táng Nạn Nhân Cộng Sản Mậu Thân, tôi thấy cần phải viết một vài dòng về bộ mặt và tâm địa độc ác của một “người” mang danh trí thức Cộng Sản như ông Tường.

Điều phải nói trước tiên là ông đã nói dối khi phủ nhận sự có mặt của ông trong những ngày bộ đội Cộng Sản vào Huế. Về sau này, trước dư luận và sự tấn công của báo chí hải ngoại, qua các nhân chứng xác nhận ông Tường hiện diện tại Huế ngay trong các vụ xử án trong vùng Gia Hội, ông chối rằng trong những ngày này, ông đang ở trong khu an toàn trên núi. Chính câu hỏi của phóng viên đài truyền hình ở đầu bài đã xác nhận sự thật, vì nếu ông không có mặt ở Huế, sẽ không có cuộc phỏng vấn này cũng như nội dung câu hỏi được đặt ra ở trên. Mặt khác, sau này, chính ông không nhớ là mình đã thú nhận chuyện có mặt ở Huế vào phút thứ 6 của đoạn phim này, vào năm 1982, khi ông mô tả chuyện ông đang đi trong những con đường hẻm vùng Đông Ba và đã nói những câu “khi chúng tôi rút lui” hay “tôi là một chứng nhân” nghe rất rõ ràng.

Câu nói vào đề của ông Tường là vụ thảm sát ở Huế “do chính Mỹ gây ra” nhưng lại đổ cho tội lỗi của “cách mạng,” và xem đây như là một bửu bối để đưa ra trước cuộc hòa đàm Paris để bôi nhọ “Cách Mạng Việt Nam.”

Để nói về những người bị giết, ông cho biết, trong số đó hiển nhiên là “có một số người” do du kích và “quân đội cách mạng” thi hành bản án tử hình tại chỗ, vì căm thù đã lâu, bị tra tấn, cả gia đình phải đi ở tù, và khi cách mạng bùng lên, họ (CS) lấy lại được thế của người mạnh, nên phải giết. Mặt khác đây là những tên ác ôn đã từng giết nhiều gia đình cách mạng, có khi cả nhà 10 người, nay “cách mạng” chỉ lấy lại mạng sống của một người, giá đó rất nhẹ và công bằng. Chính những người chỉ huy của cách mạng không thể kiểm soát nổi họ, và chính họ (cấp dưới) đã thi hành bản án đối với kẻ thù của mình.

Sau khi cho rằng “khối lớn người chết đã làm nên những nấm mồ, đã được Mỹ Ngụy quay phim và đưa ra công luận,” ông Tường đã lớn tiếng đặt câu hỏi: “Những xác chết nằm ở dưới đó là ai?” và tự giải thích:

1-Nhân dân đã bị bom Mỹ trong các đợt phản kích chiếm lại Huế. Ông Tường dẫn chứng Mỹ đã thả bom một bệnh viện nhỏ ở bên phố Đông Ba (?), “đúng” 200 người vừa chết vừa bị thương. Trong đêm tối, ông đã đi trên những đường hẻm, lội trong một vũng lầy, mà ông tưởng là bùn, nhưng khi rọi đèn pin lên thì đó toàn là máu lầy lội, và trong những ngày “chúng tôi rút ra” thì chúng nó (Mỹ hay ngụy) đã gom lại và đem đi chôn.

Dân chúng Huế đã hiểu đây quả là một điều dối trá, và nhờ câu nói này chúng ta biết rằng, người Cộng Sản thường lội trong máu mà cứ tưởng lội trong bùn vì không nghe mùi tanh.

2-Hàng loạt gia đình có con em tham gia cách mạng, đi lên rừng sau Mậu Thân thì chúng (ngụy) đã bắn chết và cũng chôn vào trong những hố đó.

3-Xác của quân giải phóng mà chúng tôi không kịp mang theo thì cũng được chôn vào đó.

4-Có những đoàn thanh niên và thường dân bị lưu giữ, mà chúng tôi không hề có ý định giết nhưng vì đi thành một đám đông nên bị máy bay Mỹ cương quyết tìm cách tập kích vào để không còn ai có thể sống sót, chết nằm ở bìa rừng, kể các các cán bộ, binh sĩ hộ tống đoàn người đó cũng bị chết luôn. (Luận cứ này được ông Bùi Tín lập lại trong một lần trả lời báo chí năm 2007).

5-Ba năm sau năm 1975, chúng tôi đi làm thủy lợi đã đào được những hầm gọi là “thảm sát Mậu Thân” mà trong đó đầy những người đội mũ tai bèo và mặc áo quần quân giải phóng.

Để kết luận, ông Tường cho đây là sự ranh mãnh của thực dân mới, bắn một mũi tên được hai mục tiêu: che giấu tội ác đã làm và đổ tội tất cả cho quân giải phóng. Một cách thiếu luận cứ, ông cho rằng “thảm sát Mậu Thân” là một kế hoạch tuyên truyền rất lớn có tính cách chiến lược do ông Henry Kissinger, ngoại trưởng Hoa Kỳ, đề ra và nước Mỹ đã tốn một ngân sách rất lớn để dùng cho vấn đề gọi là Mậu Thân ở Huế.

Sau khi chối quanh, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trở lại nói rằng đối với những người mà nhân dân đã thi hành bản án là lẽ đương nhiên vì lòng căm thù, và khi đối diện với kẻ thù, trước họng súng, “nhân dân của chúng tôi phải đổi lấy máu của chúng tôi, thi hành bản án đó đối với những kẻ tử thù của dân tộc mình.”

Ông Tường cho rằng chiến dịch “Thảm Sát Mậu Thân” do chính quyền Mỹ bịa ra, dựng lên để “đổi trắng thay đen” và để “lừa bịp nhân loại.” Đây là một luận điệu của các loại trí thức văn công như “đạo diễn Việt Cộng” Lê Phong Lan với sự dối trá trơ trẽn trong cuốn phim “Mậu Thân 1968” -13 tập, sản xuất năm 2012.

Chúng ta, đồng bào Huế, gia đình các nạn nhân và nhất là các phóng viên báo chí quốc tế đã có mặt trong những ngày đào mộ và cải táng những nấm mồ tập thể tại Huế sau Tết Mậu Thân, và căn cứ vào danh sách nạn nhân, cách giết người, cách trói người trong các hầm tập thể, đã thấy những lời nói của ông Tường và bộ máy tuyên truyền của CSVN hiện nay là gian dối. Trong các hố chôn tập thể này chúng ta đã tìm thấy thi thể các giáo sư y khoa người Đức, các giáo sư trung học, các vị linh mục, sư huynh, tu sĩ, sinh viên, học sinh, công chức, quân nhân và cảnh sát không vũ khí, y tá, học sinh, thường dân… đầu bị bể nát hay thủng vì vết đạn, bị trói xâu chùm bằng dây điện thoại, thép gai, dây lạt tre. Phải chăng họ là những tử thù của các đồng chí của ông Tường?

Và trong 22 hầm chôn tập thể được khám phá không hề có một đôi dép râu, cái nón cối hay cái mũ tai bèo nào. Chúng ta nếu muốn lên án hay đổ lỗi cho Cộng Sản cũng không thể ngụy tạo hay che giấu được điều gì trước sự quan sát của các phái đoàn quốc tế đến Huế. Bản chất “đổi trắng thay đen” để “lừa bịp nhân loại,” dối trá, vu vạ là những đòn chính trị lâu đời của Cộng Sản, mà những học trò tay mơ như ông Tường không thể qua mặt được ai.

Trong phần cuối của cuốn phim, ông Tường lên án chế độ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, mặc dù không liên quan đến vụ thảm sát Mậu Thân, chúng tôi nêu ra đây, để thấy thêm sự xảo trá, quá quắt của ông.

Thứ nhất, ông nói rằng: “Hàng năm, đến ngày Tết, tất cả giáo sư đại học, trí thức, ngụy quyền, đều phải mặc ‘áo xưa’ (ý ông muốn nói đến áo thụng) đến quỳ ở trước sân để tung hô chúc thọ, mừng tuổi cho cả gia đình họ Ngô kể cả Ngô Đình Diệm ngồi trên những cái ngai vàng.”

Thứ hai, muốn loại những ảnh hưởng của Cách Mạng Tháng Tám ngay trong thành phố này (Huế), “những gia đình có con đi tập kết ra Bắc lần lượt bị tù đày và bị tra tấn.”

Thứ ba, với “những gia đình có chồng đi tập kết để lại một đứa con ở trong bụng thì chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm giẫm lên bụng, cho đến lúc cái thai phải văng ra ngoài (sic)!”

Người viết bài này và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều là công chức ở Huế dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Tường là giáo sư trường Quốc Học, năm 1966 ông mới ra bưng, còn tôi là nhân viên của Nha Đại Diện Giáo Dục Trung & Cao Nguyên Trung Phần), bản thân ông và ông có thấy tôi đến quỳ trước sân nhà ông Ngô Đình Điệm ở Phủ Cam không?

Về chuyện gia đình tập kết, một người bạn chung mà chắc ông Tường không thể không biết, là Tôn Thất Lan, có cha đi tập kết, sau năm 1975 mới về. Ông Tôn Thất Lan và người em trai là ông Tôn Thất Phước đều tốt nghiệp y khoa. Ông Lan nguyên là thiếu tá quân y phục vụ tại Long An, sau năm 1975 ở lại tiếp tục hành nghề ở Sài Gòn. Em của ông Lan vượt biên sang Mỹ, hiện làm việc tại Orange County.

Ở miền Nam ai cũng biết, ông Dương Văn Minh và ông Trần Ngọc Châu đều có em trai đi tập kết theo Cộng Sản, mà người làm đến tổng thống, người là tỉnh trưởng rồi dân biểu. Vậy mà ở miền Bắc, ông Tường nói điều này ra chắc cũng có người tin, mới biết chính sách tuyên truyền của Cộng Sản điêu ngoa, chà đạp lên sự thật đến dường nào.

Điều cuối, ghê tởm nhất là ông Tường vu cáo những người đàn bà mang thai có chồng đi tập kết bị “chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm” giẫm lên bụng, cho đến lúc cái thai phải văng ra ngoài. Trước hết, sự thật, nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường giẫm lên bụng một người đàn bà mang thai, cái thai có văng ra ngoài được không? Trong thành phố Huế này, nơi mà tôi và Tường lớn lên dưới thời Vua Bảo Đại, qua thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, rồi đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, có ai nghe, chứ chưa nói đến chuyện thấy hành động độc ác, chỉ có trong trí tưởng tượng của những con người Cộng Sản, và dùng nó để tuyên truyền cho đám dân ngu dưới chế độ CSBV, chứ ở miền Nam, nói chuyện này, ai tin!

Người xưa gọi thái độ này của ông Tường là “ngậm máu phun người” (hàm huyết phún nhân), và dân Huế có câu “nói mà không sợ cây nó mọc trong họng,” nôm na đặc sệt Huế nhất lại có thành ngữ “một lời nói là một đọi (bát) máu!”

Người trí thức phải đặt sự thật lên tất cả phe phái, không uốn lưỡi vì danh lợi, phải “yêu ai thì nói rằng yêu, ghét ai thì bảo rằng ghét,” như Phùng Quán, đừng vì sợ hãi, lập công trạng mà bỏ sự thật. Muốn có một xã hội tốt đẹp không cần phải đào tạo con người theo “mô hình xã hội chủ nghĩa” mà phải đào tạo những con người chân thật, biết yêu sự ngay thẳng, ghét điều gian trá. Những con người tự nhận là nghệ sĩ, trí thức XHCN như Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ đưa đất nước này càng ngày càng đi vào con đường tồi tệ. Những ai là người dân Huế một thời với ông Tường, những ai đã sống và biết đến tấn thảm kịch Mậu Thân, sẽ phải đau lòng và cũng buồn cười trước những lời phát biểu của ông.

Tường ơi! Huế oan khuất, đau đớn lắm. Mi phải trả giá những gì mi đã tạo ra, nghiệp khẩu và hành động đã đưa mi đến tình cảnh ngày hôm nay. Đã đến lúc ăn năn, hối lỗi đi là vừa, những đứa con xứ Huế đem ác quỷ về giết bà con, anh em họ hàng, “lội trong máu mà cứ tưởng lội trong bùn vì không nghe mùi tanh của máu!”




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét