Theo báo cáo mới nhất của
Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ), Việt Nam đang giam giữ ít nhất 10 nhà
báo, nằm trong danh sách sáu nước giam giữ nhiều nhà báo nhất trên thế
giới.
Những tháng cuối năm 2017, hai thanh niên Nguyễn Văn Hóa (22 tuổi) và Phan Kim Khánh (24)
tuổi, bị tuyên án lần lượt bảy năm và sáu năm tù giam theo Điều 88 Bộ
luật Hình sự (BLHS) về tội tuyên truyền chống nhà nước.
Nếu không bị bắt giữ, Khánh – sinh viên năm cuối trường Đại học Thái Nguyên – đã có thể tốt nghiệp đại học. Theo VietNamNet,
Khánh là người thành lập hai trang blog “Báo Tham Nhũng” và “Tuần Báo
Việt Nam”, đồng thời quản lý hai kênh phát tin tức trên Youtube.
VnExpress thì cho biết, Công an Hà Tĩnh nói Hóa bị bắt vì đưa nhiều thông tin về thảm họa môi trường biển Formosa ở
miền Trung, trong đó có thông tin về người dân biểu tình phản đối nhà
máy Formosa vào ngày 02/10/2016. Công an cho rằng việc đưa tin này đã
làm “phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”.
Hóa và Khánh đã đưa tin tức về các vấn đề chính trị, xã hội một cách độc lập, nhưng cũng chính vì điều này mà cả hai bị tù giam.
Nhà
báo độc lập là những người đưa tin tức, bình luận mà không chịu bất kỳ
sự kiểm soát nào của chính quyền. Họ không nhất thiết chỉ làm việc cho
một tòa soạn, tạp chí, hay trang tin tức nào mà có thể là người viết
blog như blogger Mẹ Nấm, doanh nhân như ông Trần Huỳnh Duy Thức, bác sĩ
như Hồ Văn Hải hay cựu thiếu tá an ninh Nguyễn Hữu Vinh.
Việc
bắt giữ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – blogger Mẹ Nấm – vào tháng 10/2016 đã
mở màn cho chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động của chính quyền. Đến nay,
hơn 20 người đã bị bắt.
Bà
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và bà Trần Thị Nga là hai nhà báo nữ trong số 10
nhà báo đang bị giam giữ và nhận bản án nặng nhất trong năm 2017 đối với
các nhà hoạt động, theo Điều 88 BLHS.
Blogger Mẹ Nấm bị Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa tuyên 10 năm tù giam vào tháng 6/2017. Một tháng sau đó, bà Trần Thị Nga nhận bản án chín năm tù giam. Cả hai đều không được giảm án trong hai phiên tòa phúc thẩm.
Hiện
còn hai nhà báo vẫn chưa được xét xử là bác sĩ Hồ Văn Hải (blogger Hồ
Hải) và ông Bùi Hiếu Võ. Blogger Hồ Hải bị bắt vào tháng 11/2016. Theo luật sư Lê Công Định,
ông Hải đã chuyển sang trại giam Chí Hòa khoảng ba tuần trước, việc gửi
đồ ăn và thuốc men vào trại giam này rất khó khăn, sức khỏe của ông
đang suy giảm rất nhanh.
Ông Bùi Hiếu Võ bị bắt tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 03/2017, hiện chưa có tin tức về việc giam giữ ông.
Giữa
tháng 11/2017, nhà báo Phạm Đoan Trang – đồng sáng lập viên và biên tập
viên của Luật Khoa tạp chí – đã bị lực lượng công an bắt cóc sau
một cuộc họp với phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội. Nhà báo Phạm
Đoan Trang bị tịch thu đồ đạc cá nhân và tiếp tục bị giam lỏng tại nhà
sau gần 12 tiếng bị thẩm vấn ở đồn công an.
Đây
không phải lần đầu tiên nhà báo Phạm Đoan Trang bị lực lượng công an
bắt giữ tùy tiện. Việc này đã xảy ra thường xuyên từ năm 2009 khi cô bị
bắt lần đầu tiên.
Từ
năm 2000 đến nay, bốn nhà báo khác đã bị chính quyền Việt Nam trục xuất
sang nước ngoài trong thời gian thụ án: bà Trần Khải Thanh Thủy, ông
Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), blogger Tạ Phong Tần và ông Đặng Xuân
Diệu.
Bà Trần Khải Thanh Thủy (sinh năm 1960), nhà văn, bị kết án 3,5 năm tù giam vào năm 2010 vì tội cố ý gây thương tích trong một cuộc ẩu đả gây nhiều tranh cãi. Bà Thủy bị trục xuất sang Mỹ vào năm 2011.
Theo VnExpress,
ông Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1952) bị tuyên án 12 năm tù giam vào năm
2012 cùng với bà Tạ Phong Tần về tội tuyên truyền chống nhà nước. Ông
Hải và bà Tần lần lượt bị trục xuất sang Mỹ vào năm 2014 và 2015.
Ông Đặng Xuân Diệu (sinh năm 1979) bị trục xuất sang Pháp vào
tháng 03/2017. Năm 2011, ông Diệu bị bắt và kết án 13 năm tù giam vào
năm 2013 theo Điều 79 BLHS, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân, trong vụ án 14 thanh niên Công giáo – Tin Lành ở Vinh. Ông Đặng
Xuân Diệu là một tín đồ Công giáo, đã tham gia viết bài cho trang tin
tức Dòng Chúa Cứu Thế.
Theo
cơ sở dữ liệu về giam giữ các nhà báo của CPJ, từ năm 2000 đến năm
2016, Việt Nam đã giam giữ 42 nhà báo, trong đó có 39 người là những nhà
báo độc lập. Một phần lớn trong số họ bất đắc dĩ trở thành nhà báo song
song với những sự kiện đình đám ở Việt Nam như dự án khai thác bauxite ở
Tây Nguyên, tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữ Việt Nam và Trung Quốc,
và gần đây nhất là thảm họa môi trường biển Formosa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét