Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Cuồng Trump

Manh Kim



“Nhưng khuôn mặt Anh Cả có vẻ như vẫn nấn ná nhiều giây trên màn hình, như thể tác động mà nó gây ra trên nhãn cầu mọi người là quá sức sống động để có thể lập tức mất đi. Người phụ nữ nhỏ nhắn tóc hung chồm tới lưng ghế phía trước bà. Với một tiếng thì thào run rẩy nghe đâu như “Ôi, Đấng Cứu Thế!”, bà vươn đôi tay về phía màn hình. Úp mặt vào tay, hình như bà đang lâm râm cầu nguyện. Đúng lúc đó, toàn bộ nhóm người đồng thanh hòa vào một điệu tụng vừa trầm, nhịp nhàng, và rất chậm: “Anh Cả, Anh Cả!”, với khoảng dừng giữa từ “Anh” và từ “Cả”.

Đó là một âm thanh rì rầm nặng chịch nghe man dại đến lạ lùng, trên phần nền giống như tiếng dậm thìch thịch của đôi chân trần và tiếng giộng của trống. Họ tụng như thế có lẽ phải đến ba mươi giây. Đó là khúc tụng thường được nghe ở những giây phút cảm xúc dâng trào. Một phần vì nó là một thứ tụng ca nhằm tôn xưng sự thông thái và tôn kính dành cho Anh Cả, nhưng hơn thế nữa, nó là hành động tự thôi miên, một sự dìm đắm có chủ ý bằng cách sử dụng tiếng ồn nhịp nhàng”…
...
Đó là một đoạn trong “1984”, tác phẩm kinh điển của George Orwell viết về một chế độ đen tối, phát hành năm 1949, bốn năm sau khi George Orwell tung ra “Animal Farm”. Nielsen BookScan cho biết 47.000 bản “1984” đã bán được kể từ thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2016. Tính đến ngày 24-1-2017, “1984” đã lọt vào đầu bảng sách bán chạy nhất Amazon.

Có một không khí rất giống trong “1984” đang diễn ra. Tạm không nói đến những ý kiến ủng hộ Trump bằng sự bình tĩnh có hiểu biết, nhiều người khác đã trở thành “fan cuồng” với thái độ sùng bái lãnh tụ mà trước nay chỉ thấy ở các nước độc tài. Một số đã thể hiện bằng ngôn ngữ nóng nảy và tục tĩu khi lên tiếng bảo vệ “lãnh tụ” trước ý kiến khác biệt. Từng viết về thành phần “ngũ mao đảng” của Trung Quốc, tôi thấy một số người cuồng Trump hệt như vậy. Họ lập luận không có cơ sở và “tranh luận” bằng cách “kỹ thuật” tấn công cá nhân hơn là tập trung vào chủ đề. Họ đưa ra các quy chụp không dựa vào bất cứ nguồn nào, chẳng hạn nói những người biểu tình chống Trump tại Mỹ là do Trung Quốc giật dây! Điều buồn cười nhất là họ dán nhãn “cộng sản” cho những ai chỉ trích Trump. Barbra Streisand, Robert DeNiro, Meryl Streep, Michael Moore, Dan Rather, Fareed Zakaria và thậm chí John McCain, … cùng hàng triệu người Mỹ khác đã trở thành "cộng sản"?

Họ lặp lại ngôn ngữ “lãnh tụ” như những con vẹt. Khi Trump nói các thượng nghị sĩ Mỹ nên “dành năng lượng vào vấn đề ISIS, nhập cư bất hợp pháp và an ninh biên giới thay vì luôn tìm cách khởi động Thế chiến thứ ba”, họ cũng dùng cụm từ “nên dành năng lượng” vào vấn đề này hoặc kia đi, “thay vì ngồi đó chỉ trích Trump”. Khi tôi làm bài “Trump và nhóm “consigliere” chống Tàu” (ngày 23-12-2016), không thấy họ “khuyên” tôi “dùng năng lượng” cho việc gì đó khác? Khi Trump nói truyền thông Mỹ tấn công ông bằng “fake news”, họ cũng lặp lại hệt như vậy, bất chấp sự thật rằng truyền thông dựa vào các dữ liệu hiển nhiên. Các bản tin biểu tình chống Trump khắp nước Mỹ là “fake news”?

Có một không khí rất giống màn tụng ca và sự thần phục được miêu tả trong “1984”. Nó gợi nhớ hiện tượng một thời “Yêu biết mấy, nghe con tập nói/ Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!”. Nó tạo ra cơn lốc sùng bái cá nhân mà trong đó Trump được xem là lãnh tụ tối cao bất khả chạm vào. Một cơn lốc thần thánh hóa lãnh tụ không bình thường, đặc biệt từ những người từng chỉ trích những màn tụng xưng lãnh tụ một cách trơ trẽn của các chế độ độc tài. Một số họ tự xưng là những người có hiểu biết và sống ở (các) nước tự do nhưng họ đã không đếm xỉa đến giá trị tự do ngôn luận.

Tôi đã vào trang một số người thuộc thành phần “siêu cuồng”. Vài người trong số họ (hình như) sống tại các tỉnh phía Bắc. Tôi có thể hiểu tại sao họ ủng hộ Trump. Tôi cũng đọc được những ý kiến phổ biến rằng nếu Trump đánh Tàu thì dù Trump tào lao thế nào thì cũng ủng hộ hết mình. Đây là một trong những yếu tố tâm lý có thể giải thích một phần cho hiện tượng “cuồng Trump”.

Là người tường thuật báo chí, tôi sẽ không bỏ qua chi tiết nào liên quan sự kiện “Trump đánh Tàu” nếu có, và tôi cũng sẽ dựa vào dữ liệu để viết hơn là cảm tính, như cách tôi đã làm khi viết về việc Trump (trước ngày đăng quang) nói về vụ “One China”, như cách tôi từng viết về chính sách đối ngoại mềm yếu của Obama, như cách tôi nhìn Obama như một trong những nguyên thủ đáng kính trọng nhất thế giới khi ông ấy rời Nhà trắng. Obama là con người. Trump là con người. Human is error. Tôi vẫn tiếp tục viết về Trump như cách tôi viết về những đề tài thời sự khác. Trump không phải thánh thần. Đã sống đủ lâu với đủ các loại “thánh thần”, tôi chẳng có lý do gì để tiếp tục hít thở và tụng ca sùng bái “thánh thần”.

Cuối cùng, đáng lý không cần nhưng tôi phải nói thêm: trước khi chỉ trích, hãy đọc kỹ bài xem tôi nói gì. Khi tôi viết về sự giới hạn quyền lực của một nguyên thủ quốc gia thì tôi đang muốn nói đến điều gì? Đọc kỹ đi rồi hãy chỉ trích. Chẳng lẽ tôi phải nói huỵch toẹt ra luôn, với các vị “cuồng Trump”, là các vị cần nên xem lại cách đọc tin của mình?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét