Phạm Nguyên Trường dịch
Sức mạnh đang gia tăng không phải là lời giải thích tốt nhất cho những hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây.
“Sự
hung hăng của Trung Quốc” đã trở thành một cụm từ đáng hổ thẹn - nó
thường xuyên được các phương tiện truyền thông, các học giả và các chính
trị gia sử dụng, tuy nhiên, ít có công trình nghiên cứu nào giải thích
rõ ý nghĩa của khái niệm này. Tình huống tương tự cũng xảy ra khi nói về
sức mạnh của Trung Quốc. Mặc dù, nói chung, nhiều người cho rằng “Trung
Quốc đang ngóc đầu dậy”, có quá ít công trình nghiên cứu một cách toàn
diện, nghiêm cẩn và hệ thống về sức mạnh của Trung Quốc.
Một radar quân sự mái vòm do Trung Quốc xây dựng trên đảo đá Subi trong khu vực tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia khu vực như Việt Nam, Maylaysia, Philippines |
Với
tình hình như thế, chúng ta hài lòng với nhận định rằng Trung Quốc
“hung hăng” và “dịch chuyển quyền lực” là lý do của thái độ hung hăng
đó. Trên thực tế, chúng ta không biết hành động nào của Trung Quốc có
thể được gắn nhãn “hung hăng” hay nhãn hiệu này thực sự có nghĩa là gì.
Tương tự như vậy, chúng ta không biết sức mạnh thực sự của Trung Quốc là
như thế nào và chúng ta thậm chí không biết cách đánh giá sức mạnh của
Trung Quốc. Tệ hơn nữa, không có nhiều cuộc thảo luận về những vấn đề
này.
Cuốn
sách gần đây của tôi, nhan đề Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông
(Chinese Assertiveness in the South China Sea) bàn về những vấn đề này.
Tác phẩm này đưa ra định nghĩa khái niệm “sự hung hăng của Trung Quốc”,
xác định những hành động chính trị nào có thể được coi là hung hăng, và
sau đó, phân tích những lời giải thích vì sao Trung Quốc lại thực hiện
những chính sách như thế. Biển Đông được coi là nghiên cứu điển hình vì
đây là khu vực gần như được mọi người đồng thuận rằng Trung Quốc hành
động một cách hung hăng.
Sự hung hăng của Trung Quốc: Việc gì, khi nào và ở đâu?
Hành
động “hung hăng” là khi Trung Quốc (cụ thể trong trường hợp này) tích
cực theo đuổi lợi ích và hành động một cách trâng tráo nhằm đạt được mục
tiêu của mình, ngay cả khi những hành động này đi ngược lại lợi ích của
những nước khác. Hành động hung hăng của Trung Quốc khác hẳn hành động
của các nước khác và không theo các chuẩn mực đã có từ trước. Do đó, khi
nói về sự hung hăng của Trung Quốc là chúng ta nói về cách hành xử mới,
có một không hai của Trung Quốc, tức là cách hành xử khác về chất
và/hoặc lượng với hành xử của các nước khác.
Lực lượng tuần tra sân bay của Trung Quốc tại đảo đá Subi. Ảnh: PLA |
Trong
khi tìm kiếm những hoạt động chính trị đáp ứng các tiêu chí này trong
khu vực Biển Đông, chúng ta nhận thấy rằng những sự kiện trong những năm
2009-2010 - khi cuộc thảo luận về “sự hung hăng” bắt đầu gia tăng –
không đáp ứng các tiêu chí đó. Chỉ từ năm 2011, chúng ta mới có thể thấy
những trường hợp, khi Trung Quốc hành động một cách hung hăng. Tổng
cộng, tác phẩm này tìm được năm ví dụ: sự cố cắt cáp, bãi cạn
Scarborough, cảng Second Thomas Shoal, vụ giàn khoan dầu, bồi đắp và
quân sự hóa các tiền đồn Trung Quốc.
Năm trường hợp này là cơ sở để nghiên cứu về cách thức và lý do vì sao Trung Quốc hành động một cách “hung hăng” ở Biển Đông.
Sức mạnh của Trung Quốc và vai trò của nó
Có
nhiều giải thích khác nhau về việc vì sao Trung Quốc lại hành động một
cách hung hăng; tuy nhiên, cho đến này vẫn không có nghiên cứu nghiêm
ngặt nào. Giải thích, nói rằng sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung
Quốc làm cho nước này hành động hung hăng là lý thuyết có nhiều ảnh
hưởng nhất, và do đó, nó cũng là chủ đề chính của tác phẩm của tôi.
Trước hết, tác phẩm này xây dựng mô hình quyền lực toàn diện và đa
chiều, bao gồm ba cấp độ (quốc tế, quốc gia, trong nước) và tám nguồn
gốc của quyền lực: quân sự, kinh tế, hiệu suất của quốc gia, thể chế
quốc tế, địa chính trị, vị thế trong nền kinh tế quốc tế và sức mạnh
mềm.
Ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc trong một phiên họp của ĐCSTQ |
Trên
cơ sở mô hình quyền lực này, ta thấy rằng, nói chung, quyền lực của
Trung Quốc phát triển mạnh nhất trong lĩnh vực kinh tế và quân sự, cũng
như vị thế trong nền kinh tế quốc tế, tính chính danh ở trong nước và
hiệu suất của quốc gia. Mặt khác, hạn chế chính của quyền lực của Trung
Quốc là địa chính trị và quyền lực mềm.
Trong
năm lần hành động một cách hung hăng, chỉ có một trường hợp, trong đó
sức mạnh mà Trung Quốc mới giành được đã tạo điều kiện cho nước này ra
tay mà thôi. Đấy là vụ giàn khoan dầu, khi Trung Quốc phái giàn khoan
nước sâu tiên tiến nhất và mới nhất, và được bảo vệ bởi lực lượng bán
quân sự mới được hợp nhất và củng cố. Trong tất cả bốn trường hợp hung
hăng còn lại, Trung Quốc có thể đã hành động theo cùng một cách trong
nhiều năm hay thậm chí là hàng thập kỷ trước đó. Hơn nữa, mặc dù sức
mạnh đã được củng cố, trong những năm, khi Trung Quốc hành động một cách
hung hăng, nước này còn lâu mới vượt được Mỹ. Nói cách khác, sức mạnh
của Trung Quốc, trong giai đoạn hung hăng, chưa vượt qua bất cứ ngưỡng
đặc biệt nào.
Hơn
nữa, khi xem xét kỹ lưỡng hơn cuộc thảo luận ở Trung Quốc, cả lãnh đạo
Trung Quốc lẫn dư luận xã hội đều không cho rằng Trung Quốc đã đuổi kịp
và vượt Mỹ. Do đó, không có chuyện “dịch chuyển quyền lực” và nhận thức ở
Trung Quốc tương đối phù hợp với thực tế.
Giải thích khác: Lý thuyết về “Hung hăng theo lối đối phó”
Sau
khi chỉ ra rằng “dịch chuyển quyền lực” chỉ có thể giải thích được một
trong năm trường hợp mà Trung Quốc tỏ ra hung hăng, tác phẩm này bàn hai
giả thuyết khác. Nền chính trị nội bộ thường được sử dụng, theo nhiều
cách khác nhau, nhằm giải thích sự hung hăng của Trung Quốc – đấy có thể
là vai trò của Tập Cận Bình, hay sự mất kiểm soát của lãnh đạo trung
ương, hoặc nỗ lực nhằm làm cho dân chúng sao lãng các vấn đề trong nước,
hay chủ nghĩa dân tộc đang ngóc đầu dậy. Không có ý tưởng nào trong số
đó đưa ra được lời giải thích thuyết phục.
Hành
động hung hăng bắt đầu vào cuối thời Hồ Cẩm Đào, và do đó trước khi Tập
[Cận Bình] nắm được quyền lực. Đồng thời, xét đến tầm quan trọng của
các tranh chấp trên Biển Đông và việc tập trung quyền lực nhanh chóng
vào tay Tập [Cận Bình], không thể tưởng tượng được là lãnh đạo trung
ương mất quyền kiểm soát những sự kiện đang xảy ra trong lĩnh vực này.
Các dấu hiệu hiện có cho thấy dân chúng Trung Quốc rất hài lòng, cả về
đại thể lẫn khi nói tới các sự kiện, ví dụ, tranh chấp lãnh thổ. Hơn
nữa, sự hài lòng của công chúng và các chỉ số nói về hiệu quả của quốc
gia đã được cải thiện vào lúc xảy ra những sự cố này. Chỉ có chủ nghĩa
dân tộc đang ngóc đầu dậy có thể được coi như yếu tố góp phần vào, nhưng
hầu như không phải là yếu tố kích hoạt các sự kiện vừa nói.
Hàng đầu từ trái sang: ông Hồ Cẩm Đào, ông Giang Trạch Dân và Ông Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters |
Mặt
khác, đã tìm được lời giải thích khác, có giá trị đối với bốn trong số
năm hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong mỗi vụ vừa
nói, Trung Quốc đã phản ứng một cách hung hăng với những hiện tượng mà
nước này coi là diễn biến mới. Yếu tố kích hoạt trực tiếp là quyết định
của tòa án ở The Hague, là hành động của Philippines ở bãi cạn
Scarborough (đặc biệt là sự hiện diện của Hải quân Philippines) và Scond
Thomas Shoal (Philippines cố gắng sửa chữa tiền đồn của nước này) và
những chuyến khảo sát hàng hải khác. Hơn nữa, những hành động hung hăng
của Trung Quốc diễn ra sau khi Mỹ bắt đầu “xoay trục sang châu Á”, bị
Trung Quốc coi là vị trí địa chính trị của nước này đang xấu đi.
Do
đó, tôi ủng hộ lý thuyết về “hung hăng theo lối đối phó” của Trung
Quốc, chí ít là khi nói tới những sự kiện ở Biển Đông. Cần nhấn mạnh
rằng lý thuyết này không bàn về việc hành động của Trung Quốc có hợp
pháp hay là không, cũng không bàn đến việc những yêu sách và hành động
khác của họ có phải là khôn ngoan hay là không. Chỉ khẳng định rằng
Trung Quốc - theo quan điểm của nước - đã không hành động hung hăng ngay
khi có đủ sức mạnh để làm như thế, nhưng chỉ sử dụng sức mạnh của mình
khi họ cảm thấy tình huống đòi hỏi (hoặc cho phép) làm như vậy. Tuy
nhiên, sự dịch chuyển quyền lực trong khu vực sẽ diễn ra như thế nào sau
khi Donald Trump trở thành tổng thống – có thể được đánh giá là có ảnh
hưởng tiêu cực đối với sức mạnh của Mỹ - vẫn là bài toán chưa có lời
giải.
Richard Q. Turcsanyi, Ph.D., là nghiên cứu viên tại Viện Quan hệ Quốc tế Praha và Trợ lý giáo sư tại Đại học mang tên Mendel ở Brno. Ông mới cho xuất bản tác phẩm Chinese Assertiveness in the South China Sea. Power Sources, Domestic Politics, and Reactive Foreign Policy
Nguồn: The Diplomat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét