Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Đè đầu dân tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường để làm gì?

Lê Dung

Đến lúc này, ngay cả báo chí nhà nước cũng không còn vô cảm được. Đề xuất tăng trần thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 4,000 đồng lên 8,000 đồng/lít đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ dư luận, người dân và giới chuyên gia kinh tế, bởi sự vô lý, bất công, mù mờ và thiếu tính minh bạch.
Hãy nghe một phát ngôn của Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: “Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện ở mức 3,000 đồng/lít, nếu nâng lên hết khung hoặc vượt khung, thì giá trị thu được sẽ gấp khoảng 10 - 20 lần so với số trực tiếp thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay”, ….đối tượng thu và phương thức thu cũng “được lòng dân hơn”!
Sự thật có đúng như vậy không?
Nếu tăng lên 8,000 đồng/lít ngân sách thu từ thuế bảo vệ môi trường xăng sẽ tăng lên gấp 2 - 3 lần. Đây chính là mục tiêu lớn nhất của “đảng và nhà nước ta”, bởi ngay báo cáo tổng kết của Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận sắc thuế này góp phần thay đổi đáng kể cơ cấu nguồn thu nội địa - hiện đã chiếm tới 4.1% tổng thu ngân sách nhà nước.
Hãy chú ý, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường trong năm 2016 đã nhảy vọt gần gấp 4 lần so với năm 2014.
Nhưng điều đáng nói hơn là việc sử dụng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường còn rất thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho những người đóng thuế. Mục tiêu hàng đầu của sắc thuế này là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước lấy từ nguồn gây ô nhiễm và gây thiệt hại cho môi trường để bù đắp cho các chi phí xã hội như gây quỹ tài trợ cho các hoạt động để xử lý hoặc đền bù ô nhiễm. Song kể từ năm 2012 đến nay nguồn chi cho các mục tiêu trên rất ít. Cụ thể, năm 2013 chi có 9,700 tỉ đồng, năm 2014 là 9,800 tỉ đồng và năm 2015 hơn 11,400 tỉ đồng. Nếu tính tổng, trong giai đoạn 2013 - 2016 thu từ thuế bảo vệ môi trường đạt gần 100,000 tỉ đồng thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường chỉ khoảng hơn 30,000 tỉ đồng, tức thu vào 10 đồng mà chi ra có 3 đồng.
Tất cả những động tác trên chỉ nhằm mục tiêu lấp vào những chỗ trống của một hầu bao ngân sách gần như rỗng túi cùng tình trạng bội chi ngân sách luôn “nâng lên một tầm cao mới”.  
Dù bị giấu biệt trong nhiều năm qua, nhưng hiện tượng xã hội học và kèm chính trị học rất đáng lưu tâm là từ đầu năm 2014 đến nay, một số con số mà trước đó được bảo mật quyết liệt đã dần dần lộ hình. Thoạt đầu là việc lần đầu tiên “kiến trúc sư” Nguyễn Tấn Dũng phải ra trước Quốc hội xin nâng trần bội chi ngân sách từ 4.7% lên 5.3% tại kỳ họp đầu năm 2014 - một thái độ chấp nhận chẳng đặng đừng về trần bội chi VN vượt trên mức nguy hiểm 5% theo thông lệ quốc tế.
Thậm chí vào năm 2013, ngân sách Việt Nam đã đạt mức bội chi đến 6.6%. Chính vào lúc đó, hiện tượng đặc thù “định hướng xã hội chủ nghĩa” lại là sự xa hoa tột đỉnh đối lập với giai tầng giá áo túi cơm: làm thế nào có thể lý giải được những chiến dịch chi đậm của ngân sách cho những con đường có giá thành đắt nhất hành tinh và hàng chục công trình trụ sở công quyền có giá đến hàng ngàn tỷ đồng hoặc hơn, với hình ảnh thịt chuột biến thành bữa ăn của trẻ em vùng xa cùng những người dân nghèo chết thảm khi đu dây qua suối dữ?
Còn bội chi năm 2016 vẫn đến 254 ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý là mục chi phát triển sự nghiệp kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính vẫn theo đúng kế hoạch đề ra và không hề giảm so với năm 2015. Có thể hiểu là làm gì thì làm, nguồn thu ra sao không biết, nhưng phần chi lương cho đội ngũ chính quyền và đảng bị phản ánh có đến 30% công chức không làm gì cả vẫn phải giữ nguyên.
Chắc chắn giá xăng dầu cùng “thuế bảo vệ môi trường” đang phục vụ cho đội ngũ trên.
 
Nguồn: http://www.ijavn.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét