John Pomfret (*)
Một sự phản kháng toàn cầu (global backlash) chống lại nước
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đang hình thành. Ở Úc, nỗ lực của Trung Quốc sử dụng
người đại diện để đưa tiền bạc vào hệ thống chính trị Úc đã khiến một thượng
nghị sĩ phải từ chức tuần trước và thôi thúc chính phủ nước này đưa ra hàng loạt
luật lệ ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài. Ở châu Âu, lời cảnh báo ngày càng
gay gắt nhắm vào lối làm ăn kiểu con buôn của Trung Quốc và tham vọng của nước
này muốn thâu tóm nhanh các doanh nghiệp châu Âu có công nghệ sáng tạo… Ở Hoa Kỳ,
cộng đồng các doanh nhân, từ lâu là nền móng cho quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung
Quốc, giờ đã không còn nhất trí trong vấn đề làm thế nào theo đuổi quan hệ với
Bắc Kinh. Nhiều doanh nghiệp Mỹ bị thua lỗ ở Trung Quốc. Kết quả là, nhiều vấn
đề khác – chẳng hạn như hoạt động gián điệp công nghiệp của Trung Quốc, yêu cầu
có tính cưỡng bức về chuyển giao công nghệ, sử dụng truyền thông do nhà nước quản
lý để tuyên truyền thân Bắc Kinh ở Hoa Kỳ và những nỗ lực tác động tới các cơ sở
giáo dục Hoa Kỳ… – đang thôi thúc phải có phản ứng. Thực tế, các doanh nghiệp
Trung Quốc tìm cách mua các công nghệ cao của Hoa Kỳ đã phải đối mặt với nhiều
khó khăn hơn. Đã có những cuộc thảo luận ở quốc hội về việc buộc các đài truyền
hình và mạng cáp do nhà nước Trung Quốc điều hành nhưng hoạt động ở Hoa Kỳ phải
đăng ký như là cơ quan đại diện cho chính phủ nước ngoài.
Sự phản kháng này xảy ra vào lúc Bắc Kinh thể hiện một niềm
tin chưa từng có trước đây vào mô hình kinh tế và chính trị của họ, trong đó kết
hợp sự cai trị độc tài của đảng Cộng sản Trung Quốc với một chính sách công
nghiệp đặt mục tiêu bảo đảm các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thống trị nền kinh tế
của tương lai. Mục tiêu này được thực hiện thông qua trợ cấp của chính phủ, hoạt
động nghiên cứu và phát triển được chính phủ tài trợ lớn và thâu tóm công nghệ
của phương Tây. Từ tháng 7-2016, trong bài diễn văn chào mừng kỷ niệm 95 năm
thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu
sử dụng cụm từ “giải pháp Trung Quốc” để khẳng định rằng Trung Quốc đã tìm ra
cái gọi là “giải pháp cho cuộc tìm kiếm của nhân loại về những thiết chế xã hội
tốt hơn”. Từ đó đến nay, cụm từ này lan truyền chóng mặt ở Trung Quốc và được
các lý thuyết gia của đảng Cộng sản Trung Quốc chọn làm ý tưởng để đối lập với ảnh
hưởng của phương Tây trên thế giới. Như một cây bút của tờ Nhân dân nhật báo -
cơ quan phát ngôn của đảng - viết hôm 6-12, giải pháp Trung Quốc “vượt qua ‘chủ
nghĩa lấy phương Tây làm trung tâm’ (Western centrism) và kích thích mạnh mẽ sự
thăng tiến của nhiều quốc gia đang phát triển tự tin ‘đi theo con đường của
riêng mình’”.
Sự phản kháng cũng hình thành khi nhiều người ở phương Tây
lo ngại rằng Trung Quốc đang thắng cuộc cạnh tranh toàn cầu giành tài nguyên,
thị phần và ảnh hưởng tư tưởng. Trong khoảng thời gian tổng thống Trump họp thượng
đỉnh ở Trung Quốc hồi tháng 11, báo chí Hoa Kỳ đầy những nỗi lo lắng rằng Trung
Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trong cuộc đua lãnh đạo toàn cầu. “Tại sao Trung Quốc
thắng năm 2017 và ông Donald Trump đã giúp họ thực hiện điều đó như thế nào” là
một nhan đề trên trang web của đài CNN ngày 3-11. “Trung Quốc đã thắng” là cách
tạp chí Time đưa lên trang bìa tiêu đề một bài của nhà phân tích chính trị Ian
Bremmer. USA Today cũng vậy.
Điều thú vị là phản ứng tiêu cực với sự trỗi dậy của Trung
Quốc lại trái ngược với các báo cáo rằng Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông Trump
đã không còn khả năng hợp tác với các đồng minh truyền thống của Mỹ. Nhưng
trong các tuần lễ gần đây, chính phủ của ông Trump đã tham gia cùng Liên minh
châu Âu (EU) bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc rằng theo các điều khoản mà nước này
tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì Trung Quốc cần được cấp quy
chế nền kinh tế thị trường – một quy chế giúp bảo vệ Trung Quốc khỏi thuế chống
bán phá giá. Tại hội nghị các bộ trưởng WTO ở Buenos Aires (Argentine) tuần trước,
Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đã đối đầu với Trung Quốc về sự miễn cưỡng của nước này
trong việc giảm bớt sản xuất công nghiệp và những cung cách buôn bán có vấn đề
khác.
Trong chuyến công du châu Á hồi tháng 11, tổng thống Trump bắt
đầu sử dụng cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” chứ không phải là “châu Á-Thái Bình
Dương” như một cách báo hiệu cho khu vực này về ý định của Hoa Kỳ đưa cả Ấn Độ
vào nỗ lực cân bằng sức nặng đang tăng lên của Trung Quốc về quân sự và kinh tế.
Bên lề hội nghị Cấp cao Đông Á tại Manila, các quan chức Hoa Kỳ đã gặp gỡ các đối
tác từ Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, làm hồi sinh cái sẽ được biết tới như là “bộ Tứ”
(the Quad) – một tập hợp lỏng lẻo bốn nền dân chủ duyên hải đang lo lắng về sự
trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngoài ra, cái ấn tượng được cảm nhận rộng rãi rằng ông Trump
thắng cử dẫn tới sự suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ cũng đã thôi thúc các quốc gia
châu Á tiếp tục tìm phương thức an toàn để kháng cự lại Trung Quốc khi không có
Hoa Kỳ. Chẳng bao lâu sau ngày bước vào Phòng Bầu dục, ông Trump đã kéo nước Mỹ
ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại
quy tụ 12 quốc gia bên bờ Thái Bình Dương. Động thái đó được coi là báo hiệu
cho cái chết của TPP, nhưng không phải như vậy. Lo ngại rằng cái chết của hiệp
định này sẽ cho phép Trung Quốc áp đặt các điều kiện của họ lên quan hệ kinh tế
ở châu Á, 11 nước còn lại đã tiếp tục tiến về phía trước với một hiệp định sửa
đổi. Bên cạnh đó, quan hệ song phương giữa các nền dân chủ châu Á vẫn tiếp tục
vững mạnh và đang được cải thiện. Nhật Bản đã giữ một vai trò quan trọng, nếu
không nói là thiết yếu, trong việc khích lệ Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng ở châu Á.
Nhật đã giúp điều phối một hội nghị cấp cao ở New Delhi, giữa Ấn Độ và các
thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó tập trung vào
cách làm thế nào Ấn Độ có thể giúp các quốc gia này bớt lệ thuộc vào Trung Quốc
về thương mại và đầu tư.
Phản ứng kháng cự lại Trung Quốc không chỉ bó hẹp trong các
nước dân chủ. Ngay cả những quốc gia có quan hệ gần gũi với Trung Quốc trong lịch
sử cũng đã bắt đầu nổi giận với cách đối đãi cậy quyền cậy thế xuất phát từ Bắc
Kinh như là một phần của chương trình hạ tầng “Một vành đai, một con đường”.
Trong lúc Trung Quốc cố gắng giới thiệu chương trình này như là phiên bản Trung
Quốc của kế hoạch Marshall, càng ngày nó càng được coi như một thứ gì đó họ
hàng với chủ nghĩa thực dân phương Tây hơn là với sự hào phóng phương Tây. Sri
Lanka hiện mắc nợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hơn 8 tỉ đô la Mỹ. Tuần
trước, chính phủ nước này đã phải giao hải cảng chiến lược Hambantota cho Trung
Quốc thuê 99 năm như là một phần kế hoạch thoát ra khỏi bẫy nợ nần - một động
thái mà những người phê phán nói rằng sẽ đe dọa chủ quyền quốc gia của đất nước.
Ở Ấn Độ, các học giả đề cập tới động thái của Trung Quốc như là “chính sách ngoại
giao bẫy nợ”. Ngay cả Pakistan, có lẽ là đối tác nước ngoài gần gũi nhất của
Trung Quốc, cũng có vẻ như đang suy nghĩ lại việc nhận tiền từ Bắc Kinh.
Express Tribune, một nhật báo Pakistan, tường thuật rằng chính phủ nước này đã
hủy bỏ một dự án thủy điện trị giá 14 tỉ đô la sau khi Bắc Kinh nói rõ rằng họ
muốn sở hữu dự án sau khi xây dựng nó. Nepal cũng đã công bố rằng nước này hủy
bỏ một dự án thủy điện do Trung Quốc tài trợ cũng với những lý do tương tự.
Cho đến nay, phản ứng của Trung Quốc đối với mối lo ngại
ngày càng tăng về sức mạnh của Trung Quốc có xu thế nghiêng về hướng công kích.
Ở Úc, đại sứ quán Trung Quốc cảnh cáo chính phủ Úc không nên gây thiệt hại cho
“sự tin tưởng lẫn nhau” khi nước này xem xét thông qua các đạo luật nhằm bảo vệ
hệ thống chính trị của Úc trước ảnh hưởng của đồng tiền nước ngoài. Sau khi thủ
tướng Úc Malcolm Turnbull lưu ý “các báo cáo đáng lo ngại về ảnh hưởng của
Trung Quốc”, thì đại sứ quán Trung Quốc lưu ý các quan chức Úc không được đưa
ra “những nhận xét vô trách nhiệm”. Đại sứ quán Trung Quốc cũng cáo buộc báo
chí Úc ngụy tạo những tin tức về “cái gọi là ảnh hưởng của Trung Quốc và sự thâm
nhập vào nước Úc”.
Trong nhiều thập niên, các chính phủ nối tiếp nhau ở
Washington đã làm việc vì một nước Trung Quốc vững mạnh hơn. Nhưng giờ đây khi
Trung Quốc đã mạnh mẽ hơn thì Hoa Kỳ, cùng với nhiều nước khác trên khắp thế giới,
đã không còn dám chắc rằng, đó là điều mà họ mong muốn.
J.P.
(*) John Pomfret từng là trưởng văn phòng báo Washington
Post tại Bắc Kinh. Ông cũng là tác giả sách “The Beautiful Country and the
Middle Kingdom: America and China, 1776 to the Present”.
The global backlash against China is growing
Washington Post, 19 December 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét