Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Khi năng suất lao động Việt thấp hơn cả Lào

Đào Tuấn



Năng suất lao động của người Việt Nam bị đánh giá thấp hơn của Lào. (ảnh minh họa: Q.C)

Chúng ta vừa phải nghe một tin chẳng mấy vui vẻ: Năng suất lao động (NSLĐ) Việt đang chỉ bằng 87,4% NSLĐ Lào.

Con số vừa được Tổng cục Thống kê tuyên bố. “Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD. Tức là chỉ bằng 7% của Singapore; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% NSLĐ của Lào”. Không chỉ thấp về giá trị tuyệt đối, khoảng cách chênh lệch đang ngày càng gia tăng.

Dẫn nghiên cứu của World Bank, Tổng cục Thống kê cho biết chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD và Lào từ 220 USD lên 1.422 USD.

Nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Từ nguy cơ đã chuyển sang “Báo động đỏ”... Đây là những từ ngữ đã được các chuyên gia về lao động nói tới 2 tháng trước.

Câu hỏi vì sao rất dễ nhìn thấy. Ngoài nguyên do công nghệ, quản trị doanh nghiệp, cơ chế đãi ngộ hay các điều kiện cho sáng tạo thì còn có một nguyên nhân quan trọng thuộc về nền tảng và đặc biệt là sự lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.

24 giờ trước khi chỉ số NSLĐ được công bố có hai con số không phải là có mà rất rất liên quan. Đó là việc cả nước còn tới 2 triệu người mù chữ. Và việc có tới 237.000 người trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp.

Mở ngoặc là ngay cả những con số này cũng chưa hề đầy đủ, chưa hề phản ánh chính xác tình trạng. Bởi chính những người thống kê cũng nhìn thấy, chẳng hạn “Công tác điều tra cơ bản số người mù chữ hằng năm ở một số địa phương chưa được coi trọng, số liệu báo cáo không cập nhật và sai thực tế”.

Thậm chí thống kê còn vô lý đến mức có tới 11 địa phương chấp nhận cả sự phi lý “tỉ lệ biết chữ độ tuổi 15-60 cao hơn tỉ lệ biết chữ độ tuổi 15-35”.

Nửa của nửa triệu cử nhân thất nghiệp là phung phí nghiêm trọng tài nguyên chất xám. Không ít các nhân tài được trải thảm để ngày ngày đổ nước pha trà, trong khi dạy nghề thì theo kiểu “cho người miền núi đi sửa xe máy”.


Muốn không bị tụt hậu, NSLĐ theo kịp, chứ đừng nói lọt top khu vực, muốn tài nguyên con người trở thành thế mạnh thay vì xuất khẩu mồ hôi cơ bắp thuần túy, có lẽ, những điểm yếu đó cần được khắc phục, sửa chữa, tận dụng. Mà việc khắc phục cũng đừng chỉ là ngồi chờ cuối năm để “copy and paste” báo cáo năm ngoái.

(Theo báo Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét