Ảnh minh họa
Không bàn chuyện đạo đức ở đây: Dưới đây là các lý do cực kỳ
thực dụng để giải thích vì sao nên phi bạo lực khi chọn cách đấu tranh – theo
Srdja Popovic, chuyên gia về đấu tranh phi bạo lực người Serbia.
1. KHẢ NĂNG THÀNH CÔNG CAO HƠN
Lý do thứ nhất, đơn giản là vì theo thống kê, trong tất cả
323 chính biến từ năm 1900 đến năm 2006 trên toàn thế giới, các phong trào phản
kháng phi bạo lực có tỷ lệ thắng lợi (hoàn toàn hoặc một phần) cao gần gấp đôi
những trận chiến bạo lực: 53% so với 26%.
Popovic trích dẫn thống kê của hai học giả Mỹ, Erica
Chenoweth và Maria J. Stephan, và thống kê chỉ tính đến năm 2006. Nếu muộn hơn
thì không thể không kể đến những trường hợp bi thảm: Ai Cập, Lybia, Syria. Chế
độ độc tài cũ đã bị lật đổ, máu đã chảy, người đã chết, nhưng dân chủ, tự do vẫn
không đến với những xứ sở này và không biết bao giờ mới đến.
2. THU HÚT ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI HƠN
Số người tham gia phản kháng phi bạo lực luôn luôn đông hơn
hẳn số tham gia vào xung đột vũ trang, kể cả khi đó là những cuộc khởi nghĩa
hoàn toàn chính đáng và anh hùng. Đó là bởi vì những người sẵn sàng lên núi hay
vào rừng lập chiến khu, chịu đựng đủ mọi gian khổ, tích cóp vũ khí để chiến đấu
không thể nào nhiều bằng những người hào hứng góp mặt trong các phong trào hay
chiến dịch phản kháng đầy tính sáng tạo, thậm chí hài hước, vui nhộn. Tổn thất
tất nhiên là phải có, song ít khi đến mức mất mạng.
Vì vậy, thay vì chỉ có một nhóm nhỏ dùng biện pháp đương đầu
trực tiếp, sinh tử, một mất một còn với chế độ độc tài, những người đấu tranh
hãy nên tìm cách kéo những người dân bình thường về phía mình, tách khỏi phía kẻ
độc tài. Hãy cố gắng để có họ, mà cách đầu tiên là đừng làm họ sợ hãi. Song
song với đó, có các hoạt động bào mòn tính chính danh của nhà cầm quyền độc
tài, gây hao tổn nguồn lực của chúng, thay vì gài mìn, ném bom xăng, v.v.
3. TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DÂN CHỦ
Đây sẽ là một lý do cực kỳ thuyết phục: Tại các nước thay đổi
nhờ phản kháng ôn hòa, phi bạo lực, có tới 40% xác suất họ xây dựng hoặc duy
trì được một nền dân chủ sau 5 năm. Với các nước thay đổi nhờ đấu tranh vũ
trang, xác suất xác lập được dân chủ sau 5 năm chỉ là 5%.
Các nước chuyển đổi ôn hòa thì có 28% khả năng rơi vào nội
chiến sau một thập kỷ. Với những nước lỡ chọn hoặc chẳng may phải chọn con đường
đấu tranh vũ trang, sử dụng bạo lực để lật đổ độc tài, thì khả năng đó lên tới
43%.
Có nghĩa là, nếu chúng ta muốn xây dựng một nền dân chủ ổn vững
sau khi lật đổ ách độc tài, thì rất, rất nên kiên trì với đường lối đấu tranh
phi bạo lực, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, sao cho ai cũng cảm thấy họ
là một phần của sự thay đổi, họ tạo nên sự thay đổi. Thay đổi xã hội không thể
là cuộc chơi chỉ của một nhóm nhỏ, càng không thể là trò đảo chính cung đình của
một phe phái nào đó trong chế độ nhằm cướp quyền lực về tay mình và mặc xác dân
chúng.
Nói theo ngôn ngữ thời thượng là, chúng ta cần những cuộc
cách mạng nhân dân, cách mạng quần chúng, chứ không cần những đảo chính cung
đình trong đó người dân bị gạt ra rìa cuộc chơi quyền lực.
4. “OAN OAN TƯƠNG BÁO, BAO GIỜ MỚI DỨT?”
Một lý do nữa để không nên theo đuổi đường lối bạo lực, là
việc bạo lực chắc chắn sẽ kéo theo bạo lực, tạo thành một cái vòng luẩn quẩn và
tới lúc đó thì rất khó phân biệt đâu là tấn công, đâu là tự vệ chính đáng, cũng
như rất khó xác định được bên nào là bên chính nghĩa.
Thế giới văn minh – lực lượng lớn nhất ủng hộ cho dân chủ và
nhân quyền – cũng không ủng hộ bạo lực. Nói chung, đã qua rồi cái thời một nhóm
người lên núi lập chiến khu, dùng súng đạn tiêu diệt quân thù trên chiến trường
hay gài mìn đánh bom giết chúng ở “vùng tạm chiếm”. Cứ cho là mục đích chính
đáng, hành động ấy vẫn có thể bị coi là khủng bố, nhất là nếu thiệt hại mà nó
gây ra lan cả đến những dân thường vô tội.
Trong nhiều trường hợp, bạo lực đẻ ra bạo lực, khiến cuối
cùng chẳng còn biết chính nghĩa thuộc về ai. Syria là một ví dụ: Đến giờ thì cộng
đồng quốc tế, trong đó có cả chúng ta ở Việt Nam, chẳng hiểu vấn đề nằm ở đâu
và nên ủng hộ ai nữa.
Vì thế, khi đi vận động quốc tế, nhất thiết bạn phải thể hiện
rõ chủ trương thay đổi ôn hòa, phi bạo lực, nếu không sẽ chỉ phản tác dụng.
* * *
NHƯNG TÔN TRỌNG NHỮNG NGƯỜI CHỦ TRƯƠNG “NỢ MÁU TRẢ BẰNG MÁU”
Như trên đã nói, thế giới văn minh không ủng hộ bạo lực; cái
thời làm cách mạng bằng vũ khí đã qua. Như vậy có nghĩa là cũng đã có những thời
kỳ mà bạo lực, sức mạnh, đấu tranh vũ trang là một con đường đúng đắn.
Và vì thế, chúng ta có thể hiểu được thế hệ những con người
đã ở lại Việt Nam sau năm 1975 để chiến đấu tới cùng chống cộng sản, chứ không
tìm đường đào thoát ra nước ngoài. Những người đã vượt biên trở về nước cho những
trận chiến mà họ biết là gần như vô vọng, chiến thắng là không thể, chỉ mong
gây một tiếng vang nhằm thức tỉnh đồng bào. Những người đã chấp nhận hy sinh tuổi
xuân, tự do và cả sinh mạng của họ để chiến đấu trực tiếp với độc tài.
Họ có thể thất bại, đường lối đấu tranh của họ có thể không còn
hợp thời. Nhưng họ xứng đáng được tôn trọng, lòng can đảm của họ xứng đáng được
tôn vinh, bởi họ dám sống và dám chết cho lý tưởng dân chủ tự do của mình.
Ý thức được rằng thời nay là thời của đấu tranh ôn hòa, phi
bạo lực, chúng ta cũng không nên quên rằng có những lúc, bạo lực là không thể
tránh khỏi. Lại có nhiều khi, đó chính là ý đồ của kẻ cầm quyền. Thường xuyên,
chính lực lượng an ninh mới là bên khiêu khích và châm ngòi cho bạo lực, để làm
mất tính chính danh, chính nghĩa của những người đấu tranh.
Thật khó có cách đối phó thống nhất trong những trường hợp
đó; tuy vậy, bạn có thể coi việc sử dụng bạo lực như một chiến thuật, nghĩa là
chỉ sử dụng ngắn hạn, tức thời, tùy hoàn cảnh cụ thể, và nhất là: MỤC TIÊU PHẢI
CỤ THỂ, CÓ GIỚI HẠN, VÀ CHỈ NHẰM VÀO MỤC TIÊU ĐÓ THÔI, KHÔNG ĐỂ LIÊN LỤY NGƯỜI
KHÁC, ĐẶC BIỆT LÀ DÂN THƯỜNG.
Hy sinh dù chỉ một người dân để trừ khử một kẻ ác cầm quyền
cũng là tội ác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét