Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Những "Tấm Cám" thời cộng sản


Gia đình trong tâm thức và cuộc sống người Việt

Trong tất cả tình cảm con người Việt Nam, nặng nhất vẫn là tình cảm gia đình rồi đến quê hương xứ sở. Sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong gia đình người Việt là một nét văn hóa riêng có của đất nước, dân tộc này.

Có lẽ, trong kho tàng ngôn ngữ dân gian Việt Nam đúc kết tự ngàn đời, vẫn dành những câu, những từ đẹp nhất để ca ngợi tình cảm gia đình. Truyền thống đó được đúc kết tự ngàn năm, qua ngàn đời người dân Việt đã cùng chung sống dưới một mái nhà, no đói có nhau và gom góp xây dựng cuộc sống.

Tình cảm gia đình được hun đúc bởi huyết tộc, máu mủ ruột rà sâu tình nặng nghĩa. Đó là tình cảm trước hết là với người mẹ, với người cha, vợ với chồng... Tất cả được phản ánh trong kho tàng ca dao với muôn hình màu sắc, dáng vẻ. Tất cả đều nói lên sự gắn bó keo sơn, tình thương yêu vô bớ bến đối với những thành viên trong gia đình.

Cũng trong kho tàng ca dao đó, không thiếu những câu ca sâu tình, nặng nghĩa, đậm đà sự keo sơn gắn bó giữa anh chị em, những anh em ruột thịt.

Trong gia đình nông dân xưa cho đến gần sau này, khi cuộc sống đang hết sức khó khăn và gian nạn, có lẽ mâu thuẫn có thể xảy ra đa số cũng chỉ có giữa nàng dâu với mẹ chồng, giữa chị em dâu, anh em rể... Ít khi có những mâu thuẫn được nói đến nhiều, thành điển hình giữa chị em gái, anh em trai hoặc anh em trong nhà.

Tìm trong kho ca dao cũ không thiếu những câu ca sâu lặng, nặng lòng người như miêu tả, như nhắc nhở tất cả chúng ta rằng, tình cảm gia đình, anh chị em ruột rà máu mủ của mình còn đó, là thân thiết nhất, là gần gũi nhất, đáng được trân trọng nhất. Nào là:

Anh em ăn ở thuận hoà
Chớ điều chếch lệch người ta chê cười.

Rồi thì:
Anh em như chân với tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

Hay là:
Anh em như bát nước đầy
Gà chung một mẹ chớ hoài đá nhau. 


Rồi trong tình cảm anh em ruột rà máu mủ, tình cảm thâm sâu nhất, đẹp đẽ nhất lại là tình cảm chị em gái. Thậm chí, dù có thể có những tình cảm chưa đẹp giữa con người với nhau, nhưng tình cảm chị em gái thì khác. Điều này được tục ngữ, ca dao đúc kết trong một câu ví khá táo bạo nhưng hàm ý sâu xa:

"Chị em dâu như bầu nước đái
Chị em gái như trái cau non".


Có lẽ đó là một sự đúc kết có phần quá trong mối quan hệ gia đình nông dân. Thế nhưng, điều đáng nói là câu ví dùng để ca ngợi tình cảm sâu sắc, tế nhị và lắng đọng giữa các chị em gái với nhau trong gia đình. Bởi dù cho "chị em dâu" không có tình cảm tốt với nhau đi nữa, thì chị em gái vẫn "như trái cau non".

Cũng như, trong tục ngữ ca dao, cha ông có những lời  trách dặn nhẹ nhàng về quan hệ chị em:

Tưởng rằng chị ngã em nâng
Ai ngờ chị ngã em bưng miệng cười


Chính vì những mối quan hệ gia đình đầm ấm, sâu nặng đó, mà từ xưa đến nay, dù đi đâu, về đâu, dù ở phương trời nào, người Việt Nam vẫn canh cánh bên lòng nỗi niềm nhớ quê hương da diết mà sâu nặng. Cho dù quê hương có nghèo đói, có đau khổ, có nhiều gian nan, thì vẫn luôn ở trong tim mỗi người Việt Nam.

Tôi đã gặp những người xa quê hương đến hơn nửa thế kỷ, ngày nay không còn có họ hàng, gia đình ở Việt Nam. Thế nhưng khi gặp nhau, tôi đọc được trong họ những nỗi niềm đau đáu nhớ thương về quê hương đất Việt.

Và trước hết để có tình cảm quê hương, thì tình cảm gia đình là một giá trị bất biến và không bao giờ mất đi.

Những "trái cau non" thời Cộng sản

Ngày hôm kia, 25/7/2017, cái gọi là Tòa án Nhân dân Tỉnh Hà Nam đã thực hiện một vở diễn tồi mang tên Xử án công khai.

Nạn nhân là Trần Thị Nga, một người đàn bà một nách hai con nhỏ với cái chân tập tễnh què quặt bởi tai nạn khi được đảng và nhà nước cho đi bán sức lao động, làm nô lệ ở nước ngoài. Rồi sau đó, cô lại tiếp tục bị què lần hai bới đám "giả danh côn đồ" đánh lén một cách hèn hạ.

Cái tội của cô là đã dám nói lên tiếng nói của mình, của những người oan khuất bé miệng. Tội của cô ta là đã ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, đã lo việc của cả 90 triệu thằng dân, đó là chống Trung Cộng xâm lược. Tội của cô là đã không để cho đảng thoải mái tung hoành, cô dám chống lại tham nhũng, bán nước và ngoại xâm.

Thế là hệ thống nhà nước bách chiến bách thắng, hùng hậu và oai vệ công khai đưa cô ta ra xử kín rồi bất chấp lý lẽ, luật lệ để kết án vì tội "lật đổ chế độ" với mức án khủng khiếp 9 năm tù giam.

Điều này đã đặt ra cho nhiều người ít quan tâm các vấn đề xã hội một câu hỏi: Oai hùng thay, vĩ đại thay, mạnh mẽ thay và vinh quang thay chế độ ta bách chiến bách thắng thế mà lại đi sợ một ả đàn bà vậy sao?

Cả thế giới phẫn nộ, những người có lương tri căm giận hành động táng tận lương tâm và hèn hạ này.

Nhưng, để biện minh cho hành động của mình, nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng hệ thống báo chí kết tội một cách thiếu lương thiện đối với nạn nhân. Bầy dư luận viên và các an ninh giấu mặt được thể thi nhau núp trong bụi sủa ra ông ổng.

Điều đó thì không lạ. Cái thói vừa ăn cướp vừa la làng của Cộng sản xưa nay đến giờ đâu có gì khó hiểu.

Thế nhưng.

Tôi thật sự ngỡ ngàng khi đọc những lời của một người tự xưng là chị ruột của Trần Thị Nga. Chị ta tên là Trần Thị Thu Hằng, tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi nghe nói rằng hiện lấy chồng đang ở Pháp.

Tôi rùng mình khi đọc những câu sau: "Tôi yêu cầu ngài hãy ngay lập tức rút lại lời kêu gọi Việt Nam thả Trần Thị Nga (em gái ruột của tôi) cùng những tên tội phạm khác! Em gái tôi nó vi phạm pháp luật Việt Nam và nó có tội với đồng bào Việt Nam thì nó phải trả giá cho tội lỗi của nó". "Đề nghị ngài đại sứ Ted Osius hãy ngay lập tức rút lại lời đề nghị thả tự do cho em gái tôi".

Quả là khủng khiếp. Có lẽ, trên đời này chuyện ăn thịt đồng loại thì đã hiếm, nhưng chuyện chị em gái ăn thịt nhau thì có lẽ còn hiếm hơn ngàn lần.

Tôi cứ nghĩ mông lung rằng: Thôi thì cứ cho rằng theo suy nghĩ của cô chị này, Trần Thị Nga đã sai. Thế nhưng cha ông ta đã dặn "Chị em gái như trái cau non" tình nghĩa máu mủ ruột rà, người đã đạp đầu nhau ra, bú chung một núm vú và cùng được ông bố nông dân kia quạt chung một mảnh quạt mo lại nỡ lòng giết em mình tàn bạo đến thế ư?

Ngay cả trong bộ luật hình sự, người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự cơ mà. Em ruột cô ta lăn lóc khốn nạn trong nhà tù cộng sản 9 năm trời, vậy thì cô ta sẽ sung sướng yên ấm được sao?

Quả là một sự khốn nạn, khốn nạn đến tận cùng.

Điều không thể hiểu được với nhiều người, nhưng nó đã xảy ra.

Quả là sự thật quá khủng khiếp, nhưng trong xã hội thì điều gì cũng có thể xảy ra, nhất là ở cái Thiên đường XHCN này.

Viết những dòng này, không nhằm để trách móc hay oán giận một bà chị đòi thiên hạ không được kêu gọi thả em mình ra khỏi tù tội, hàm hùm miệng sói.

Tôi cũng không viết những dòng này để mong cô ta, một người chị của nạn nhân cố mà tìm hiểu về mình, về nhà nước, về đảng... những cái mà cô ta đang nhầm lẫn để đến mức bán đứt cả tình máu mủ, ăn thịt cả em gái mình mà bợ đỡ. Bởi chắc chắn một điều, dưới con mắt của đảng, một ngày nào đó, thì cô ta chỉ được đảng thưởng cho những từ đẹp đẽ như "me tây", "thế lực thù địch" hoặc "bọn cao bồi đĩ điếm theo chân đế quốc" như xưa nay đảng vẫn dùng cho lớp người ấy. 

Tôi viết những dòng này, chỉ để nhằm "giải mã" một hiện tượng lạ, một hiện tượng đi ngược với thuần phong mỹ tục, với truyền thống ngàn đời của người dân Việt xưa nay.

Điều khốn nạn hơn, là sự kinh hoàng này lại được ngang nhiên đem ra giữa thanh thiên bạch nhật.
Và vô phúc thay cho dân tộc này là có hàng đàn, hàng lũ lớp trẻ nhảy vào tung hô.

Quả là việc xã hội sẽ sản sinh hàng loạt Lê Văn Luyện là điều không khó.

Giải mã hiện tượng Tấm Cám thời hiện đại

Tôi lớn lên trong một giai đoạn bi thương của dân tộc. Khi còn tấm bé trong gia đình, tôi được nuôi dạy với điều cao cả nhất là yêu thương gia đình, kính trọng bố mẹ ông bà và thương yêu các em rồi đến làng xóm, đồng đạo, quê hương, đất nước.

Thế rồi lớn lên tôi đến trường học để "được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam" - Hồ Chí Minh, Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường 1945.

Thuở xa xưa, khi tôi bắt đầu đến trường, hàng ngày trước khi vào lớp, chúng tôi đứng dõng dạc hô đủ 5 điều bác hồ dạy. Trong đó về tình yêu chỉ có yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, tuyệt đối không có yêu kính ông bà, cha mẹ anh chị em mình.

Rồi tôi đã được học câu chuyện Tấm Cám.

Khi đó, mình chỉ chăm chú học, đọc và nhớ câu chuyện mà chưa hiểu hết ý nghĩ sâu xa của nó. Mình không thể hiểu vì sao câu chuyện có kết thúc hết sức bi đát kia lại được đưa vào sách giáo khoa nguyên vẹn để dạy cho con trẻ. Tại sao một cô Tấm được khen là dịu hiền, mẫu mực từ trong sách vở lên đến sân khấu và đi vào trong giấc mơ con trẻ lại có hành động giết em ruột cùng cha khác mẹ của mình một cách tàn bạo bằng thủ đoạn dối trá chỉ vì mâu thuẫn dì ghẻ con chồng? Tại sao không chỉ có giết, cô Tấm hiền dịu kia lại còn làm một việc kinh hoàng hơn là lấy Cám đem làm mắm gửi cho dì ghẻ ăn.

Quả là chỉ cho đến sau này, khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu: Nguyên nhân việc đưa những câu chuyện rùng rợn như Tấm Cám đó vào giáo dục cho học sinh, chỉ vì nó đậm tính chất "Đấu tranh giai cấp" của Chủ nghĩa Mác - Lenin. Khi đã mâu thuẫn giai cấp, thì tình nghĩa, mảu mủ ruột rà không có ý nghĩa.

Và thực tế đã chứng minh rằng cái gọi là một nền giáo dục "hoàn toàn Việt Nam" đó đã phát huy tác dụng.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi bắt đầu "nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam" cả đất nước đã xóa bỏ bằng hết mọi giá trị văn hóa, đạo đức, tinh thần trong cuộc Cải cách ruộng đất.

Rồi một thời gian dài, món Chủ nghĩa Mác - Lenin lấy bạo lực cách mạng làm đầu đã phát huy tác dụng ngay trong từng gia đình, ngõ xóm và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội.

Rồi cái gọi là "Cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa" nhằm tiêu diệt hết mọi thứ tôn giáo, tín ngưỡng và niềm tin, đạo đức con người... dai dẳng mấy chục năm qua đã phát huy cho kỷ cương đạo đức xã hội suy đồi.

Xã hội ngày nay, đang được lãnh đạo bởi tầng lớp được hưởng nền giáo dục "hoàn toàn Việt Nam". Một xã hội đầy rẫy tham ô, nhũng lạm, ăn cắp, ăn cướp và phá hoại cũng như bán nước. Đó cũng là một xã hội mà lớn trẻ học rất giỏi nghề của cô Tấm là giết người phân thây, là thảm sát...

Và hôm nay, hiện tượng Tấm Cám thời đại mới tồn tại và phát triển là điều không có gì đáng ngạc nhiên.


Hà Nội, Ngày 27/7/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét