Phạm Chí Dũng
Rốt cuộc, những giây phút cáo chung của nền ngân sách rỗng
ruột đang sắp điểm. Đầu năm 2017, một lần nữa trong hai năm liên tiếp, cơ quan
tham mưu đắc lực cho chính phủ và đảng là Bộ Tài chính lại tìm cách “móc túi”
tuyệt đại đa số công dân và người nghèo bằng một bản dự thảo sửa đổi Luật thuế
bảo vệ môi trường với 8.000 đồng đánh vào 1 lít xăng.
Hãy nghe Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tuyên bố:
“Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện ở mức 3.000 đồng/lít, nếu nâng
lên hết khung hoặc vượt khung, thì giá trị thu được sẽ gấp khoảng 10 - 20 lần
so với số trực tiếp thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay”, ….đối tượng
thu và phương thức thu cũng “được lòng dân hơn”!
Được lòng dân hơn
Một người chạy xe ôm thốt lên: “Hôm qua xăng lại tăng giá. Đồ
ăn thức uống cũng ào ào lên theo. Cứ như thế này thì làm sao mà sống!”
Một lần nữa trong lịch sử độc quyền đạo diễn giá xăng, mặt
hàng chiến lược quốc gia này được Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Tập đoàn Xăng
dầu Việt Nam (Petrolimex) tăng giá đột xuất ngay sau khi một kỳ họp Quốc hội kết
thúc.
Một lần nữa, nhóm lợi ích chính sách độc quyền tiến hành chiến
dịch bù lỗ vào dân. Mối lo thường trực của người dân đã trở thành hiện thực:
không lúc này thì lúc khác, nhóm lợi ích và các quan chức lobby chính sách sẽ
làm mọi cách để móc tiền từ túi nhân dân.
Thuế, phí ở Việt Nam lại thuộc hàng cao nhất trong khu vực,
đang bào mòn khủng khiếp sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngay một quan chức
nhà nước là ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương
(CIEM), cũng phải thừa nhận rằng doanh nghiệp tư nhân tại thời điểm này đang kiệt
sức và phải chịu gánh nặng thuế, phí chiếm tới hơn 39% lợi nhuận, so với các nước
trong khu vực chỉ thấp hơn Malaysia. Đó là chưa kể các khoản chi phí không
chính thức khác cùng vô số rào cản, lực cản và lực kéo. Có thể nói rằng doanh
nghiệp Việt Nam rất đơn độc không chỉ trong thị trường nội địa mà khi ra ngoài
hội nhập cũng không thấy bóng dáng của nhà nước, của thể chế hỗ trợ họ.
Chưa tính những điều chỉnh có thể xảy ra trong ngắn hạn thì
thuế, phí hiện nay đã là một gánh nặng đối với doanh nghiệp. Theo báo cáo Doing
Business 2016 của Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp Việt Nam phải dành khoảng
39,4% lợi nhuận để nộp thuế. Đây là một tỉ lệ rất cao so với mức 18,4% của
Singapore, 27,5% của Thái Lan, 29,7% của Indonesia…
Còn ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam,
cũng đưa ra con số cho thấy người Việt đang gánh tỉ lệ thuế, phí trên GDP cao gấp
1,4 - 3 lần so với khu vực. Cụ thể, trung bình giai đoạn 2007-2012, tỉ lệ thuế,
phí/GDP của Việt Nam là 21,6% trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và
Myanmar 15,5%, Indonesia 12,1%…
Gấp 4 lần!
Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Petrolimex lại là những cơ
quan ban hành rất nhiều loại thuế đánh vào dân chúng và doanh nghiệp, thu thuế
bất chấp dân sinh. Một trong những thứ thuế có tác động tiêu cực lớn nhất đến
túi tiền vốn đã rất ít ỏi của người dân đã được đặt một cái tên nghe rất hấp dẫn:
“thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu”.
Năm 2015, Bộ Tài chính đã đề xuất và được Quốc hội thông qua
việc tăng gấp 3 lần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/5/2015.
Theo tính toán của giới chuyên gia phản biện, khi đó một lít
xăng phải cõng 3.000 đồng/lít thay vì mức 1.000 đồng/lít, một lít dầu diesel phải
nộp 1.500 đồng/lít thay vì mức 500 đồng/lít trước đó.
Vào thời điểm đó, Bộ Tài chính tính toán: chỉ riêng với thuế
bảo vệ môi trường đánh vào các mặt hàng này, ngân sách dự kiến sẽ thu về hơn
35.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 23.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng số thu thuế
bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng đã dự kiến là hơn 20.000 tỷ đồng/năm, tăng
gần 14.000 tỷ đồng/năm. Rất đáng chú ý, con số này gấp 2 - 2,5 lần so với tổng
thu thuế bảo vệ môi trường dự toán năm 2015, tương ứng tăng khoảng 22.500 tỷ.
Còn năm 2016, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng
vọt gần gấp 4 lần so với năm 2014.
Tăng giá xăng dầu và xuống giá chính trị
Nghịch lý phát triển trong suy thoái ở Việt Nam vẫn diễn ra
theo logic hết sức tự nhiên của nó. Những nhóm lợi ích như Petrolimex vẫn mặc sức
tăng giá để khoét sâu hơn nữa nỗi đau của lớp người nghèo khó.
Bất chấp việc Petrolimex thua lỗ đến 10.700 tỷ đồng trong
năm 2008 từ những khoản đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản và bảo
hiểm, chiến dịch tăng giá xăng dầu đã luôn được những người đứng đầu Petrolimex
âm thầm chuẩn bị và được lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Tài chính hỗ trợ theo
chiến thuật: mỗi khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp lại được quyền xin
tăng giá trực tiếp qua Bộ Tài chính hoặc gây sức ép bằng cách găm hàng, không
bán…, hoặc được trích lập quỹ bình ổn. Còn khi giá giảm, doanh nghiệp có thể từ
từ xin giảm giá hoặc chờ quyết định từ cơ quan quản lý.
Cũng bởi thế trong những năm qua, giá xăng dầu Việt Nam đã
liên tục tiến chiếm những cột mốc lịch sử - một thành tích hoàn toàn đáng tự
hào nếu xét đến kết quả “tận thu”.
Tương lai và sinh mạng dân tộc Việt Nam lại đang phụ thuộc mật
thiết vào những đợt tăng giá.
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất
trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của đảng
cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt hại
về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.
Trung với đảng?
Bất chấp yêu cầu khách quan phải giảm độc quyền và đặc lợi của
các tập đoàn kinh tế nhà nước, những người cố thủ trong lô cốt chế độ đã tiến
thêm một bước dài trong việc cổ vũ các tập đoàn đặc quyền lao lên phía trước, tạo
thêm những gánh nặng chồng chất cho các tầng lớp nhân dân, kể cả một bộ phận giới
công chức cùng toàn bộ lực lượng vũ trang.
Những đợt tăng giá bất tận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ
khiến cho những đồng lương hưu ít ỏi trở nên vô dụng trong bối cảnh mặt bằng
giá hàng tiêu dùng thực tế cao ít nhất gấp ba lần chỉ số lạm phát. Chỉ số lạm
phát lại luôn được “vẽ” theo cách mà không ít đại biểu Quốc hội nghi ngờ về
tính trung thực hay chính xác của nó.
Chịu nặng nề và thấm thía hơn hẳn so với lớp quan chức đương
nhiệm “ăn của dân không chừa thứ gì”, giới hưu trí từng nguyện “trung với đảng”
đang phải đối mặt với cơn đột biến co thắt túi tiền mà rất có thể sẽ dẫn đến vỡ
quỹ lương hưu trong một tương lai không quá xa.
Nếu trong 1-2 năm tới vấn đề thu ngân sách không được cải
thiện, tức tiền thuế thu từ dân không đủ để chi cho các công trình xây dựng cơ
bản của nhà nước mà thường lãng phí ít nhất vài ba chục phần trăm và làm giàu
thêm cho các nhóm lợi ích, những người về hưu sẽ phải nhìn nhận một thực tế phũ
phàng là quỹ lương dành cho họ sẽ trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên của
chế độ thẳng tay cắt xén.
Bài học hậu Liên Xô vẫn còn nguyên giá trị. Trong thời kỳ hỗn
loạn nhất về kinh tế cùng vô số nhóm lợi ích thi đua trục lợi, giá trị đồng lương
mà giới hưu trí và các công thần của chế độ xô viết nhận được chỉ bằng một nửa,
thậm chí 1/3 so với giá trị trước đó. Và đã không còn đủ kiên nhẫn trung thành
với chế độ, chính những người về hưu đã phải nắm tay nhau tuần hành phản đối
ngay trên quảng trưởng Đỏ.
Cam chịu đến bao giờ?
Một tính toán cho thấy nếu áp dụng mức thuế môi trường 8.000
đồng/lít đánh trên giá xăng, mỗi năm chính quyền Việt Nam sẽ thu về khoảng hơn
6,8 tỷ USD để “bù đắp khó khăn ngân sách”.
Điều lạ lùng là cho tới nay, dù đã trải qua rất nhiều đợt
tăng giá xăng dầu và cái gọi là “thuế bảo vệ môi trường”, bất chấp đời sống có
xu hướng bần cùng hóa của người dân, vẫn chưa có một cuộc biểu tình đáng kể nào
diễn ra trong lòng các đô thị.
Người dân, kể cả những đảng viên mang trên ngực huy hiệu 40
hay 50 năm tuổi đảng, vẫn như bị kềm giữ trong một thứ vòng kim cô lo ngại, sợ
sệt và bị ám ảnh bởi sự hãm hại.
Biểu thị thường thấy nhất chỉ là những nhóm tụm năm tụm ba
bày tỏ thái độ bất mãn đối với chính sách điều hành kinh tế ngày càng tha hóa đạo
lý của Chính phủ.
Không một ai hành động và xuống đường. Không một ai xuống đường
để phản đối và bày tỏ thái độ và giành lại cho mình cái quyền chính đáng “dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà các nghị quyết của Bộ Chính trị đảng vẫn
luôn nhắc đến như một khẩu hiệu suông.
Cũng không một ai xuống đường để thực thi quyền được biểu
tình một cách hợp pháp đã được quy định trong Hiến pháp 1992, nhưng sau hơn hai
chục năm vẫn chưa được luật hóa.
Không một trí thức và người hưu trí nào xuống đường để cất
lên tiếng nói “mình vì mọi người” và nói thay cho cả những người khác - lớp
nông dân và công nhân thấp cổ bé họng không thể có nơi chốn biểu đạt và quá tự
ti về thân phận chính trị đến mức không dám phản đối công khai những chính sách
độc quyền đến mức độc địa của các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính
trị.
Xã hội và người nghèo cũng vì thế càng bị điêu đứng do các
cuộc tranh giành bất tận của các nhóm quyền lực, cuộc chiến thao túng hoành
hành không có giới hạn của những kẻ lắm tiền nhưng vẫn muốn có nhiều tiền hơn nữa.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét