Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Nhà thờ Đức Bà Paris - "báu vật" kêu cứu


Nhà thờ Đức Bà Paris, Notre-Dame de Paris, ngày 08/02/2013.REUTERS/Charles Platiau//File Photo

Nhắc tới nước Pháp và kinh đô Paris, không mấy ai không biết đến Nhà thờ Đức Bà Notre-Dame de Paris theo phong cách gothique, một di sản thế giới được UNESCO xếp hạng. Nhà thờ Đức Bà Notre-Dame de Paris cũng đã đi vào lịch sử với nhân vật nàng Esmeralda và thằng gù Quasimodo trong tác phẩm văn học kinh điển Notre-Dame de Paris của đại văn hào Victor Hugo.

Notre-Dame de Paris là một trong những công trình kiến trúc - lịch sử mang tính biểu tượng của Kinh Đô Ánh Sáng và cũng là công trình lịch sử được thăm quan nhiều nhất châu Âu. Mỗi năm, có 12-14 triệu du khách tới thăm quan công trình từng được coi là « báu vật » trong 3 thế kỷ XII - XIV. Nhưng sau 850 năm chống chọi với thời gian, mưa nắng và ô nhiễm môi trường, Nhà thờ Đức Bà Paris đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tín hiệu S.O.S từ Đức Bà Paris

Nhiều du khách từng tới thăm Nhà Thờ Đức Bà Paris hay chiêm ngưỡng công trình qua những bức ảnh rất ấn tượng trước tượng những con thú nằm ngang, nhô ra ngoài mái nhà thờ. Các bức tượng thú này có ý nghĩa tượng trưng xua đuổi ma quỷ và răn đe, nhắc nhở con người về địa ngục. Nhưng thực chất, đó là các máng dẫn nước mưa. Miệng con thú chính là miệng ống máng qua đó nước mưa chảy xuống đất. Đầu con thú khá dài, để nước chảy được đủ xa, giúp công trình khô ráo, chắc chắn.

Thế nhưng, nhiều máng nước hình thú đã nứt vỡ, thậm chí rơi xuống từ mái nhà thờ. Trong một phóng sự, ông André Finot, phụ trách truyền thông của Nhà Thờ Đức Bà Paris, chỉ cho chúng ta thấy : « Như quý vị có thể thấy ở chỗ này, chúng tôi có hai máng nước. Cái thứ nhất đã rơi mất đầu vào một ngày đẹp trời mùa hè. Đầu máng nước ngay bên cạnh cũng đã rơi mất hẳn rồi, và sau đó đã được thay bằng… một ống nhựa PVC. »

Vào giữa thế kỷ XIX, nhà thờ Đức Bà Paris đã được tu bổ trong suốt 20 năm, từ năm 1844 tới năm 1864 dưới sự chỉ đạo của hai kiến trúc sư Viollet-Leduc và Lassus. Năm 1967, các cửa kính ghép màu ở gian chính nhà thờ đã được thay mới. Trong những năm 1990, mặt ngoài nhà thờ cũng đã được sửa sang, một phần mặt tiền đã được cọ rửa cho sáng màu. Năm 2003, các quả chuông của nhà thờ cũng được thay mới. Thế nhưng, phần còn lại của Notre-Dame de Paris đều đã quá cũ kỹ và tình trạng ngày càng trầm trọng.

Nhiều bức tường đá bị mủn, vỡ. Nhiều bức tượng sứt mẻ, biến dạng. Hàng lan can bằng đá đã biến mất và phải thay bằng chấn song bao lơn bằng gỗ, nhiều kết cấu bằng đá khác cũng bung ra. Một số cửa ghép kính màu bị vỡ. Nghiêm trọng nhất là các vòm chống có nguy cơ đổ sụp. Một phần nóc cũng đang sập dần…


Chóp nhọn hình mũi tên trên nóc nhà thờ Đức Bà Paris. RFI

Chóp nhọn hình mũi tên trên mái Nhà Thờ Đức Bà cũng cần được thay mới và dự trù tốn tới 10 triệu euro. Chóp nhọn hình mũi tên hiện nay vươn cao 93m, được dựng trong giai đoạn cải tạo hồi giữa thế kỷ XIX (1844-1864), được làm bằng gỗ sồi bọc chì, nặng 750 tấn (500 tấn gỗ sồi và 250 tấn chì), bao quanh là bốn dãy tượng các tông đồ tạc bằng đồng. Bà Marie-Hélène Didier, chuyên gia bảo tồn di sản, cho biết phần vỏ ngoài của chóp nhọn mũi tên đang bị bào mòn, axit trong nước mưa có thể làm hỏng phần khung bên trong.

Tòa tổng giám mục Paris thông báo trên website là đã tới giai đoạn mà nhà thờ sắp đến lúc không thể trụ được nữa vì kết cấu của công trình không còn ổn định, nhiều tác phẩm điêu khắc trang trí nhà thờ cũng hỏng nát và sắp biến mất vĩnh viễn.

Mỗi năm Nhà Thờ Đức Bà được nhà nước Pháp cấp 2 triệu euro cho công tác bảo trì, nhưng dự án trùng tu tới đây, hoặc kéo dài 20 năm và tốn 100 triệu euro, hoặc kéo dài đến 30 năm và tốn tới 150 triệu euro. Đại diện ban quản lý nhà thờ cho biết số tiền các nhà hảo tâm đóng góp hàng năm là 5 triệu đô la.

Theo lời ông André Finot, phụ trách truyền thông của Nhà Thờ Đức Bà Paris,mặc dù « tình hình hiện tại đã rất nguy cấp », nhưng ban quản lý Nhà Thờ Đức Bà vẫn kiên quyết không thu tiền vé vào cửa của du khách. Cha Patrick Chauvet, quản lý Nhà Thờ Đức Bà, giải thích : « Tôi đặc biệt không muốn các con chiên hay người nước ngoài, khách du lịch, những người không thường lui tới và người không theo đạo Thiên Chúa phải trả tiền vé vào thăm nơi này. Chính vì thế, phải tìm nguồn tài chính từ nơi khác ».

Lòng hảo tâm của người Mỹ

« Nơi khác » mà cha Patrick Chauvet vừa nhắc tới ở trên chính là nước Mỹ, bên kia bờ Đại Tây Dương. « Chúng tôi có rất nhiều du khách tới từ Mỹ. Họ hỏi chúng tôi liệu họ có thể đóng góp tiền để tu bổ nhà thờ không. Để đáp ứng nguyện vọng của họ, chúng tôi đã thành lập một quỹ tại Mỹ ».

Quả thật, Nhà Thờ Đức Bà Paris thu hút rất nhiều du khách Mỹ. Một khách thăm quan người Mỹ đang chiêm ngưỡng Nhà Thờ Đức Bà từ bên ngoài chia sẻ : « Đây là một trong những biểu tượng lớn nhất của nước Pháp. Chúng tôi đã muốn đến thăm Nhà Thờ Đức Bà Paris từ lâu lắm rồi. »

Nhiều ngôi sao giải trí lớn của Hoa Kỳ, chẳng hạn như diva nhạc pop Beyoncé và chồng là ca sĩ Jay Z, khi có dịp tới Paris đều không bỏ lỡ cơ hội tới thăm Nhà Thờ Đức Bà Paris. Ngày 13/07/2017, tổng thống Mỹ và đệ nhất phu nhân Melania Trump đã có chuyến thăm chính thức nước Pháp theo lời mời của tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tham dự lễ diễu binh của binh lính Pháp và Mỹ trên đại lộ Champs-Elysées nhân dịp Quốc Khánh Pháp 14/07 và kỷ niệm 100 năm Mỹ tham gia Thế Chiến Đệ Nhất. Ngay buổi chiều 13/07, đệ phất phu nhân Pháp Brigitte Macron và đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump đã tới thăm Nhà Thờ Đức Bà Paris.


                                              Nhà thờ Đức Bà Notre-Dame de Paris. RFI

Quỹ Friends of Notre-Dame de Paris (Những Người Bạn Của Nhà Thờ Đức Bà Paris) hướng tới nhóm người Mỹ « có truyền thống quyên góp và rất yêu thích Nhà Thờ Đức Bà Paris ». Qua các bộ phim và nhạc kịch về Nhà Thờ, người dân Mỹ rất yêu thích thằng gù Quasimodo và các nhân vật khác trong tiểu thuyết Nhà Thờ Đức Bà Paris của đại thi hào Victor Hugo. Chính nhờ thế, việc quyên góp tiền tu bổ nhà thờ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Chiến dịch quyên góp tiền ở Mỹ để cứu Notre-Dame de Paris sẽ chính thức được bắt đầu vào năm 2018. Mục tiêu của quỹ Những Người Bạn Của Nhà Thờ Đức Bà Paris là cùng với quỹ Avenir du Patrimoine de Paris (Tương Lai Di sản Paris) ngay tại nước Pháp quyên được 100 triệu euro.

Quỹ Tương Lai Di Sản Paris muốn người Pháp ý thức được rằng họ đang sở hữu một di sản hiếm có và nhấn mạnh rằng mặc dù ban đầu, nhà thờ được xây cho các tín đồ Thiên Chúa nhưng giờ đây, Notre-Dame de Paris mở cửa đón chào tất cả mọi người. Nhiều người chia sẻ : « Tôi không theo đạo, nhưng tôi yêu thích nơi này ». Hồi đầu tháng 05/2017, phủ tổng thống Pháp cũng cam kết là Quỹ Tương Lai Di Sản Paris cứ quyên góp được một euro thì nhà nước sẽ hỗ trợ thêm cho Nhà Thờ Đức Bà Paris một euro, nhưng số tiền hỗ trợ thêm tối đa cũng sẽ chỉ là 4 triệu euro/năm.

Vì thế, muốn cứu Nhà Thờ Đức Bà Paris, công trình kiến trúc - lịch sử vốn được coi là một trong những biểu tượng lớn nhất của nước Pháp, giờ không còn con đường nào khác là kêu gọi sự đóng góp của tư nhân, đặc biệt là lòng hảo tâm của người Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét