Ông Bill Hayton (đầu tiên, trái) nói ông tự
tin về thông tin mà mình đưa ra khi viết các bài báo về sự kiện khoan dầu khí
trên Biển Đông của Việt Nam vào tuần cuối tháng 7/2017.
Việt Nam đang ở trong thế 'chỉ có một mình' khi đương đầu với
Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Đông, một nhà nghiên cứu Việt Nam và khu
vực Đông Nam Á, đồng thời là phóng viên của BBC nói với Bàn tròn thứ Năm tuần
này.
Trao đổi tại cuộc Tọa đàm hôm 27/7/2017, khi đưa ra thông
tin bình luận có tính tham khảo về tình huống hiện nay của Việt Nam ở trong khu
vực trong lúc có những thông tin khác nhau và quan tâm của dư luận về việc khai
dầu, khí của Việt Nam ở khu vực Lô 136-03, ông Bill Hayton nói:
"Tôi được cho biết rằng luận điểm đã thuyết phục tất cả
mọi người (Bộ Chính trị ĐCSVN) là không thể tin cậy vào Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo
của Donald Trump trong việc giúp Việt Nam trong tình hình này, ngược với chuyện
(nếu Hoa Kỳ) dưới lãnh đạo của bà Hillary Clinton thì có lẽ Việt Nam sẽ nhận được
nhiều hậu thuẫn hơn từ Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam sẽ phải một mình đối diện với
Trung Quốc. Tôi nghĩ đây là lập luận quan trọng nhất," khách mời này nói với
BBC Tiếng Việt.
Sau đây là toàn bộ nội dung ý kiến mà ông Bill Hayton đưa ra
tại Bàn tròn thứ Năm:
BBC: Hãng tin Reuters của Anh tuần này, hôm 25/7, nói rằng
BBC đưa tin Việt Nam đã dừng khoan dầu ở khu vực sau khi có các đe dọa của
Trung Quốc, nhưng không có nguồn tin khẳng định độc lập trong lúc cả giới chức
Việt Nam lẫn hãng Repsol đều chưa đưa ra bình luận nào về tin trên. Với tư cách
là tác giả bài báo, ông có ý kiến gì?
Bill Hayton: Tôi nghĩ mọi người hiện đều đang ở trong tình
huống rất khó. Không ai muốn khẳng định điều này, và điều đó có thể làm người
dân ở Việt Nam bối rối, không hài lòng. Đồng thời, cũng có những thu xếp về
thương mại ở đây. Hãng Repsol đã bỏ ra hàng chục, có thể là hàng trăm triệu
đô-la để khoan tìm khí ở địa điểm đó. Ai sẽ trả cho những khoản chi phí đó?
Bản quyền hình ảnh Getty Images
Repsol có nhiều hoạt động về dầu khí ở ngoài
khơi Việt Nam, bên cạnh dự án ở Lô 136-03, theo ông Bill Hayton-Getty Images
Thông tin của tôi đến từ ngành công nghiệp năng lượng, không
đến từ chính phủ Việt Nam, là tàu khoan đã phát hiện ra một mỏ khí đốt khá quy
mô ở khu vực đó. Vì đã tìm thấy khí đốt, họ không thể đơn giản là dừng việc
khoan lại và rời đi, bởi vì nó có thể bị nổ. Họ phải làm một số công việc kỹ
thuật để dừng, mà theo nghĩa đen là đổ xi-măng vào giếng khoan trước khi có thể
rời đi.
BBC: Khi nói rằng Việt Nam đã dừng khoan dầu sau các đe dọa
của Trung Quốc, ông đã hỏi chính phủ Việt Nam, chính phủ Trung Quốc, hay các
bên liên quan, như hãng Repsol hay chưa?
Bill Hayton: Như đã chỉ ra, cho đến hôm nay, chưa có tuyên bố
từ phía giới chức Việt Nam, họp báo (của Bộ Ngoại giao) chưa được tổ chức ngày
hôm nay, Repsol không phát biểu gì, công ty khoan dầu ở giếng dầu, khí không
phát biểu gì và chỉ có phát biểu ngắn của chính phủ Trung Quốc.
Hệ quả nghiêm trọng?
BBC:Nếu thực sự diễn ra những gì như thông tin ông đưa, mà
theo đó do có các đe dọa của Trung Quốc mà Việt Nam chấm dứt việc khoan dầu,
thì điều này ảnh hưởng thế nào tới vị thế của Việt Nam, tới uy tín của Việt Nam
trong mắt của các đối tác, các nhà thầu, các hàng thăm dò, khai thác dầu khí đã
đang hợp tác với Việt Nam ở khu vực? Có nghiêm trọng không?
Bill Hayton: Tôi nghĩ có hai điểm ở đây. Thứ nhất, việc
khoan hiện nay có vẻ như đã dừng lại. Tuy nhiên, có một điểm nghiêm trọng hơn,
đó là tôi nghe thấy rằng Việt Nam đã hứa sẽ không bao giờ khoan dầu, khí ở vùng
biển này nữa.
Và đó là vấn đề nghiêm trọng hơn vì ở đây gọi là những giếng
khoan thăm dò, nơi mà các công ty chỉ tìm hiểu xem có bao nhiêu khí đốt ở đó. Nhưng
nếu họ (Việt Nam) hứa là sẽ không bao giờ khoan nữa trong tương lai, thì đó sẽ
là vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều.
BBC:Có thông tin nói Trung Quốc không chỉ 'đe dọa', mà thậm
chí đã có 'tấn công' thực sự vào một số cơ sở của Việt Nam ở khu vực khoan dầu,
ông có bình luận gì về thông tin đó?
Bill Hayton: Tôi không nghe thấy gì về chuyện đó. Tôi có
nghe được cùng một thông tin mà quý vị đã nghe, là đã có một biến cố nào đó,
nhưng không phải là một sự cố lớn. Do đó, nếu điều đó xảy ra, tôi nghĩ nó có thể
chỉ có tính chất biểu tượng.
Điều mà tôi nghe được, nhưng trước hết tôi muốn nói là mọi
người, tất cả các quý vị khán giả, thính giả đều hiểu là chúng ta không bao giờ
biết chắc về điều gì đã xảy ra trong nội bộ chính trị Việt Nam. Có rất nhiều
tin đồn, cho nên tôi phải nói trước như vậy, trước khi bàn tới chuyện này. Đó
là tôi có nghe một tin đồn mà có thể là thú vị.
Điều mà tôi nghe được nhưng tôi không có cách nào biết được
có đúng hay không, là khi Bộ Chính trị bàn luận về sự việc, thì 17/19 (?) ủy
viên đã muốn tiếp tục tiến hành khoan tìm dầu, nhưng có hai (ủy viên) thì
không. Hai người đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô
Xuân Lịch.
Tôi không có cách nào biết được việc đó là chân thực hay
không, vì có các viết lách khác nhau từ mọi người. Nhưng tôi nghĩ người ta đã
nhắc đến rằng những người thực sự quyết định việc này là Tổng Bí thư và Bộ trưởng
Quốc phòng.
'Thân cô, thế cô'?
BBC:Có gợi ý cho rằng việc thay đổi về hoạt động khoan thăm
dò dầu, khí ở Biển Đông của Việt Nam vừa rồi, nếu có, là do lý do thời tiết,
bão lớn, mà không phải là vì lý do chính trị nào. Ngoài ra, cũng có ý kiến nói
lô dầu, khí (136-03) được đề cập trong bài báo của tác giả Bill Hayton là không
chuẩn xác, không phải là lô đố. Ông có bình luận gì?
Bill Hayton: Về điểm thứ hai, tôi muốn nói là Repsol có một
số hoạt động ở ngoài khơi Việt Nam. Họ đã mua Talisman-Vietnam, một hãng của
Canada vào năm 2015, do đó họ có các hoạt động ở các lô khác nhau, chẳng hạn có
lô 07-03, ở rất gần, ngay bên cạnh Lô 136-03, là lô mà tôi nói tới. Chắc chắng
Lô 136-03 là lô gây ra vấn đề hiện nay.
Tôi tin chắc rằng đây đúng là giếng khoan và tôi được nghe rằng
chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Repsol đưa ra lý do kỹ thuật để dừng sớm việc
khoan tìm dầu. Họ cần có một lý do nào đó để tuyên bố vì lý do kỹ thuật hoặc do
thời tiết xấu mà người ta đã phải ngừng việc khoan thăm dò ở đây. Nhưng Repsol
đã từ chối.
BBC:Nếu quả thực có việc vì chính quyền Việt Nam yêu cầu dừng,
mà Repsol phải ngừng việc khai thác ở đó, thì chính phủ Việt Nam có phải bồi
thường hay không, bồi thường thế nào? Có thông tin nói Repsol đã đầu tư, chi
phí hàng trăm triệu đô la và có thông tin nói khoản bồi thường đó có thể lên tới
khoảng 1 tỷ đô-la, ông có ý kiến gì?
Bill Hayton: Tôi được nghe rằng giá trị khí đốt ở mỏ khí đốt
có trữ lượng khá lớn, khiến cho Repsol khá vui vì đã giành được quyền khai
thác. Tôi muốn nói là rõ ràng sẽ có những bàn luận về việc bồi thường, Repsol
có các hoạt động khác ở Việt Nam, do đó sẽ có thể có các điều chỉnh, cân bằng về
chi phí của họ. Nhưng chúng ta phải nhìn vào các chi tiết của hợp đồng. (Một tỷ)
là con số khoảng chừng mà tôi đã nghe được về giá trị của khí ở lô đó. Tuy
nhiên, chúng ta phải nhìn vào chi tiết của hợp đồng mới biết được là ai sẽ phải
chịu trách nhiệm cho các chi phí.
BBC:Thông tin ông nói về một 'quyết định' ở cấp Bộ Chính trị
ĐCSVN về việc 'ngừng khoan tìm dầu' trong diễn biến này là điều khá đáng quan
tâm. Nếu thực sự có quyết định đó, thì làm thế nào ý kiến của một thiểu số (hai
phiếu, hay hai ý kiến) lại có thể chống lại được quyết định của đa số trong Bộ
Chính trị được?
Bill Hayton: Tôi được cho biết rằng luận điểm đã thuyết phục
tất cả mọi người là không thể tin cậy vào Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald
Trump trong việc giúp Việt Nam trong tình hình này, ngược với chuyện (nếu Hoa Kỳ)
dưới lãnh đạo của bà Hillary Clinton thì có lẽ Việt Nam sẽ nhận được nhiều hậu
thuẫn hơn từ Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam sẽ phải một mình đối diện với Trung Quốc.
Tôi nghĩ đây là lập luận quan trọng nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét