Ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đinh La Thăng (Ảnh chụp từ VTV)
Chính quyền Việt Nam hôm 26/12 ra cáo trạng truy tố ông Trịnh
Xuân Thanh và ông Đinh La Thăng trong vụ án “cố ý làm trái quy định” và “tham ô
tài sản.” Theo đó, ông Thanh sẽ đối mặt với án tử hình trong phiên tòa dự kiến
vào tháng 1/2018 và ông Thăng có thể đối mặt với mức án lên đến 20 năm tù.
Truyền thông trong nước hôm 26/12 loan tin, Viện Kiểm sát
Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch
Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), và Trịnh Xuân
Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí
Việt Nam (PVC), cùng với 20 bị can khác.
Báo Pháp Luật trích cáo trạng nói ông Thăng phạm tội “Cố ý
làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy
định tại Khoản 3 Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, ông Thăng có sai phạm trong việc chỉ đạo thực
hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu. Ông Thăng bị cho là
đã chỉ định PVN thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo công ty con PV Power ký hợp đồng
với PVC ‘trái quy định’. Sau đó ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và BQL dự án
căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu đôla và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để
ông Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích.
Truyền thông trong nước trích lời Bộ Công An nói rằng ông
Đinh Mạnh Thắng, em trai của ông Thăng, cũng đã bị bắt, đã chuyển một vali chứa
14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh.
Về phần ông Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhiệt điện
Thái Bình 2, ông Thanh giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, đã chỉ đạo cấp dưới
chi cho PVC hơn 6,6 triệu đôla và hơn 1.312 tỉ đồng, đồng thời gây thiệt hại
cho nhà nước số tiền hơn 119 tỉ đồng.
Vẫn theo cáo trạng, ông Thanh phạm hai tội: “Cố ý làm trái
quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “ Tham ô
tài sản” quy định theo khoản 3 Điều 165 và khoản 4, Điều 278, Bộ luật Hình sự
năm 1999, Báo Pháp Luật cho biết.
Báo chí Việt Nam dẫn lời giới thẩm quyền, nói rằng trong quá
trình điều tra, ông Thanh “khai báo không thành khẩn, quanh co, chối tội”, và
sau khi phạm tội “đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở điều tra” và đó là những
tình tiết cần xem xét “để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc”.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Vào đầu tháng này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố muốn
“khẩn trương” đưa ra xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh, mà ông cho là một vụ án “đặc
biệt.” Đầu năm nay, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố sẽ “bắt bằng
được Trịnh Xuân Thanh để đưa về nước xét xử.” Nhiều chuyên gia cho rằng “bắt
cóc” ông Thanh và đưa ông về Việt Nam nằm trong khuôn khổ chiến dịch chống tham
nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng.
Hãng tin DPA của Đức tường thuật rằng chính phủ Đức và sứ
quán Đức đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo trong vụ xử ông Trịnh
Xuân Thanh, và sẽ đưa ra những quyết định thích hợp cho mối quan hệ song phương
với Việt Nam. Cũng theo hãng thông tấn Đức, Việt Nam “đã biết lập trường của
chính phủ liên bang Đức đối với một bản án tử hình” trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong một email ngày 20/12 vừa qua, Sứ quán Đức khẳng định với
VOA-Việt ngữ: “Chúng tôi có kế hoạch quan sát phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân
Thanh.”
Phiên tòa xử ông Thanh có nhiều khả năng sẽ bắt đầu vào ngày
10/1/2018, theo luật sư người Đức từng làm thủ tục xin tị nạn cho ông Trịnh
Xuân Thanh, bà Petra Schlagenhauf.
Theo chính phủ Đức, ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ
Berlin và đưa về Việt Nam hôm 23/7, ông được coi là một ‘mắt xích quan trọng’
trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiến dịch
gọi là “đốt lò” của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây chấn động sau
khi Ủy viên bộ Chính trị Đinh La Thăng bị bắt hôm 8/12.
Ông Trịnh Xuân Thanh được coi là “thuộc hạ thân tín” của ông
Đinh La Thăng. Cả 2 từng là lãnh đạo ngành dầu khí và bị Hà Nội cáo buộc tội
danh “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét