Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Thập kỷ Nguyễn Phú Trọng: Thành công hay thất bại?



Gọi là thập kỷ là tính cho tròn: 4 năm làm chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 6 năm làm Tổng bí thư đảng Cộng sản độc quyền cai trị nước Việt Nam, mỗi nhiệm kỳ ông đều ở ngôi lâu hơn bình thường. Quãng thời gian dài 10 năm đó đủ để người đời đánh giá năng lực của một nhà lãnh đạo.

Đảng Cộng sản, xét theo các tài liệu gốc buổi sơ khai, là đảng đại diện cho giai cấp công nhân và nông dân, tức là đảng bảo vệ cho tầng lớp dưới trong xã hội, các tầng lớp thấp cổ bé họng. Dù giới đối lập có tuyên truyền thế nào thì nhân dân vẫn nghĩ Tổng bí thư là người có đời sống giản dị, thanh bạch, vẫn là đại diện cho bình dân. Nhưng đợi mãi, đợi mãi mà công nhân và nông dân không thấy đời sống cải thiện, thậm chí ngày càng tệ hại hơn. Quan trọng nhất, toàn dân không thấy miễn phí y tế ở đâu. Một khi đổ bệnh hiểm nghèo thì lớp người khốn khó ấy lấy đâu ra một lúc ba bốn trăm triệu để chữa chạy nộp cho bệnh viện? 10 năm nắm toàn quyền mà bác Trọng vẫn không tổ chức được nền y tế miễn phí. Phút bù giờ của bác Trọng chỉ còn tính bằng ngày, việc ai sẽ kế nhiệm tổng Trọng hoàn toàn không có ý nghĩa triết học hay chính trị học nữa. Bởi vì, cả hệ lý luận do bác Trọng đứng tên đã được thực tế chứng tỏ là phá sản từ lâu rồi.


Tính đủ ngày tháng cho bác Trọng ít nhất là trên mười năm rưỡi trên thượng tầng quyền lực. Trong 10 năm có già đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thiết kế được một chương trình hành động nào không? Có tạo ra một cú đột phá nào để thúc đẩy toàn xã hội tiến lên văn minh hay không? Hoàn toàn không. Người ta nhìn vào con người đầu bạc ấy chỉ thấy hình ảnh một ông giáo sư bảo thủ, dai sức về lý luận, có đủ tinh vi để đi dập tắt mấy ngọn lửa cục bộ, nhưng đầu óc không đủ rộng để dẹp được đám cháy toàn cục. Giáo sư Nguyễn Phú Trọng không đề xuất được các giải pháp trên quy mô toàn quốc, không đặt được các tiền để để thể chế chính trị kế nhiệm sau này cải tạo xã hội. Nói cách khác, giáo sư Nguyễn Phú Trọng chỉ là một giáo sư đại cương. So sánh về đầu óc tổ chức đất nước và cải tạo xã hội, người ta đánh giá vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan giỏi hơn tổng Trọng của Việt Nam nhiều.

Cũng có người chống chế: xã hội Việt Nam tan nát như ngày hôm nay là do toàn bộ 4 triệu đảng viên cùng phá, sao lại quy tội lên mỗi mình bác Trọng? Xin thưa rằng, hậu thế không quan tâm. Bác Trọng là đầu não của đảng Cộng sản, là người lãnh đạo toàn đảng ấy thì công hay tội do đảng ấy gây ra, hậu thế sẽ trút hết lên đầu bác Trọng. Hơn nữa, thời gian 10 năm đủ dài, vậy mà đạo tặc vẫn tràn lan, người dân kêu khóc vật vờ các con đường...thì đã quá đủ rồi. Có một giáo sư đi học và làm ở trời Tây về nhận xét như sau: Trong tất cả các tay chống cộng trong và ngoài nước, tôi thấy có một chưa có tay nào nói được một câu mà làm nản chí toàn bộ đảng viên bằng một người. Đó là tác giả của câu nói : “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ Nghĩa Xã Hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” Chỉ câu đó thôi đủ làm cho mọi thành phần cách mạng trong xã hội, từ ông giám đốc đến bác xích lô, hết thảy đều vỡ mộng.

Thập kỷ Nguyễn Phú Trọng thành công hay thất bại? Cũng tùy quan điểm của mỗi người. Nếu định nghĩa thành công là phải thâu tóm lấy được nhiều quyền lực, phải vô hiệu hóa được nhiều đối thủ thì Nguyễn Phú Trọng là một ông vua thành công. Còn nếu định nghĩa thành công là phải làm cho nhân dân sống hạnh phúc, đất nước thanh bình từng thôn từng xóm, thì bác Trọng đã thất bại một cách thảm hại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét