Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Vì sao cải cách giáo dục tại Việt Nam thất bại

Tại hội thảo góp ý cho Luật Giáo Dục (sửa đổi) do Liên Hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam tổ chức hồi giữa tháng 12, đã nổ ra nhiều sự tranh cãi trái chiều giữa các tham dự viên. Sự tranh cãi này bắt nguồn từ một phê phán cho rằng do thiếu một triết lý giáo dục dẫn dắt nên mọi kế hoạch cải cách trong mấy chục năm qua đã hoàn toàn thất bại.

Sở dĩ câu chuyện triết lý giáo dục lại được đưa ra luận bàn vì ngày càng xuất hiện nhiều bất cập trong ngành giáo dục. Từ vụ cô giáo mầm non đánh trẻ em; vụ điều động 21 nữ giáo viên tiếp khách tại Hồng Lĩnh vì “nhiệm vụ chính trị” cho đến chủ trương chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 Tiến sĩ, đề nghị cải tiến Tiếng Việt của Tiến sĩ Bùi Hiền, đã gây ra những phản cảm của xã hội về ngành giáo dục, vốn đã bị đóng khung trong “tư duy quan lại”. Tức nền giáo dục ngày càng biến thành cái “lò” đào tạo quan chức phục vụ nhu cầu của đảng hơn là nhu cầu của sự phát triển đất nước.

Năm ngoái, khi đề cập về triết lý giáo dục Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng CSVN nói rằng nó dựa trên triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn ông cựu Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luân trong bài phát biểu vào tháng 4, 2014 nói rằng nó dựa trên Nghị quyết 29 dài hơn 7.000 từ của Trung ương ĐCSVN, công bố hồi tháng 4, 2014.

Không ai đồng ý các định nghĩa nói trên của cả ông Đam lẫn ông Luận, vì đó không phải là triết lý giáo dục mà chỉ là hình thức cổ động, tuyên truyền, hay nói cách khác đó chỉ là mục tiêu giáo dục của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hoàn toàn không mang tầm vóc của một tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt cho sự vận hành của một hệ thống giáo dục.

Triết lý giáo dục là một tư tưởng, được cô đọng trong một vài từ ngữ dễ hiểu, để qua đó ai cũng thấu hiểu và thực hiện. Nhờ đó, triết lý giáo dục trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động dạy và học, và rộng hơn là mọi hoạt động liên quan phát triển con người.

Từ thực tiễn ta thấy, rõ ràng Việt Nam ngày nay thực sự không có triết lý giáo dục. Trong khi đó, ở nhiều nước phát triển, triết lý giáo dục của họ rất cụ thể, thâm nhập vào từng con người, từ đó họ đưa ra rất nhiều phương pháp dạy học phong phú. Nhờ vậy mà giáo dục họ tiến rất xa.

Ví dụ như trong vòng 20 năm, nền giáo dục Phần Lan tạo ra một cuộc đại nhảy vọt thúc đẩy kinh tế phát triển, trở thành một trong những hình mẫu tham khảo của thế giới. Triết lý giáo dục Phần Lan là “lòng tin - bình đẳng - hợp tác”. Họ nêu cao phương châm dạy để học chứ không đề cao thi cử. Hay triết lý giáo dục “tự chủ – tự do” tạo ra sự đa dạng về nhân tài, phồn thịnh về thành quả cho nền kinh tế – xã hội Mỹ. Còn ngành giáo dục Nhật Bản có vị thế đứng đầu thế giới như hiện nay vốn được xây dựng trên triết lý “con người và đạo đức”, đề cao tuyệt đối tính kỷ luật và tinh thần tự lập.

Lùi về lịch sử, “nhân bản, dân tộc, khai phóng” được xem là triết lý giáo dục ở miền Nam trước 1975. Trong đó “nhân bản” là yếu tố quan trọng nhất, giáo dục con người hoàn thiện từ trong suy nghĩ, cho đến lời nói và việc làm . Nhờ triết lý đó đã xây dựng được những ngôi trường tiếng tăm như ngôi trường Petrus Trương Vĩnh Ký. Đào tạo nên những thế hệ trí thức của miền Nam yêu nước, có ý thức dân tộc, hiểu biết lịch sử Việt Nam, thế giới và những chuyên môn trong khoa học. Nên khi ra thế giới họ không hề thua kém người Mỹ, người Pháp hay những nước khác.

Rõ ràng là tư duy của người Việt không tệ, mấu chốt nằm ở chính hệ thống giáo dục hiện thời không tốt, không có mục tiêu tường minh nên đã dẫn tới hỗn loạn. Hậu quả là học kiến thức đó để làm gì, học sinh không hề rõ.

Dạy để làm gì, giáo viên cũng không hề chắc chắn. Người ta chỉ biết rằng, người dạy cứ dạy, người học cứ học. Nội dung chương trình được kiểm soát chặt chẽ dưới dạng sách giáo khoa. Thầy hiếm khi dạy ngoài sách, trò cũng chỉ phải học thuộc sách.

Phương pháp dạy là truyền đạt một chiều, nặng tính áp đặt, cả thầy và trò chỉ được chấp nhận một cách diễn giải chính thống. Khác đi là phải trả giá. Dù luôn kêu gào sáng tạo, nhưng thử sáng tạo trong cách học, cách thi, cách diễn giải, sẽ phải nhận hậu quả ngay tức khắc. Đó chính là cách người ta đào tạo con người công cụ nhằm phục vụ một hệ thống chính trị.

Nói một cách khác, nền giáo dục hiện thời không hướng đến việc đào tạo con người tự do và độc lập, nhân bản, sáng tạo, mà chủ ý hình thành một người ngoan ngoãn, tuân thủ. Hậu quả là xã hội Việt Nam đã và đang chứng kiến hàng loạt vụ học sinh thanh toán nhau và tấn công cả giáo viên trong lớp học.

Cảnh tượng người trộm chó bị dân chúng giết chết hay hàng trăm người cướp giật một xe chở hàng bị tai nạn, tệ hơn là cách hành xử thiếu văn hóa nơi công cộng… Những hình ảnh xấu ấy đang băng hoại nhà trường và xã hội.

Bên cạnh đó, những con người được tạo ra từ hệ thống này vì thế không được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng để cạnh tranh trong môi trường quốc tế. Đó là nguyên nhân trực tiếp làm cho nền kinh tế của Việt Nam kém cạnh tranh, rơi vào tụt hậu, năng suất lao động thấp hơn so với các nước trong khu vực đến hàng chục lần.

Nói tóm lại, trước thách thức phải đổi mới, đặc biệt khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang tới, với các cánh tay robot sẽ đảm nhiệm phần lớn công việc, ô tô có thể tự lái, máy tính tự học vân vân… cho thấy là nếu không có một triết lý giáo dục thích ứng với thời đại, đề cao sự sáng tạo tự do, loại bỏ ngay tức khắc việc đào tạo những con người công cụ, chỉ biết rập khuôn trong những điều lạc hậu đã được dạy, thì phần thua của những con người công cụ sẽ là cầm chắc trong tay.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét