Trụ sở Tòa án TP HCM-HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images
Luật sư một khi đã là người được ủy quyền để bào chữa cho
thân chủ thì phải có nghĩa vụ trung thành một cách tuyệt đối. Điều này đồng nghĩa với việc luật sư không được nói và làm
những gì bất lợi cho thân chủ của mình. Luật sư phải nỗ lực tối đa để tìm đến
những chứng cứ có thể chứng minh được tình tiết liên quan đến việc cấu thành tội
phạm và/hoặc tình tiết giảm trách nhiệm cho thân chủ.
Đương nhiên, nghĩa vụ trung thành này không chấp nhận việc
luật sư ngụy tạo chứng cứ, làm trái với sự thật mà luật sư biết được.
Nhưng điều này cũng không có nghĩa rằng luật sư phải nói hết
những tình tiết khách quan mà luật sư biết được để gây ra bất lợi cho thân chủ.
Luật sư có thể không quan tâm, không để ý đến một vài tình tiết trong quá trình
bào chữa của mình.
Với ý nghĩa này, luật sư chỉ có nghĩa vụ tuân theo sự thật một
cách tiêu cực. Luật sư không có nghĩa vụ đưa ra sự thật một cách tích cực đến mức
gây bất lợi cho thân chủ của mình.
Điều trên càng được tăng cường bởi nguyên tắc suy đoán vô tội.
Bất cứ bị can, bị cáo nào đều được coi là vô tội cho đến khi tòa án đã chứng
minh có tội thông qua chứng cứ được xem xét đánh giá một cách hợp pháp. Luật sư
có quyền chủ trương rằng thân chủ của mình là vô tội đến giây phút cuối cùng của
quá trình xét xử.
Đối với Khoản 3 Điều 19 của Dự thảo Bộ luật Hình sự được thảo
luận tại Quốc hội Việt Nam hiện nay, có rất nhiều đại biểu Quốc hội, là những vị
luật sư có sỹ khí đã và đang phản đối về việc thừa nhận nghĩa vụ tố giác thân
chủ của luật sư đối với một số tội danh nhất định.
Tuy nhiên, tôi được biết một vị đại biểu Quốc hội và cũng là
luật sư mà ai cũng kính trọng và kính nể trước sỹ khí của ông, đã trình bày ý
kiến chấp nhận việc trên với điều kiện là "nếu người bào chữa biết rõ và
có đủ chứng cứ, và nếu việc không tố giác sẽ gây nguy hiểm cho xã hội".
Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì một người
không thể bị coi là có tội cho tới khi bị tòa tuyên án-HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images
Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, luật sư bào chữa không thể
đóng vai trò như thẩm phán tuyên án, và chứng cứ mà luật sư đang có chưa được
xem xét/đánh giá theo thủ tục luật định.
Theo đó, việc luật sư hiểu rằng mình biết rõ khách hàng có
gây ra tội phạm có thể chỉ là ý chí chủ quan không có cơ sở của luật sư.
Vì theo nguyên tắc suy đoán vô tội là một nguyên tắc tối
quan trọng trong thủ tục hình sự của Việt Nam và thế giới, luật sư không thể và
không có lý do pháp lý để "biết rõ và có đủ chứng cứ" nhận định rằng
thân chủ của mình phạm tội.
Mối quan hệ giữa luật sư với thân chủ là mối quan hệ tín
thác, ủy quyền.
Đây là mối quan hệ dựa trên cơ sở tin cậy nhất trong bao
nhiêu mối quan hệ. Điều này không cần nói nhiều với những người hiểu thừa về
vai trò của luật sư ở hầu như tất cả các nước trên thế giới trừ một số ngoại lệ
ở các nước lạc hậu.
Vai trò của luật sư và nghĩa vụ của luật sư tin tưởng và tạo
dựng lòng tin cho thân chủ đến giây phút cuối cùng.
Nếu luật sư không thể tin được thân chủ thì chỉ có cách duy
nhất là xin thôi đảm nhiệm vai trò luật sư bào chữa. Tuy nhiên nghĩa vụ trung
thành với thân chủ vẫn không thể kết thúc. Ít nhất luật sư không được tố giác
những người đã từng là thân chủ của mình.
Sự tin cậy của xã hội với luật sư được xây dựng từ từng mối
quan hệ với thân chủ như vậy. Sự phản bội bởi một luật sư với một khách hàng của
mình sẽ lan tỏa với mọi người và gây ra nguy cơ cho sự tồn tại của giới luật sư
trong đánh giá chung của xã hội.
Tôi mong rằng các vị đại biểu Quốc hội, nhất là các vị luật
sư tiền bối sẽ kiên trì nguyên tắc của mình để bảo vệ sự tồn tại của giới luật
sư, bảo vệ sự tin cậy của thân chủ đã gửi gắm đến mình.
*
Tác giả, người tự nhận là "một người Nhật có duyên nợ với pháp luật Việt Nam". Ông Hirota Fushihara hiện là đại diện Công ty Tư vấn UIVN (URYU&ITOGA Việt Nam), làm việc tại Hà Nội.
*
Tác giả, người tự nhận là "một người Nhật có duyên nợ với pháp luật Việt Nam". Ông Hirota Fushihara hiện là đại diện Công ty Tư vấn UIVN (URYU&ITOGA Việt Nam), làm việc tại Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét