Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Truyền thông xã hội thay đổi nền dân chủ như thế nào?




Donald Trump có thể không thích hợp để trở thành tổng thống của nước Mỹ, nhưng rõ ràng ông là một bậc thầy về truyền thông xã hội. Những dòng tweet thường gây sốc đã giúp ông trùm bất động sản-hóa-chính trị gia này có hơn 7 triệu người theo dõi trên Twitter. Và hầu hết các thông điệp của ông lại được nhìn thấy bởi hàng triệu người khác vì chúng được đăng lại hàng ngàn lần và bao phủ rộng khắp trên các phương tiện truyền thông chính thống. Do đó, chiến dịch của Trump là bằng chứng về tầm quan trọng của truyền thông xã hội đối với chính trị và tất cả các loại hành động tập thể khác. Điều này đang thay đổi nền dân chủ như thế nào?


Các nhà khoa học chính trị từ lâu đã chỉ ra rằng truyền thông xã hội khiến cho các nhóm chung lợi ích được tổ chức dễ dàng hơn: chúng mang lại tiếng nói và quyền lực cho những người bình thường. Ví dụ, theo một nghiên cứu gần đây của Deen Freelon của Đại học American University ở Washington, DC, chúng đã giúp Black Lives Matter, một phong trào chống lại bạo lực đối với người Mỹ gốc Phi, diễn ra thành công. Nhưng nghiên cứu về một tác động khác chỉ mới bắt đầu: truyền thông xã hội cũng đang khiến cho các hành động chính trị và tập thể trở nên “hỗn loạn” hơn, một cuốn sách mới có tựa đề Political Turbulence [Chính trị hỗn loạn] đã chỉ ra như vậy.

Theo các tác giả, phần lớn trong số họ làm việc tại Viện Internet Oxford, việc huy động người tham gia thường bùng nổ một cách dường như ngẫu nhiên. Ví dụ, hầu hết các kiến nghị trực tuyến chỉ thu hút được một số lượng nhỏ những người ủng hộ. Sự thành công không phụ thuộc vào bản thân vấn đề – những vấn đề tương tự thường tạo ra những kết quả khá khác nhau – mà phụ thuộc vào tính cách của những người tham gia tiềm năng. Ví dụ, những người hướng ngoại có nhiều khả năng sẽ phản hồi hơn vì họ rất nhạy cảm với “thông tin xã hội”: họ thấy rằng những người khác đã ký kiến nghị và biết rằng sự ủng hộ của họ cũng sẽ được nhìn thấy.

Kết quả là, nếu đối tượng tiếp nhận ban đầu của đơn kiến nghị bao gồm đủ những người có lối suy nghĩ phù hợp, thì nó có thể nhanh chóng thành công (tương tự là các hashtags Twitter về chính trị, xem biểu đồ trên). Vì thế, chính trị trong thời đại truyền thông xã hội nên được hiểu tốt hơn thông qua lý thuyết hỗn loạn (chaos theory)[1] hơn là các lý thuyết khoa học xã hội thông thường. Hành động tập thể trực tuyến có đôi chút giống như thời tiết: những sự kiện nhỏ có thể có một tác động lớn. Kết luận hấp dẫn của cuốn sách là: truyền thông xã hội đang làm cho các nền dân chủ trở nên “đa nguyên” hơn, nhưng không phải theo nghĩa thông thường của từ này, mà liên quan đến (sự tham gia của) các nhóm đa dạng nhưng ổn định. Thay vào đó, các tác giả nhìn thấy sự xuất hiện của một sự “đa nguyên hỗn loạn”, trong đó sự huy động quần chúng diễn ra từ dưới lên.

Một ngày nào đó, theo các tác giả, chúng ta sẽ có thể dự đoán được, và có lẽ thậm chí là gây ra được, những đợt sóng truyền thông xã hội như vậy, theo cùng một cách mà các nhà khí tượng có thể dự báo thời tiết. Câu hỏi lớn là: ai sẽ là người dự báo thời tiết chính trị đó? Chỉ có hai nhóm chắc chắn sẽ tiếp cận tốt với dữ liệu truyền thông xã hội và có đủ nguồn lực để phát triển phần mềm để lọc các dữ liệu đó: một là những người khổng lồ trực tuyến, chẳng hạn như Facebook và Google, và nhóm còn lại là các chính phủ. Vì vậy, truyền thông xã hội, cũng như các hình thức khác của công nghệ, sẽ ảnh hưởng đến chính trị theo cả hai mặt: chúng đang làm cho các xã hội dân chủ hơn, nhưng chúng cũng sẽ cung cấp cho những người cầm quyền những công cụ kiểm soát mới.

—————-

[1] Thuyết hỗn loạn nghiên cứu hành vi và điều kiện của các hệ thống động lực (dynamical system) nhạy cảm với điều kiện ban đầu, thường được gọi là hiệu ứng cánh bướm(butterfly effect). Những điều kiện ban đầu khác nhau không nhiều có thể mang lại những kết quả hoàn toàn khác nhau đối với các hệ thống như vậy, khiến cho việc dự đoán kết quả cuối cùng trong dài hạn nói chung là không thể thực hiện.

Về mặt ngữ nghĩa, từ “hỗn loạn” (chaos) trong ngữ cảnh khoa học mang nghĩa khác với thông thường được sử dụng là trạng thái lộn xộn, thiếu trật tự. Từ hỗn loạn trong thuyết hỗn loạn chỉ một hệ thống có vẻ như không có trật tự nào hết nhưng lại tuân theo một quy luật hoặc nguyên tắc nào đó. (theo Wikipedia)

Nguồn: “How are social media changing democracy“, The Economist, 28/03/2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét