Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Nợ và Biển Đông


Thiên Điểu




Vỡ đập!


Đúng như dự đoán mà giới quan sát quốc tế và các chuyên gia kinh tế trong nước đã từng cảnh báo. Việt Nam đang thật sự bắt đầu bước vào những bước đi chông gai nhất của đoạn đường mà đích đến là sự bế tắc. Áp lực trả nợ giai đoạn 2017-2022 mới chỉ đi được qua khoản nợ “khiêm tốn” nhất là 7,5 tỷ USD năm 2017 sau một năm loay hoay tìm cách bán trái phiếu chính phủ không thành, buộc phải bán đi một loạt tài sản và “xử lý” ngân hàng - cỗ máy đẻ ra tiền để trả. Năm 2018 sắp đến kèm theo khoản nợ công đến hạn hơn 12 tỷ USD tiếp tục rơi vào túng quẫn sau động thái “người anh em tốt” là Trung Quốc thẳng tay gạch bỏ kế hoạch khai thác dầu ở Biển Đông mà chính quyền Việt Nam vội vã thực hiện với kỳ vọng đổi lại một nguồn ngoại tệ đáng kể.

Áp lực nợ công năm 2018 nặng nề hơn không phải chỉ do con số nợ phải trả lớn hơn năm 2017 mà tử huyệt chính là không có giải pháp nào hữu hiệu. Phương thức quan hệ đu dây về chính trị và tình trạng không đáp ứng được các tiêu chí về nhân quyền khiến các cam kết thương mại lẫn các khoản hỗ trợ từ các nước lớn như Nhật, Mỹ, EU.. ngày càng trôi xa ra ngoài tầm tay. Chính sách phát triển kinh tế chưa thể hiện được yếu tố thuyết phục, không đảm bảo yếu tố bền vững trong khi cấu trúc kinh tế ngành bị phá vỡ nghiêm trong sau thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa cho phép chính phủ mới tìm được một kế hoạch bài bản đã khiến nguồn vốn đầu tư nước ngoài lẫn ngoại hối sụt giảm mạnh. Tất cả đang đẩy Chính phủ đương nhiệm vào tình thế lọt giữa “thập diện mai phục” là một sự thật không hề dễ chịu.

Một số ý kiến cho rằng: Trong tình thế áp nực nợ công và viễn cảnh kinh tế Việt Nam, chính quyền khó lòng giữ và bưng bít được tình trạng vỡ nợ trong tương lai gần. Kéo theo hiệu ứng dẫn tới bất ổn về chính trị, xã hội trước đòi hỏi mang tính bắt buộc từ người dân. Một số ý kiến khác thì quan tâm và đặt vấn đề tranh chấp Biển Đông là yếu tố nguy hiểm nhất cho thể chế chính trị Việt Nam. Nhưng tựu trung, đến thời điểm hiện tại thì chỉ cần một trong hai đã cho thấy cơ hội vượt qua là gần như không thể ngoại trừ một cuộc thay đổi mang tính xương máu thật sự cho cả hai vấn đề trọng yếu này.

Áp lực trả nợ liên quan nguy cơ vỡ nợ công, về phía chính quyền vẫn còn một vài giải pháp có thể chấp nhận. Trong đó giải pháp khả thi nhất là thay đổi chính sách về đất đai. Đa dạng hóa quyền sở hữu về đất đai, từ bỏ một phần quyền “nhà nước sở hữu toàn diện” để công nhận người dân có một phần quyền sở hữu thật sự sẽ thu về một khoản tiền ít nhất là đủ cho khoản nợ 2018 và 2019. Cho phép Chính phủ có thời gian tối thiểu 2 năm để vãn hồi kinh tế ngành với một quyết sách hữu hiệu.

Đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông. Việc Trung Quốc thẳng thừng đe dọa dùng vũ lực nếu tiếp tục kế hoạch khai thác dầu của liên doanh Tây Ban Nha vừa qua không còn là thông điệp vì lợi ích kinh tế mà nó chỉ rõ việc giải quyết tranh chấp Biển Đông phải do các nước lớn chứ không nằm trong tầm tay của chính quyền Việt Nam. Nói rõ hơn là Việt Nam phải chấm dứt phương thức quan hệ đu dây, lựa chọn rất khoát đáp án nghiêng về bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc.  

Ý đồ “đa phương hóa” khi có tính tới yếu tố Nga, Ấn, Nhật.. thật sự không đủ cơ sở hữu hiệu trong bối cảnh Nga đang phải loay hoay đi nốt kịch bản chiến trường Sirya để giữ vững thế chiến lược trong khu vực Trung Đông, Mỹ la tinh.. và một phần nhằm ổn định việc mục tiêu khẳng định chủ quyền ở một phần Ucraina.

Về phía Ấn Độ, những căng thẳng gia tăng ngày càng gay gắt với Trung Quốc cả trên bộ lẫn trên biển không thua kém gì Biển Đông về khả năng xung đột vũ lực cho thấy Việt-Ấn có chung lợi ích và mối quan tâm đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, chính Ấn Độ cũng sẽ phải tính toán và ưu tiên cho một liên minh từ đối tác mạnh hơn chứ không phải là Việt Nam. Còn lại Nhật Bản thì tương tự như Ấn Độ nhưng quyết định cuối cùng lại phụ thuộc thông điệp từ quan hệ Việt-Mỹ. Không có lựa chọn thứ ba nào khác để dựa vào đó nhằm cân bằng hay tháo gỡ Biển Đông một cách có lợi như mong muốn của chính quyền Hà Nội từ trước tới nay. Triết lý “hòa bình trước nòng súng” là lối thoát duy nhất. Mượn sức mạnh Mỹ để giữ lại chủ quyền hoặc khuất phục trước sức mạnh  Trung Quốc để lệ thuộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét