Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Chuyện lôi thôi của phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc

Hà Tường Cát
 
Ông Sean Spicer, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc. (Hình: Drew Angerer/Getty Images)


Ông Sean Spicer, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, tức là người phát ngôn thay cho Tổng Thống Donald Trummp, vừa mới nhận chức cuối tuần trước, đã có va chạm với giới truyền thông và khiến Vox Media đặt ngay ra cái tên “Spicergate” cho vụ tranh cãi vớ vẩn này.

Chuyện bắt đầu hôm Thứ Bảy, khi ông Spicer lên tiếng chỉ trích truyền thông thiếu trung thực trong việc tường trình lễ nhậm chức của tân Tổng Thống Donald Trump ngày 20 Tháng Giêng. Ông cho rằng các cơ quan truyền thông đã cố tình nói không đúng về số dân chúng tham dự, trong khuôn khổ của một kịch bản ngầm phá hoại ông Trump. Đầu tuần này, ông dịu giọng nhưng vẫn cho là truyền thông ngoan cố trong mưu định hạ thấp tầm mức ủng hộ ông Trump của dân chúng.

Thật ra thì việc này chẳng có ý nghĩa gì nhiều, vì giá trị và tầm quan trọng của buổi lễ đó không đánh giá bằng con số bao nhiêu người tham dự. Nhưng từ xưa đến nay, trong tất cả mọi sinh hoạt tập họp đông đảo quần chúng hay các cuộc biểu tình, ban tổ chức thường coi sự tham dự đông đảo là một chứng tỏ của sự thành công. Họ muốn một con số rất lớn và  hầu như không bao giờ bằng lòng với bất cứ ước lượng nào khác thế, do đó bao giờ cũng xảy ra tranh cãi.

Ước lượng về đám đông hàng trăm ngàn người là một vấn đề phức tạp. Trong nhiều chục năm, cơ quan cảnh sát công viên vẫn cho biết số người tham gia trong mỗi sinh hoạt ở công trường National Mall, Washington, DC, và cũng chỉ là ước lượng, bằng sự tính toán căn cứ trên nhiều phương cách đo lường. Nhưng tới năm 1999, ban tổ chức cuộc tuần hành “Million Men March” mạnh mẽ phản đối con số 600,000 người tham gia do cảnh sát đưa ra là có yếu tố kỳ thị. Để tránh những tranh cãi phiền toái, cuối cùng, cảnh sát công viên quyết định không công bố những ước lượng như thế nữa. Kể từ đó, không có con số chính thức nào về các cuộc tập họp trên công trường, kể cả các lần nhậm chức của tân tổng thống, và để cho truyền thông tùy nghi nhận định.

Chính ông Trump cũng không thể xác định có bao nhiêu dân chúng tham dự lễ nhiệm chức, ngay lúc đó ông chỉ nói chung chung là cảm kích trước mặt cả triệu hay triệu rưỡi người. Nhưng phát ngôn viên Spicer, do bồng bột hiếu thắng hoặc là có thể muốn lấy điểm với sếp, ngày hôm sau lên tiếng phụ họa, qua lời tuyên bố: “Đây là con số đông đảo chưa từng thấy trong một lễ nhậm chức, những người hiện diện tại chỗ cũng như theo dõi trên toàn thế giới.” Ông tố cáo truyền thông trình bày thiên lệch, và nêu ra nhiều dữ kiện để cố biện minh cho lập luận của mình. Cố vấn đặc biệt của tổng thống, bà Kellyanne Conway, cựu giám đốc tranh cử của ông Trump, cũng nhảy vào cuộc, bênh vực ông Spicer và giải thích là ông đã căn cứ trên nhiều sự kiện khác. Và chuyện tranh cãi vớ vẫn này trở thành nổ lớn.

Nhiều cơ quan truyền thông phản ứng mạnh mẽ, bác bỏ lập luận và các dữ kiện do ông Spicer đưa ra.

Tờ New York Times cho biết ông Trump không đúng khi nói là người ta đứng kín từ điện Capitol đến đài tưởng niệm Washington. Công trường National Mall chạy dài 1.9 dặm từ điện Capitol tới đài tưởng niệm Lincoln, tháp hình lưỡi kiếm của đài kỷ niệm Washington nằm khoảng giữa, cách điện Capitol 1.2 dặm.

Căn cứ trên không ảnh của Reuters, tờ báo nói rằng, không có người đứng kín hết trong khoảng từ điện Capitol đến đài tưởng niệm Washington, và số người trong lễ nhậm chức của Tổng Thống Donald Trump chỉ bằng khoảng 1/3 lễ nhậm chức của Tổng Thống Barack Obama năm 2009. Ứớc lượng năm 2009  là 1.8 triệu và năm 2017 không thể nào tới 1.5 triệu.

Theo CNN, số người lớn nhất theo dõi trên toàn thế giới như ông Sipcer đưa ra là sai. Hãng Nielsen, chuyên về theo dõi số người mở máy xem truyền hình ở Mỹ, cho biết 30.6 triệu người xem lễ nhậm chức của ông Trump, so với 38 triệu của ông Obama năm 2009, và 42 triệu của ông Ronald Reagan năm 1981.

Ông Spicer cũng viện dẫn tới số hành khách đi xe điện ngầm. Hầu hết mọi người ở thủ đô Washington, DC đi đến National Mall bằng phương tiện giao thông công cộng này, vì vào ngày lễ không thể nào có chỗ đậu xe quanh khu vực. Theo ông Spicer, 420,000 người dùng xe điện ngầm hôm ông Trump nhậm chức, 370,000 người sử dụng phương tiện này vào ngày nhậm chức thứ nhì của ông Obama hồi năm 2013. Tờ Politico phản bác, nói rằng cả hai con số do ông Spicer đưa ra đều sai, cơ quan chuyên chở công cộng Washington, DC cho biết năm 2017 là 570,557 người và năm 2013 là 782,000 người.

Như đã đề cập, không thể nào biết chính xác số người trong một đám đông hàng trăm ngàn, mọi ước lượng chỉ có thể là tương đối. Tranh cãi chuyện ấy là không bao giờ dứt. Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong việc này là tại sao cần tranh cãi về một chi tiết không có gì quan trọng. Lễ nhậm chức của Tổng Thống Donald Trump có hàng trăm ngàn người tham dự, đó là điều tự nhiên; nếu có gì bất thường thì phải nói là khác những kỳ trước ở chỗ gồm cả người ủng hộ và chống đối. Nhưng số chống đối không đáng kể, một vài vụ xung đột va chạm nhỏ với cảnh sát không làm ngăn trở buổi lễ diễn tiến hoàn hảo.

Phát ngôn viên Sean Spicer đã chú ý đến những chi tiết không đáng để gây thành chuyện tranh cãi lớn như thế. Các phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc trước ông Spicer, Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, chỉ trích thái độ của ông Spicer.

Ông Ari Flescher, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc của Tổng Thống George W. Bush, nói rằng ông cảm thấy không ổn và truyền thông có lý do để khó chịu.

Ông Brian Fallon, cựu phát ngôn viên của bà Hillary Clinton, cho rằng ông Spicer nên từ chức, đừng bước lên diễn đàn để tranh cãi với truyền thông.

Ông Josh Earnest, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc của Tổng Thống Obama, được coi là người làm nhiệm vụ hoàn hảo nhất, luôn luôn vui vẻ, cố gắng trình bày và giải thích đầy đủ những điều các phóng viên nêu lên.

Như thế, ngay từ bước đầu ông Spicer đã không đạt được bước tiến nào trong nhiệm vụ tìm cách hòa giải với giới truyền thông sau một giai đoạn dài có sự xung khắc va chạm với ông Ddonald Trump từ thời gian tranh cử cho đến khi ông là tổng thống tân cử.

Buổi họp báo hàng ngày của ông Spicer tại Tòa Bạch Ốc cũng chưa được xem là tốt đẹp. Trong buổi họp kéo dài gần một giờ rưỡi, ông nói hết 20 phút về những sắc lệnh mới do Tổng Thống Donald Trump vừa ban hành, và sau đó là một loạt những câu hỏi dồn dập của các phóng viên.

Câu hỏi đầu tiên là bao lâu nữa ông Trump có thể cho xây dựng bức tường biên giới Mexico. Phát ngôn viên Spicer không có câu trả lời cụ thể, chỉ nói rằng tổng thống sẽ làm việc với Quốc Hội về ngân sách. Về vấn đề hủy bỏ Obamacare, ông Spicer trả lời: “Chúng tôi được ủy nhiệm để làm cho mọi người dễ dàng có bảo hiểm y tế với giá biểu hạ hơn.”

Hầu hết những câu hỏi khác chưa được giải đáp đầy đủ.

Đối với truyền thông, ông Spicer nhìn nhận cần có mối quan hệ bình thường hơn với chính quyền, nhưng nói thêm là dường như truyền thông luôn luôn có ý định tìm kiếm những sai sót ở ông Trump và vội vã phán đoán.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét