Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Trên nóng dưới lạnh: sao không dùng lực lượng 47?


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cô đơn ngay trong tình trạng trên nóng dưới lạnh?

Không hẹn mà gặp, cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lẫn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đều nhận thức ở điểm: bộ máy chỉ đạo thì nóng, bộ máy chuyển động bên dưới thì lạnh.

Ông Nguyễn Xuân Phúc thậm chí đã cho biết, đã đề nghị Tổ tư vấn của Chính phủ hiến kế khắc phục “trên nóng dưới lạnh“. Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, nếu người đứng đầu Chính phủ rất quyết tâm và tâm huyết nhưng bộ máy ở dưới không chuyển động theo, thì khó mà đạt được kết quả.

Nhiệm kỳ của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể dễ dàng rơi vào một trạng thái đóng băng về mặt chính sách, chủ trương như chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ, đó là thay vì giảm chi phí cho doanh nghiệp như tuyên bố của Thủ tướng, một số bộ ngành, địa phương lại đề ra nhiều thứ để thu thêm của doanh nghiệp theo kiểu tận thu.

Thực tế cũng cho thấy, tình trạng hiện nay của Nhà nước Việt Nam (chứ không phải về mặt Đảng) đang gặp phải là tình trạng vô hiệu hóa các chỉ đạo cấp TW ở phía địa phương. Năm 2017, đánh giá là năm "chỉ đạo" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ câu chuyện quán cafe Xin chào cho đến câu chuyện không được bán nước có ga trong hệ thống trường học. Nhưng câu hỏi nổi lên là: bao nhiêu trong đó được các địa phương tuân thủ và thực hiện?

Chính phủ luôn thể hiện mình có những chỉ đạo nổi bật trong điều hành công tác nhà nước, nhưng phía cơ sở lại luôn trạng thái "lờ" đi. Bằng chứng là,từ tháng 2/2017, trong Hội thảo Chuyển giao doanh nghiệp Nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (gọi tắt là SCIC), có tới 234 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao vốn Nhà nước cho SCIC, nhưng từ năm 2013 cho đến nay chỉ có 61 doanh nghiệp thực hiện chuyển vốn. Hay như Chủ tịch tỉnh còn yếu về lực như Bạc Liêu đã nhiều lần lờ đi yêu cầu báo cáo về một sự vụ mang tính khiếu nại doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh này, dù Thủ tướng đã cho ra 3 văn bản ý kiến và đốc thúc chỉ đạo.

Guồng máy chưa đi vào cuộc, bởi tính pháp chế của nó chưa được thực thi đúng mức, khiến toàn bộ chỉ thị, yêu cầu trở thành một sự bất tuân trong chính quyền cơ sở. 

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khắc phục điều đó?

Câu trả lời là: tại sao không dùng lực lượng 47 để đốt nóng đáy lò?

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, tại TPHCM ngày 25/12, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, hiện lực lượng “Lực lượng 47” có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường và có trình độ kỹ năng sử dụng công nghệ cao tốt. 

Thực tế cho thấy, hiện tượng trên bảo dưới không nghe chỉ xảy ra khi mà hệ thống quyền lực hoàn toàn không được kiểm soát một cách chặt chẽ hoặc bản chất của quyền lực là không có hệ thống kiểm soát nào hết. Thành ra dẫn đến câu chuyện mỗi địa phương là một lãnh chúa, với tùy nghi và sự quyết định vô hạn quyền lực của mình. Quyền lực chỉ có thể bẻ gãy bẳng sự nhiệt tình lý luận, những mùi dùi với nguồn động lực là minh bạch thông tin, bẻ gãy các luận điểm dối trá và trơ trẽn của đội ngũ "công bộc" hiện này. Việc tổ chức lực lượng 47 theo một con đường mới là điều đúng đắn cần, phải và nên làm. Ít nhất nó đảm bảo một mục tiêu mà ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra là: kiểm soát được tình trạng nhũng nhiễu trong đội ngũ bộ phận cán bộ cấp dưới.

Do đó, nếu căn cứ chia sẻ của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa thì lực lượng này không khác gì hồng vệ binh của bên Trung Quốc. Lực lượng hồng vệ binh này nếu được tổ chức theo nguyên tắc thực thi hoặc thúc đẩy công lý dựa trên nền luật pháp quốc gia, hay chấn chỉnh tình trạng vô pháp trong nước thì sẽ là một lực lượng hữu ích. Bởi khi đó, nó chuyển đối tượng từ những người bất đồng chính kiến, hay tìm cách ru ngủ người dân trong số liệu và những hoạch định chính sách trên mây bằng những đối tượng sang đối tượng đang cản trở sự phát triển của đất nước là quan tham, và thói quan liêu ở cơ sở. Sự chuyển đổi này bản chất không làm mất đi tính vừa hồng, vừa chuyên, hay lập trường cách mạng, mà ngược lại làm gia cố thêm tính hồng và chuyên trên địa vực thanh lọc những "hủ tục" đang tồn tại ở quan chức cấp dưới đối với đời sống chính trị - kinh tế - xã hội ở địa phương theo một cách tích cực nhất.

Lực lượng 47 có thể tiến hành những hoạt động tương tự như chân dung quyền lực, đó là bạch hóa thông tin và đưa ra quan điểm lên án quyết liệt nhất đối với những cơ sở còn nhũng nhiễu doanh nghiệp, còn hành dân; những vị quan chức đi ngược lại đường hướng của chính phủ kiến tạo. 

Đúng hơn là, lực lượng này thay vì gánh trách nhiệm giai cấp đầy nặng nề và có phần xa rời thực tế xã hội, cái nhiệm vụ mà luôn phải gắn với mục tiêu "đánh đổ phái cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, phải đánh đổ tất cả phái bảo hoàng tư sản", thì lần này - nó sẽ hướng về mục tiêu có phần thực tiễn, góp phần cho sự phát triển Việt Nam hơn là: "Phải đánh đổ tất cả bọn đầu trâu mặt ngựa!" - tức những quan chức thủ cựu, những quan chức xa rời nếp sống công bộc.

Thiết lập một kỷ luật trên dưới, bằng báo chí, bằng lực lượng 47, tăng cường giám sát của người dân là cách hữu hiệu để tạo một hệ thống đồng bộ và có tính răn đe về mặt quyền lực. Vấn đề là Nhà nước Việt Nam có dám tổ chức hay không? 

Trong một trường hợp có phần liên quan đến hện tượng trên nóng dưới lạnh. Trong thời gian qua, toàn bộ mặt đường, vỉa hè ở Tp. Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh đã bị tái chiếm trở lại sau thời kỳ "bàn tán sôi nổi", sau thời điểm "vào cuộc quyết liệt". Nguyên do xuất phát từ  sức ì và lợi ích bên dưới quá lớn. Và chính sức ì này đã khiến ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành một ông Phó Chủ tịch quận 1, cô đơn trong chính bộ máy chính phủ của mình; thậm chí là cô đơn trong chính tinh thần chỉ đạo của mình với bối cảnh xuân quanh là hệ thống chính quyền tỉnh - huyện - xã - phường hoàn toàn không nhúc nhích. Và như thế, chính phủ kiến tạo của ông chỉ là kiến tạo về mặt hình thức, lại làm sâu sắc thêm định kiến của người dân về một nhà nước cộng sản: nói như rồng leo, làm như mèo mửa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét