Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Hà Nội đáng sống: nhà vệ sinh xí xổm và những bức tường đô thị mới



Vào ngày 23/12, UBND TP. Hà Nội phối hợp với báo Kinh tế đô thị tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản - tạo lập không gian sống văn minh ở thủ đô Hà Nội”. Trong phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng Thủ đô vẫn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc dân sinh chưa được giải quyết. Ông Sơn cho rằng Hà Nội chưa thể được gọi là thành phố đáng sống như Đà Nẵng hay TP.HCM.

Hà Nội là một ngôi làng lớn 
Những gì ông Phó chủ tịch nói hoàn toàn là tương xứng với những gì mà Thủ đô Hà Nội đang phải mang trong mình. Một bộ mặt nhếch nhác, thiếu quy hoạch, một bộ mặt chắp vá, và không có tính hệ thống.

Hà Nội của những vỉa hè bị lấn chiếm công khai với sự bừa bộn, của sự thiếu trật tự đô thị

Là một thủ đô, với nguồn ngân sách được ưu tiên hằng năm trong phát triển cơ sở hạ tầng, đáng lý ra Hà Nội phải là một thành phố đáng sống về mặt kinh tế, chính trị lẫn văn hóa xã hội. 

Hà Nội gắn liền với rác

Nhưng cũng giống như Hồ Gươm - nơi không còn rùa; đường Nguyễn Chí Thanh - con đường được xếp hạng đẹp nhất sắp sửa phải xén cả hàng cỏ để mở rộng đường; những chiếc xe đạp lọc nước lắp đặt chưa được bao lâu để bị "vặt" mất bàn đạp, hỏng yên, sơn bị xướt; những khu phố chỉnh trang vỉa hè bằng đá xanh bị lên án là hoang phí; hay những quán ăn mọc ven đường sau dịp chấn chỉnh đô thị,... Tất cả đã tạo nên một Hà Nội chắp vá và hoàn toàn chưa đáng sống.

Những sự cơi nới của chung cư cũ đầy nhếch nhác và hàm chứa nguy hiểm
Người sinh sống và học tập, làm việc tại Hà Nội dường như buộc phải thích nghi với cơ chế "xin-cho", từ góc bệnh viện trung ương cho đến khu vực gửi xe trường đại học,... Phải bám víu bầu không khí với mức bụi -2,5 ở Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa; nạn kẹt xe đến mức kinh hoàng, những dòng sông chết, bốc mùi nồng nặc trên đường Kim Ngưu, Láng,...

Những ngõ nhỏ, phố nhỏ rời rạc
Hà Nội càng có thể nhìn không đáng sống thông qua những nhà vệ sinh ngàn tỷ nhưng cơ sở phương tiện cho ngàn tỷ đó lại mang dáng dấp mô hình nhà vệ sinh thế kỷ XX với xí xổm (thay vì xí bệt).

Và Hà Nội của sự chen chúc, thiếu tầm nhìn quy hoạch
Nếu một ngày nào đó, du khách tìm đến công viên Bách Thảo, sẽ dễ dàng bắt gặp một chỗ tiểu tiện duy nhất là nhà vệ sinh ngàn tỷ được triển khai thời ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo với màu xanh lá cây đậm. Nhà vệ sinh đó đó vòi nước bị hỏng, cửa không đóng lại được, không có hệ thống nước xả, không giấy vệ sinh, bộ phận - thiết bị vệ sinh hoen rỉ,... Và nhà vệ sinh sẽ được tẩy uế vào cuối ngày bằng phương pháp thủ công được thực hiện bởi một công nhân vệ sinh.

Hà Nội vô hình chung giống như cái nhà vệ sinh ngàn tỷ. Được đầu tư rất nhiều, nhưng hiệu quả không được bao nhiêu; ngàn tỷ đầu tư chỉ đem lại cái nhà vệ sinh chắp vá, dễ hư hỏng và mang dáng dấp thế kỷ XX.

Nhà vệ sinh ngàn tỷ đặt ở công viên Bách Thảo với 3 không: không nước, không vòi, không giấy và xí xổm thế kỷ XX

Toàn bộ đồ dùng bị rỉ sét sau 1 thời gian sử dụng, thậm chí lavabol rửa tay không có tiếp thoát nước
Nhiều nhà vệ sinh ngàn tỷ bị bỏ hoang hoặc trở thành nơi dán quảng cáo
Hà Nội là cái nhà vệ sinh không hiện đại, thành ra Hà Nội không đáng sống. Một thủ đô ngàn năm đầy bẩn thỉu lộn xộn, ô nhiễm, chật chội, chen chúc với một tư duy quy hoạch không cởi trói, một thể chế lệch lạc, một tầm nhìn vụn vặt, và một lãnh địa của sự tham nhũng. 

Nhưng Hà Nội vẫn sẽ đáng sống. Vì sao ư? Nếu đặt trong hệ quy chiếu của sự bất bình đẳng, dưới tiêu đề hội thảo ngày 23/12 là: "Phát triển thị trường bất động sản - tạo lập không gian sống văn minh ở thủ đô Hà Nội". Thì Hà Nội sẽ đáng sống nếu tái lập lại không gian sống văn minh, hay đúng hơn là quy hoạch bài bản hơn, với hệ sinh thoát tập trung, thoát ly hoàn toàn khỏi lộn xộn, ô nhiễm, chật chội và chen chúc.

Đó là những khu phức hợp đô thị mang tên Ciputra, rộng hơn 300 hecta và trị giá nhiều tỷ đô la ở vùng Tây bắc Hà Nội. Nơi có sẵn biệt thự, trường học tư nhân, câu lạc bộ và cửa hàng rượu hảo hạng. 

Ciputra (khu đô thị Nam Thăng Long) với hệ sinh thái dành cho giới nhà giàu, tách biệt với sự nhếch nhác, xô bồ phần còn lại của Hà Nội
Tương tự, Ecopark, khu dân cư trị giá 8 tỉ đô la với diện tích 500hecta được xây dựng ở rìa phía đông của Hà Nội dự kiến sẽ đưa vào sử 2020, nơi sang trọng tách biệt với sân gôn 18 lỗ, suối nước nóng, khách sạn và biệt thự 5 sao.

Cả Ciputra và Ecopark trở thành nơi đáng sống cho dân thủ đô, thực sự đáng sống, và nó được coi là lãnh địa của giới quý tộc, được ngăn cách với thế giới "đáng sống" bằng bức tường bê tông dày đặc và các cửa sắt kiên cố - một thiên đường cho những người ngoại quốc và người giàu có ở thủ đô. Bên trong cánh cổng, những con đường rộng được bao bọc bởi hàng cây cọ và những bức tượng khổng lồ của các vị thần Hy Lạp hay thần mã trắng phau.
Khu chung cư rừng cọ Ecopark
Hà Nội, thủ đô - nơi đáng sống và không đáng sống liên quan trực tiếp đến quy hoạch chính sách, tầm nhìn của hàng đời lãnh đạo chính quyền Hà Nội cũng như TW. Nơi biểu hiện tập trung của sự phân ly khoảng cách giàu và nghèo. Nơi mà sự dơ bẩn, nhếch nhác dành cho đại đa số người dân, và đàng hoàng, to đẹp đối với thiểu số tầng lớp trung lưu, đại giàu có trong xã hội.

Hà Nội đáng sống hay không cũng trở thành một câu hỏi tu tư - phản ánh tính bất công trong đời sống đô thị ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét